Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > LỊCH SỬ PHẬT GIÁO
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 08/08/2008 (GMT+7)

NHÌN LẠI ĐOẠN ĐƯỜNG 30 NĂM (1963 - 1993)

Vài lời thưa trước: Ba mươi năm chỉ là một khoảnh ngắn ngủi trong lịch sử dài của Dân tộc và Phật giáo. Nhưng khoảnh ngắn ngủi này (1963 - 1993) đã diễn ra bao biến thiên thay đổi đến tưởng chùng như cả mấy trăm năm : chiến tranh tan tác, rruột thịt chia lìa, non nước điêu linh, sinh dân đồ thán, và chủ nghĩa, chế độ...Tất cả đó như cuộc cờ hết bày đến xóa. Rồi ra, lịch sữ vẫn như có mãi một thiểu số sống trên vinh danh quyền lực và một đa số làm nạn nhân của lịch sử.
Phật Giáo Việt Nam của 30 năm qua đã sống cùng với đa số như một lựa chọn của lương tâm; và vì thế mà trở thành nạn nhân của lịch sử. Nhưng đó là một nạn nhân luôn vươn mình trổ dậy để tìm sự sống của mình trong sự sống của đồng loại. Mất đã nhiều mà được cũng có. Điều đáng nói là cả được và mất đều chẳng phải là tình cờ; và vì thế mà đều có cái ý nghĩa của nó.
Đi tìm ý nghĩa cho những được và mất ở đây là điều mà bài này muốn được gợi lên cùng bạn đọc.
Năm 1963 đã đánh dấu một giai đoạn mới của Phật Giáo Việt Nam : giai đoạn Phật Giáo bước ra khỏi không khí trầm mặc của Thiên môn để đi vào hoạtt trường rối rắm của xã hội; giai đoạn Phật giáo bắt đầu công khai nói tiếng nói của mình trước các vấn đề liên hệ đến sự sống của con người và của dân tộc trên khắp các bình diện: từ văn học, nghệ thuật, tư tưởng đến chính trị, xã hội..., và vì thế, đó cũng là giai đoạn thử thách của giáo lý giải thoát, giác ngộ khi đối diện với những hệ lụy của lịch sử mà dân việt đã phải chịu đưng.(Hẳn nhiên, trước đó Phật Giáo Việt Nam không phải không có những thử thách và đối diện kiểu nay nhưng chưa bao giờ mà sự thử thách và đối diện lại công khai, phổ biến và thiết thân đến sinh hoạt của Phật Giáo như thế). Do vì đối diện với những hệ lụy lịch sử đó mà Phật Giáo Việt Nam cũng chịu lấy sự hệ lụy; và vì vậy, những mất và còn, những tan vỡ và thành tựu của nó trong cuộc đối diện này đã vẽ lên một bộ mặt hết sức đặc biệt và phức tạp của Phật Giáo Việt Nam; ở đó, chúng ta có thể thấy được những mạnh và yếu, những khác vọng thâm trầm và sắc thái hành hoạt của Phật Giáo Việt Nam để học được những bài học đáng giá cho con đường đi tới trước mặt.


BỐI CẢNH LỊCH SỬ 1963 - 1993 (1)


Trong tình cảnh đất nước chia đôi như là hậu quả của cuộc chiến tranh 1946-1954, năm 1963, chế độ đệ I Cộng Hòa ở miền Nam của Tổng Thống Ngô Đình Diệm sụp đỗ. Sự sụp đỗ của một chế độ ít nhiều cũng dẫn tới những xáo trộn, khủng hoảng - những xáo trộn, khủng hoảng cần có thời gian để khắc phục, tái ổn định. Tiếc thay, trò chơi chính trị của các thế lực quốc tế và con cờ chính trị của các thế lực này trên đất nước Việt Nam đã không ccho miền Nam có thời gian và cơ hội để ổn định; để cho miền Nam, ngay sau sự sụp đổ này, đã rơi vào tình trạng khủng hoảng triền miên song song với tình trạng chiến tranh ngày một mở rộng và leo thang:
- Năm 1964, Tướng Nguyễn Khánh chinh lý, đẩy miền Nam vào sự rối loạn ,khủng hoảng lãnh đạo với sự tranh chấp quyền hành giữa các tướng tá, và sự thao túng chính trường của các tướng tá này.
