Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

Bài Thứ 10: IV. Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp - V. Vô Vi Pháp

BÀI THỨ MƯỜI

TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH PHÁP

(CÓ 24 MÓN) 

       Tâm bất tương-ưng hành pháp, gọi tắt là “Bất tương-ưng hành”.  Chữ “Hành-pháp” là những pháp thuộc về “Hành-uẩn”.  Hành-uẩn là một trong năm uẩn. 

       Chữ “Hành” là sanh-diệt dời-đổi; chữ “Uẩn” là chứa nhóm.  Hành-uẩn có hai loại: 

1.        Tương-ưng hành-uẩn, tức là các tâm-sở (51 món).  Chữ “Tương-ưng” là ưng-thuận với Tâm-vương. 

2.        Bất tương-ưng hành-uẩn, tức là 24 món “bất tưong-ưng hành” sau đây; 24 món này không tương-ưng với tâm, chúng chỉ y ba phần: Tâm-vương, tâm-sở và sắc-pháp mà giả thành-lập.  (Tam, phần-vị sai-biệt cố). 

1.      ÐẮC. 

       Ðược, trái với mất.  Thí như “Tôi được đồng xu”, cố-nhiên phải có đồng xu là “sắc pháp”, và nhãn-thức để thấy, ý-thức phân-biệt là tâm-pháp, cùng với các tâm-sở chung khởi là tâm-sở-pháp; phải đủ cả ba phần như thế, mới thành nghĩa “được”. 

2.      MẠNG-CĂN. 

       Thân mạng.  Do nghiệp đời trước kéo dẫn, làm cho thần-thức thọ thân, sống trong một thời-gian hoặc lâu hay mau, gọi là “mạng-căn”. 

3.      CHÚNG ÐỒNG PHẬN. 

       Cũng như chữ “đồng loại”.  Các loại chúng-sanh hoặc hữu-tình hay vô-tình, loài nào đồng với loài nấy.  Như loài người đồng với người; loài vật đồng với vật. 

4.      DỊ SANH TÁNH. 

       Những loài sanh ra khác với Thánh-nhơn, tức là phàm-phu; chỗ khác gọi “phi-đắc”:  Chúng phàm-phu không được Thánh-quả.  Bởi thế nên gọi “Dị sanh tánh” hay “phi-đắc” đều được cả. 

5.      VÔ-TƯỞNG ÐỊNH. 

       Ðịnh này diệt hết các tâm-vương và tâm-sở của 6 thức trước.  Song đây chỉ gọi “Vô-tưởng” là vì “tưởng” làm chủ-động vậy. 

6.      DIỆT-TẬN ÐỊNH. 

       Ðịnh này không những diệt hết các tâm-vương và tâm-sở của 6 thức trước, mà diệt luôn cả phần tạp-nhiễm của tâm-vương tâm-sở về thức thứ Bảy. 

       Vô-tưởng định là định của phàm-phu; còn Diệt-tận định là định của Thánh-nhơn. 

7.      VÔ-TƯỞNG BÁO. 

       Người ở cõi Dục tu Vô-tưởng định, sau khi mạng chung, đặng báo-thân ở cõi trời Vô-tưởng.

8.      DANH THÂN. 

       Tên hay danh-từ.  Có danh-từ đơn và danh-từ kép. 

9.      CÚ THÂN. 

       Câu.  Do ráp nhiều tiếng thành câu; câu có ngắn và dài. 

10.  VĂN THÂN. 

       Chữ.  Chữ là chỗ y-chỉ của danh-từ và câu. 

11.  SANH. 

       Sanh ra.  Nghĩa là từ hồi nào đến giờ không có, nay mới có. 

12.  TRỤ. 

       Ở.  Những vật đã sanh ra rồi, còn lưu lại trong một thời-gian, chưa diệt. 

13.  LÃO. 

       Già, suy-yếu gần chết. 

14.  VÔ THƯỜNG. 

       Không thường, biệt-danh của chết. 

