Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

Bài Thứ 03: Chương Phổ Nhãn

BÀI THỨ BA 

III.- CHƯƠNG PHỔ NHÃN

 1.- NGÀI PHỔ NHÃN HỎI PHẬT 

Khi ấy Ngài Phổ Nhãn Bồ tát, ở trong đại chúng đứng dậy đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, rồi chắp tay đảnh lễ và quỳ thẳng bạch rằng: 

-                 Bạch đức Đại bi Thế Tôn, xin ngài vì các vị Bồ tát ở trong hội nầy và tất cả chúng sanh đời sau, giảng dạy thứ lớp tu hành của Bồ tát. 

-                 Bạch Thế Tôn, như chúng sanh kia, khi nghe Phật nói pháp “ly huyễn tam muội” nầy, tâm sanh mê muội, vì không biết làm sao để hạ thủ công phu.  Vậy, nếu không có phương tiện chơn chánh, thì không thể ngộ nhập được Viên Giác. 

-                 Xin ngài mở lòng từ bi, vì những người chưa ngộ như chúng con hiện tại và các chúng sanh đời sau, tạm lập ra các phương tiện: phải tu hành thế nào? phải suy nghĩ (tư duy) làm sao? phải an trụ và giữ gìn (trụ trì) thế nào mới ngộ nhận Viên Giác?  

Ngài Phổ Nhãn Bồ tát thưa thỉnh như vậy ba lần, kính cẩn lễ Phật rồi trở lui. 

LƯỢC GIẢI

Đọan trước Ngài Phổ Hiền Bồ tát hỏi Phật, ý hỏi rất u thâm. 

Phật xứng theo lý Viên đốn mà trả lời rằng: “Giác ngộ, không có từng tự; biết huyễn là lìa được huyễn, không cần phương tiện.” 

Ngài Phổ Nhãn Bồ tát, vì thấy Phật nói Pháp môn “Viên đốn” như thế, nghĩ rằng: duy có những người trình độ cao thượng mới có thể làm được; trái lại những kẻ căn cơ thấp kém, nếu không có tạm lập phương tiện và chỉ dạy thứ lớp tu hành thì làm sao ngộ nhập được.  Vì vậy, nên qua chương nầy Ngài Phổ Nhãn Bồ tát cầu Phật tạm lập phương tiện và chỉ dạy thứ lớp tu hành, để cho chúng sanh có thể hạ thủ công phu, được nhập Viên Giác. 

Tóm lại các câu hỏi của Ngài Phổ Nhãn hỏi Phật, gồm trong hai phần: 

1.      Hỏi về “Tư Huệ.”  Tức là câu hỏi “Phải suy nghĩ thế nào cho chơn chánh?”

2.      Hỏi về “Tu Huệ.”  Tức là câu hỏi “Phải an trụ và giữ gìn thế nào?  Tạm lập phương tiện tu hành và thứ lớp tu làm sao, mới ngộ nhập được Viên Giác?” 

2.- PHẬT KHEN NGÀI PHỔ NHÃN 

Khi đó đức Thế Tôn khen ngài Phổ Nhãn Bồ tát và dạy rằng: 

-                 Nầy Thiện nam, quí lắm!  Ông vì các vị Bồ tát hiện tại và chúng sanh đời sau, cầu thỉnh Như Lai tạm lập phương tiện tu hành và chỉ dạy thứ lớp tu làm sao, phải suy nghĩ làm sao cho chơn chánh (tư huệ,) phải an trụ và giữ gìn thế nào (tu huệ.)  Vậy các ông nên chăm chú nghe, ta sẽ vì các ông khai thị. 

Khi đó Ngài Phổ Nhãn Bồ tát và đại chúng đều hoan hỷ, kính cẩn và chăm chú nghe lời Phật chỉ giáo. 

LƯỢC GIẢI

Đoạn nầy Phật khen Ngài Phổ Nhãn vì đại chúng cầu Phật tạm lập phương tiện tu hành để nhập Viên Giác.  Trong câu hỏi gồm có hai phần: 1.- Hỏi về Tư Huệ  2.- Hỏi về Tu Huệ. 

3.- PHẬT DẠY PHƯƠNG PHÁP TU 

-                 Nầy Thiện nam, những hàng sơ học Bồ tát và các chúng sanh đời sau, muốn ngộ nhập tâm Viên Giác thanh tịnh của Như Lai, thì cần phải chánh niệm (1), và xa lìa các vọng huyễn.  Vậy trước hết phải: 

1.      Y theo pháp “chỉ” của Như Lai (Đại thừa định).

2.      Giữ gìn giới cấm kiên cố.

3.      Sắp xếp đồ chúng cho yên ổn (sắp xếp hoàn cảnh xung quanh cho thuận tiện).

4.      Ở chỗ thanh vắng.

5.      Phải suy nghĩ như sau: 

LƯỢC GIẢI

Tổ sư đã dạy: “Thật tế địa lý bất thọ nhứt trần, Phật sự môn trung bất xả nhứt pháp.”  Nghĩa là: Về chỗ lý tánh tuyệt đối thì không thọ một mảy may gì; nhưng về sự tướng tu hành thì không bỏ một việc lành nào cả. 

