Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC CĂN BẢN
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 20/02/2008 (GMT+7)

Cõi Giới Cựa Lạc

Ngày lễ vía Đức A Di Đà vừa qua, rất đông đảo Phật tử đến chùa tham dự, sau giờ lễ Phật. Sư Cô đã cho đại chúng một thời Pháp nói về ý nghĩa của kinh A Di Đà. . . Đó là những giây phút quý báu nhất là được ngồi quây quần bên nhau để cùng nhau trao đổi và chia sẻ học hỏi với Sư Cô về ý kinh, sau đó Phật tử có những câu hỏi thắc mắc đưa ra và xin được giải đáp. . . Sư Cô rất hoan hỷ và đã giải đáp một số thắc mắc cho mọi người. Nhưng vì thời giờ có hạn, nên Sư Cô tạm dừng, hẹn vào một dịp khác sẽ giảng giải sâu hơn.
Dù việc làm ở sở rất bận rộn, nhưng những câu hỏi thắc mắc của các vị đạo hữu vẫn còn vương vấn mãi trong tâm trí của tôi. Nên hôm nay, tôi xin được phép mạo muội có vài hàng tạm gọi là đóng góp một chút thành ý, hy vọng cho vườn tu học mỗi ngày mỗi thăng hoa.
Tôi xin mạn phép được ghi lại đại ý câu hỏi, thắc mắc như sau: - Đạo Phật là một tôn giáo rất khoa học, phá chấp những mê tín dị đoan. .v.v.. Nhưng khi đọc kinh A Di Đà, chỉ thấy toàn nói lên những hình ảnh đầy huyễn ảo, vì thế cho nên khi người ngoại đạo đặt câu hỏi, tôi thường bị lúng túng, không phải biết trả lời như thế nào cho đúng. Xin Sư Cô cùng quý vị góp ý và giải đáp cho.*
Trước khi vào đề tài chia sẻ. Tôi xin được phép góp ý, tóm lược những ý chính trong kinh A Di Đà sau đây:
1/- Quang cảnh Cực Lạc
2/- Thực tập, trì giới, quán niệm
3/- Cõi ta bà ngũ trược, khó phát sinh niềm tin.
( Xin các bạn chú ý kinh A Di Đà sắp trình bày sau đây, chỉ là những đoạn chính yếu được trích ra có liên quan đến bài viết, chứ không phải là nguyên văn. )
1/- Quang cảnh Cực Lạc:
- Đây là những điều tôi đã được nghe Bụt nói vào một thời người còn cư trú ở tu viện Cấp Cô Độc trong vườn cây của thái tử Kỳ Đà...
* Này Xá Lợi Phất, đất nước ấy vì sao tên là Cực Lạc ? Bởi vì dân chúng trong nước ấy không biết khổ là gì...
* Này nữa, Xá Lợi Phất, ở nước Cực Lạc, có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây, tất cả đều được làm bằng bốn thứ châu bảo, bao quanh giáp vòng...*
* Này nữa, Xá Lợi Phất, ở nước Cực Lạc có rất nhiều hồ thất bảo chứa đầy nước có tám công đức, dưới đáy hồ toàn là cát vàng; bốn bên hồ có những lối đi làm bằng vàng, bạc, lưu ly, và pha lê; phía trên các con đường ấy lại có vô số lâu đài, cũng được xây dựng và trang trí bằng các chất liệu vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Sen trong hồ lớn như những chiếc bánh xe, sen xanh chiếu hào quang xanh, sen vàng chiếu...,*
*Này nữa, ...người ta thường được nghe nhạc từ hư không vọng xuống. đất làm bằng vàng ròng. Mỗi ngày sáu lần có mưa hoa mạn đà la rơi xuống. Dân chúng nước ấy có thói quen buổi sáng lấy lẵng hứng đầy các bông mầu nhiệm ấy để đem đi cúng dường các vị Bụt ...*
* Này nữa, Xá Lợi Phất! Ở nước Cực Lạc kia, thường có nhiều loại chim đủ màu rất kỳ diệu như Hạc trắng, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, Ca lăng tần già và Cọng mạng... Những con chim ấy, sáu buổi mỗi ngày, thường hót lên những âm thanh hòa nhã: trong giọng hót của chúng, người ta nghe được tiếng diễn xướng các pháp môn ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát chánh đạo... Dân chúng trong nước nghe được những pháp âm như thế đều nhiếp tâm trở về thực tập niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng. *
2/- Thực tập, trì giới, quán niệm: * Xá Lợi Phất! Những kẻ thiếu phúc đức và căn lành thì ít hy vọng được sinh về cõi ấy. Vì vậy, Xá Lợi Phất, người con trai lành hay người con gái lành nào muốn sinh về cõi ấy thì khi nghe đến danh hiệu Bụt A Di Đà phải nắm lấy danh hiệu ấy mà hết lòng thực tập quán niệm theo phương pháp Nhất Tâm Bất Loạn, hoặc trong vòng một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày hay bảy ngày. Người ấy, đến khi lâm chung, sẽ được thấy Bụt A Di Đà và các vị thánh chúng nước ấy hiện ra trước mặt. Trong giờ phút ấy, tâm lý người kia sẽ an trú trong định, không hề điên đảo và tán loạn, do đó người ấy được vãng sinh ngay về nước Cực Lạc.*
3/- Cõi ta bà ngũ trược, khó phát sinh niềm tin.
* Xá Lợi Phất, trong khi tôi đang ca ngợi công đức không thể nghĩ bàn của chư Bụt, thì chư Bụt cũng đang xưng tán công đức không thể nghĩ bàn của tôi, và nói: * Bụt Thích Ca Mâu Ni thật là hiếm có. Ngay trong cõi ta bà đầy dẫy năm yếu tố ô nhiễm là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược và mạng trược mà ngài có thể chứng đắc được quả vị giác ngộ vô thượng và còn tuyên thuyết được cho chúng sinh những pháp môn mà bất kỳ ở đâu, mới nghe qua người ta cũng rất khó mà phát sinh niềm tin. *
* Xá Lợi Phất! Thầy nên hiểu cho rằng cư trú trong thế giới đầy loại ô nhiễm này đạt tới được quả vị giác ngộ vô thượng và còn diễn giải được cho mọi giới những pháp môn rất khó tin như pháp môn này, đó là một việc làm quả là cực lỳ khó khăn.*
***
Nếu chúng ta thử lật vài trang kinh của bất cứ tôn giáo nào, hầu như mỗi trang đều có ít hay nhiều những ẩn ngữ, ẩn nghĩa, ẩn dụ... Tại sao các vị ấy phải dùng những ẩn ý như thế ? Âu đó cũng là sự thắc mắc chung của mọi người. Theo thiển ý của tôi, đó là phương pháp thực tập thiền quán của các Chư Phật hầu giúp cho chúng sanh thắp sáng trí tuệ, nói rõ hơn nhờ vào những ẩn nghĩa đó thúc đẩy cho những ai muốn tìm cầu, nên chúng ta cần phải thực tập hoài nghi, một cách đúng nghĩa, hoài nghi cho sự chậm tiến của ta chưa được soi sáng, chứ không phải thứ hoài nghi hạn hẹp phóng tưởng nghi ngờ cấu nhiễm.
Tìm đọc một câu ẩn dụ nào đó trong kinh, rồi ngồi yên, định tĩnh quán chiếu suy ngẫm một cách sâu sắc, tự trả lời với nhiều ý khác nhau, một cách miên mật; thao thức suy nghiệm, bứt xúc nội tâm, cho đến khi mạch nguồn nội tại trào dâng đến cao độ, nguồn năng lượng tâm và trí được kích hỏa bùng vở cái lớp vỏ khô cứng, đến giây phút này rất cận kề để thấy được những gì ta ước ao để thấy, nhưng đừng vội quyết đoán, tiếp tục quán niệm chia chẻ cho đến khi không thể chia chẻ được nữa, nắm lấy câu mà ta ưng ý nhất để đi đến tạm thời kết luận, nắm nuối một vài phút để những năng lượng sôi động của tâm trí lặng an, rồi tiếp tục đem câu kết luận đó ra để gọt mài lại lần nữa cho đến khi nghiệm thấy vừa đủ thoả ý về câu đó.
