Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

Luận A-Ðà-Na Thức

LUẬN A-ÐÀ-NA THỨC

·         Ngài THÁI-HƯ Pháp-sư giảng.

·         Sa-môn T. THIỆN-HOA dịch nghĩa.

I.          NÊU CÁI TÊN. 

Tên A-đàn-na thức, xuất-xứ từ đâu? 

-          Trong kinh Giải-thâm-mật có bài tụng rằng: 

NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN 

A-đà-na thức thậm thâm tế

Tập-khí chủng-tử như bộc lưu

Ngã ư phàm ngu bất khai diễn

Khủng bỉ phân-biệt chấp vi ngã. 

       Nghĩa là:  Thức A-đà-na rất thậm-thâm và tế-nhi; các tập-khí (1) chủng-tử của nó sanh-diệt như dòng nước thác. 

(1)   Tập-khí:  Nghĩa là thói quên; tức là tên khác của “chủng-tử”. 

Ta (Phật) đối với chúng phàm-phu và Nhị-thừa, không giảng nói thức này; vì sợ chúng phân-biệt chấp làm Ngã. 

Trong kinh Ðại-Phật-Ðảnh Thủ-lăng-nghiêm nói: 

NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN 

Ðà-na vi-tế thức

Tập-khí thành bộc lưu

Chơn, phi chơn khủng mê

Ngã thường bất khai diễn.

Nghĩa là:  Thức A-đàn-na rất là vi-tế; các tập-khí như dòng nước thác.  Vì sợ chúng phàm-phu và Nhị-thừa chấp thức này là “chơn” hay “phi chơn”, nên Ta (Phật) chẳng hề giảng nói thức này. 

Thức này là “căn-bản” của chơn và vọng; Thánh, Phàm đều nương ở nơi đây.  Bởi thế nên trong Duy-thức tông, rất đặc-biệt chú-trọng đến thức này. 

Nay chúng ta căn-cứ theo câu văn và nghĩa-lý của hai bài tụng trên mà quan-sát.  Trong bài tụng nói chữ “Phàm” là chỉ cho loài dị-sanh (chúng-sanh); nói chữ “Ngu” là chỉ chung cả Phàm-phu và Nhị-thừa (chữ Ngu là mê-lầm). 

Ðại-ý hai bài tụng nói:  Thức A-đà-na rất thâm-sâu và tế-nhị, tóm chứa các tập-khí chủng-tử từ vô-thỉ đến nay.  Nó làm chủ giữ-gìn báo-thân của chúng hữu-tình sống trong một thời-kỳ.  Xem in tuồng như “chơn”, song nó hư-vọng sanh-diệt rất là vi-tế.  Cũng như dòng nước thác, ở xa thấy như diềm-tịnh, mà kỳ thật nó chảy rất mau. 

Chẳng những chúng Phàm-phu (Dị-sanh) (1) không biết, mà hàng Tiểu-thừa Thinh-văn chấp pháp (ngu pháp) cũng mê-lầm thức này.  Phật đối với hai hạng này chẳng hề giảng nói đến thức A-đà-na, vì sợ họ mê-lầm chấp làm “Ngã”. 

(1)    Chữ “Phàm-phu”: Kẻ phàm.  Chữ “Dị-sanh”: Khác sanh; nghĩa là sanh khác với Thánh, tức là lục-đạo chúng-sanh. 

Chúng Phàm-phu mê-lầm chấp ngã thì thêm khổ sanh-tử; còn hàng Nhị-thừa tuy có thể lìa được khổ sanh-tử, song nếu mê-lầm chấp ngã thì lâu chứng đạo-quả; chi bằng chẳng cho họ nghe đến thức này còn hơn. 

Bài tụng của kinh Lăng-nghiêm và kinh Giải-thâm-mật, hai câu đầu nghĩa đồng nhau.  Trong câu thứ hai nói chữ “tập-khí” tức là “chủng-tử”.  Ðến câu thứ ba lại chia ra làm hai phương-diện: Bên kinh Lăng-nghiêm đại-ý nói:  “Thức này rất rộng sâu và tế-nhị, sanh diệt tương-tục không gián-đoạn.  Bởi nó tương-tục không gián-đoạn cho nên in như “chơn”; vì có sanh-diệt nên “không phải chơn”. 

Nếu người mê-lầm chấp thức này là “chơn” thì bị cái chấp “tăng ích” (thêm), sẽ đọa mãi trong sanh-tử luân-hồi.  Còn người mê-lầm chấp thức này là “phi chơn”, thì bị cái chấp “tổn giảm” (bớt); vì cho thức này là “vọng” rồi rời bỏ thức này để tìm cầu cái “chơn-thật” thì không thể được, nên cũng đọa mãi trong sanh-tử luân-hồi. 

Câu tụng thứ tư trong kinh Giải-thâm-mật, đại-ý nói:  “Phân-biệt chấp thức này làm ngã” tức đồng bên kinh Lăng-nghiêm nói:  “mê thức này chấp là chơn”.  Song, mê-lầm chấp thức này “phi chơn” cũng là chấp Ngã.  Vì sợ cho chúng Phàm-phu và hàng Nhị-thừa mê-lầm chấp thức này là “chơn” hoặc “phi chơn”, cho nên Phật chẳng hề giảng nói. 

Trên bài tụng nói “chấp ngã”, tức là cố-chấp thức này làm thật ngã, thật pháp.  Bởi Phàm-phu và Nhị-thừa đối với thức này, hay khởi tâm phân-biệt chấp là “chơn” hoặc “phi chơn”. 

Ðem hai bài tụng trên đây để đối chiếu mà quan-sát, thì ý-nghĩa đầy-đủ.  Song, bài tụng trong kinh Giải-thâm-mật có một nghĩa đặc-biệt và rõ-ràng hơn là:  “Chúng Phàm-phu và Nhị-thừa dễ khởi tâm phân-biệt chấp làm Ngã”. 

Trong Du-dà Sư-địa-luận, hoàn-toàn căn-cứ vào kinh Giải-thâm-mật mà giải nói về thức này.  Ngoài ra còn rất nhiều chỗ nói đến cái tên thức này, không thể kể hết; như Nhiếp Ðại-thừa luận, Hiển-dương thánh-giáo luận, Thành Duy-thức luận v.v…  Vì trong các kinh, luận đã có cái tên A-đà-na thức, nên nay y theo đó để làm căn-cứ cho bổn Luận này.

II.  ÐỊNH GIỚI-NGHĨA

Chữ “Giới-nghĩa” tức là định giới-hạn về danh-nghĩa.  Thức A-đà-na, cái giới-nghĩa như thế nào? 

-  Tiếng Phạn gọi A-đà-na, Tàu dịch là “Trì” (giữ-gìn).  Trong kinh không có giải-thích nó như thế nào, nhưng trong Nhiếp Ðại-thừa luận giải-thích có hai nghĩa, và ở Thành Duy-thức luận lại còn phân-tích hoàn-bị hơn. 