Đành rằng, về cảnh giới Viên Giác, chúng ta nói không trúng, suy nghĩ cũng chẳng nhằm; “ngộ giác” không có tiệm thứ “rời huyễn” chẳng cần phương tiện; nhưng khi hạ thủ công phu (bắt tay vào việc tu hành) thì không thể bỏ qua các sự tướng tu trì. 

Đại ý đoạn nầy Phật dạy khi hạ thủ công phu trước phải dùng: 1.- Giới, 2.- Định (chỉ), 3.- Huệ (tức là câu “thường suy nghĩ như vầy” ở đoạn sau), 4.- Sắp xếp các ngoại duyên cho được yên ổn. 

Trong chương Phổ Hiền, Phật dạy: “Biết huyễn là lìa được huyễn, không cần phương tiện, chẳng có tiệm thứ.”  Đồng với trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “bất tùy phân biệt” (không theo trần cảnh khởi vọng niệm phân biệt). 

Đoạn kinh nầy, Phật dạy phải dùng: “Giới, Định, Huệ, và sắp xếp các ngoại duyên cho được thuận tiện”.  Cũng như trong Đại Cương Lăng Nghiêm về bài thứ 12, Phật dạy tu “Giới, Định, Huệ” và “ba món tiệm thứ”. 

(1) Chữ “Chánh niệm” là niệm chơn chánh.  Trong Viên Giác lược sớ giải” Rời các vọng huyễn, dứt hết các vọng niệm, thế mới là “chánh niệm.”

4.- PHẬT DẠY QUÁN THÂN NẦY NHƯ HUYỄN 

-                 Phải thường nhớ nghĩ như vầy: Cái thân của ta nay đây, là do bốn chất: đất, nước, gió, lửa hòa hiệp.  Như da, thịt, gân, xương, răng, tóc, móng tay, tủy, nảo v.v… là thuộc về chất đất; nước mắt, nước mũi, mồ hôi, mỡ, máu, mũ, đờm, dải, tiểu tiện v.v… là thuộc về nước; nhiệt độ trong người là thuộc về lửa; phổi hô hấp, tim đập, mạch chảy, các chuyển động trong người là thuộc về gió. 

-                 Đến khi bốn chất nầy rã rời, không còn hòa hợp nữa, thì cái thân hư dối nầy (cái ta) ở chỗ nào? 

LƯỢC GIẢI

Người đời, ai cũng chấp thân nầy là ta, rồi thương yêu quí trọng nó, cho nên suốt đời lao tâm nhọc trí, vật lộn với vật chất một cách vất vã, cũng vì lo cho ta ăn, mặc và ở v.v…  Lo cho ta rồi lo cho bà con quyến thuộc của ta, lo cả cho đồng bào chủng loại của ta. 

Nếu ta được là người mất, đồng bào ta được thì đồng bào người phải mất.  Vì vậy mà thế giới cạnh tranh, nhơn loại tương tàn, tương sát.  Chúng sanh tạo không biết bao nhiêu điều tội lỗi, rồi vĩnh viễn kiếp luân hồi. 

Bởi thế nên đoạn nầy Phật dạy, khi hạ thủ công phu là quán thân như huyễn (vô ngã.)  Khi đã thấy xác thịt thân nầy là hư huyễn rồi thì không còn tham lam luyến ái, vì nó mà tạo ra các tội lỗi để thọ quả báo sanh tử luân hồi. 

Muốn cho đọc giả thưởng thức được lý thú ở đoạn nầy nên tôi dẫn một đoạn trong bài thơ “nguyện cầu” của một Thi sĩ sau đây: 

Ta còn để lại gì không?

Kìa non nước chảy, nọ song cát bồi!

Lang thang từ độ luân hồi,

U minh nẻo trước, xa khơi dặm về,

Trông ra bến thảm bờ mê,

Nghìn thu nửa khớp, bốn bề một phương.

Ta van cát bụi trên đường,

Dù nhơ dù sạch, đừng vương gót nầy. 

5.- PHẬT DẠY QUÁN TÂM NHƯ HUYỄN 

-                 Nầy Thiện nam! Ông đã biết thân nầy rốt ráo không thật có, chẳng qua do các duyên hòa hiệp làm ra thân tướng giả tạm, đồng với loại huyễn hóa.

-                 Do bốn duyên là đất, nước, gió, lửa hòa hợp, nên vọng có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.  Nhơn bốn duyên và sáu căn, trong ngoài hợp lại thành cái thân giả tạm, rồi vọng khởi ra các vọng tưởng phân biệt.  Các vọng tưởng phân biệt tích tụ trong thân nầy in như có cái hình tướng “năng duyên,” duyên theo bóng dáng của trần cảnh, nên giả gọi đó là “Tâm.” 