Trong kinh Thiên Chúa giáo có đoạn ẩn dụ như sau:
* Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và thầy mong muốn gì nếu không phải mong muốn cho lửa cháy lên ? * (Luke XII, 40)
* Các con tưởng thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư ? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ.*
(Luke XII 50)
Kinh koran đạo Hồi đấng Allah đã phán dạy rằng:
*... Hãy quyết tử, rồi Ngài làm cho họ sống trở lại, quả thật Allah rất nhân từ với loài người, nhưng đa số nhân loại phụ ơn Ngài.*
(Qu.2: 243/244)
Như chúng ta đã thấy rất rõ tất cả mọi kinh điển ít hay nhiều đều dùng đến những ẩn dụ. Có những ẩn dụ giúp cho đời sống tinh thần lẫn tâm hồn hướng về điều thiện, và đồng thời cũng có loại ẩn dụ đưa đẩy con người đến thế giới cuồng tín, gieo tang tóc cho nhân loại.
Nhà Phật cho rằng: Còn tùy thuộc theo căn cơ mỗi con người. Thế nên hãy cẩn thận trước những lời kinh, có văn tự theo nghĩa trắng mang tinh thần bạo động hận thù, người tiếp nhận không đủ trình độ hiểu biết để giải trình, sẽ bị bẻ cong lệch lạc tinh thần dễ bị dẫn dắt đưa vào bước đường sai trái. (Nếu chú tâm vào thế cuộc hôm nay sẽ rõ) Từ đó tạo ra những nhánh rể thù hận kéo dài ngàn đời, bên nào cũng nhân danh Thượng Đế tiêu diệt kẻ dữ !? Xương chất thành đống, máu chảy thành sông ửng đỏ cả bầu trời, còn thượng đế đã ngàn năm qua vẫn trong trạng thái im lặng, đó cũng là một ẩn dụ cho con người thế tục, nên để tâm suy nghiệm đến. Vì thế nên cảnh giác trước những nọc độc được ẩn núp trong lời kinh, có thể nhuộm đen cả con tim bằng hai chữ nhân danh trong nhân danh để sát hại nhau... Lời nhắn nhủ của Đức Từ Phụ vẫn mãi mãi sống trong lòng người * Nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ, nên không có giai cấp...* Một ẩn dụ rất đơn giản, thực tế dễ hiểu, mang ẩn nghĩa vô ngã, vị tha cao vời bao la, nhưng không cầu kỳ, hay nhân danh tự ngã. Ngài là vị Giáo chủ đầu tiên trong lịch sử nhân loại trả lại giá trị cho con người, lời Ngài đã chứng minh điều đó từ hơn 2500 về trước, cho đến ngày nay vẫn tiếp tục trường tồn bất diệt trong lòng người.
Ẩn dụ là con đường hai chiều, thuận nghịch khó biết, tùy thuộc vào cái tưởng của con người, không một ai cho rằng con đường ta đang đi là sai cả, nếu biết đó là sai không ai dại gì đi vào, nhưng có điều khác biệt giữa thẩm thấu sáng suốt và nhiệt tình trong cuồng tín. Có kinh dạy rằng:
* Hãy quăng chúng (kẻ thù) vào lửa đỏ *...
Người vô trí thì cứ y theo lời dạy mà thi hành, kích thích lòng hận thù với kẻ đối nghịch, người có trí quán nghiệm sâu sắc cho rằng kẻ thù không ai khác ngoài chính ta, quăng chúng vào lửa đỏ, tức là diệt trừ những xấu xa, còn đối với nhà Phật tâm từ bi được thể hiện qua câu trả lời rất thực tế và dễ hiểu: *Chuyển hóa những chủng tử xấu xa sai lầm trở thành những chủng tử thiện lành hữu ích * Quán chiếu sâu hơn nữa, cho ta rõ hơn giữa hai câu nêu trên, ý văn nào mang đến cho ta an lạc.
1- Quang cảnh Cực Lạc:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài kể cho chúng ta nghe một quang cảnh có tên là Cực Lạc, trong cõi ấy có vị Bụt là A Di Đà, hiện đang thuyết pháp, cõi ấy có rất nhiều vật chất hiếm quý, có những vật quý chưa từng có xuất hiện trong thế gian...
Sau khi nghe qua kinh A Di Đà, người Phật tử thuần hành nghĩ như thế nào ? Hiển nhiên chúng ta phải tin là có thật vì đó là lời của Đức Phật. Nhưng thế nào là một niềm tin có chánh niệm ? Đó là điều mà Ngài kỳ vọng nơi chúng sanh. Hãy chú tâm suy nghiệm để thấy rõ được sự ẩn dụ muốn chuyển đến cho chúng ta một thông điệp gì ? Tôi xin được mạn phép nêu ra 3 câu hỏi sau đây:
a/- Chúng ta cần phải nghiền ngẫm để thẩm thấu ẩn ý của Ngài trong lời kinh ấy ?
b/- Tin vào những quyền phép mà Đức Di Đà đã tạo nên cõi thế ấy ?
c/- Tin vào phước đức, công đức vô lượng không thể nghĩ bàn đã tạo ra cõi thế đó, mà ngôn ngữ không thể diễn bày, hay chứng minh qua lăng kính của khoa học, nhưng tin chắc rằng cõi thế ấy có mặt trong tinh thần của trí tuệ và tâm thức qua kinh nghiệm cảm nhận của người tu học Phật ?
Với 3 câu a/b/c được nêu ra. Tôi chọn câu a/ và c/, vì câu b/ tôi nghĩ rằng đó là mê tín, vì đạo Phật không mê chấp vào quyền phép hay thần quyền.
Khi nghe qua kinh A Di Đà. Tuy chúng ta là người Phật tử thuần hành cũng phải chao động về đức tin, chứ đừng bàn đến người ngoại đạo, nhờ vào những phản ứng đó, giúp cho chúng ta quan sát, thắc mắc, phát nguyện tinh tấn hơn nữa, đi sâu vào lời của Đức Phật để thấu rõ một cách xuyên suốt trong lời dạy bảo của ngài, cũng là một cơ hội, tham luận, tìm hiểu, học hỏi để có đủ sức giải đáp thắc mắc cho những ai muốn tìm hiểu giáo lý thâm diệu của nhà Phật.
Xin trích dẫn những lời chia sẻ của; Sư Cô An Hòa, trong giới truyền thông hay câu chuyện nhỏ mang tính cánh ẩn dụ sau đây:
Sư Cô An Hòa cho chúng ta một ẩn dụ thực tế, Sư Cô nói: * Người ở Việt Nam không thể biết, hiểu được những gì đang hiện có tại Hoa-Kỳ *
Xin kể một chuyện ngắn ẩn dụ của nhà Phật * Chuyện Cá và Rùa*
Trong vùng đất ao hồ kia có Cá và Rùa là đôi bạn tất thân nhau. Rùa là loài lưỡng cư nên sống được trên mặt đất hay dưới nước, còn Cá là loài độc cư nên chỉ sống được dưới nước, nên không thể biết, thấy được những gì đang hiện có trên đó. Nhân thấy Rùa thường rong chơi trên mặt đất, một hôm Cá lên tiếng hỏi Rùa * Này bạn xin cho tôi biết trên ấy có cái gì làm bạn yêu thích, kể cho tớ nghe với ? * Rùa thành thật trả lời * Trên đây có núi đồi, có gió, có lửa, có mây có con người, có không gian, có âm thanh . . .* Cá không hiểu gì cả vì những danh từ rất lạ, nên bảo rằng * Tôi không thể tin và hiểu xin anh giải thích rõ hơn được không ?* Rùa lúng túng không biết giải thích như thế nào ? Cá tưởng Rùa có ý chơi khăm, coi thường mình, nên tức giận bỏ đi, từ đấy không làm bạn với Rùa nữa.
Tôi còn nhớ, tuy không rõ lắm vào năm nào, bà Dian Sawyer người xướng ngôn viên truyền thông đến thăm một hòn đảo ngoài Thái bình dương, gặp gở những cư dân sống trên đảo ấy, bà ấy đưa ra những tạp chí, hình ảnh, dvd gồm có những đô thị chọc trời, xe cộ. người người qua lại tấp nập, quần áo thời trang .v.v... Họ cười ra dấu cho đó là lạ lùng điên rồ, ảo ảnh xa vời, không tin có thật. . .