            Trong Thành Duy-thức luận về quyển ba nói: 

            NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN 

            Dĩ năng chấp trì chư pháp chủng-tử

            Cập năng chấp thọ sắc căn y xứ

            Diệc năng chấp thủ kiết sanh tương-tục

            Cố thuyết thử thức danh A-đà-na. 

            Dịch nghĩa:       

Thức này có ba công-năng, nên gọi là A-đà-na.

1.      Giữ-gìn (chấp trì) chủng-tử của các pháp.

2.      Giữ-gìn (chấp thọ) căn-thân và thế-giới.

3.      Giữ lấy (chấp thủ) việc kết nối đời sau. 

Nay muốn cho độc-giả dễ hiểu, nên bắt từ cạn vào sâu, từ thô đến tế; nghĩa là ngược thứ lớp của 3 nghĩa trên để giải-thích như sau: 

1.  GIỮ LẤY (CHẤP THỦ) VIỆC KẾT NỐI ÐỜI SAU. 

Sở-dĩ có việc “kết nối đời sau” (kiết sanh tương-tục) là do 3 pháp:  Phiền-não, Nghiệp và Sanh; theo thông-thường gọi “Hoặc, Nghiệp và Khổ”.  Nghĩa là:  Do phiền-não nên tạo nghiệp, do tạo nghiệp nên mới kết nối đời sau để thọ khổ.  Chữ “kiết-sanh” (kết nối đời sau), nghĩa là thọ sanh, bắt đầu từ khi kết thai cho đến lúc sanh ra vậy. 

Lại nữa, từ một đời này chết rồi sanh đến một đời khác.  Nghĩa là:  Từ thân “bổn hữu” (1) (thân hiện sống) đến thân “tử hữu” (thân đang chết), từ thân “tử hữu” đến thân “trung hữu” (2) (thân sau khi chết, chưa đầu thai), từ thân “trung hữu” đến thân “hậu hữu” (3) (thân đời sau).  Sở-dĩ được tương-tục không gián-đoạn như thế, cố-nhiên phải có một cái gì thường lưu-hành và gìn-giữ (chấp thủ)?  - Cái đó là thức A-đà-na.  Nếu không có thức này để nắm giữ việc “kết nối đời sau” (kiết sanh tương-tục) thì người một khi chết rồi phải mất luôn, không còn tái-sanh được nữa!  Như thế thành ra bị rơi vào thuyết Ðoạn-diệt của ngoại-đạo. 

Trong kinh Lăng-nghiêm về quyển thứ hai nói: “Trước kia vua Ba-tư-nặc theo ngoại-đạo, chấp về đoạn-diệt” (người chết rồi mất luôn) nên Vua thường ôm lòng lo buồn!…  Sau khi nghe Phật nói pháp, Vua ngộ được cái lý “sanh-tử tương-tục”; nghĩa là: Con người khi chết là bỏ thân này để thọ thân khác, từ-giả đời này để đến nhận lãnh đời kia; cái gì có biến-đổi thì phải bị hoại-diệt, còn cái gì không biến-đổi thì thường còn không hoại-diệt, nên Vua rất vui-mừng! 

Nói “chấp đoạn-diệt” tức là chấp một phen chết rồi mất luôn.  Nếu thật vậy, thì đời sống của con người không có một chút giá-trị nào cả!  Bởi thế, nên biết có thức A-đà-na này hằng lưu-hành không gián-đoạn, nó nắm giữ việc “đầu-thai tiếp nối” (kiết sanh tương-tục). 

Tóm lại, nếu người hiểu rõ được: “Có thức A-đà-na nắm giữ việc kiết sanh tương-tục” (kết nối đầu-thai) thì đối-trị được cái chấp “đoạn-diệt” của phàm-phu và ngoại-đạo. 

(1) Thân Tiền-ấm (2) Thân Trung-ấm (3) Thân Hậu-ấm. 

2.  GIỮ CHỊU (CHẤP THỌ) SẮC-CĂN VÀ THẾ-GIỚI.

Nguyên-văn chữ Hán trên, nói chữ “sắc-căn y xứ”.  Chữ “sắc-căn” là chỉ cho năm căn tinh-tế bên trong (năm tịnh-sắc-căn:  Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt và Thân); còn chữ “y xứ” là chỉ cho năm căn thô-phù bên ngoài (phù-trần-căn) làm chỗ (xứ) y-chỉ cho năm căn bên trong. 

Tóm lại là chỉ chung cái Báo-thân của chúng hữu-tình đang sống trong một thời-kỳ.  Nói “cái Báo-thân sống trong một thời-kỳ” tức là gồm cả “các pháp hữu-vi vô-thường sát-na sanh-diệt”.  Cái công-năng giữ-gìn Báo-thân được tương-tục tồn-tại trong một thời-kỳ không tan hoại đó, tức là thức “A-đà-na” này vậy. 

Nguyên-văn chữ Hán trên, nói hai chữ “chấp thọ”; nghĩa là chấp thân này làm “tự thể” khiến sanh ra biết cảm-giác và lãnh-thọ. 

Lại có một nghĩa thứ hai, trên nguyên-văn nói chữ “sắc-căn” là chỉ cho thân loài hữu-tình (chánh-báo); còn chữ “y xứ” là chỉ cho thế-giới (y-báo). 

Trong thế-giới, từ một vật này đối với các vật khác ngại nhau, từ một vi-trần này đối với các vi-trần khác ngại nhau, mà vẫn tồn-tại, đều do thức này giữ-gìn không mất; chỉ khác với loài hữu-tình là không làm cho biết cảm-giác và lãnh-thọ. 

Trong luận Tề-vật, ông Chương-thái-diệm nói:  “Loài khoáng-vật và thực-vật đều có thân-thức”.  Nhưng xét những lời chứng-minh của ông, thì không phải thân-thức; thật ra do công-năng giữ-gìn của thức A-đà-na; chẳng qua ông không hiểu, lầm cho là thân-thức.  Thân-thức chỉ biết cảm-giác lãnh-thọ các xúc-trần, như đau, ngứa v.v… mà thôi; còn cái công-năng nắm giữ các vật ngại nhau làm tự-thể, quyết-định phải là thức A-đà-na này. 

3.  GIỮ-GÌN (CHẤP-TRÌ) CHỦNG-TỬ CỦA CÁC PHÁP. 

Nói “các pháp” tức chỉ cho tất cả các pháp hữu-vi.  Có hai loại:  

1.      “Hữu-lậu hữu-vi”, tức là các pháp tạp-nhiễm, thuộc về loài Dị-sanh (chúng-sanh).

2.      “Vô-lậu hữu-vi”, tức là các pháp thanh-tịnh, thuộc về Thánh Hiền. 

“Chủng-tử” cũng có hai loại: 

1.      “Nghiệp-chủng” tức là Dị-thục tập-khí.

2.      “Pháp-chủng” tức là Ðẳng-lưu tập-khí. 