-                 Nầy Thiện nam!  Cái tâm hư vọng phân biệt nầy, nếu không có trần cảnh thì không còn phân biệt được cái gì cả.  Lại nữa, khi bốn duyên (tứ đại) rã rời rồi, thì thân giả tạm nầy cũng không còn.  Lúc bấy giờ, cái vọng niệm phân biệt bị tích tụ trong thân thường duyên theo bóng dáng của sáu trần đó, cũng bị phân tán.  Rốt cuộc rồi không còn thấy có cái gì mà gọi là “Tâm” cả. 

LƯỢC GIẢI

Về chương Văn Thù, Phổ Hiền, Phật dạy quán “Cảnh như huyễn,” đến chương Phổ Nhãn nầy, trước Phật dạy quán “Thân như huyễn” rồi sau quán “Tâm như huyễn” là vì lối tu hành phải bắt đầu từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu.  Trước quán “Cảnh như huyễn” tuy khó, nhưng chưa khó lắm, đến quán “Thân như huyễn” mới khó hơn.  Đi sâu vô một từng nữa là quán “Tâm như huyễn” lại càng khó hơn nữa. 

Đại ý đoạn nầy, Phật dạy quán “Tâm như huyễn: không có thật thể.  -Người đời thường chấp tâm nầy (linh hồn) là ta, cái ta nầy thường còn không biến đổi; nếu ta (linh hồn) là người thì khi chết rồi trở lại làm người; còn ta là thánh thì chết rồi trở lại làm thánh, không có thay đổi; người có tu cũng vậy, không tu cũng vậy.  Bởi chấp như thế, nên họ không sợ tội lỗi, chẳng ham phước lành, gây tạo nhiều tội ác rồi nhiều kiếp trầm luân, chịu không biết bao nhiêu khổ sở! 

Vì thương kẻ mê lầm nầy, nên Phật dạy quán “Tâm như huyễn.”  Khi hành giả quán thân và tâm (linh hồn) đều như huyễn, không phải thật ngã (ta) một cách xác thật rồi, thì không còn vì nó mà tạo các tội lỗi.  Tội lỗi không tạo, vọng niệm chẳng sanh, huyễn thân và huyễn tâm đều dứt hết, thì tánh Viên Giác thanh tịnh không hư huyễn hiện ra, lúc bấy giờ hành giả ra khỏi sanh tử luân hồi. 

6.- HUYỄN HẾT THÌ CHƠN HIỆN, NHƯ BỤI SẠCH THÌ GƯƠNG SÁNG 

-                 Nầy Thiện nam! Vì “huyễn thân” của chúng sanh kia diệt, cho nên “huyễn tâm” cũng diệt; do “huyễn tâm” diệt, cho nên “huyễn trần” cũng diệt; do “huyễn trần” diệt, nên cái “huyễn diệt” đó cũng diệt luôn.  Bởi thân tâm là tướng trần cấu hư huyễn đã hoàn toàn diệt, nên lúc bấy giờ tánh “Viên Giác phi huyễn” hiện ra, thanh tịnh khắp cả mười phương.  Thí như lau gương, khi bụi hết thì gương sáng tự hiện bày.

LƯỢC GIẢI

Đại ý đoạn nầy Phật dạy các huyễn tuần tự diệt.  Có năm lớp:  

1.      Huyễn Thân diệt.

2.      Huyễn Tâm diệt.

3.      Huyễn Trần (pháp) diệt.

4.      Huyễn Trí diệt.

5.      Phi Huyễn (Viên Giác) hiện. 

Như lau gương sạch bụi thì ánh sáng hiện ra. 

7.- DÙNG NGỌC MA-NI DỤ TÁNH VIÊN GIÁC 

-                 Nầy Thiện nam!  Dụ như ngọc Ma-ni trong sáng, tùy mỗi phương chiếu hiện ra năm màu; nhưng người quê mùa không biết, cho năm màu (dụ cho ngũ uẩn) kia là thật có. 

-                 Tánh Viên Giác thanh tịnh cũng thể, tùy các loài mà ứng hiện ra mỗi thân tâm (ngũ uẩn) không đồng.  Những kẻ mê muội lại chấp cho thân tâm đó là thật có, vì thế nên không thể xa lìa được các tướng huyễn hóa hư vọng. 

LƯỢC GIẢI

 Luận về “bản tánh Viên Giác” thì sáng suốt thanh tịnh không có một mảy trần, tức là nghĩa “Chơn không”; nhưng theo nghiệp mà biến hiện, không một loài vật nào chẳng có, tuy có mà không thật, có tức là nghĩa “Diệu hữu.” 

Tánh Viên Giác không hai, nhưng tùy theo vọng nghiệp của mỗi loài mà biến hiện các vật ngàn sai muôn khác.  Người khéo dùng thì nó hiện ra Tứ Thánh (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật).  Kẻ vụng dùng thì nó hiện ra lục phàm (Thiên, Nhơn, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sanh).  Cũng như trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dùng giây đờn thí dụ:  Trong giây đờn không có tiếng hay tiếng dở; tùy người biết sử dụng thì nó phát ra tiếng hay, còn người không biết sử dụng thì nó phát ra tiếng dở.  Cũng một giây đờn đó, hay dở chỉ tại người khéo hay vụng mà thôi. 

