Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

Ngũ Minh

NGŨ – MINH 

A.  MỞ-ÐỀ: 

            Người Tây-phương thường chê Ðạo Phật là tiêu-cực.  Thật ra, giáo-lý của đức Phật như chúng ta đã học trong mấy khóa phổ-thông và nhất là trong khóa IV này, chứng tỏ một tinh-thần vô cùng tích-cực, lợi-tha, cứu-thế.  Nhưng trong thực-tế, chúng ta phải công-nhận rằng, phần đông các nhà hành-đạo trong quá-khứ, vì thiếu phương-tiện và khả-năng chuyên-môn, nên chỉ hoằng-pháp lợi-sinh bằng phương-tiện nội-điển, mà không đi sâu vào các ngành sinh-hoạt khác của xã-hội.  Do đó, Ðạo Phật bị thu hẹp phạm-vi hoạt-động và mất rất nhiều ảnh-hưởng trong đời sống của đại đa số quần-chúng. 

            Nhất là trong thế-giới phức-tạp ngày nay, lòng người bị chi-phối rất nhiều vì những sinh-hoạt kinh-tế, chính-trị, văn-hóa… nếu người hành-đạo cứ giữ những lề lối cũ, không có những phương-thức hoằng-pháp thích-hợp với xã-hội mới, không có những kiến-thức và khả-năng thích-hợp với các ngành hoạt-động trong xã-hội, thì đạo Phật sẽ mất dần ảnh-hưởng và không giữ được vai trò lãnh-đạo của mình nữa. 

            Những ý-nghĩ trên đây không phải là những phát-minh mới-mẽ gì của chúng tôi, mà chính hơn 2.500 năm trước, đức Phật đã nghĩ đến trong khi dạy các đệ-tử của Ngài phải học Ngũ-minh, nếu muốn truyền giáo cho có hiệu-quả. 

            Vậy Ngũ-minh là gì và có tầm quan-trọng như thế nào ?  Ðó chính là vấn-đề mà chúng ta sẽ đề-cập đến dưới đây. 

B.  CHÁNH-ÐỀ: 

I.  ÐỊNH NGHĨA 

            Ngũ-minh là gì?  -  Ngũ-minh là năm kiến-thức người hoằng-pháp cần phải có, phải hiểu-biết. 

            Những kiến-thức ấy là những kiến-thức nào?   Ðó là những kiến-thức về nội-minh, nhân-minh, thanh-minh, công-xảo-minh và y-phương-minh. 

II.  GIẢI RÕ VỀ NGŨ-MINH 

            1.  Nội minh. 

            Trước tiên, người hoằng-pháp phải cần có Nội-minh, nghĩa là phải có kiến-thức về nội-điển Phật-giáo.  Muốn hoằng-pháp, nghĩa là muốn đem giáo-pháp truyền-bá trong quần-chúng để mọi người đều hưởng sự lợi-ích, thì trước tiên mình phải tự tìm-hiểu giáo-lý của Ðạo Phật đã.  Chúng ta phải biết rằng nếu không hiểu giáo-lý, thì không ai có thể thực-hành đúng theo Phật-pháp được.  Những tình-trạng lộn-xộn, mê-tín, lố-lăng của Ðạo Phật Việt-nam, sở-dĩ có ra cũng vì người hành-đạo thiếu sự am tường giáo-lý nội-điển.  Vì không biết rõ nội-điển cho nên không biết chủ-trương chân-chính của Ðạo Phật.  Do đó, người ta mới đi sâu vào những hành-động sai-lầm: vàng mã, đồng bóng, cúng sao cúng hạn, dời mả, giết hại sinh-vật để tế Thần tế Thánh, cúng kiến ông bà. 

            Muốn cho tình trạng ấy chấm dứt, người hoằng-pháp phải tự mình thông hiểu giáo-điển và truyền-bá giáo-lý cho tất cả tín-đồ.  Bao giờ cũng nên nhớ rằng Ðạo Phật chủ-trương hiểu rồi mới làm, và không hiểu tức là bị lạc đường lầm nẻo.  Ðứng ra hướng-dẫn tín-đồ mà chưa hiểu được nội giáo, là một chuyện nguy-hiểm vô chừng.  Không ai có thể tha-thứ được cái thái-độ “nhứt manh dẫn quần manh” ấy. 

            Tăng-giới phải là bực thông hiểu giáo-lý đã đành.  Các bậc cư-sĩ đứng ra làm Phật-sự, điều-khiển những tổ-chức Phật-học, cũng không thể không hiểu giáo-lý.  Một tệ-đoan mà chúng ta thấy cần phải sửa chữa gấp là phải làm thế nào cho những phần-tử trong bộ máy các tổ-chức Phật-học phải là những người có học đạo. 

            Chúng ta không thể nào không sợ khi thấy những người thiếu học Phật, đứng giữ địa-vị tổ-chức và điều-khiển trong một Hội Phật-học, hay một cơ-quan giáo-dục như Gia-đình Phật-tử chẳng hạn. 