Mỗi mỗi các pháp, khi khởi hiện-hành đều từ chủng-tử của nó mà khởi hiện.  Bởi đồng đẳng lưu xuất ra chủng-loại đó, nên gọi là “Ðẳng-lưu-chủng”.

“Nghiệp-chủng” (Dị-thục chủng-tử) tức là chủng-tử Tư Tâm-sở.  Bởi vì Tư Tâm-sở, Tâm-vương và các Tâm-sở thiện, ác v.v… có tác-dụng hoạt-động thành ra “nghiệp-chủng”.  Nếu lấy hiện-hành của nó, đối với chủng-tử của nó, thì cũng đều gọi là “Ðẳng-lưu-chủng”.  Song cái “Nghiệp-chủng” này, đồng thời lại có công-dụng đặc-biệt là thống-lãnh các pháp khác.  Cũng như ông Thủ-tướng, nếu nói về cá-nhân thì ông là một người như bao nhiêu người trong nước, nhưng đồng thời, ông cũng có cái khả-năng thống-lãnh toàn quốc.  “Nghiệp-chủng” (Dị-thục chủng-tử) cũng thế; nó khác hơn “Pháp-chủng” (Ðẳng-lưu-chủng) ở chỗ đó. 

“Nghiệp-chủng” cũng có hai loại:  1. Hữu-lậu, 2. Vô-lậu.  Song về “chủng-tử” thì chỉ có công-năng tiềm-tàng (ẩn núp) mà không khởi hiện.  Nếu không có một cái gì để chứa giữ, thì chủng-tử các pháp phải bị tản mất.  Nếu chủng-tử các pháp bị tản mất, thì các pháp hiện-hành ở thế-gian và xuất-thế-gian cũng phải không còn. 

Bởi thế nên phải có cái thức A-đà-na để chứa giữ chủng-tử (công-năng tiềm-tàng) của các pháp. 

Có người nói:  “Sắc-pháp có công-năng chứa giữ chủng-tử”.  Nói như thế không hợp lý; vì “sắc-pháp” tánh nó biến-đổi và chướng-ngại, nên không thể chứa giữ chủng-tử được.  Lại nữa, khi sanh lên cõi trời Vô-sắc; cõi ấy không có “sắc-pháp” thì lấy gì chứa giữ chủng-tử. 

Các “Tâm-sở” cũng không thể chứa giữ chủng-tử được; vì nó không tự-tại vậy. 

Sáu thức trước cũng không thể chứa giữ chủng-tử; vì khi sanh lên cõi trời Vô-tướng và vào Diệt-tận-định v.v… không có sáu thức trước vậy. 

Thức thứ Bảy, tuy hằng khởi lưu-hành và không gián-đoạn, song cũng không thể chứa giữ chủng-tử các pháp được; vì tánh nó “hữu phú vô ký”.  Nếu thức thứ Bảy chứa giữa chủng-tử, thì khi đến địa-vị Bồ-tát, đã chuyển thúc thành trí thanh-tử, về sau lại khởi-sanh các pháp tạp-nhiễm nữa, thì phi lý. 

Bởi thế nên, chỉ có thức A-đà-na, tánh vô-phú vô-ký, nhứt loại sanh-diệt tương-tục, mới có thể duy-trì (chứa giữ) chủng-tử của các pháp.  Cảnh-giới này duy có Phật mới biết được hoàn-toàn rốt-ráo, còn các vị Bồ-tát chỉ biết một phần nào thôi.

III.  GIẢI-THÍCH VÀ CHỌN LỰA 

       Trong Thành Duy-thức luận, quyển ba chép: “Các hữu-tình đều có thức thứ Tám, song tùy theo mỗi phương-diện mà danh-nghĩa có khác nhau, nên đặt ra rất nhiều tiên: 

1.      Hoặc gọi là “Tâm”. 

Vì thức này là chỗ chứa nhóm (tích tập) để cho các pháp huân-tập chủng-tử vào. 

2.      Hoặc gọi là “A-đà-na”. 

Vì thức này giữ-gìn chủng-tử và thân thể của chúng hữu-tình không mất. 

3.      Hoặc gọi là “Sở-tri-y”. 

Vì thức này là chỗ y-chỉ của các pháp bị biết (sở-tri) nhiễm và tịnh. 

4.      Hoặc gọi là “Chủng-tử thức”. 

Vì thức này có công-năng chứa giữ chủng-tử của các pháp thế-gian (hữu-lậu) và xuất-thế-gian (vô-lậu). 

5.      Hoặc gọi là “A-lại-da”. 

       Vì thức này tóm thâu chứa đựng các pháp tạp nhiễm, giữ-gìn không mất, nên có nghĩa Năng-tàng, Sở-tàng và Ngã-ái-chấp-tàng.  (Thức thứ Bảy chấp thức này làm “Nội-ngã”). 

6.      Hoặc gọi là “Dị-thục thức”. 

Vì thức này có công-năng dẫn-dắt đi trong sanh-tử để lãnh-thọ quả Dị-thục (báo-thân), do thiện nghiệp hoặc ác nghiệp, đã tạo đời trước. 

Tên Dị-thục này, chỉ có ở hàng Phàm-phu, Nhị-thừa và các vị Bồ-tát, còn đến địa-vị Phật thì không còn Dị-thục thức. 

7.      Hoặc gọi là “Vô-cấu thức”. 

Vì thức này là chỗ chứa giữ các pháp hoàn-toàn vô-lậu thanh-tịnh.  Tên “Vô-cấu-thức”, duy Phật mới có.  Từ các vị Bồ-tát Ðại-thừa trở xuống, cho đến hàng Phàm-phu, thì thức thứ Tám còn chứa các chủng-tử hữu-lậu, chưa đặng hoàn-toàn thanh-tịnh, nên không có tên “Vô-cấu-thức”. 

CHỌN LỰA

       Ngoài các tên kể trên, thức này lại còn có những tên như: Sơ-năng-biến, Căn-bản-thức và Như-lai-tạng v.v…  Nay theo thức lớp lược nên các tên, để lựa-chọn tên nào hoàn-bị. 

1.      A-lại-da thức. 

 Tàu dịch là “Tàng-thức”.  Các Luận giải chữ “Tàng” có ba nghĩa:  Năng-tàng, Sở-tàng và Ngã-ái-chấp-tàng. 

 Cái tên “Tàng-thức” này, chỉ có ở địa-vị Phàm-phu (Dị-sanh) và Thánh hữu-học.  Khi đến hàng Nhị-thừa vô-học và bực Niệm-bất-thối Bồ-tát, thì thức này không còn chứa giữ (chấp tàng) các pháp tạp-nhiễm, nên không gọi nó là “Tàng-thức” (A-lại-da thức).  Bởi tên “A-lại-da” này nghĩa rất hẹp, cho nên luận này chẳng dùng. 