Đoạn kinh trên nói: “Ngọc Ma-ni trong suốt” là dụ cho tánh “Viên Giác thanh tịnh”; nói “Ngọc Ma-ni tùy mỗi phía hiện ra ngũ sắc” là dụ tánh “Viên Giác tùy mỗi loài hiện thân ngũ uẩn.”

Đại ý đoạn nầy nói: Trong ngọc Ma-ni trong suốt không có ngũ sắc, nhưng vì tùy mỗi phương, ánh chiếu in như có ngũ sắc.  Trẻ con không biết, lầm tưởng ngũ sắc kia là có thật, rồi sanh tâm tham muốn khóc đòi v.v… chớ đâu biết rằng “ngũ sắc” kia không thật.  Cũng như trong tánh Viên Giác thanh tịnh không có ngũ uẩn, nhưng tùy theo nghiệp chúng sanh vọng thấy in như có năm uẩn.  Chúng sanh mê muội không biết hư huyễn, lại chấp cho là thật có, rồi sanh tham mê ái luyến, tạo ra các nghiệp.  Vì thế mà bị triền miên trong sanh tử, không bao giờ ra khỏi các vọng huyễn. 

8.- VÌ CÓ KẺ LÌA HUYỄN VÀ NGƯỜI CHƯA LÌA ĐƯỢC NÊN PHÂN CÓ THÁNH VÀ PHÀM 

-                 Nầy Thiện nam! Bởi đối với những kẻ mê muội chấp thân tâm huyễn cấu nầy là thật có, không thể xa lìa được, nên ta gọi đó là chúng sanh. 

-                 Đối với người đã xa kìa được thân tâm cấu huyễn thì ta gọi đó là Bồ tát.  Đến khi các “huyễn cấu” hết, “pháp đối trị” trừ, “trí đối trị” cũng không, cho đến không còn cái danh từ để kêu gọi, và lời nói để luận bàn (người không cảnh vắng, các vọng hoàn toàn diệt, thì tạm gọi là Viên Giác hay Phật). 

-                 Nầy Thiện nam! Các Bồ tát và chúng sanh đời sau, khi diệt hết các ảnh tượng vọng huyễn rồi thì tánh “Viên Giác thanh tịnh” hiện ra khắp cả vô biên hư không, không có ngăn mé và phương hướng. 

LƯỢC GIẢI

 Những người mê muội, không biết các pháp đều do tánh Viên Giác huyễn hiện, lại chấp cho là thật có, rồi sanh ra ái luyến triền miên, nên Phật gọi là “chúng sanh.”  Những người biết được các pháp hư huyễn đều do Viên Giác sanh, đã dùng pháp đối trị và xa lìa, thì Phật gọi đó là “Bồ tát.”  Lên một từng nữa là khi các “cảnh huyễn cấu” hết, “pháp trừ huyễn” không, “trí đối trị” chẳng còn, “danh từ kêu gọi” và “lời nói luận bàn” cũng không, cho đến “người” cũng chẳng còn: cảnh vắng người không.  Như bịnh hết, thuốc bỏ, ông thầy thuốc cũng không còn.  Các vọng huyễn hoàn toàn diệt hết, thì cảnh giới Viên Giác thanh tịnh viên mãn hiện khắp ở mười phương. Lúc bấy giờ tạm gọi là “Phật.” 

9.- VIÊN GIÁC HIỆN THÌ VÁC PHÁP (CĂN, TRẦN, THỨC) ĐỀU THANH TỊNH 

-                 Nầy Thiện nam! Vì tánh Viên Giác thanh tịnh sang suốt đã hiện ra, nên “tâm” thanh tịnh; do Tâm thanh tịnh nên “6 thức” thanh tịnh; do 6 thức thanh tịnh nên “6 căn” thanh tịnh; do 6 căn thanh tịnh nên “6 trần” thanh tịnh; do 6 trần thanh tịnh nên 4 đại, 12 xứ, 18 giới và 25 loài đều thanh tịnh. 

LƯỢC GIẢI

 Đại ý đoạn nầy nói: Vì tánh Viên Giác thanh tịnh đã xuất hiện nên các pháp thuộc về thế gian là Căn, Trần, Thức cũng đều thanh tịnh.  Dụ như trong rừng cây y lan (loại cây hôi,) một phen gỗ cây chiên đàn xuất hiện, thì cả rừng đều thơm ngát. 

               Sáu thức:             Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức.

              Sáu căn:                     Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỹ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn.

               Sáu trần:             Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp.

               Bốn đại:              Địa, Thủy, Hỏa và Phong.

               Mười hai xứ:      Sáu căn và sáu trần.

               Mười tám giới:   6 căn, 6 trần và 6 thức.