Phân tích 3 câu chuyện vừa nêu trên cho ta thấy chuyện không thể bàn có hay không, đúng hay sai, vì chưa có đủ nhân duyên để hoàn hảo một cái gì chưa có thể hội chứng được. - Lời phát biểu của Sư Cô An Hòa, câu chuyện Cá và Rùa và chuyện của bà Diana Sawyer cho ta thấy * Người chưa từng sống qua cảnh giới ấy, thì không thể biết được như thế nào *
Thế giới Cực Lạc mà Đức Phật đã kể cho chúng ta nghe có những vật chất quý giá đó có phải chăng là do công đức vô lượng của các bậc Bồ Tát ứng nguyện tạo thành ? Xin thưa cũng chỉ là cách diễn giải theo cái biết còn hạn hẹp, tuy nhiên nghĩ cho cùng dựa lên trên nền tảng tinh thần của đạo Phật, không ngoài phước đức, công đức vô lượng của các chư vị Bồ Tát đã xây dựng nên ?
Những công đức phước bảo đó quả nhiên là không thể nghĩ bàn, nói đến những gì không thể nghĩ bàn thì làm gì có chuyện hay vật chất quý giá nào có thể so sánh ngang hàng được với những công đức vô lượng thâm diệu đó ? Nhưng khi đưa một ẩn dụ vào kinh điển là phải dụng một vật chất nào đó có giá trị tương xứng làm thí dụ, để biểu hiện cho chúng sanh rõ được công đức, phước đức vô lượng của các ngài không khác gì là những châu bảo, lưu ly, pha lê, kim cương cực kỳ quý giá.
Thử suy nghiệm qua hình ảnh của Đức Từ Phụ đưa ngón tay chỉ về hướng mặt trăng là một ẩn dụ cho chúng ta quán tưởng được gì ? Có phải chăng ngón tay là chỉ là phương tiện, còn mặt trăng mới chính là mục đích để tìm cầu ? Nhưng tầm quan trọng để đi đến mục đích đó chính là khoảng giữa, cái khoảng từ ngón tay đến mặt trăng mới đầy thử thách, trong ấy phải thể hiện được một năng lượng; bén nhạy, phát tâm đại nguyện tu tập miên mật, tinh tấn không thối chuyển.v.v...
Bên trong cổng Cực Lạc ấy có gì ? Đức Phật nói như vầy * Này nữa, Xá Lợi Phất, ở nước Cực Lạc, có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây, tất cả đều được làm bằng bốn thứ châu bảo, bao quanh giáp vòng, vì vậy cõi ấy được gọi là Cực Lạc.*
Lắng lòng nhiếp tâm quán nghiệm về ý nghĩa; bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây, tất cả đếu được làm bằng bốn thứ châu bảo, bao quanh giáp vòng ?
Có phải chăng Ngài ẩn dụ rằng muốn cảnh giác chúng sanh một điều gì đó ?
- Bảy lớp lan can biểu hiện cho giới luật ?
- Bảy lớp lưới giăng biểu hiện cho sự thanh lọc phước đức, công đức ?
- Bảy lớp hàng cây, biểu hiện cho sự vững chải, không thối chuyển ?
- Bao quanh giáp vòng, biểu hiện cho sự viên mãn vô lượng ?
Những ý tưởng nêu trên cũng chỉ là dựa theo vật thể mà nói, chỉ có tính cách biểu hiện, chớ không có ý cho rằng chính xác. Nhưng mọi sự không thể đi ngoài ý nghĩa của công đức vô lượng về cõi thế ấy ?
Tiếp đến ngài kể rằng *...có rất nhiều hồ thất bảo, chứa đầy thứ nước có tám công đức, dưới đáy hồ toàn là vàng, . .lối đi làm bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê... có vô số lâu đài... trang trí bằng các chất liệu vàng, bạc ,lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Sen trong hồ lớn như bánh xe, sen xanh chiếu hào quang xanh, sen vàng chiếu... hương sen tỏa ra vi diệu và tinh khiết.*
* Này nữa, Xá Lợi Phất... có nhiều chim đủ màu rất kỳ diệu như Hạc trắng, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, Ca lăng tần già và Cọng mạng... diễn xướng các pháp môn ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát chánh đạo ... Dân chúng trong nước nghe được những pháp âm như thế đều nhiếp tâm trở về thực tập niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng.*
Tất cả cảnh giới được ngài kể cho chúng sanh nghe đó là những ẩn dụ về công đức, phước đức vô lượng do các bậc Bồ Tát ứng nghiệm tạo thành, để cho những ai thấy rõ được sự lợi ích đó phát nguyện tu tập mong vãng sanh về cõi cực lạc.
Dù cho những ai có đầy đủ phước duyên đã được vào trú xứ trong cõi Cực Lạc ấy, nhưng mỗi ngày sáu thời khi nghe các loài chim kỳ diệu cất giọng hót lên những âm thanh hòa nhã: trong giọng hót của chúng người ta nghe được tiếng diễn xướng các pháp môn ngũ lực, ngũ căn, thất bồ đề phần, bát chánh đạo. . . Dân chúng trong cõi ấy nghe được các pháp âm như thế đều nhiếp tâm trở về thực tập trì chú Tam Bảo.
Thế nên cho dù đã vào được thế giới Cực Lạc nhưng các chư vị ấy vẫn phải thực tập sáu (6) lần mỗi ngày, tinh tấn không xao lãng, chứ đừng nói đến trong cõi ta bà còn lắm điều biếng nhác, phiền trược, dục lạc mong cầu vướng đắm, người tu học Phật phải luôn cảnh giác trước những cám dỗ, chông gai và thử thách. Nhưng phải tu học như thế nào ? Để đi đến giải thoát, mới chính là vấn đề tối ư quan trọng.
2- Thực tập, trì giới, quán niệm:
* Xá Lợi Phất! Những kẻ thiếu phúc đức và căn lành thì ít hy vọng được sinh vào cõi ấy. Vì vậy, Xá Lợi Phất, người con trai lành hay người con gái lành nào muốn sinh về cõi ấy thì khi nghe đến danh hiệu Bụt A Di Đà phải nắm lấy danh hiệu ấy mà hết lòng thực tập quán niệm theo phương pháp Nhất Tâm Bất Loạn, hoặc trong vòng một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày hay bảy ngày. Người ấy, đến khi lâm chung, sẽ được thấy Bụt A Di Đà và các vị thánh chúng nước ấy hiện ra trước mặt. Trong giờ phút ấy, tâm lý người kia sẽ an trú trong định, không hề điên đảo và tán loạn, do đó người ấy được vãng sinh ngay về nước Cực Lạc.*
Thực tập trì chú thì có hai pháp môn được mọi người thực tập nhiều nhất đó là Thiền và Tịnh:
***
Tịnh độ trong kinh A Di Đà:
Ngài đã cho chúng sinh rõ rằng những ai thiếu phúc đức khó hy vọng vào cõi ấy. Nếu mong muốn vào cõi Cực Lạc là phải phát tâm tu tập, đạo Phật không chủ trương hứa hẹn bởi một quyền năng phép mầu nào ban phát cả, hay một câu doạ nạt *Nếu tin ta sẽ vào được nước thiên đàng, còn không nghe ta sẽ bị đày xuống hỏa ngục muôn đời. . *... ?
Lời Ngài đã khuyên nhủ chúng sanh. Trai lành, gái lành muốn sinh về cõi Cực Lạc khi nghe đến danh hiệu Bụt A Di Đà phải nắm lấy mà hết lòng thực tập quán niệm theo phương pháp Nhất Tâm Bất Loạn.
Tu theo pháp môn Tinh độ là quán CÓ cõi giới Cực Lạc, vì tin Có cõi đẹp an lạc như thế, nên chúng sinh mới quy ngưỡng phát nguyện thực tập quán niệm mong được vãng sanh về cõi giới ấy.
Nhưng được về cõi ấy hay không ? lại là một chuyện khác !
Chúng ta căn cơ còn rất thấp kém, vả lại đang sống trong cõi thế đầy biến động phiền trược lôi kéo, chúng xuất hiện quanh ta vô số đủ mọi tướng trạng, âm thanh, cấu nhiễm khiêu gợi không ngừng, vì thế cái loạn tâm, bất an mới là vấn đề cần phải được giải trình.
Muốn tiến đến giai đoạn dẹp loạn đó, chúng ta phải thực tập sống có ý thức trong chánh niệm, buộc phải cắt đứt, phá bỏ, chuyển hóa đi rất nhiều thứ. Tuy tôi chưa đủ nhân duyên tu tập một cách miên mật với pháp môn Tịnh độ, nhưng nhờ vào có chút ít duyên lành được Sư Cô An Hoà hướng dẫn, nên tôi có chủ tâm muốn thực tập tìm hiểu thêm.