2.      Sơ-năng-biến thức. 

Thức này chứa giữ chủng-tử của các pháp, rồi biến-hiện ra tướng-phần là căn-thân và thế-giới.  Chúng Phàm-hu và Nhị-thừa không hiểu, nên chấp là thật-ngã và thật-pháp.  Vì phá chấp của Phàm-phu và Nhị-thùua, nên Luận nói:  “Các Ngã và Pháp đều giả, do thức biến-hiện”.  Các thức có ba loại Năng-biến, mà thức này là năng-biến thứ nhứt, nên gọi là “Sơ-năng-biến”. 

Bởi nghĩa đây rất hẹp, không nói hết được cái lượng của thức này, nên cũng không dùng. 

3.      Dị-thục thức. 

Dị-thục có ba:  Dị-thời nhi thục (khác thời mà chín), Dị-loại nhi thục (khác loại mà chín) và Biến-dị nhi thục (biến khác mà chín).  So với “A-lại-da” thì tên này có phần rộng hơn; song đến khi thành Phật thì bỏ cái tên Dị-thục (Kim-cang đạo hậu Dị-thục không). 

Bởi tên này không phổ-biến:  Khi đến quả Phật không còn và hàng Nhị-thừa khi vào Diệt-tận định, thân thể như tro nguội, tâm trí bặt dứt, lúc bấy giờ không còn thức Dị-thục, nên luận này không dùng. 

4.      Yêm-ma-la thức. 

Tàu dịch là “Vô-cấu thức”; nghĩa là thức thanh-tịnh không cấu-nhiễm.  Cái tên này duy địa-vị Phật mới có; từ Bồ-tát trở xuống cho đến Nhị-thừa và Phàm-phu đều không có “Vô-cấu thức”; vì Bồ-tát có vô-minh hiện-hành và còn chủng-tử tạp-nhiễm.

Bởi cái tên này chỉ có ở quả Phật, không thông cả Thánh Phàm và tóm thâu hết cái thể nhiễm tịnh của thức này, nên cũng không dùng. 

5.      Tâm. 

Tên này thông cả Phàm-phu, Nhị-thừa, Bồ-tát và Phật.  Trong các kinh luận, có chỗ gọi chung cả tám thức là: Tâm, Ý và Thức; có chỗ gọi riêng thức thứ Tám là “Tâm”, thức thứ Bảy là “Ý” và 6 thức trước là “Thức”; có chỗ gọi Tâm-vương, Tâm-sở đều là “Tâm” hoặc gọi Sắc-pháp (vật-chất) cũng là “Tâm”; như trái tim thịt gọi là “Tâm-tạng” (một tạng trong ngũ-tạng: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận). 

       Bởi cái tên này quá rộng và lộn-lạo, cho nên luận này cũng không dùng. 

6.      Căn-bản thức. 

Bảy thức trước và các pháp nhiễm tịnh, đều y-chỉ ở thức này, nên gọi là “Căn-bản thức”.  Cái tên này cũng thông cả Thánh, Phàm. 

Nhưng tên “Căn-bản”, không phải chỉ để gọi thức thứ Tám, mà “Chơn-như trí” cũng gọi là “Căn-bản trí”; bởi vì “Chơn-như” là “Căn-bản” của tất cả Pháp. 

Vì danh-từ này có lộn-lại, nên luận này chẳng dùng. 

7.      Ðệ-bát thức. 

Y theo thứ-tự, số-mục mà gọi, thì năm thức trước, thức thứ Sáu, thức thứ Bảy và đến thức này gọi là “Ðệ-bát thức”. 

Cái tên này tuy có thể thông cả Thánh, Phàm và cũng không có lỗi lộn-lạo với cái khác, song cái tên Ðệ-bát không thể nói lên được cái tướng và dụng của thức này; chẳng qua chỉ một danh-từ có gồm số-mục để kêu gọi mà thôi, nên luận này cũng chẳng dùng.  

8.      Sở-tri y. 

Cái tên này xuất-xứ từ Nhiếp-đại-thừa luận, nghĩa đã rộng-rãi và thông cả Thánh, Phàm.  Chữ “Sở-tri” (bị biết) tức là chỉ cho tất cả các pháp nhiễm và tịnh.  Bởi tất cả các pháp lấy thức này làm chỗ y-chỉ, nên gọi là “Sở-tri y”. 

Cái tên này tuy đủ sức nói lên tướng và dụng của thức này, nhưng cũng không dùng; vì y theo trong Nhiếp-đại-thừa luận, thì các pháp “Sở-tri” chính là cho ba tánh:  Biến-kế sở-chấp tánh, Y-tha-khởi tánh và Viên-thành-thật tánh. 

Song kỳ-thật các pháp sở-tri (bị biết) chẳng những y thức thứ Tám (Y-tha-khởi) mà cũng y Chơn-như (viên-thành-thật) hoặc y Ý-thức (biến-kế sở-chấp).  Vậy thời cái nghĩa “Y” cũng thông-đồng với pháp khác; chẳng bằng dùng nghĩa “A-đà-na” rất là tinh-xác hơn. 

9.      Nhứt-thế-chủng thức. 

Danh-từ này ở trong Thành-duy-thức luận, chỉ về cái “Nhơn-tướng” của thức A-lại-da.  Tên này cũng thông tất cả địa-vị Thánh, Phàm (ở địa-vị Phật có thể nói “Nhứt thế vô lậu chủng thức”). 

Danh-từ này so với danh-từ A-đà-na, không rộng và cũng không hẹp lắm, có phần đồng nhau.  Song “Nhứt thế chủng” là chỉ cho tướng phần bị duyên và vật sở-trì của thức này, chớ không phải cái bản-thể hiện-hành của thức này; cái thức “Năng trì nhứt thế chủng-tử” đó, tức là A-đà-na. 

Vả lại, cái nghĩa “Năng-trì chủng-tử” này, chỉ là một trong 3 nghĩa của thức A-đà-na.  Bởi thế nên đây cũng không dùng. 

10.  Như-lai-tàng. 

Danh-từ này cùng với Ðệ-bát thức có liên-quan nhau.  Trong các kinh luận giải nghĩa rất rộng, nay chỉ nói sơ-lược cái ý. 

Chữ “Tàng” nghĩa là “che giấu”.  Tất cả chúng hữu-tình đều sẵn có “trí-huệ đức tướng, pháp thân thanh-tịnh Như-lai”; song vì bị che giấu trong vô-minh tạp-nhiễm.  “Như-lai thanh-tịnh pháp-thân” là bị (sở) che giấu, còn “vô-minh tạp-nhiễm” là (năng) che giấu; hiệp cả Năng và Sở mà gọi là “Như-lai-tàng”. 

Danh-từ này tuy thông các địa-vị, nhưng bản-ý lập ra là chuyên chỉ về phần “công-đức pháp-thân thanh-tịnh” bị che giấu trong vô-minh tạp-nhiễm mà gọi là “Như-lai-tàng”, chứ không phải chỉ chung cả các pháp tạp nhiễm. 