               25 loài:               

Cõi dục có 14 loài, là bốn châu (Đông Thắng thần châu, Nam Thiện bộ châu, Tây Ngưu hóa châu, Bắc Cu lô châu), bốn ác thú (Tu la, Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh) và sáu cõi dục (1- Tứ Thiên Vương, 2- Đao lợi, 3- Dạ ma, 4- Đâu suất, 5- Hóa lạc, 6- Tha hóa tự tại.)  Cõi sắc có 7 loài, là bốn cõi thiền (từ Sơ thiền đến Tứ thiền) cõi Phạm vương, cõi Vô tưởng và Ngũ tịnh cư.  Cõi vô sắc có bốn: 1- Không Vô biên xứ, 2- Thức Vô biên xứ, 3- Vô sở hữu xứ, 4- Phi phi tưởng xứ. 

-                 Nầy Thiện nam! Vì các pháp thế gian thanh tịnh, nên các pháp xuất thế gian như: 10 lực, 4 món Vô úy, 4 món Vô ngại trí, 18 pháp Bất cọng, 37 phẩm Trợ đạo và 84000 pháp môn Đà-la-ni, tất cả đều thanh tịnh. 

LƯỢC GIẢI 

Đại ý đoạn nầy nói: Một pháp đã thanh tịnh, nên tất cả các pháp đều thanh tịnh, vì tất cả đều đồng tánh Viên Giác.  Thí như một cục phèn bỏ vào thau nước, một chỗ trong thì cả thau đều trong.

Đoạn trên nói các pháp Thế gian thanh tịnh.  Đoạn nầy nói các pháp Xuất thế gian cũng thanh tịnh. 

Mười Lực: 1- Tri giác xứ phi xứ trí lực.  2- Tri tam thế nghiệp báo chí lực.  3- Tri chư thiền giải thoát tam muội trí lực.  4- Tri chư căn thắng liệt trí lực.  5- Tri chủng chủng giải trí lực.  6- Tri chủng chủng giới trí lực.  7- Tri nhứt thế chí sở đạo trí lực.  8- Tri Thiên nhãn vô ngại trí lực.  9- Tri túc mạng vô lậu trí lực.  10- Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực. 

Bốn món Vô úy:  1- Nhứt thế trí vô sở úy.  2- Lậu tận vô sở úy.  3- Thuyết chướng đạo vô sở úy.  4- Thuyết tận khổ đạo vô sở úy. 

Bốn món Vô ngại trí: 1- Pháp vô ngại trí.  2- Nghĩa vô ngại trí.  3- Từ vô ngại trí.  4- Lạc thuyết vô ngại trí. 

Mười tám pháp bất cọng:  1- Thân vô thất.  2- Khẩu vô thất.  3- Niệm vô thất.  4- Vô dị tưởng.  5- Vô bất định tâm.  6- Vô bất tri dĩ xả.  7- Dục vô diệt.  8- Tinh tấn vô diệt.  9- Niệm vô diệt.  10- Huệ vô diệt.  11- Giải thoát vô diệt.  12- Giải thoát tri kiến vô diệt.  13- Nhứt thế thân nghiệp tùng trí huệ hành.  14- Nhứt thế jkhẩu nghiệp tùng trí huệ hành.  15- Nhứt thế ý nghiệp tùng trí huệ hành.  16- Trí huệ quá khứ thế vô ngại.  17- Trí huệ tri vị lai thế vô ngại.  18- Trí huệ tri hiện tại thế vô ngại. 

Ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo:  (xem trong Phật học Phổ Thông, khóa thứ III trong bài Đạo Đế nói rõ.) 

Đà-La-Ni:  Tàu dịch là “Tổng trì.”  Nghĩa là ở trong mỗi một pháp môn tóm giữ được tất cả Pháp.  Do trừ 84000 phiền não mà được 84000 pháp Đà-La-Ni. 

-                 Nầy Thiện nam! Vì các pháp thế gian và xuất thế gian đều thanh tịnh, nên cá nhân thanh tịnh; do cá nhân đã thanh tịnh nên nhiều cá nhân thanh tịnh, cho đến mười phương chúng sanh đều đặng Viên Giác thanh tịnh. 

LƯỢC GIẢI 

Đoạn nầy nói Chánh báo chúng sanh thanh tịnh.  Vì đã đồng tánh Viên Giác, nên các pháp nói trên đã thanh tịnh, thì nhân chúng sanh cũng thanh tịnh.  Cũng một ý nầy, nhưng có kinh lại nói một cách khác: “Còn một chúng sanh nào chưa thành Phật, thì ta cũng chưa thành Phật”, vì đồng một bản thể như vậy. 

-                 Nầy Thiện nam! Vì một thế giới đã thanh tịnh nên nhiều thế giới cũng thanh tịnh.  Vì nhiều thế giới thanh tịnh nên cùng tận 10 phương hư không (không gian) trùm khắp 3 đời (thời gian), tất cả đều thanh tịnh bình đẳng không động. 

LƯỢC GIẢI 

Đoạn nầy nói Y báo của chúng sanh thanh tịnh.  Vì đồng tánh Viên Giác, nên Chánh báo đã thanh tịnh thì Y báo cũng thanh tịnh.  Cũng như trong nhà tối lâu đời, khi đốt lên ngọn đèn, ánh sáng được xuất hiện, một chỗ vừa sáng thì tất cả chỗ trong nhà đều sáng. 