Quán niệm (lần chuỗi niệm Phật) cho đến khi đạt được Nhất Tâm Bất Loạn (tâm hoàn toàn thanh tịnh vắng lặng không bị cảnh trần hay bị ô nhiễm nào tác động chi phối) không phải là chuyện dễ dàng như chúng ta tưởng tượng. Xin được chia sẽ hai câu thơ sau đây:
* Khổ đau nào phải do Trần
Bởi Căn bất tịnh tạo phần khổ đau
Nhất tâm bất loạn tức là; lục Căn (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với lục Trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) sanh ra lục Thức (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý) cái biết phân biệt xấu đẹp, dài ngắn, nhám trơn..v.v... mà không bị vướng đắm, trong kinh Lăng-Già có thêm hai thức nữa được gọi là bát thức; thứ bảy gọi là Mạt na thức (cũng là ý thức nhưng chuyên về động lực điều hành, còn thức thứ sáu là cái biết phân biệt nhưng không có động lực) vì Ý của thức thứ bảy (Mạt na thức) không khởi động tạo ra sáu căn bản phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) cho nên không thể dấy khởi tạo nghiệp thiện hay ác, còn thức thứ tám là Tàng thức. (chứa đựng các chủng tử)
Quán niệm (lần chuỗi niệm Phật) đến nhất tâm bất loạn là ngăn cản không cho lục Căn vướng đắm chạy theo chụp bắt cảnh Trần và hộ trì cho lục Căn trở về với tự tánh. Lục Căn sẽ đạt được thanh tịnh, khi lục Căn tịnh tĩnh thì nghiệp sẽ bị đoạn diệt, không còn sinh tử luân hồi trói buộc trong ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai), liền được giải thoát vãng sanh về cõi giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
Trong kinh A Di Đà chủ trương về niệm Phật đễ vãng sinh về cõi Cực Lạc, nhưng cũng có chút ít thiền vị về từ quán niệm để đi vào nhất tâm, có thể nói tu tập pháp môn này tâm phải định tỉnh để niệm lực không bị cấu nhiễm bởi lục căn khi tiếp xúc với lục trần đột nhập khuấy phá, niệm cho đến lúc nào tâm đi vào trạng thái lặng tĩnh, nhất quán.
(Nếu các bạn nào có duyên với pháp môn Tinh Độ nên tìm vị Thầy nhờ chỉ dẫn phương pháp thực tập, vì trí căn của chúng ta chỉ là đom đóm lập lòe, sự đóng góp ý kiến của tôi cũng chỉ là có tính cách trao đổi, thảo luận, chia sẻ học hỏi.)
Thiền quán trong kinh A Di Đà.
Cái nhìn của thiền trong kinh A Di Đà rất thi vị, không nương vào sự miên mật tụng niệm. Nhưng dùng trí tuệ quán chiếu vào mọi sự vật để thấy được tự tánh của chúng là Không.
Đọc và nghiền ngẫm kinh A Di Đà dựa theo văn ngữ để đi vào ý kinh, chia chẻ, nhận thức một cách sâu sắc nương vào lời ẩn dụ của Đức Phật dạy, cuối cùng vượt thoát cõi phiền não để vào Không, (Không đây không phải là biểu hiện giữa Có và Không) và quán niệm rằng; Vì thấy rõ thực tánh của vạn vật là Không, giả lập không thật có, vô thường, nên người tu học không vướng đắm vào cái Có, Không, nhờ thế không bị vật chất chi phối... Tâm Trí tự tại, đi đến giải thoát, được giải thoát là đồng nghĩa với châu bảo, lưu ly, kim cương, pha lê, mã não.v.v...
Tức thị hiện tiền là sự tiếp nối tức thị vị lai, an trú được trong giây phút Cực Lạc hiện tại, sẽ là Cực Lạc của tương lai ? Trong các pháp môn tu của Thầy Nhất Hạnh có pháp môn gọi là Tịnh độ hiện tiền, tuy pháp môn mới của Thầy rất thịnh hành đối với người tây phương, nhưng trái lại cũng có thành phần bảo thủ chống đối, âu đó cũng là một định luật tự nhiên. Tuy nhiên nhờ vào sự sáng tạo đem đạo vào đời, sách vở biên khảo của Thầy, phù hợp với căn cơ theo cái nhìn khoa học thực tiển của người phương tây. Đạo Phật được giới thiệu truyền bá một cách sâu rộng, hơn là ngủ yên trong mái chùa cổ kính. Trong khi thế giới vẫn trôi chảy, các tôn giáo khác vươn mình, thay đổi theo định luật vô thường hiện thực bành trướng rao giảng.
***
Sự diễn đạt mềm mại, nhẹ nhàng trong văn ngữ của Thầy đã chuyển tải được những thông điệp rất quý báu về sự lợi ích trước ngưỡng cửa hoà bình và lòng vị tha đối với những người đang lúng túng trước những làn sóng thù hận của vô minh chi phối, nhờ vào cơn mưa pháp tưới tẩm, những người ấy đã tiếp nhận được hạt mưa an lành trọn vẹn, trở nên bình an trong vòng tay tràn đầy tình thương của tăng thân, không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc.
Phước bảo tư tưởng mà Thầy tận hiến cho người, đã đóng góp vào khu vườn tâm linh đạo Phật trên thế giới, càng ngày càng rực rỡ sáng đẹp thêm lên, và niềm hãnh diện hơn nữa Thầy lại là một vị Tăng Việt-Nam được thế giới quan tâm ngưỡng mộ.
Nếu vượt ra ngoài những thành kiến cố hữu của bản chất con người, cảm nghĩ của tôi đối với công đức của Thầy Nhất Hạnh, sẽ sống mãi trong lòng người có ý thức và hiểu biết. Sự chuyển mình của đạo Phật trong những thập niên gần đây cho thấy, được thế giới chú tâm theo dõi qua những hành trạng của các vị cao Tăng, nhờ vào những nhân duyên thuận lợi như; thông tin, kinh sách điện tử.v.v. ., kinh điển được quảng bá sâu rộng trên khắp thế giới, và đồng thời sự chân thật thâm trầm của giáo Pháp, đã giải trình được những bế tắc của những con tim đang khao khát hướng về chân, thiện, mỹ một cách đúng nghĩa và khoa học, có thể xác định mà không ngần ngại rằng: chỉ có đạo Phật mới có đủ điều kiện đáp ứng được những khát khao đó !
Đạo Phật chỉ nói về trái Tim, đạo của trái Tim, một trái Tim chân thật. Dù cho trái tim đó có lăn trôi trong biển mê ngàn kiếp, hay đã và đang u mê vướng đắm vào những lời hứa hẹn một thế giới ảo ảnh xa vời không thực nào đó, nhưng nó vẫn là trái tim của chơn thực !.. Dù là dại khờ, dễ tin, dễ cảm xúc... Nhưng trái tim đó sẽ có một ngày tìm về nguồn cội... ! Những hiện tượng đã và đang cho thấy sự chuyển động của những trái tim không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo đang nương tựa với nhau xuôi dòng tìm đường trở về với nguồn cội. Những miền đất khô cằn, nứt nẻ bị lừa dối ngàn năm qua, đang đón nhận những hạt mưa chân diệu Pháp, đất sẽ mềm, tâm sẽ tịnh tĩnh, trong vô ngôn, nhưng ý Pháp tràn đầy lý lẽ thâm diệu của sự chân thật trong cõi giới Cực Lạc hiện tiền. (Viết theo những gì đã cảm nhận được, qua những hành trạng của các vị Phật tử ngoại quốc.) Người Phật tử thuần hành nghĩ gì trước sự chuyển mình đó, ta có tận hiến bằng cách hộ Pháp hay giúp mọi phương tiện dễ dàng trong tinh thần trì độ cho những trái tim lưu lạc ấy vững chãi xuôi giòng khi trở về nguồn không ?
Muốn cho thế giới thay đổi tốt hơn, ước mong xả hội an toàn hơn, hy vọng cho gia đình ta được hạnh phúc hơn, thực tập cho thân tâm an lạc hơn . . .Có phải chăng là để xây dựng một cõi giới Cực Lạc hiện tiền ? Muốn được như thế tự mỗi cá nhân nên tinh tấn hành trì Bát Chánh Đạo, xuyên suốt được tám nẽo đường quang chánh là; Chánh Kiến, Chánh Tư-duy , Chánh Ngữ , Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Nhận thức rõ được giá trị của lý Vô Thường. Cái Tôi năm phút qua đã chết, cái Tôi trong sát na hiện tại hoàn toàn lột xác từ; tư duy, suy nghĩ, hành động lẫn môi trường. . Tất nhiên phải phù hợp với đời sống thực tại. Chứ không thể vừa sống trong thực tại vừa ôm ấp sự chết để tôn vinh hào quang quá khứ đã tắt. Còn không chính ta tự đào thải trong luồng trốt tự nhiên của vô thường chi phối.