15.  LƯU-CHUYỂN. 

       Xoay-vần, nhơn-quả trước sau nối nhau không dứt. 

16.  ÐỊNH VỊ. 

       Nhơn-quả lành, dữ khác nhau, không lộn-lạo. 

17.  TƯƠNG-ƯNG. 

       Ưng-thuận với nhau.  Như nhơn nào quả nấy, cân-xứng với nhau. 

18.  THẾ TỐC. 

       Các pháp hữu-vi xoay-vần mau lẹ như chong-chóng.

19.  THỨ ÐỆ. 

       Thứ lớp, trật-tự không có lộn-lạo. 

20.  THỜI. 

       Thời-gian: quá-khứ, hiện-tại và vị-lai. 

21.  PHƯƠNG. 

       Không-gian: Ðông, Tây, Nam, Bắc, tứ-duy, thượng hạ. 

22.  SỐ. 

       Số lượng.  Như: một, hai, ba, bốn cho đến trăm, ngàn v.v… 

23.  HÒA-HỢP TÁNH. 

       Các duyên hòa-hợp không có trái nhau. 

24.  BẤT HÒA-HỢP TÁNH. 

       Những pháp chống trái, không hòa-hợp với nhau. 

       Nói tóm lại, từ trước đến đây đã kể 94 pháp: 9 món Tâm-vương, 51 món Tâm-sở, 11 món Sắc-pháp, 24 món Bất tương-ưng hành, đều thuộc về pháp hữu-vi có sanh-diệt biến-đổi.  Sáu pháp sau đây thuộc về vô-vi. 

       Chữ “hữu-vi” là những gì có tạo-tác, có sanh-diệt, không thường còn.  “Vô-vi” là những gì không tạo-tác, không sanh-diệt, không tăng giảm, vắng-lặng thường còn. 

V.  VÔ-VI (CÓ 6 MÓN) 

       Pháp Vô-vi không sanh-diệt, không biến-đổi, không phải như các pháp hữu-vi là Tâm-vương, Tâm-sở, Sắc-pháp và Bất tương-ưng hành có sanh diệt biến-đổi.  Do các pháp hữu-vi (94 món) diệt rồi, thì pháp vô-vi mới hiện bày (Tứ, sở hiển thị cố). 

       Thật ra, vô-vi không phải có 6 pháp, song vì theo từng khía-cạnh của nó để giải-thích, nên đặt ra 6 tên. 

1.      HƯ-KHÔNG VÔ-VI.

       Chơn-như hay Pháp-tánh, không thể dùng ý-thức suy-nghĩ hay lời nói luận-bàn được.  Nó phi sắc, phi tâm, không sanh diệt, không cấu tịnh, không tăng giảm, nên gọi là “Vô-vi”. 

       Bởi nó không ngã, không pháp, rời các cấu-nhiễm, rỗng-rang như hư-không, nên gọi là “Hư-không vô-vi”.  Ðây là theo thí-dụ mà đặt tên. 

2.      TRẠCH-DIỆT VÔ-VI. 

       Do dùng trí-tuệ Vô-lậu, lựa chọn diệt-trừ hết các nhiễm-ô, nên chơn-như vô-vi mới hiện.  Vì thế nên gọi là “Trạch-diệt vô-vi”. 

3.      PHI-TRẠCH-DIỆT VÔ-VI. 

       Vô-vi không cần lựa-chọn diệt-trừ các phiền-não.  Có hai nghĩa: 

1.        Tánh chơn-như vốn thanh-tịnh, không phải do lựa-chọn diệt-rừ các phiền-não nhiễm-ô mới có, nên gọi là “Phi-trạch-diệt”.

2.        Các pháp hữu-vi tạp-nhiễm, vì thiếu duyên không sanh-khởi, nên pháp vô-vi được hiện.  Bởi thế nên gọI là “Phi-trạch-diệt”. 