10.- VÌ THẤY HIỆN TƯỢNG (CÁC PHÁP) BÌNH ĐẲNG NÊN BIẾT BẢN THỂ (VIÊN GIÁC) BÌNH ĐẲNG. 

-                 NầyThiện nam! Hư không đã bình đẳng không động, nên biết tánh Viên Giác bình đẳng không động; vì bốn đại bình đẳng không động, nên biết tánh Viên Giác bình đẳng  không động.  Như thế, cho đến 84000 pháp môn Đà-La-Ni đều bình đẳng không động, nên biết tánh Viên Giác bình đẳng không động. 

LƯỢC GIẢI 

Từ bản thể là tánh Viên Giác, sanh ra các pháp hiện tượng là hư không, bốn đại và thiên hình vạn trạng, cho đến 84000 pháp Đà-La-Ni.  Hiện tượng đã từ bản thể sanh, mà hiện tượng đã bình đẳng không động, cố nhiên bản thể cũng bình đẳng không động. 

11.- BẢN THỂ (TÁNH) KHẮP CẢ 10 PHƯƠNG NÊN HIỆN TƯỢNG KHẮP CẢ 10 PHƯƠNG 

-                 Nầy Thiện nam! Vì tánh Viên Giác thanh tịnh không động, viên mãn cùng khắp tất cả, không có bờ bến, nên biết 6 căn, 6 trần, 4 đại, cho đến pháp môn Đà-La-Ni cũng thanh tịnh và viên mãn khắp giáp cả Pháp giới. 

-                 Nầy Thiện nam! Vì tánh Viên Giác kia mầu nhiệm viên mãn không hoại, nên bản thể của căn, bản thể của trần, không có một pháp nào hoại diệt và lộn lạo; cho đến pháp môn Đà-La-Ni, cũng không có hoại diệt và lộn lạo.  Thí như trăm ngàn ngọn đèn, đồng đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mỗi ngọn đèn tuy đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau. 

LƯỢC GIẢI 

Đoạn nầy có hai phần.  Phần trên nói: Vì bản thể là tánh Viên Giác châu biến, nên hiện tượng là các pháp cũng châu biến.  Đại ý phần nầy giống đoạn văn kinh Hoa Nghiêm, nói về “Sự, Lý vô ngại Pháp giới”.

Phần dưới nói: Vì bản thể không hoại diệt nên tất cả pháp không có một pháp nào hoại diệt.  Thí như trăm ngàn ngọn đèn chiếu trong một căn nhà, không có lộn lạo và hoại diệt nhau. Ý đoạn nầy giống với đoạn văn trong kinh Hoa Nghiêm nói về “Sự, Sự vô ngại Pháp giới”.  Trong kinh Pháp Hoa chép: “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ”.  (Pháp nào an trụ địa vị pháp ấy, Thế gian tướng là thuờng trụ tướng).  Và kinh Lăng Nghiêm có chép: “Tứ đại châu biến, không có hoại diệt và tạp loạn lẫn nhau”. 

12.- VÌ CHỨNG ĐƯỌC VIÊN GIÁC, NÊN THẤY CÁC PHÁP BÌNH ĐẲNG 

-                 Nầy Thiện nam! Vì các Bồ tát thành tựu được tánh Viên Giác rồi, nên không sợ pháp hữu vi ràng buộc, không cầu pháp Vô vi giải thoát, không nhàm chán sanh tử, không ưa thích Niết Bàn, không kính ngưòi trì giới, không ghét người phạm giới, không tôn trọng kẻ tu lâu, chẳng khinh ngưòi mới học.  Tại sao thế? – Vì tất cả các pháp đều là Viên Giác vậy. 

-                 Thí như con mắt xem thấy các cảnh vật hiện tiền, cái “thấy” nầy trùm khắp tất cả, không thương, ghét.  Tại sao thế?  Vì cái “thấy” nầy chỉ có một thể, nên không có thương, ghét vậy. 

LƯỢC GIẢI 

Vì tất cả các pháp đã đồng một tánh Viên Giác, nên Bồ tát bình đẳng: không thương, không ghét, không khinh, không trọng, không sợ sanh tử, chẳng cầu Niết Bàn.  Đoạn nầy lý rất cao thâm, chúng ta không nên đem phàm tình mà phán đoán. 

Ông Thường Bất Khinh Bồ Tát nói: “Tôi không dám khinh các ngài, các ngài sẽ thành Phật, vì các ngài đều có tánh Phật” (khả năng thành Phật). 

Và trong kinh Tứ thập Nhị chương chép… “Cúng dường cho nhiều Đức Phật, công đức không bằng cúng dường cho người Vô niệm, Vô trụ, Vô tu, Vô chứng”.  Đại ý các đoạn kinh trên đây đều nói đến thể tánh bình đẳng nầy. 

13.- CÓ TU VÀ CÓ CHỨNG, MÀ THẬT RA KHÔNG TU VÀ KHÔNG CHỨNG 

-                 Nầy Thiện nam! Các Bồ tát hiện tại và chúng sanh đời sau, tuy tu tập Tâm nầy (Viên Giác) mà được thành tựu (quả Phật) rồi, nhưng thật ra thì không tu và cũng không thành, vì tánh Viên Giác vừa tịch diệt vừa phổ chiếu tất cả, đối với Phật hay chúng sanh, không hai không khác. 