            Cho nên người hoằng-pháp có bổn-phận phải am tường nội-điển.  Phải tìm hiểu giáo-lý hàm chứa trong ba tạng: Kinh, Luật, Luận.  Giáo-lý cao-siêu trong ba tạng phân làm ba hệ-thống rõ-ràng: 

            a)  Hệ-thống Bát-nhã:  Giáo-lý chân-không chủ-trương rằng vạn pháp là không thực, để hiểu lý-tánh chân không. 

            b)  Hệ-thống Pháp-tướng:  Giáo-lý Duy-thức chủ-trương vạn pháp không thực tánh và có là do thức biến-hiện ra ngàn sai muôn khác. 

            c)  Hệ-thống Pháp-tánh:  Giáo-lý Pháp-tánh là dẫn tướng qui tánh, chủ-trương đạt đến chơn-như, các pháp đều do chơn-như duyên-khởi mà có. 

            Về mỗi hệ-thống giáo-lý, có vô số pháp-môn để chúng-sinh thực hành và đạt đến quả vị giác-ngộ.  Người hoằng-pháp cần thông-hiểu các hệ-thống giáo-lý và các pháp-môn phương-tiện để có thể đem ra ứng tiếp với xã-hội cho hợp thời và hợp cơ.  Tóm lại, sự hiểu biết về nội-điển là điều quan-trọng và bậc nhất. 

            2.  Nhân minh. 

            Am-tường giáo-lý chưa đủ.  Muốn trình-bày giáo-lý ấy một cách rõ-ràng, khúc-triết, muốn lập thuyết vững-vàng, người hoằng-pháp cần phải dựa trên một phương-pháp luận-lý; phương-pháp luận lý ấy gọi là nhân-minh. 

            Nhân-minh là gì?  -  Là một môn luận-lý học của Phật-giáo, chủ-trương chứng-minh lập thuyết rằng “Nhân”, nghĩa là bằng cách suy cứu đến lý-do. 

            Bộ sách vĩ-đại làm căn-bản cho Nhân-minh học là Nhân-minh đại-sớ.  Ở đây, chúng ta tìm hiểu qua đại-cương để hiểu thế nào là Nhân-minh mà thôi. 

            Một lập luận đầy-đủ, theo Nhân-minh, phải có ba phần:  TÔN, NHÂN, DỤ, gọi là tam-chi tác-pháp.  Tôn là chủ-trương của mình.  Nhân là lý-do thành lập chủ-trương ấy.  Dụ là những sự kiện đem ra để chứng-minh (có thuận và nghịch).  Ví dụ: 

            Tôn:  Ông Nguyễn-văn-A phải chết. 

            Nhân:  Vì ông Nguyễn-văn-A đã có lúc sinh ra. 

            Dụ:  Phàm cái gì có sinh tất phải có chết, như Không-tử, Trần-trọng-Kim v.v… (đồng dụ).  Trái lại, phàm cái gì không có sanh tất không có chết, như hư-không (dị dụ) v.v… 

            Ðồng-dụ là những thí-dụ đồng loại (có sinh có diệt).  Dị-dụ là những thí-dụ khác loại (không sinh thì không chết). 

            Ta thêm một thí-dụ khác: 

            Tôn:  Trò B sẽ bị phạt. 

            Nhân:  Vì trò B học bài không thuộc. 

            Dụ:  Phàm, ai không thuộc bài thì đều bị phạt cả, như trò C, trò D (đồng dụ).  Phàm, ai thuộc bài thì đều không bị phạt như trò Mít, trò Ổi. 

            Ta nhận thấy môn luận-lý nhân-minh có hơi giống với luận-lý học hình-thức (syllogisme) của phương Tây, và lại đầy-đủ tinh-vi hơn luận-lý học này, vì nó có đủ tính-cách diễn-dịch và qui-nạp. 

            Ba phần chính của môn luận thức nhân-minh, phải có liên-lạc mật-thiết với nhau.  Nhân bao giờ cũng quan-hệ đến Tôn, phải triệt-để có tính-cách của đồng-dụ và tuyệt-đối không có tính-cách của dị-dụ.  Còn Dụ bao giờ cũng phải có dính-líu đến Tôn và Nhân.  Mỗi phần Tôn, Nhân, Dụ muốn đứng vững được, cần phải tránh nhiều lỗi.  (Xem quyển Phật-học Phổ-thông khóa IX).

            Học nhân-minh có mục-đích là biết phán-đoán chân ngụy, thuyết-phục ngoại-đạo và đọc được các bộ luận về pháp-tướng học, bởi vì các Tổ ngày xưa đã theo lối lập luận này trong khi viết các bộ luận kia. 

            3.  Thanh minh. 

            Ðây là môn học về ngôn-ngữ văn-tự, về âm-thanh và về văn-học.  Sự truyền giáo cũng đã rất cần đến môn học này.  Xưa các vị Tổ-sư muốn đem giáo-pháp truyền-bá ở các nước, đã phải thông hiểu về các thứ sinh-ngữ, đã phải có tài phiên-dịch và trước-tác.  Nhiều bộ sách đạo-lý lưu-truyền đến tận nay mà ai cũng phải nhận là có những giọng văn sáng-sủa lưu-loát, chính là nhờ ở căn-bản về thanh-minh rất rộng-rãi vậy. 