4.      BẤT-ÐỘNG-DIỆT VÔ-VI. 

       Ðệ tứ thiền đã lìa được ba định dưới, ra khỏi tam tai (đao-binh tai, hỏa-tai, thủy-tai) không còn bị mừng, giận, thương, ghét v.v… làm chao-động nơi tâm, nên gọi là “Bất-động-diệt”. 

5.      THỌ-TƯỞNG-DIỆT VÔ-VI. 

       Khi được Diệt-tận-định, diệt-trừ hết “thọ” và “tưởng” tâm-sở nên gọi là “Thọ-tưởng-diệt vô-vi”. 

6.      CHƠN-NHƯ VÔ-VI. 

       Không phải Vọng, gọi là Chơn (không biến-kế sở-chấp); không phải điên-đảo gọi là Như (không y-tha khởi), tức là thật-tánh của các pháp (Viên-thành-thật). 

       Trong luận Ðại-thừa trăm pháp này, ngoại-nhơn hỏi hai câu: 

1.      Tất cả pháp là gì?

2.      Thế nào là Vô-ngã?

       Từ trước đến đây, Luận-chủ lược nói 100 pháp, để trả lời câu hỏi thứ nhất rồi; sau đây trả lời về câu hỏi thứ hai. 

PHẦN THỨ HAI, NÓI “VÔ-NGÔ 

CHÁNH VĂN 

       Nói “Vô-ngã”, tóm có 2 loại: 

1.      Nhơn vô-ngã.

2.      Pháp vô-ngã. 

       Người đời chấp tất cả các pháp thật có, tức là chấp Ngã.  Chấp Ngã có hai: 

1.      Nhơn-ngã.

2.      Pháp-ngã. 

       Chấp thân này thật có, gọi là Nhơn-ngã.  Chấp núi sông, tất cả các cảnh-vật bên ngoài thật có, gọi là Pháp-ngã. 

       Do chấp ngã nên sanh ra tham, sân, si rồi tạo ra các nghiệp, sanh-tử luân-hồi trong lục-đạo.  Bởi thế nên Phật nói: 

       “Tất cả pháp không có Ngã (ta)”. 

       Nói “Tất cả pháp” tức là bao trùm cả loài hữu-tình và vô-tình.  Loài hữu-tình không thật có là “Nhơn vô-ngã”.  Loài vô-tình như hoàn-cảnh, sự vật không thật có, là “Pháp vô-ngã”. 

KẾT-LUẬN 

       Từ trước đến đây, lược nói 100 pháp thì đã bao-trùm Nhơn-ngã và Pháp-ngã.  Phàm-phu chấp cả Nhơn-ngã và Pháp-ngã đều thật có.  Tiểu-thừa chỉ chấp Pháp-ngã là thật. 

       Trong luận này nói:   

1.      8 món tâm-vương là tự-thể của thức và hơn tất cả (nhứt thế tối thắng cố). 

2.      51 món tâm-sở là phần sở-hữu và tương-ưng của thức (dữ thử tương-ưng cố).

3.      11 món sắc-pháp là phần hình bóng, do tâm-vương và tâm-sở hiện ra (nhị sở hiện ảnh cố).

4.      24 món bất tương-ưng hành là do ba phần: tâm-vương, tâm-sở và sắc-pháp, phân chia ngôi thứ sai-khác mà giả lập (tam, phận-vị sai-biệt cố).

5.      6 món vô-vi là do bốn món hữu-vi trên (tâm-vương, tâm-sở, sắc-pháp và bất-tương-ưng-hành) diệt hết mà hiện-bày ra, tức là thật-tánh của thức (tứ, sở hiển thị cố). 

       Bởi thế nên biết:  Người đời chấp “Nhơn-ngã” và “Pháp-ngã” đều không ngoài thức.  Do đó mà đức Thế-tôn nói: 

       “Nhứt thế Pháp Vô-ngã”

       “Vạn Pháp duy-thức”. 

Viết xong tại Phật-Học-Ðường Nam-Việt

Rằm tháng 6 năm Kỷ-hợi (1959)

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ IX (Phần 2))
LUẬN A-ÐÀ-NA THỨC
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712