Cái hay của đạo Phật là hoàn toàn tự tại không trói buộc vào một giáo điều khô cứng nào. Tôi xin được chia sẻ một dẫn dụ sau đây để so sánh; nước trong lu, ao hồ và nước trong sông, suối, thác nước, tuy danh từ chung gọi là nước, nhưng về chất lượng, tinh thần hoàn toàn khác nhau.
Người Phật tử thuần hành an nhiên bình dị trong đời sống, có thể đi đến tham dự một buổi lễ, bất kỳ tôn giáo nào tổ chức, bày tỏ lòng cung kính, mà trong thâm tâm không vướng mắc so bì, phân biệt hay bị một mặc cảm tội lỗi nào ràng buộc. Đó là phong thái sống động trong tinh thần tự nhiên hòa hợp với vạn vật. Thỏng tay đi vào chợ (Ngôn ngữ thiền) an nhiên thoải mái trong cảnh chợ đầy uyên náo ô tạp hay nói về sự hữu duyên tình cảm giữa nam nử thiện lành, họ có thể rời bỏ đạo Phật không đắn đo, vui vẽ theo đạo của người hôn phối, kể cả cái nhìn của chúng Phật tử chung quanh không có một sự phản ứng câu chấp, hay trách cứ tiêu cực nào xãy ra. Có phải chăng đó là tinh thần từ, bi ,hỷ, xả, vị tha, vô ngã của nhà Phật, đã mang dấu ấn sâu đậm, tiềm ẩn trong nét đẹp của nền văn hóa tâm linh của người Việt ?
Có người hỏi đạo Phật giáo có giáo điều không ? Xin thưa đạo Phật chỉ có giáo lý mà thôi! Đức Phật là đấng giác ngộ đã chứng đạt vô thượng, chánh đẳng, chánh giác. Giáo lý của Ngài chỉ dẫn hướng đi cho những ai quyết tâm cầu đạo; tự tu, tự tinh tấn để đi đến mục đích, tự giải thoát, vì thế đạo Phật hoàn toàn không dính mắc trói buộc bởi giáo điều (Có giáo điều là có ngã chấp, mà có ngã chấp là có người thống trị và kẻ bị trị, trong khi đạo Phật chủ trương Vô Ngã.) Nhờ không vướng mắc vào giáo điều khô cứng do con người tự vẽ ra, nên mới gọi đó là chân lý là sự chân thật, vô ngã, vị tha khó có một tôn giáo nào dám trực diện để phản biện.
Sau đây tôi xin được mạn phép kể một câu chuyện có liên quan đến những giấc mộng trong đời người: Linh ảnh trong giấc mộng :
Một ngôi chùa kia, ngoài vị Sư già trụ trì còn có một người đàn ông khoảng gần sáu mươi, vô gia cư đến xin tá túc, nương nhờ vào cửa Phật đã gần được một năm, chí nguyện là phát tâm làm công quả cho chùa, hàng ngày ngoài việc lo phụ giúp vị Sư cuốc đất trồng khoai, còn phải lo quét dọn , lau chùi chánh điện, công việc của chùa không khác gì chuyện nhà, việc làm không bao giờ hết, còn khách thập phương mỗi ngày ra vào lễ Phật tuy không nhiều nhưng cũng không phải là ít, bất kỳ gặp ai ông cũng than vãn chổ này bụi bặm không ai lau, chánh điện nhện giăng không ai quét, sân trước có vài đóa hoa héo không ai chăm sóc, lá vàng rơi đầy sân không ai quét, rồi ông kết luận:
* Ông có thấy không, tôi mà không làm, thì không ai làm cả * Lời than vãn kể lể tiêu cực của ông đã khiến không ít người mất bình an, có một số người vì phải làm lụng vất vả lo cho cuộc sống nên không đóng góp công sức nhiều cho chùa được, lòng sanh ra mặc cảm, e dè ít thường lui tới, ngoại trừ những ngày lễ lớn. Vị Sư trụ trì đã biết từ lâu nhưng chưa có dịp để giáo hóa.
Cho đến một ngày kia sau khi lau chùi chánh điện xong, ngồi trên ghế dựa đầu vào cột để nghỉ ngơi, rồi ngũ lúc nào không hay, ông đi vào giấc mơ thấy những nơi mình thường lau chùi quét dọn từ chánh điện ra tới sân trước lẫn sân sau mọc lên những gương mặt xấu xí, câu chấp, giận dữ, âm giọng chứa đầy mỉa mai, gương mặt, lẫn giọng nói đó sao lại hao hao giống mình, cảnh vật chung quanh bao trùm một bầu khí u ám ảm đạm, ông sợ quá hét to lên, từ trên ghế té xuống đất liền tỉnh dậy ngơ ngác, sau phút định thần biết đó chỉ là một giấc mơ, nhưng cảnh tượng y như là thật cho đó là điềm lạ, ông đi tìm vị Sư trụ trì và kể lại cho ngài nghe giấc mơ lạ ấy. Nhà Sư mĩm cười đôn hậu nói rằng: * Những cái đầu mọc lên đó là những ý hay khẩu nghiệp câu chấp, giận dữ, tị hiềm, hành tỏi, mỉa mai. . . của ngươi đã tác nghiệp gieo vào trong tâm hàng ngày, qua một thời gian dài đã trở thành một kinh nghiệm sâu sắc và được tồn trữ trong tàng thức, vì thế khi ngươi đi vào giấc ngủ, ngay lúc ấy ý niệm câu chấp, giận dữ, tị hiềm, hành tỏi đang sinh khởi, khơi dậy những hình ảnh của quá khứ trong tiềm thức, làm sống lại những gì ngươi đã tác nghiệp, tạo ra những linh ảnh mà ngươi đã thấy trong giấc mơ, tuy khẩu nghiệp của ngươi không hại ai, nhưng cũng đem đến không ít phiền não khó chịu cho những ai muốn đến đây tìm giây phút an lạc. Sau khi nghe thấy được sự sai trái, người đàn ông liền chấp tay xá lạy và thưa rằng: * Xin Thầy điểm hóa và dẫn dắt cho con * Nhà Sư hiền từ, nhỏ nhẹ dạy rằng:
* Ngươi hãy thực tập chánh niệm sống an trú trong giây phút thực tại;
- Khi quét dọn hốt lá, thở vào niệm rằng tôi đang quét dọn hốt lá, thở ra miệng mĩm cười an lạc.
- Khi chăm sóc vườn hoa, thở vào niệm rằng đang chăm sóc hoa cảnh, thở ra miệng mĩm cười an lạc.
- Khi cầm chổi quét sân, thở vào niệm rằng đang cầm chổi quét sân, thở ra miệng mĩm cười an lạc.
- Khi lau chùi trong chánh điện, thở vào niệm rằng đang lau chùi chánh điện, thở ra miệng mĩm cười an lạc.
Cứ thế và cứ thế tiếp tục an trú trong thực tại, đừng để ý đến cảnh vật thị phi bên ngoài lôi kéo, hoàn toàn chú tâm vào công việc đang làm, có thế mới loại bỏ được những độc hại so đo chấp cứ. Nếu ngươi thực hành được những lời ta đã dạy bảo, thì ngươi sẽ tìm thấy được sự nhiệm mầu ngay trong giây phút đầu tiên. Ngươi nên quán niệm rằng; mọi sự vật trôi chảy biến dịch liên tục như một dòng sông không bao giờ dứt, thì mọi chuyện, lau chùi, dọn dẹp, quét lá, chăm sóc cây cảnh hoa lá. v.v... sẽ liên tục không bao giờ có sự khởi đầu hay chấm dứt, hiểu được như thế tâm mới không so đo, kể lể, câu chấp, nếu hôm nay làm chưa xong, thì ngày mai lại tiếp tục,
( ngoại trừ những việc lớn nặng nề, thì lên tiếng kêu gọi mọi người phụ giúp ) cũng đừng mong cầu đòi hỏi so bì trách móc người khác, chỉ đem hết tâm lòng tận hiến một cách trọn vẹn với công việc của ngươi đang đảm trách với một tinh thần không câu chấp, vì câu chấp sẽ biến sinh ra mỉa mai, tạo ta những nọc độc gieo vào tâm có hại cho chính mình và nên ý thức rằng: - Sống trong đời thường là buông thả thân tâm trôi xuôi theo dòng đời, vướng đắm vào ngũ trược của trần thế tạo ra khổ đau, nhưng khi đến chùa chí nguyện phát tâm tu tập là phải xoay chuyển cả thân tâm 180 độ để lội ngược lại dòng cuồng nộ vô minh của thế gian, còn không đến chùa mang tâm trạng đời thường để cởi ngựa ngắm cảnh xem hoa, vướng đắm vào thị phi chỉ sinh ra phiền não chứ không được lợi ích gì.*
Sau khi nghe được những lời khuyên nhũ chí tình của vị Sư, người đàn ông vui mừng khôn siết cúi lạy rồi lui ra tiếp tục công việc hàng ngày. Vài ngày sau, những người thường vãng lai đến chùa lễ Phật, đều thấy ông lúc nào cũng chú tâm vào việc làm, miệng luôn luôn mĩm cười trong an lạc, những tiêu cực lúc trước đã hoàn toàn tan biến.