            Trong Phật-giáo, chỉ có Thiền-tông chủ-trương không chú trọng mấy về văn-tự.  Các tôn-phái khác đều cần đến thanh-minh:  Người tu-học cần phải có kiến-thức về văn-học mới có thể học hiểu giáo-lý tu-tập; người truyền-giáo phải có kiến-thức về văn-học để phiên-dịch, trước-tác, diễn-giảng và làm công việc trao-đổi văn-hóa với các nước Phật-giáo trên hoàn-cầu. 

            Hiện nay, người Phật-tử Việt-nam rất cần đến thanh-minh:  Phật-giáo Việt-nam đang đòi-hỏi một kho kinh-điển bằng tiếng Việt làm tài-liệu học-tập và truyền-bá.  Như thế các nhà hữu tâm của Phật-giáo phải lưu-ý đến việc học-tập văn-chương và ngoại-ngữ để có thể kiến-thiết một nền Phật-học bằng quốc-văn. 

            4.  Công-xảo minh. 

Ðây là môn học về công-nghệ và kỹ-thuật. 

Trong công-cuộc hành đạo, người tín-đồ của Phật-giáo nhận thấy cần có đủ điều-kiện kinh-tế, mới có thể lập ra những cơ-quan tu học cho tăng-giới, cho cư-sĩ, mới có thể thành-lập được những tổ-chức cứu-tế, giúp-đỡ cho người nghèo đói, tật-nguyền, thể-hiện được lòng từ-bi bác-ái.  Công-nghệ và kỹ-thuật mỗi ngày mỗi thêm tiến-bộ, người Phật-tử cần phải tu tập để có những phương-tiện hành-đạo rộng-rãi trong phạm-vi xã-hội nhân-sinh. 

Công-nghệ và kỹ-thuật, nếu chỉ là lợi-khí cho sự kinh-doanh vụ-lợi ích-kỷ, thì không đáng cho ta phải bận tâm.  Công-nghệ và kỹ-thuật tiến-bộ chừng nào, thì gây đau-khổ cho loài người chừng ấy, bởi vì chúng sẽ biến ra lợi-khí tranh-giành, cướp đoạt và bóc-lột.  Kỹ-thuận tiến-bộ của máy-móc, của bom đạn đã là một sự đe-dọa ghê-gớm. 

Người Phật-tử học lấy công-nghệ và kỹ-thuật rồi đem công-nghệ và kỹ-thuật phụng-sự nhân-loại, thể theo lòng vị tha và bác-ái, muốn cho muôn loài có hạnh-phúc chân-thật, tránh những tai-họa do dục-vọng gây nên. 

            5.  Y-phương minh. 

            Ðây là môn học vê các phương-pháp chữa bệnh.  Các đức Phật là những nhà lương-y, trị cả tâm bệnh và cả thân bệnh cho chúng-sinh, đức Dược-Sư Lưu-Ly là một gương sáng.  Thế-gian này đầy-dẫy những bệnh-nhân đau-khổ về vật-chất lần tinh-thần.  Những phương thuốc chữa bệnh tinh-thần đã đành rằng rất cần-thiết, nhưng những phương thuốc chữa bệnh về vật-chất cũng không phải là không quan-trọng.  Người Phật-tử nếu có được những thời-giờ rảnh-rang nên học chuyên môn về thuốc, để có thể thực-hành một công-tác xã-hội rất thích-hợp với lòng từ-bi: đó là sự chữa bệnh.  Các bác-sĩ, các lương-y, nếu là Phật-tử, thì đã có trong tay một phương-tiện hành đạo rất quan-trọng.  Ðem sự an ủi đến cho người bệnh, nâng đỡ họ trong cơn đau ốm, cử-chỉ đó thực có thể tiêu-biểu được một phần nào tinh-thần cứu-thế tích-cực của Ðạo Phật.  

            Chúng ta hy vọng rằng sau này Phật-giáo sẽ có được những bệnh-viện do Phật-tử châm nom, và mỗi một ngôi chùa địa-phương, có thể có một cơ-quan cứu-cấp tương-trợ cho đồng-bào trong những lúc nguy-biến ngặt-nghèo. 

C.  KẾT-LUẬN: 

            Trong thời đại hiện-tại, xã-hội đòi-hỏi một phương thức hoằng-pháp rộng-rãi hơn.  Chúng ta không thể áp dụng những phương-tiện nhỏ hẹp, mà cần phải mở rộng phạm-vi của sự hoằng-pháp theo Ðại-thừa Phật-giáo; người Phật-tử cần phải y lời Phật dạy học Ngũ-minh và mỗi người sẽ là một chiến-sĩ từ-thiện xã-hội, lo xây đắp cho nền Phật-giáo tương lai hưng thịnh và thực-hiện được hoài bảo cứu tế to rộng của đức Bổn-sư.

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ V )
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ẤN ÐỘ
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712