Trái lại, gọi A-lại-da là riêng chỉ về “pháp tạp nhiễm”, còn Như-lai-tàng là riêng chỉ về “pháp thanh-tịnh”. 

Danh-từ này nghĩa rất hẹp, lại thuộc về “Chơn-như vô-vi”.  Và các pháp thanh-tịnh của bảy thức trước, cũng chung gọi là Như-lai-tàng.  

Tóm lại, họp các danh-từ trên để so-sánh và chọn-lựa, thì chỉ có danh-từ “A-đà-na” là hoàn-bị hơn cả.

IV. CHỈ CÁI “THỂ” CỦA THỨC A-ÐÀ-NA.

       Y theo đoạn trên nghiêm-khắc lựa-chọn, quí-vị đã biết đại-khái thức này rồi, và thấy chỉ nên chọn lấy danh-từ A-đà-na mà thôi.  Ðến đây mới là phần cốt-yếu của bổn luận này. 

       Chúng ta đã thấy có cái danh-nghĩa, thì cái danh-nghĩa đó tất-nhiên phải y trên một cái thể mà đặt ra.  Vậy cái “Thể” của A-đà-na thức thế nào?  Ðáp: Tức là các pháp; không thể rời các pháp mà riêng tìm có thức A-đà-na được. 

       Phải biết trời, đất, nhơn, vật toàn là thức A-đà-na, song chúng ta không thấy được “thức A-đà-na” mà chỉ thấy trời, đất, nhơn, vật; đó là vì bị hai món chấp: Ngã, Pháp thường hiện-hành.  Cũng như người nhặm con mắt, thấy các hoa đốm ở hư không.  Vì con mắt bị nhặm, nên chỉ thấy hoa đốm mà không thấy được hư-không. 

       Chúng-sanh vì bị hai chấp (Ngã, Pháp) và hai chướng (phiền-não chướng và sở-tri chướng) ám-ảnh, nên không thấy được thức A-đà-na mà chỉ thấy các vật tạp-nhiễm.  Cổ-nhơn nói: “Nhược nhơn thức đắc tâm, tắc đại địa vô thốn thổ”:  Nếu người ngộ được chơn-tâm rồi, thì quả đại-địa không còn một tất đất (Kinh Lăng-nghiêm); tức là cái ý đây vậy. 

1.      Trí tự-trụ hậu-đắc của bực Ðại-thánh duyên cảnh A-đà-na thức. 

       “Tiếng” là cái bị nghe của tai, “Sắc” là vật bị thấy của mắt.  Do có cái tên “tiếng” và “sắc”, nên có thể chỉ ra cái thể của tiếng và sắc. 

       Nay chúng ta đã nghe tên và biết nghĩa của thức A-đà-na; vậy phải chỉ cái thể (hình thể) của nó ra thử xem.  Thức A-đà-na, mắt không thấy được nó và tai cũng không nghe được nó; như thế làm sao chỉ ra cái thể của nó cho được!  Chúng ta chỉ y theo Kinh, Luận của Phật và do lý-luận mà biết được thức A-đà-na. 

       Như đoạn văn trước, dẫn trong Thành Duy-thức luận nói:  “Có cái công-năng duy-trì sự kết nối đời sau”, do đó mà suy-xét biết có thức A-đà-na này; hoặc “có công-năng giữ thọ thân-thể và thế-giới”, do đó mà so-sánh biết có thức A-đà-na này; hoặc “có cái công-năng giữ-gìn chủng-tử của các pháp”, do đó mà khảo xét, biết có thức A-đà-na. 

       Những sự hiểu biết về thức A-đà-na đây, là do so-lường suy-luận mà biết, nên không đủ chỉ bày rõ-ràng cái thể của thức này.  Cũng như các nhà Triết-học, chỉ suy-luận âm-thầm, nghĩ-ngợi một cách xa-xăm mà thôi, không có chút gì cụ-thể. 

       Thí như có người chưa từng đến Lô-sơn, chỉ nghe người nói phong-cảnh Lô-sơn; hoặc thấy cái hình chụp các cảnh, rồi phân-biệt: chỗ kia là núi Ðại-lâm, chỗ nọ là núi Ngũ-lão, chỗ đó là núi Cô-lãnh v.v… chỉ do so-lường suy-tưởng mà biết, chớ chưa từng thân-hành đến xem cảnh Lô-sơn. 

       Chữ “Ðại-thánh”, nói chữ “Ðại” là lựa riêng Tiểu-thừa; nói chữ “Thánh” là lựa riêng phàm-phu, tức là chỉ cho bực Bồ-tát từ Sơ-địa sắp lên. 

       “Trí” có hai loại: 1.  “Căn-bản trí”, tức là Như-lý trí (cũng gọi là Vô-phân-biệt trí).  2.  “Hậu-đắc trí”, tức là Như-lượng trí (cũng gọi là Sai-biệt trí). 

       “Hậu-đắc trí”, lại có 2 phần: 1- Tự-trụ hậu-đắc trí; 2- Thiệp-tha hậu-đắc trí.  Thức A-đà-na này, chỉ có trí “Tự-trụ hậu-đắc” mới biết được.  Quả-vị Phật, về “Thân tự thọ dụng” thì dùng “Tự-trụ hậu-đắc trí” (còn Thân tha thọ dụng, thì dùng Thiệp-tha Hậu-đắc trí). 

       Trong bốn trí, mà ba trí trước, tức:  Ðại-viên-cảnh trí, Bình-đẳng-tánh trí và Diệu-quan-sát trí, mỗi trí đều đủ cả hai trí là:  Căn-bản và Hậu-đắc; duy có trí thứ tư là “Thành-sở-tác trí”, thì chỉ có “Hậu-đắc trí” mà không có “Căn-bản trí”; vì không thân chứng được “Chơn-như”. 

       Bồ-tát chỉ dùng cái trí “Tự-trụ hậu-đắc” của Bình-đẳng-tánh trí và Diệu-quan-sát trí mà chứng biết thức A-đà-na này. 

       Thức thứ Bảy, khi chưa chuyển thành trí, thì chỉ duyên kiến-phần của Ðệ-bát thức; khi chuyển thành trí rồi, cũng có thể biết được tất cả pháp; song chỉ biết các pháp đều là thức A-đà-na. 

       Trong Du-dà về phẩm Chơn-thật nói: 

       NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN 

       Bồ-tát ư tự-tánh giả lập; Tầm, Tư duy hữu tự-tánh giả lập dĩ.  Như thật thông đạt liễu tri sắc đẳng tưởng sự trung, duy tự-tánh giả lập; phi bỉ sự tự-tánh nhi tợ bỉ sự tự-tánh hiển hiện”. 

       DỊCH NGHĨA 

       “Bồ-tát ở nơi tự-tánh giả lập; Tầm, Tư chỉ có tự-tánh giả lập mà thôi.  Như thật thông-suốt rõ biết sắc v.v… trong sự tưởng-tượng, duy tự-tánh giả lập, không phải cái sự tự-tánh kia, mà in như cái sự tự-tánh kia hiển-hiện”. 