LƯỢC GIẢI 

Phật đã dạy: “Nhứt thế chúng sanh giai hữu Phật tánh”.  Nghĩa là: “Tất cả chúng sanh đều có Tánh Phật (Viên Giác).  Song chúng sanh vì bị mây vô minh che phủ mặt trăng Viên Giác (Phật) của mình, nên in tuồng có mê; bởi in tuồng có mê nên cũng in tuồng có Tu và Chứng.  Đến khi mây vô minh tan hết, thì mặt trăng Viên Giác hiện ra.  Mặt trăng nầy đâu phải bấy giờ mới có, và cũng không phải do dụng công tu hành mới thành, vì nó sẵn có từ vô thỉ đến giờ.  Bởi thế nên nói: “in tuồng có Tu và có Chứng.”  Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, cũng với ý nầy, Phật đã dạy: “…Niệm đến chỗ không niệm mới là chơn niệm, làm đến chỗ không làm mới là thật làm, nói đến chỗ không nói mới thật là nói, tu đến chỗ không tu mới là chơn  tu, chứng đến chỗ không chứng mới là thật chứng…” 

Tuy biết như vậy, nhưng lúc đầu tiên hạ thủ công phu, phải có Tu và Chứng.  Cũng như ông thầy giáo muốn cho cả lớp học được yên lặng, thì phải dùng tiếng động là gõ thước trên bảng.  Khi học trò yên lặng thì tiếng gõ bảng hết, lúc bấy giờ mới đổi lại cảnh yên tịnh được. 

Cũng vì ngộ lý nầy, nên người xưa có làm bài thơ rằng: 

Bách xích can đầu trực hạ thùy,

Nhứt ba tài động vạn ba tùy.

Dạ tịnh thủy hàn ngư bất thực,

Mãn thuyền không tải nguyệt minh qui. 

Ý nghĩa bài thơ nầy, câu thứ nhứt nói: “Nhợ 100 thước trên đầu cần câu, thả thẳng xuống mặt nước.”  Câu thứ hai nói: “Một lượn sóng vừa giợn (động) thì liền có muôn ngàn lược sóng nhấp nhô nổi theo.”  Hai câu nầy ý nói: Khi hạ thủ công phu, lúc đầu tiên thuộc về hữu hướng Tu, còn phải dụng công có Tu có Chứng. 

Câu thứ ba nói: “Đến đêm khuya các tiếng động hết, một bầu tịch mịch thanh vắng, mặt nưóc đông lạnh, bằng phẳng như tờ, cá cũng không ăn mồi”.  Ý nói hành giả lúc bấy giờ đã đi sâu vào chỗ “Tâm cảnh như như, ngã pháp đều không” thuộc về Vô tướng tu, Vô công dụng hạnh. 

Câu thứ tư nói : “Chỉ còn thuyền trống chở ánh sáng mặt trăng về…”  Đại ý câu nầy nói: “Không tâm tải đạo”.  (Tâm trống không, chứa đạo).  Hành giả lúc bấy giờ, tâm thể sáng suốt hiện khắp cả 10 phương (Viên Giác); in tuồng có chứng có đắc mà thật ra không chứng và không đắc. 

14.- SANH TỬ VÀ NIẾT BÀN ĐỀU NHƯ MỘNG, VÌ CHÚNG SANH VỐN ĐÃ THÀNH PHẬT 

-                 Các thế giới của chư Phật, nhiều như số cát sông Hằng, đều ở trong tánh “Viên Giác” nầy.  Cũng như hoa đốm ở trong hư không, mặc tình lăng xăng khởi lên và lăng xăng diệt mất.  Nó không phải “tức” là tánh Viên Giác, mà cũng không phải “ly” tánh Viên Giác; không triền phược và giải thoát.  Bởi thế nên biết “Sanh tử và Niết bàn” cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ. 

LƯƠC GIẢI

Đại ý đoạn nầy nói: tánh Viên Giác thanh tịnh vắng lặng như hư không, nên mặc tình cho các pháp lăng xăng khởi diệt như hoa đốm. 

Niết Bàn là đối với Sanh tử mà có, trong tánh Viên Giác, Sanh tử đã không, cho nên Niết bàn cũng như mộng. 

Đứng về phương diện lý tánh mà luận, thì tất cả chúng sanh đều sẵn có tánh Phật (Viên Giác), nên nói “chúng sanh đã thành Phật từ xưa đến nay”.  Song chúng sanh vì bị mây vô minh che mờ, nên mặt trăng Phật của mình chẳng hiện.  Đến khi được gió Bát Nhã thổi tan mây vô minh rồi, thì trăng Viên Giác (Phật) của mình tự hiện. 

Cũng vì ngộ lý nầy, nên cổ nhơn có làm bài thơ rằng: 

Tòng hạ vấn đồng tử…

Ngôn: Sư thê dược khứ,

Chỉ tại thử sơn trung,

Vân thâm bất kiến xứ. 