- Năm 1966,1967, trước tình trạng khủng hoảng lãnh đạo, sự thao túng chính trường của các tướng tá, Phật Giáo phát động cuộc vận động đòi dân chủ lập hiến. Cuộc vận động không thành công như ý nhưng chế độ đệ II Cộng Hòa lại được thiết lập với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Thực chất, chế độ này là kết quả của cuộc tranh chấp quyền hành giữa các tướng tá đồng thuận với những toan tính của Washington chứ không phải là kết quả như ý của cuộc vận động của Phật Giáo. Tình trạng xáo trộn, khủng hoảng của xã hội miền Nam vẫn không có lối thoát.
- Ngay từ sau 1963, cuộc chiến đã ngày một mở rộng và leo thang. Quân đội Mỹ và Đồng minh hiện diện đông đảo ở khắp nơi . Cộng sản mở hết trận tấn công này đến trận tấn công khác. Mậu Thân 1968 và Đại Lộ Kinh Hoàng Quảng Trị 1972 là hai trong những cao điểm của thảm kịch chiến tranh trên mạng sống của dân Việt. Người dân sống dưới lằn đạn mang nặng những lo âu, hoang mang, giao động. Trong khi chiến trường sôi động, chính trường rối loạn thì đời sống xã hội cũngg đầy những bất an, nhiễu nhương.
- Năm 1972, Hiệp định Hòa Bình được ký kết ở Pari nhưng đó chỉ là để chuẩn bị cho Mỹ rrút quân khỏi Việt Nam. Cuộc chiến vẫn không ngừng, vẫn đè nặng lên đời sống và tâm hồn của người dân.
- Năm 1975, Cộng sản thực hiện cuộc tổng tấn công trước thái độ vô trách nhiệm của giai tầng lãnh đạo miền Nam và sự thờ ơ đến quay lưng của Mỹ. Núi sông tang tóc. Thảm kịch chiến tranh trên mạng sống của dân Việt lớn hơn bao giờ. Thảm kịch chiến tranh trên mạng sống của lịch sử Việt Nam lại càng lớn hơn nữa và tác động sâu xa hơn với kết quả Cộng sản chiến thắng quân sự, áp đặt chế độ mới được gọi là chế độ xã hôi chủ nghĩa lên toàn cõi Việt Nam.
- Chế độ mới, cai trị bằng công an nhân dân và chế độ hộ khẩu đã đẩy miền Nam vào một cuộc "đổi đời" chưa từng thấy. Trại cải tạo và các lớp học cải tạo mọc lên khắp nơi. Nhà tù đầy người. Sự khủng bố, đe dọa đè nặng lên tâm hồn và đời sống của người dân. Những trận đánh tư sản mại bản rồi tư sản dân tộc về sau càng gây thêm không khí khủng bố, đe dọa. Hạnh hpúc không còn là được ăn, được nói, được suy nhgĩ. Hạnh phúc như chỉ còn là được thở. Hận thù và dối trá trở thành một thứ đạo đức phổ biến của xã hội.
- Năm 1977, phong trào thuyền nhân(boat people) vượt biển tỵ nạn bắt đầu dâng cao và trước công luận quốc tế, nó chứng tỏ sự đối kháng với chế độ mới của dân Việt ở nơi mảnh đất mà con người không thể sống tự do và hạnh phúc, không thể có chút hy vọng gì cho tương lai. Những cuộc chiến Việt - Cam Bốt, Việt - Trung tiếp theo cho thấy tình trạng thù địch giữa các đảng Cộng sản với nhau ở vùng này của thế giới. Sự thất bại của những kế hoạch 5 năm đầy không tưởng cộng thêm tình trạng bị cô lập với thế giới làm cho bộ mặt của chế độ mới càng xấu xí, tệ hại.