       Nếu lìa được cái sự tự-tánh giả lập, tức là Bồ-tát an-trụ nơi Như-huyễn Tam-ma-địa; lúc bấy giờ các pháp sở-duyên (bị biết) đều như cảnh huyễn, Duy-thức biến-hiện.  Bởi thế nên kinh nói:  “Biển Tàng-thức thường-trụ” (Tàng-thức hải thường-trụ).

       Ðến quả-vị Phật, được viên-mãn thành-tựu bốn trí, mới hay hiểu-biết rốt-ráo cùng tận thức A-đà-na này; do an-trụ nơi Hải-ấn tam-muội, mới hay rõ biết khắp giáp các pháp “Như-huyễn bất không”. 

       Ở đây tôi chỉ lược nói Bồ-tát dùng trí Tư-trụ hậu-đắc, chứng biết được thức A-đà-na; nếu quí vị muốn hiểu-biết rõ-ràng, xin chờ dịp khác. 

2.      Trí căn-bản duyên cảnh “Chơn-như”. 

       Ðoạn trên chỉ cái thể của A-đà-na thức, tức là chỉ cái “thể” ở nơi sự-tướng, không phải cái “thể” của thể-tánh (chơn-như); nên trong Luận nói: “Hiện ra tương tợ như cái thể kia, mà không phải là cái thể kia”.  Rõ biết được thể-tánh chơn-như, thì chỉ có căn-bản trí. 

       Chỉ căn-bản trí mới chứng biết được vô-tướng chơn-như; cũng như nhà Vật-chất học nói: Toàn cả vũ-trụ chỉ là vật-chất (nguyên chất); còn nhà Sanh-vật học nói là Sanh-cơ v.v…  Bởi thế nên sách chép: “Người nhân thì thấy là nhân; kẻ trí lại thấy là trí”.  Trí Tự-trụ hậu-đắc biết thức A-đà-na, thì tất cả pháp đều thức A-đà-na; Trí Căn-bản biết chơn-như, thì tất cả pháp đều là chơn-như. 

3.      Trí Thiệp-tha hậu-đắc, duyên cảnh các pháp nhiễm và tịnh. 

       Phật, Bồ-tát này đối với Phật, Bồ-tát kia, hay đối với các chúng-sanh cùng nhau giao-thiệp, cho đến lập ra Tứ-nhiếp pháp, Lục-độ v.v… tất cả các pháp thiện xảo, đều dùng trí “Thiệp-tha hậu-đắc” này mà lập ra.  Nhờ trí này mà rõ biết được các pháp Thánh, Phàm; nào mình nào người, nào nhiễm tịnh và biết được tánh ham-muốn của mỗi chúng-sanh không đồng, rồi cùng với chúng giao-thiệp và tùy theo căn-cơ giáo-hóa.  Cũng do trí này, nên có Bồ-tát thượng cầu Phật-đạo, hạ hóa hữu-tình và Như-Lai hiện thân nói pháp.  Tuy phân-biệt các pháp tự, tha, nhiễm, tịnh, song cũng tức khi đó rõ biết các pháp đều như huyễn như hóa, Duy-thức biến hiện. 

4.      Trí của Tiểu-thừa, duyên cảnh Tứ-đế, các pháp nhiễm và tịnh. 

       Thinh-văn tu pháp Tứ-đế, Duyên-giác quán 12 Nhơn-duyên, chứng được Sanh-không chơn-như (ngã không).  Hai vị này tuy đều chứng vô-ngã, nhưng còn pháp chấp: chấp thật có bốn đế, pháp Nhiễm (khổ, tập) để trừ, pháp Tịnh (diệt, đạo) để chứng; không bằng Bồ-tát rõ biết các pháp đều Duy-tâm biến hiện. 

       Cảnh-giới Nhơn-không của Nhị-thừa, chư Phật và Bồ-tát cũng đã chứng biết. 

5.      Trí của chúng-sanh (Dị-sanh), tùy theo mỗi loài mà tự duyên cảnh vũ-trụ, vật ngã của mình.

       Trí (thức) của chúng-sanh (Dị-sanh) trong ba cõi sáu đường, tức là các hữu-lậu hư-vọng phân-biệt thuộc về hai chấp (ngã chấp, pháp chấp) và tương-ưng với hai chướng (phiền-não chướng và sở-tri chướng); tùy theo nghiệp-báo sanh làm loài nào, thì hiện ra vũ-trụ vật ngã của loài đó.  Vũ-trụ vật ngã của loài này, không phải của loài kia; vũ-trụ vật ngã của loài kia, không phải của loài này.  Như đồng một sông Hằng, mà người thấy nước, ngạ-quỉ thấy lửa, còn trời lại thấy ngọc lưu-ly.  Bởi thế nên trong kinh Lăng-nghiêm chép: “Tùy theo nghiệp-báo của chúng-sanh đó như thế nào, thì tâm nó hiện ra cảnh-vật như thế ấy, y theo sự hiểu-biết của chúng” (Tùy Dị-sanh tâm, ứng sở tri lượng, tuần nghiệp phát hiện). 

       Chúng-sanh không biết các cảnh thế-gian đều duy-tâm biến-hiện, nên tùy theo mỗi loài, khởi ra tánh “Biến-kế”, chấp cái “tướng” rồi đặt cái “tên”; gọi thế này là “Ngã”, chấp thế kia là “Pháp”.  Bởi thế nên tùy theo mỗi loại, đều có mỗi vũ-trụ, vật ngã khác nhau; song đều là cảnh bị biết do trí hư-vọng phân-biệt của chúng-sanh (Dị-sanh). 

       Từ trước đến nay, chỉ căn-cứ theo 5 cái trí hiểu-biết của Thánh, Phàm mà phân-biệt có 5 lớp.  Nếu rời các trí phân-biệt này, thì không còn danh-từ gì có thể gọi được, không thể an-lập và cũng không thể đặt bày ra như thế nào được cả; chỉ gắng-gượng gọi là “Nhứt nhơn pháp-giới” mà thôi.  Ðến cảnh-giới này không còn nói-năng và suy-nghĩ được nữa (Ngôn-ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt).

V.  HỘI CÁC TÊN ÐỂ GIẢI-THÍCH 

       Thức A-đà-na là cảnh bị duyên của trí “Tự-trụ hậu-đắc”.  Bởi theo mỗi khía cạnh của thức này, nên đặt ra có rất nhiều tên.  Nay hội các tên lại để giải-thích. 