Câu chuyện nêu trên cũng chỉ là một ẩn dụ, như bao ngàn câu chuyện khác đã và đang xãy ra trong cuộc đời chúng ta. Dù đó chỉ là cái mầm nho nhỏ của sự giác ngộ từng phần, nhưng nếu được tiếp tục tưới tẩm trong chánh Pháp mầm ấy sẽ trở thành cây đại thụ kết đầy châu báu, lưu ly. v.v. .
Có người hỏi: Chúng ta nói được mà có làm được không ?
- Xin thưa. Đừng lầm lẫn giữa tinh thần và vật thể hay mặc cảm vướng vào những câu hỏi mang tính chất Tiêu cực ấy, câu hỏi trên nên dùng vào những thách thức của nghề nghiệp đời thường, thí dụ như; Tôi là thợ mộc tôi sẽ đóng được cái bục để kinh cho Sư Cô, kết quả tôi đã đóng được cái bục ấy, xe này hư anh A có sửa được không ? Anh A trả lời: Tôi sẽ sửa chữa được vì tôi là thợ máy.v.v. . Nhưng còn về phần tinh thần, tu sửa chuyển hóa thân tâm không phải là một chuyện dễ dàng, vì tinh thần không phải là vật thể, có thể mài giũa, cắt xén , đôi khi cả một đời người miên mật tu tập chỉ giảm bớt được mười phần trăm về tham, sân, si cũng là may mắn phúc đức lắm rồi. Chúng ta đang lê từng bước chân còn thô kệch nặng nề trên con đường tu tập; học hỏi, hiểu biết, nói, chia sẻ. hành tập, buông bỏ tự ái, ngã mạn, biết chấp thuận những điều hữu lý.v.v...
Chúng ta vẫn là người trần mắt thịt dù có chí nguyện quyết tâm thực tập một cách miên mật đi nữa, cũng vẫn còn đa mang nhiều hệ lụy của căn nghiệp quá khứ, không thể tránh được những điều sai phạm tùy theo ảnh hưởng vướng đắm nhiều hay ít do bởi trần cảnh, nhưng nhờ nương tựa vào Tam Bảo độ trì, với tâm lòng thiết tha kiên định tu tập cho đến khi. . .có thể đến cả trăm kiếp sau. . .mới được qua bên kia bờ. . . Reo vui, reo vui. .
Vậy từng phần hay toàn phần cũng chỉ là ý niệm để mong cầu hướng về chân, thiện, mỹ, một khi ý niệm đã được thành lập vững chải, thì sự phát tâm tu tập tinh tấn nương tựa vào Tam Bảo để đi đến giải thoát mới là điều đáng bàn đến. Thế nên thế giới Cực Lạc không phải là một chuyện xa vời ảo tưởng. Cõi giới Địa ngục hiện tiền hay thiết lập được cõi giới Cực lạc hiện tiền ngay trong giây phút thực tại cũng chỉ là sự biến hóa đầy mầu nhiệm trong thế giới của tâm thức, chỉ có chính ta mới cảm nghiệm được giá trị tinh thần đó qua quá trình tu tập.
Cực Lạc hiện tiền:
Thế giới Cực Lạc đang xãy ra ngay trong giây phút hiện tại ? Nếu chúng ta biết thực tập sống có chánh niệm, trở về với thân tâm, an trú trong từng hơi thở, lắng nghe âm thanh sự sống của thiên nhiên, đón nhận từng sợi nắng ban mai ẩn lộ chòm cây kẻ lá, từng hạt sương trong vo tròn trên búp lá non, ngọn cỏ xanh mướt bình dị như màu mạ, đón nhận từng tia nắng hạ đang reo vui, từng đàn bướm lượn lờ quanh những đóa hoa vừa mới nở, giữa bầu trời xanh trong như bích ngọc, những áng mây trắng thản nhiên tự tại không một giây phút hối hả. . Rồi mùa thu sang ánh nắng vàng chanh nhàn nhạt lung linh buông lơi, mang theo những cơn gió nhẹ man mát chao động lòng người. . .Có thật như thế không ? Xin thưa; vạn vật trôi lăn trong sinh diệt tự nhiên không có ngằn mé, câu chấp, chỉ có con người cảm nhận chúng ra sao, còn tùy thuộc vào tình trạng vui, buồn hay vô cảm của tâm thức.
Kinh nghiệm cho ta thấy sự hối hả tất bật chạy rong suốt cả cuộc đời để được làm người thông minh, ngôn ngoan, danh vọng tiền tài, quyền lực ? Đến khi chợt dừng lại! Soi gương mới giật mình sửng sốt. Rồi đến giai đoạn không còn chạy rong; xả hỷ hơn thua, buông bỏ quyền lợi, thị phi ngả nón chào.v..v. Biết sắp đặt công việc để thân tâm được nghỉ ngơi, biết cảm ơn những giây phút mầu nhiệm, thoáng nghe tiếng chuông đồng hồ ngân vang, tập tành cho cái tâm, trí óc biết dừng lại; thở ra, thở vào cảm nhận được luồng khí tinh khiết ngọt ngào vừa đi qua làm nở phồng cánh mũi, làm cho buồng phổi căng trào reo vui, ta biết mĩm cười và thầm cảm ơn sự sống. Từ đấy ta mới cảm nhận và xác định được rằng; Cực Lạc đang hiện hữu quanh đây, lẫn trong ta. Vì thực tại là tương lai !. Tự đặt cho ta một câu hỏi - Ta có thật sự sống an trú trong giây phút thực tại không ? Hay cứ chạy rong, đuổi theo những nhu cầu tham đắm, vật chất quá độ, thì làm gì còn có thời gian dành cho thực tại ? Cuối đời sao có đủ công đức, phước đức để được vãng sanh vào cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
Thực tập An trú:
Khi ta ăn, hay uống trong tinh thần an tịnh, đó mới chính là lẽ sống chân thật nhất của một đời người, sống mà không có ý thức hay biết ta đang làm gì ? Không khác gì Sống như đã chết. Xin được mạn phép chia sẻ hai câu thơ sau đây:
-Ẩn trong da bọc thối tha
Sống như đã chết thành ma không mồ
Khi ăn, ý thức rằng ta đang ăn; nhai chầm chậm từng cọng rau, miếng đậu hủ, hạt cơm. .v.v. . Nhờ nhai chậm rãi có ý thức ta mới tiếp xúc được với những tinh chất, ngọt mặn của các thức ăn, pháp môn này giúp cho tâm ý ta trở về với chánh niệm, sống hoàn toàn có ý thức, biết rõ ràng những gì đang xãy ra trong từng giây phút thực tại, ( Nhai chầm chậm có nghĩa là nhai từ tốn, không quá chậm hay quá nhanh, sự nhai có ý thức, tạm thời đình chỉ tất cả những vọng tưởng khác, chỉ chú tâm vào thức ăn ta đang nhai, cảm nhận được những vị mặn, ngọt của thức ăn. ) và quán niệm rằng; nhờ vào những bàn tay, tâm trí của nhiều người đã đóng góp; gieo trồng, gặt hái, chuyên chở, rao bán, cuối cùng ta mua được những ngũ cốc xanh tươi, dùng làm thực phẩm để nuôi dưỡng thân này. Tất cả những tinh thần tu tập nêu trên, được Thầy Nhất Hạnh gọi đó là pháp môn: *An trú trong giây phút thực tại.