- Dân sinh khốn khổ, dân tình oán thán. Tiếng nói đối kháng với chế độ mới bắt đầu từ trong các tôn giáo lan ra đến các văn nghệ sĩ trí thức và quần chúng. Dây thòng lọng có nới dãn ra tùy lúc, tùy thời nhưng vũ lực chuyên chế và sự độc quyền lãnh đạo vẫn chưa hề được từ bỏ cho đến ngày nay.Trước tương lai của đất nước và nòi giống, nhà cầm quyền và các thế lực cấu kết đã không nhìn thấy hay không muốn nhìn thấy trách nhiệm của mình để cho đất nước vẫn ở mãi trong chu kỳ lệ thuộc - chiến tranh - xáo trộn - nghèo đói - băng hoại của lịch sử 110 năm qua và đặc biệt của 30 năm nay; ở đó những con dân yêu nước đã không lúc nào mà không vùng vẫy để mong tìm đường giải phóng lịch sử ra khỏi chu kỳ đầy thảm họa này. Đã có nhiều những thất bại và thất vọng. Niềm hy vọng gần như cuối cùng ở ngày nay là, dẫu bạo lực vẫn hoành hành nhưng chủ nghĩa hoang tưởng và những đầu óc độc tài bệnh hoạn đã chỉ còn như một rơi rớt của lịch sử cuối mùa. Chu kỳ như đang từ từ khép lại trong buổi hoàn hôn của nó.
Bối cảnh lịch sử của 30 năm(1963-1993) là đó. Chưa cần đi vào chi tiết, chỉ ở bề mặt mà ai cũng thấy trên, đó thực là 30 năm của chiến tranh, thù hận, 30 năm của những quyền lực phi dân tộc tranh giành, cấu xé, 30 năm của sự sa đọa tinh thần và những tang thương, rách nát đến khắp cùng mọi ngõ ngách của đời sống và tâm hồn của người dân Việt.


ĐOẠN ĐƯỜNG 30 NĂM (1963-1993) CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM


Lênh đênh cùng vận nước, Phật Giáo Việt Nam trên đoạn đường 30 năm qua đã gánh chịu hết mọi tai ương của lịch sử. Do bối cảnh đặt biệt, nhất là sự sụp dđỗ của chế độ đệ I Cộng Hòa ở miền Nam liên hệ đến cuộc vận động cho tự do tín ngưỡng và công bằng xã hội của Phật giáo năm 1963 mà Phật Giáo Việt Nam, trong 30 năm qua đó, đã ở trong cái thế nhập cuộc"chẳng đặng đừng" đến nỗi, có muốn rút lui về khép mình trong bốn bức tường thầm lặng của thiền môn cũng trở thành bất khả . Sự bất khả này, không chỉ vi sự lôi cuốn thụ động của hoàn cảnh mà còn vì, như một tôn giáo của dân tộc, Phật Giáo Việt Nam không thể không chủ động nói lên tiếng nói của người dân sống dưới lằn đạn chiến tranh cũng như dưới bạo lực khủng bố. Nói được hay không và hậu quả của những tiếng nói đó như thế nào là một chuyện. Điều đáng nói ở đây là, chính với tiếng nói đó, Phật Giáo Việt Nam đã chứng tỏ vị trí của mình trong lịch sử dân tộc, nhưng đồng thời tấm thân Phật Giáo cũng đầy những thương tích trần thế. Chinh với tiếng nói đó, đoạn đường 30 năm qua này của Phật Giáo Việt Nam là đoạn đường đối diện với bạo lực chiến tranh và khủng bố, đoạn đường của những tiếng kêu thống thiết cho dân, cho nước trước những thảm họa không ngừng song song với những nỗ lựckhác để tự tồn, tự phát triển trong những hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt.
- Năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, quy tụ các tập đoàn Tăng Già và Cư Sĩ của hai truyền thống Bắc Tông và Nam Tông. Thống Nhất, như một yêu cầu của vận động trước đó, đến nay đã trở thành một yêu cầu cho chính bản thân của Phật giáo trước tình thế bất ổn phức tạp của chính trường và chiến trường. Vấn đề tổ chức Giáo Hội với các bộ phận liên thuộc của nó - điều mà Phật Giáo vốn không có nhiều kinh nghiệm và phương tiện - trở thành một đòi hỏi thiết thân và đã được thực hiện với sự ra đời một cơ cấu tổ chức mà nhìn vào đó, ta có thể thấy được tầm mức hoạt động rộng rãi của nó và ước vọng chân thành nào mà người Phật tử Việt Nam hoài bảo đối với nền đạo của mình.