Dịch nghĩa:  Dưới cây tong, hỏi Đồng tử…  Đồng tử thưa rằng: “Thầy đi hái thuốc, chỉ ở trong núi nầy thôi, nhưng vì mây đen nên chẳng thấy được.” 

Trong bài thơ nầy, tác giả mượn người khách hỏi Đồng tử để nói về lý đạo. 

Đại ý: Chúng sanh đi tìm Đạo.  Thật ra Đạo Phật không đâu xa, chỉ ở trước mắt.  Nhưng vì chúng sanh bị mây vô minh che mờ, nên chẳng thấy được Đạo Phật. 

Trong kinh có câu “Tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt”: Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai khác.  Hay là câu “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”: Phật pháp tại thế gian, giác ngộ không rời thế gian; cũng là chỉ cho ý nầy.  Bởi chúng sanh và Phật đồng một thể tánh Viên Giác, nên Phật với chúng sanh không hai, triền phược và giải thoát không khác, sanh tử với Niết Bàn như mộng.

15.- CÁC PHÁP BÌNH ĐẲNG 

-                 Nầy Thiện nam! Phải biết sanh tử và Niết Bàn đều như giấc mộng hôm qua, cho nên không có sanh diệt và cũng không có khứ lai.  Ở nơi quả vị sở chứng, không có “được” và “mất” hay “thủ” và “xả.”  Ở nơi người năng chứng cũng không có “tạo tác” và “đình chỉ” hay “sanh” (nhậm) và “diệt”. 

-                 Trong tánh Viên Giác, tất cả các pháp đều bình đẳng, không có hoại diệt.  Rốt ráo không có người năng chứng và quả sở chứng. 

LƯỢC GIẢI 

Trong kinh nói: “Chư pháp tùng bổn lai, thường tư tịch diệt tướng”.  Nghĩa là: Các pháp từ xưa đến nay tướng nó thường vắng lặng.  Bởi đồng tánh Viên Giác, nên tất cả các pháp bình đẳng, không sanh diệt, không khứ lai, không đắc thất, không thủ xả, không làm, không thôi, không sanh, không diệt, rốt ráo không có người năng chứng và sở chứng, vì tất cả đều là tánh Viên Giác vậy. 

16.- TÓM LẠI 

-                 Nầy Thiện nam! Các vị Bồ tát kia phải y lời ta dạy trên mà suy nghĩ như vậy, dùng phương tiện như vậy, y theo lớp lang và tuần tự tu hành như vậy, an trụ như vậy, phải cầu pháp như vậy và khai ngộ như vậy, mới khỏi mê muội. 

LƯỢC GIẢI 

Nguyên trước Ngài Phổ Nhãn hỏi Phật: “Phải suy nghĩ làm sao? Lập phương tiện thế nào? Và thứ lớp tu hành ra sao? v.v… 

Phật đã giải thích rành rẽ rồi, nên đoạn nầy Phật dạy: “Phải suy nghĩ như vậy, dùng phương itện như vậy v.v… thì mới khỏi mê muội và ngộ nhập được tánh Viên Giác”. 

17.- PHẬT NÓI BÀI KỆ TÓM LẠI CÁC NGHĨA TRÊN 

Khi ấy đức Thế Tôn muốn tóm lại các nghĩa trên, nên nói bài kệ rằng: 

Phổ Nhãn! Ông phải biết:

Thân, Tâm của chúng sanh,

Tất cả đều như huyễn.

Thân nầy thuộc về bốn đại,

Tâm nầy trả sáu trần.

Bốn đại tan rã rồi,

Cái gì gọi là “TA?”

Tuần tự tu như vậy,

Tất cả đều thanh tịnh.

Viên Giác khắp Pháp Giới,

Không làm, thôi, sanh, diệt,

Không năng chứng, sở chứng:

Tất cả thế giới Phật

Như hoa đốm hư không.

Ba đời đều bình đẳng,

Rốt ráo không qua lại.

Bồ tát mới phát tâm,

Và chúng sanh đời sau,

Muốn cầu nhập Phật đạo,

Phải như thế tu hành. 

LƯỢC GIẢI 

Đại ý bài kệ nầy là tóm lại các nghĩa trên. 

Phật dạy quán sát Thân nầy và Tâm nầy như huyễn, không có thật “Ngã”.  Cứ như thế mà tu hành thì lần lần sẽ đưọc thanh tịnh.  Lúc bấy giờ tánh Viên Giác hiện ra khắp cả Pháp giới, không có “năng chứng” và “sở chứng”.  Các thế giới nhiều như số cát sông Hằng, đều ở trong tánh Viên Giác, mặc tình nó sanh diệt như hoa đốm giữa hư không.  Ba đời đều bình đẳng rốt ráo không qua lại.  Các Bồ tát và chúng sanh đời sau, phải như thế tu hành, mới vào được Đạo Phật.

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ VIII)
BÀI THỨ 04: CHƯƠNG KIM CANG TẠNG
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712