Nếu thực tập được hạnh từ tốn biết kiểm soát tâm ý, để trở thành một thói quen cho mỗi sự việc đang xãy ra, sẽ giúp ích cho ta rất nhiều, nhất là đối với những bạn có tính khí thường bốc đồng vô cớ hay có lý do, nhưng còn mang nặng căn nghiệp tập khí của quá khứ, nên khi tiếp xúc với cảnh trần không được như ý, tính khí bị tác động bộc phát bùng lên quá nhanh, không thể kiểm soát được thân, khẩu, ý thường sinh ra những hành động tạo nên đau khổ và phiền não.
( Tập khí nóng nảy, thẳng tính là một thói quen trong quá khứ của đời tôi, tuy từ bấy lâu nay tôi rất kiên định miên mật tu tập, tuy giảm đi khá nhiều, nhưng vẫn chưa vượt thoát ra khỏi gọng kềm của nó, vả lại cũng còn tùy thuộc vào thành phần đối tượng và sự việc xãy ra như thế nào ? )
Thực tập thiền định hầu cắt xén đi những mầm gai do bởi những vọng tưởng thói quen tạo nên, sẽ làm giảm đi phần trăm sai lầm, thất bại, thì những năng lượng phiền não, bực dọc, rối rắm, sẽ được chuyển hóa dần thành năng lượng an vui, mang đến cho tâm hồn ta có niềm tin yêu đời.
Sống chạy theo thói quen được huân tập trong một môi trường không lành mạnh do bởi những tác động của ngoại cảnh chi phối, nhưng ta chịu khó thực tập chuyển hóa thành một thói quen có chánh niệm, thì những ảnh hưởng không ích lợi của môi trường sẻ bị loại bỏ ngay sau khi niệm vừa phát khởi.
Chúng ta đã từng sống, trải qua biết bao nhiêu kinh nghiệm và đã nhận thức rằng; * Có những việc ta đang làm, tâm, trí chạy đuổi chụp bắt nhiều sự việc trong một lúc, thì việc ta đang làm trong thực tại có hoàn tất mỹ mãn không ? * thì câu Sống như đã chết, đã tự biện chứng được điều đó, dù là sự chết trong giai đoạn ngắn ( Khi cuối đời, nếu đem cộng tất cả những cái chết giai đoạn ngắn đó lại, cho ta thấy một con số phí phạm không phải là nhỏ ? )
Có người hỏi rằng:
* Thế giới đang chiến tranh, con người tranh chấp, hận thù, xâu xé, bạo động làm sao để có được an lạc trong giây phút hiện tại ? * Xin thưa, nhờ vào sự tu tập miên mật nên chúng ta mới có ý thức được rằng; Mọi sự tranh chấp quyền lực giữa những chủ nghĩa hay nhằm vào những vật chất vô thường không thật có, tạo ra những xáo trộn, thù hận, không đem lại lợi ích gì cho sự sống của con người, nhất là người nghèo khổ, cô thế, chỉ làm giàu cho một thiểu số người tham vọng chạy đuổi theo quyền lợi, chức tước, địa vị.
( Xin quay về nhìn lại quá khứ để nghiệm thấy ý nghĩa lý Không, Vô thường, Duyên khởi của nhà Phật cho chúng ta thấy rõ sự phân tranh tương tàn giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn kéo dài từ năm 1545 – 1787 và mãi cho đến năm 1802 Chúa Nguyễn Ánh mới hoàn toàn thống nhất được đất nước. Trong 257 năm đó có biết bao nhiêu sinh mạng vô tội đã nằm xuống, gánh lấy những oan nghiệt tội tình, đôi khi chỉ vì một người mang tội phản Chúa Nguyễn hay Trịnh, thì giòng họ liên hệ cũng phải bị xử trảm Tru di tam tộc (Ba đời phải chịu án tử theo người mang tội) và mãi cho đến thời đại hôm nay còn có một người Việt nào cưu mang hay câu chấp đến tinh thần phân tranh giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn nữa không ?)
Mỗi người tự quay về nhìn thật sâu vào bản chất khổ đau của kiếp người, tại sao phải tiếp tục thù hận cuối cùng được gì ngoài hai chữ khổ đau,? Buông xả, thực tập sống có ý thức trong chánh niệm an lạc ngay trong giây phút hiện tại, tức là giảm đi được một đơn vị đóng góp vào cực đoan thù hận và làm tăng thêm một con số cho hòa bình.
Các bạn ạ ! Ta đang đánh mất Cực Lạc hiện tiền, một Cực Lạc mà ta đang đánh mất trong giây phút thực tại, để chạy đi tìm một Cực Lạc xa vời nào đó. Xin xét lại cho, tôi không có ý bài bác cõi Cực Lạc đã được xây dựng trong kinh A Di Đà, nhưng trong đời sống thực tại không nhiếp tâm tu tập hành trì tiếp nhận và xây dựng được cõi thế Cực Lạc hiện tiền, thì làm sao chuyển tiếp qua được cõi giới Cực Lạc mầu nhiệm của Đức A Di Đà đuợc ? Vì hôm nay, bây giờ có phải là sự tiếp nối cho tương lai, ngày mai ? Không có hôm nay sẽ không có ngày mai !?
Gieo Hạt:
Nói về Cực Lạc, mà không nhắc đến Địa ngục là một điều thiếu sót. Trong đời sống bình nhật từ gia đình cho đến xả hội, lúc nào cũng có hai mặt thiện, ác cho mỗi hành động của thân, khẩu, ý, tạo thành hai loại hạt giống xấu hay tốt được gieo lên trên mảnh vườn tâm, chờ đến lúc đầy đủ nhân duyên những hạt xấu, tốt ấy sẽ nẩy mầm tượng quả.
Vợ chồng, con cái, cùng sống với nhau trong một mái nhà ấm cúng, khung cảnh tinh thần liên hệ ấy, được thêu dệt bằng những tơ lụa rất quý báu, nhưng cũng dễ bị tan vỡ như bong bóng của trời mưa, vì thế mỗi cá nhân nên ý thức rằng; phải nuôi dưỡng dự trữ những hạt mầm lành mạnh, để mỗi lần gieo hạt, nẩy sinh ra mầm Cực Lạc ngay trong giây phút thực tại, còn không hiểu biết, hành động nông nỗi, ngã chấp, thì hạt mầm xấu xí đó sẽ nẩy sinh ra mầm Địa Ngục ngay. Vậy mỗi ngày chúng ta nên kiểm chứng lại xem những hành động của ta đã gieo bao nhiêu số hạt màu đen (Địa ngục) hay số hạt màu xanh (Cực Lạc) ? Những hạt hạnh phúc hay hạt đau khổ đã và đang ảnh hưởng đến sự sống tinh thần cho vợ hay chồng, con cái, anh em thân thuộc, bạn bè, cộng đồng ? Nhờ thế mới biết được cái nào cần phải tu sửa, chuyển hóa dần cho đến khi số hạt màu đen biến thành màu xanh. Đó mới chính là Cực Lạc mà chúng ta phải chú tâm thực tập tìm cầu.
Mỗi buổi sáng thức dậy ta nên dành một ít giây phút định tĩnh thiền quán và quán niệm rằng; *- Hãy sống tử tế với thân, tâm ta, và sống tử tế với mọi người. * Tử tế là biết kiểm soát Thân, khẩu, ý, từ lúc ý niệm sinh khởi, tác động phát tiết ra lời nói từ mỉa mai, hành tỏi cho đến lời trung ngôn thành thật, êm dịu nhân hậu, hạt nghiệp xấu, tốt liền tượng hình đi qua tâm, lưu trữ trong tàng thức, khi đủ nhân duyên sẽ nẩy mầm kết quả.
Đứng giữa cuộc đời nhốn nháo và xô bồ, hãy lắng lòng nhiếp tâm định tĩnh một ít phút để quán thính, những âm thanh phiền trược cấu nhiễm, từng lớp được đan kín ẩn núp trong cái mặt nạ lập lờ của ngôn ngữ. Cho nên cõi giới Cực Lạc hiện tiền có được xây dựng hay không ? là do bởi ở tâm.