       Thức này vì chứa đựng chủng-tử của các pháp tạp-nhiễm, nên gọi là “A-lại-da”.  Vì bị nghiệp thiện và ác đời trước kéo dẫn đi lãnh thọ báo-thân Dị-thục đời sau, nên gọi là “Dị-thục thức”.  Vì làm nhơn-duyên sanh các pháp như huyễn; và Ngã, Pháp của chúng-sanh chấp, đều do thức này biến hiện, nên gọi “Sơ-năng-biến”.  Khi chứng đặng Bồ-đề Niết-bàn thành Như-Lai, thì thức này chuyển phần tạp-nhiễm đổi lại thành Vô-cấu thanh-tịnh, nên gọi là “Yêm-ma-la thức”.  Vì có công-năng chứa nhóm (tích-tập) chủng-tử các pháp và phân-biệt, nên gọi là “Tâm”.  Vì làm căn-bản của các pháp nhiễm tịnh, nên gọi là “Căn-bản thức”.  Trong các thức, thức này đứng về thứ Tám, nên gọi là “Ðệ-bát thức”.  Vì chứa chủng-tử của tất cả pháp, nên gọi “Nhứt-thế-chủng thức”.  Khi chưa lìa được các pháp tạp-nhiễm thì “Như-lai vô-cấu thức” bị vô-minh tạp-nhiễm che giấu, nên gọi là “Như-lai-tàng”. 

       Tóm lại, vì thức này có nhiều nhiệm-vụ, nên có nhiều danh-nghĩa khác nhau. 

VI.  CHỈ NHỮNG CHỖ SAI-LẦM

       Các nhà phiên-dịch và chú-giải, vì không rõ thức A-đà-na này, nên trong những kinh luận đã dịch có nhiều chỗ sai lầm, không thể kể xiết.  Trong Nhiếp-đại-thừa luận, có cái thí-dụ “người mù rờ voi” tức là nói bởi không rõ thức này, nên sanh ra các món vọng-chấp. 

       Nay chỉ căn-cứ trong những kinh luận Ðại-thừa, nói về thức A-đà-na này, để biện-minh một vài đoạn. 

       1.  Ðời Bắc-ngụy, Ngài Bồ-đề Lưu-Chi dịch bộ luận Hoa-nghiêm Thập-địa kinh, rồi y theo luận này lập ra Tôn Ðịa-luận.  Trong Tôn này, nhơn thấy thức A-đà-na có nghĩa “chấp-trì” (nắm giữ) rồi lầm với thức thứ Bảy là thức chấp-ngã; không biết nghĩa “chấp-trì” của thức A-đà-na là chấp-trì (giữ gìn) chủng-tử, căn-thân và thế-giới, không cho mất; cái “chấp” này so với cái “chấp-ngã” của thức thứ Bảy khác nhau. 

       Lầm thức A-đà-na với thức thứ Bảy là cái lầm rất to!  Cái lầm này lưu truyền lâu đời cho đến thành sách, nên trong sách vở của Thiên-Thai tôn thường thấy dẫn ra. 

       Bởi trải qua thời-gian lâu đời, cho đến các bực Ðại-đức tiền-bối cũng thừa-kế nhau dùng, nên những nhà học-giả đời sau không biết lấy đâu để quyết định phải quấy!  Hôm nay biết được sự sai lầm ấy do phiên-dịch, thì học-giả hết nghi-ngờ. 

       2.  Trong Tôn Ðịa-luận, còn cái lầm thứ hai, là nói “thức thứ Tám là thuần-tịnh, thức thứ Bảy là nhiễm-ô; khi chuyển thức thành trí, là diệt 7 thức nhiễm-ô trước thành thức thứ Tám thuần-tịnh”. 

       Cái sai lầm này vẫn còn thừa-kế đến ngày nay, cứ lưu-truyền cho rằng diệt 7 thức trước, hoặc 6 thức trước v.v…  Như khẩu đầu thiền.  Chỗ này rất nên đem ra để phá trừ. 

       Chư Phật và Bồ-tát dùng Căn-bản trí, thân chứng chơn-như.  Cảnh-giới này rất thâm-thúy và tế-nhị, không thể nói-năng và suy-nghĩ được.  Như bên Thiền-tôn gọi: “Ðầu non thứ nhứt không cho nói-năng và hiểu-biết” (Ðệ nhứt phong đầu, bất dung hoại hội). 

       Về các pháp duyên-khởi, như Pháp-giới duyên-khởi, A-lại-da duyên-khởi v.v… đều từ trí Hậu-đắc mà đặt để lập ra.  Như bên Thiền-tôn nói: “Ðầu non thứ hai, mới khá thương-lượng” (Ðệ nhị phong đầu, lược khả thương-lượng). 

       Duy có Phật, thức thứ Tám mới được thuần-tịnh; còn từ Bồ-tát sắp xuống thì thức thứ Tám chưa rời nhiễm.  Nếu thức thứ Tám thuần-tịnh, thì các pháp duyên-khởi tạp-nhiễm không thành (vì không có cái gì để chứa giữ các chủng-tử tạp-nhiễm). 

       Nếu nói “do 7 thức trước tạp-nhiễm chứa giữ chủng-tử, nên các pháp tạp-nhiễm hiện-hành được thành-tựu”.  Nói như vậy cũng không hợp lý; vì 7 thức trước không thể giữ-gìn chủng-tử của các pháp được.  Các pháp không chủng-tử, thì không thể sanh được.  Nếu chấp “vô nhơn sanh” (không có nguyên-nhơn mà được sanh) là theo ngoại-đạo, chớ không phải Phật-tử. 

       Lại nữa, nếu chấp như thế thì chư Phật không đủ bốn trí, vì diệt 7 thức tạp-nhiễm trước, mà thành thức thứ Tám thanh-tịnh, thì không có Diệu-quan-sát trí hoặc Bình-đẳng-tánh trí v.v… 

       Bởi những lẽ trên, nên ngoài Phật ra, từ Bồ-tát sắp xuống, thì thức thứ Tám chẳng được thuần-tịnh, chỉ là “vô-phú, vô-ký”; phải như thế mới hợp lý. 

       3.  Ngài Chơn-Ðế Tam-tạng Pháp-sư nói:  “Yêm-ma-la (bạch-tịnh thức) là thức thứ Chín, thức thứ Tám là thức nhiễm tịnh hòa-hiệp; 7 thức trước là thức nhiễm-ô; khi chuyển nhiễm thành tịnh, là diệt hết 7 thức nhiễm-ô trước và diệt luôn một phần nhiễm-ô của thức thứ Tám; lúc bấy giờ chỉ còn phần thanh-tịnh của thức thứ Tám, thành ra thức thứ Chín”.  Thật ra, chẳng qua chỉ bỏ phần tạp-nhiễm của thức thứ Tám, để chứng toàn phần thanh-tịnh của nó mà thôi.  Và cũng không phải diệt toàn thể thức thứ Tám mà có một cái thức khác gọi là thức thứ Chín. 

       Cái sai lầm này do người dịch văn chữ Phạn không rõ nghĩa mà ra. 

       Như ngày nay có người, gọi là bực “Học-giả”, dịch sách vở Duy-thức ở đời Minh và Thanh ra chữ ngoại-quốc, sai lầm rất nhiều.  Song người đời nghe nói “nhà Học-giả”, thì tôn-trọng và đặt hết sự tin-tưởng vào họ, rồi cứ thừa truyền dùng theo, không dám nghĩ đến sai lầm. 

       Gần đây có người dung-hòa cái sai lầm này, lại chia làm Cổ-học và Kim-học.  Thật ra, cổ-học là lối dịch sai lầm, chứ Duy-thức-học chỉ là một, không có Cổ và Kim. 

       Một ông kia y theo Ðại-thừa trang-nghiêm luận, rồi không khéo lập ra Duy-thức cổ-học.  Ông nói rằng: “Cái tên thức thứ Chín của Ngài Chơn-Ðế nói đó, là y theo Chơn-như mà lập ra”. 

       Song “chơn-như” là thật-tánh của thức; vì thật-tánh của thức nên giả gọi (tạm gọi) là thức, cũng tạm không; nhưng không được gọi “chơn-như” là Yêm-ma-la thức (Bạch-tịnh thức).

       Khảo xét theo văn bài tụng của kinh Như-Lai xuất-hiện công-đức, thì thức Yêm-ma-la là chỉ cho phần thanh-tịnh của thức thứ Tám, chớ không phải chơn-như và cũng không thể riêng gọi là thức thứ Chín.  Bởi thế nên không bằng y theo kinh Lăng-già lập cái “Chơn-tướng thức” là thức thứ Ch’n.  Bởi vì cái “Chơn-tướng thức” trong kinh Lăng-già nói đó, tức là “chơn-như” vậy. 

       Ngài Chơn-Ðế cho “Yêm-ma-la” là thức thứ Chín, không phải Ngài chỉ “tánh chơn-như bình-đẳng khắp tất cả pháp” làm thức thứ Tám; mà Ngài chỉ bảo riêng phần thanh-tịnh của thức thứ Tám, là thức thứ Chín, nên không đúng. 

       Trong Ma-ha-diễn thích luận, nói có mười món thức, mà Yêm-ma-la là thức thứ Chín và Kiên-thật-tâm là thức thứ Mười.  Trong đó cũng y thoe phần thanh-tịnh của thức thứ Tám rồi giả đặt ra thức thứ Chín và y theo “chơn-như” rồi giả đặt làm thức thứ Mười đó thôi. 

       Một ông khác dẫn trong Phật-địa kinh luận, để giải-nghĩa bài tụng trong Công-đức kinh, lại nói “Ðại-viên-cảnh trí là phần thanh-tịnh của thức thứ Tám, cùng với thức Yêm-ma-la là thứ Chín, hiệp nhau”.  Song xét theo văn bài tụng, thì không phải như vậy. 

       NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN 

               Như-Lai vô-cấu thức

               Thị tịnh vô-lậu giới

               Giải-thoát nhứt thế chướng

               Viên-cảnh trí tương-ưng 

       Nghĩa là:  Thức vô-cấu của Như-Lai là cảnh-giới vô-lậu thanh-tịnh; giải-thoát tất cả chướng, hiệp với trí Ðại-viên-cảnh. 

       Bài tụng này nói “Thức vô-cấu của Như-Lai”, tức là chỉ cho phần thanh-tịnh Tâm-vương, Tâm-sở của thức thứ Tám; còn nói “Viên-cảnh-trí”, tức là chỉ cho cái “Trí” tương-ưng với thức này.  Do phần thanh-tịnh của thức thứ Tám, đã giải-thoát tất cả chướng, nên cùng với “Trí” hiệp nhau. 

       Tuy nói rằng:  “Cùng với trí hiệp nhau”, mà thật ra thì phần thanh-tịnh của thức thứ Tám với Thiện tâm-sở v.v… mà thôi; song vì cái “trí” thù-thắng, nên nói “cùng trí hiệp nhau” vậy. 

       Trong Phật-địa kinh luận, hiệp chung thanh-tịnh tâm-vương, tâm-sở của thức thứ Tám, gọi là “Ðại-viên-cảnh tâm”, chẳng phải nói “cùng với chơn-như hay thức thứ Tám hiệp nhau” vậy. 

VII.  LẬP TÔN 

       Ðiểm đặc-biệt thù-thắng của Duy-thức-tôn là ở nơi thức thứ Tám.  Nếu rõ được thức A-đà-na này, tức là rõ biết được “tất cả pháp Duy-thức”.  Bởi thế nên luận này lấy việc “nói rõ tất cả pháp Duy-thức” làm tôn. 

       Lại nữa, có thể nhơn đây mà thành-lập tôn “Nhứt thế pháp như huyễn”; vì tất cả pháp đều Duy-thức hiện ra vậy.  Căn-cứ theo thức thứ Tám, để thành-lập “tôn Duy-thức”, đã nói nhiều trong Nhiếp Ðại-thừa luận và Thành Duy-thức luận. 

VIII.  CÔNG-DỤNG CỦA LUẬN NÀY 

       Nếu y theo Ngã, Pháp của tánh “Biến kế sở chấp” mà nói, thì chỉ có ngăn-ngừa phá chấp mà thôi; khi ngã-chấp và pháp-chấp hết rồi thì chứng được quả Bồ-đề; như trong Bát-nhã và Tam-luận-tôn (không tôn) không thành-lập một pháp gì cả. 

       Song, nếu đối với kẻ kém trí, thì lại mắc về “chấp không” nên cũng không thể thấu suốt được “thật-tướng” của các pháp.  Như các Tổ ở Thiền-tôn, chỉ đề-xướng “chứng căn-bản trí”, nếu ai ngộ được thì ngộ, bằng không ngộ được thì thôi, chớ không có quyền biến khai thị phương-tiện.  Như thế cũng mất một phần nào trong công việc độ-sanh của Bồ-tát. 

       Còn Hiền-thủ tôn v.v… (Hoa-nghiêm tôn) thì nói cảnh, trí của Như-Lai rất là viên-dung mầu-nhiệm; như thế cũng mắc về chỗ hư-vô huyền-diệu. 

       Công-dụng thù-thắng của Luận này, là chỉ thẳng vào tâm con người, để nói rõ thức A-đà-na.  Thức này thông cả Thánh, Phàm; ở nơi người và cũng tức là người.  Luận này chỉ tất cả pháp do thức này biến-hiện, nên khiến cho người không chấp tổn-giảm (bớt).  Bởi tất cả pháp Duy-thức biến-hiện, như huyễn như hóa, nên cũng khiến cho người không chấp tăng-ích (thêm). 

       Tóm lại, đại dụng của bổn luận này là ngăn-ngừa và pháp trừ hai cái chấp: Tăng-ích (thêm : có) và tổn-giảm (bớt : không) khiến cho người ngộ nhập tánh Duy-thức phi-hữu phi-vô. 

Dịch xong tại chùa Phật-Quang Trà-Ôn

Tiết Trung-thu năm Canh-Tý (1960)

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ IX (Phần 2))
BÀI THỨ 01: DUY THỨC TAM THẬP TỤNG DỊ GIẢI
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712