Cực Lạc hiện tiền cũng chỉ là ẩn dụ được dựa trên mọi sự việc xãy ra có tính cách tương đối trong cõi ta bà, không khác gì như một hạt giống (Nhân) nhỏ nhoi, nhưng từ hạt giống ấy, nếu được gieo trồng chăm sóc bằng tâm huyết, ngày mai nó sẽ trở thành một cây đại thụ cành lá sum sê che khắp cả một vùng rộng lớn (Quả). Định luật Nhân Quả cho ta thấy sự thành hình từ nghĩa tương đối đến tuyệt đối, không khác gì giữa tục đế (Nhân) và chân đế (Quả), không nhờ vào sự tương đối của Tục đế phát sinh lấy cái gì để biểu hiện Chân đế (Tuyệt đối). Kết luận cho thấy, nếu không có sự tu tập miên mật thành tựu tốt đẹp trong cõi thế tương đối (Cực Lạc hiện tiền) thì lấy cái công, phước đức gì để bước vào cõi giới Cực Lạc viên mãn của Đức A Di Đà (Tuyệt đối) ?
Tuy cõi ta bà đầy phiền trược, kiếp trược, náo động bất an, nhưng chịu khó định tĩnh ta sẽ thấy trong thế sự phiền não kiếp trược đó có những nét đẹp chân, thiện, mỹ hoà lẫn. Thực tập cách nắm bắt, cách nhìn, thanh lọc biết chiêm ngưỡng nét đẹp trong vạn hữu, ta sẽ là chủ nhân ông được hưởng thụ những giây phút nhiệm mầu đó, những giây phút tuyệt vời ấy có phải chăng là Cực Lạc hiện tiền ?
Đức Phật, Ngài kể cho chúng ta nghe về quang cảnh của cõi Cực Lạc đại thiên thế giới Đông, Tây, Nam, Bắc, Hạ, Thượng *... Số lượng của các vị này đông đảo vô cùng, không thể dùng toán học mà kiểm đếm được.*
Nhìn chung trong cái ác; chiến tranh, tàn bạo, tội lỗi, máu lửa, được xãy ra ở cõi thế dẫy đầy bất an, nhưng trong phiền não vẫn có cái thiện, an nhiên tự tại đâm chồi nẩy lá, nở hoa tình thương. Tất nhiên có rất nhiều chúng sinh đang tu tập hướng về chân, thiện, mỹ, nên trong cõi giới Cực Lạc của các vị Bồ Tát mới có một số lượng đông đảo không thể đếm được như thế.
Trước khi chuyển qua một chia sẻ khác. Tôi xin trích một đoạn rất quan trọng trong kinh A Di Đà, nương vào ý nghĩa câu kinh này sẽ giúp cho chúng ta thấy rõ được lời ẩn dụ của Đức Phật nói về cõi Cực Lạc được xây dựng ra sao ? và đồng thời cũng là câu kết để trả lời cho những ai chưa thấu rõ được những ẩn dụ trong văn ngữ kinh A Di Đà: * Này Xá Lợi Phất! Nước Bụt kia đã được xây dựng bằng những công đức đẹp đẽ như thế. *
3- Cõi ta bà ngũ trược, khó phát sinh niềm tin.
Lời của Ngài cuối đoạn kinh A Di Đà như sau: * ... diễn giải được cho mọi giới những pháp môn rất khó tin như pháp môn này, đó là việc làm quả là cực kỳ khó khăn.*
Lời Ngài đã cảnh giác với chúng sanh trước những ảnh hưởng của ngũ trược. Ngài không có quyền năng hay phép mầu biến hóa thay đổi tâm tính nghiệp căn của loài người hay hứa hẹn cứu rỗi cho một ai được. Nhưng Ngài cứu độ dẫn dắt chúng sinh bằng những kinh nghiệm tu chứng giác ngộ, giải thoát mà Ngài đã đi qua. Giáo pháp của Ngài không thể hiện tính giao phó hay phó thác, như bao tôn giáo khác có tính tuân phục lệ thuộc vào thần quyền. Ngài đã dẫn dạy người xứ Kalama rằng:
*Này Kalama, ngươi đừng vội tin một điều gì, dù điều ấy do thầy truyền đạo nói ra hay do chính ta là Đức Như lai đang nói ra.Và này Kalama, trước khi ngươi tin một điều gì ngươi hãy suy nghĩ điều ấy có lợi ích cho ngươi, cho người khác, có di hại về sau không? Nếu tất cả có lợi ích không di hại về sau, thì ngươi hãy thực hành điều đó.*
Đó là một dẫn chứng để cho chúng ta thấu rõ được đâu là nguồn cội chân thật.
Sự khiêm nhường của một vị Thức-Giả cho chúng ta thấy rằng; trong cõi thế ô trược, không thể có một vị thứ hai nào xuất hiện, luôn nặng lòng với muôn loài, thao thức và thực tế bày tỏ những khó khăn ngăn trở trên bước đường giáo hóa chúng sanh.
Con người khó có niềm tin vào sự tự phát nguyện thực tập ? Ai ai cũng mong ước cái thân nghiệp này được vui sướng, sau khi buông xuôi trở về với cát bụi, được vãng sanh đến một thế giới có tên là Cực Lạc, Thiên Đàng..v.v. Nhưng khi Đức Phật chỉ dẫn phương pháp tu tập, thì lại xao lãng việc hành trì. Dẫn dụ; như ai cũng muốn có văn bằng Tiến sĩ, nhưng không muốn học, dù có đầy đủ phương tiện, trong khi ngũ trược cứ liên tục đánh phá, vì thế lắm khi tâm hồn yếu đuối trống rỗng hoang mang, không biết nương tựa vào đâu ? khốn nỗi tâm hồn lúc nào cũng lo sợ bất an, giữa sự sống và chết. Câu hỏi sau khi chết đi về đâu ? Đây là mấu chốt dễ đưa con người đến cảnh qui thuận trước những lời hứa hẹn, quảng cáo..v.v. Họ không ngại ngùng gì, có thể đem cả việc cứu rỗi, giao hàng đến tận cửa nhà. Rao giảng một thế giới thần quyền với những vị thần chuyên lo chuyện cứu rỗi môn đồ, mọi tội lỗi từ thời vô thỉ vô chung đều được giáo chủ gánh hết !? chỉ cần tin là được, sau khi lìa đời sẽ được thần thánh nào đó rước về cõi giới ấy ngay, không cần công phu phát nguyện tu tập gì cả, chỉ biết cúi đầu tuân phục theo những giáo điều liệt kê sẳn, hẳn nhiên không bao giờ thiếu mục dâng hiến của cải vật chất, dâng càng nhiều cửa trời càng thênh thang mở rộng !?
Vì thế cách gần chục năm trước, có một giáo phái tự tử hàng loạt, để lại lời trối trăn, từ giả thân nhân, bạn hữu, và cho rằng phi thuyền đang chờ trước cửa tử sẵn sàng để đưa họ về cõi thiên đàng ?
Ngài đã thấu rõ được tâm lý của chúng sanh, phần đông bất cứ cái gì cũng muốn, nhưng lại không muốn hành trì công phu thực tập. Con đường dẫn độ của Ngài vẫn mãi là chân lý chân thật nhiệm mầu dành cho những ai quyết tâm tìm cầu.
Tuy cõi giới Cực Lạc của Đức A Di Đà rất đẹp đẽ, chúng sanh ai ai cũng mong ước sau khi mãn phần được vãng sinh về chốn ấy. Nhưng nhìn xuống còn có cõi Địa Ngục; những tiếng kêu khóc, rên la đau đớn không phải là ít. Rất nhiều vong linh nơi cõi ấy đang chịu cực hình để trả nghiệp dữ, không thể dùng con số kiểm, đếm được. Tuy chúng ta không có đủ phước đức để được vào cõi ấy hầu an ủi độ trì, đọc kinh hay niệm Phật, giúp cho họ có niềm tin nương tựa vào Tam Bảo.
Nhưng trong cõi Địa Ngục, ngoài những vong linh không liên hệ còn có những thân quyến rất cần đến sự cầu nguyện của chúng ta để mong được Chư Phật mười phương cứu độ. Đồng thời nên nhất tâm quán tưởng, khởi lòng bi mẫn chia sớt được phần nào khổ đau. Tôi xin được chia sẻ bốn câu thơ sau đây riêng tặng cho những ai đã và đang quán tưởng về cõi giới ấy:
Đường về Địa-Ngục trổ hoa
Tâm nào co chấp Đường Xa, Lối Gần(*)
Khẩn cầu phát nguyện vạn lần
Đem tình thương đến sẻ phần độ chia
(*) - Cực Lạc, Địa Ngục
Nam Mô A Di Đà Phật
Tâm Chơn Chánh - Mơ ngọc Sĩ February 12, 2007
Đông Bính Tuất 2006
singocmo@yahoo.com


Tâm Chơn Chánh
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712