- Thoát khỏi sự đàn áp ccủa chế độ Ngô Đình Diệm và với sự ra đời của cơ cấu Giáo HỘi có tầm vóc, người Phật ttử trong mọi giai tầng xã hội bắt đầu ý thức được ssức mạnh của tôn giáo mình. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, từ thiện , xã hội được tổ chức trên một hệ thống quy mô. Viện Đại Học Vạn Hạnh, Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ra đời và giữ được một vị thế đáng kể. Sinh hoạt văn học, nghệ thuật đượm màu sắcc Phật giáo nẩy nở mang lại cho xa hội miền Nam một bầu khí tư tưởng mới, rộng mở hơn. Đây là đieều có ý nghĩa lớn nếu ta so sánh với bầu khí tinh thần và tư tưởng từ 1963 trở về trước; ở đó chủ thuyết Nhaân Vị pha tạp, trào lưu triết học, văn nghệ hiện sinh Thiên Chúa Giáo và hiện sinh vô thần tràn ngập trong thế giới sách vở và gần như độc diễn trên các diễn đàn Đại Học. Thơ, văn, nhạc có nội dung Phật giáo có mặt ở khắp nơi, nổi bật là haọt động của các nhà xuất bản Lá Bối , An Tiêm, các tạp chí Hải Triều Âm, Thiện Mỹ, Tư Tưởng, Vạn Hạnh... Thêm vào đó, các tổ chức Gia Đình Phật Tử(đã có từ trước), Thanh Niên, Học Sinh Phật Tử và các Hội Đoàn Phật Tử chuyên nghiệp được xây dựng và phát triển. Nói chung, Phật Giáo, trên mặt tổ chức và tư tưởng thời này đã có thể đứng dậy đối thoại với các tổ chức quần chúng và các trào lưu tư tưởng khác.
Song song với các nỗ lực trên, công cuộc đào tạo thế hệ Tăng Ni trẻ tiếp tục đẩy mạnh với sự phát triển hệ thống các Phật Học Viện, Phật Học Ni Viện và sư kiện toàn các chương trình giáo dục Tăng Ni từ Sơ Đẳng đến Cao Đẳng Đại Học.
- Năm 1966, trước tình trạng xã hội bất ổn vì chiến tranh, vì khủng hoảng lãnh đạo và sự tranh giành quyền lực của các tướng lãnh, Phật Giáo Việt Nam phát động cuộc vận động đòi chủ quyền quốc gia, đòa bầu cử Quốc Hội Lập Hiến và thànhh lập một chính phủ dân cử nhằm tạo nền tản pháp lý cho chế độ ở miền Nam. Cuộc vận động bị đàn áp. Chính quyềnnổ lực phân hóa Giáo Hội để làm suy yếu Phật Giáo và đã thành công phần nào trong việc này với sự ra đời một Giáo Hội khác có khuynh hướng thân chính quyền.
- Năm 1975, cơ đồ quốc gia nghiêng đổ. Phật giáo ép mình tìm thế sinh tồn dưới chế độ Cộng sản, vừa thuận theo thời, theo thế vừa âm tthâm nuôi dưỡng tiềm lực đối kháng với bạo lực áp bức đang dần dần lộ rõ với thái độ kênh kiệu của những kẻ chiến thắng quân sự. Ngay trong năm này, vụ tự thiêu đầu tiên phản đối chính sách đàn áp của chế độ mới xảy ra ở thiền viện Dược Sư, Cần Thơ.
- Năm 1977, Đại Hội Khoáng Đại kỳ VII và là Đại Hội đâu ttiên dưới chế độ mới của Giáo Hội được khai diễn tại chùa Ấn Quang. Đại Hội chịu nhiều áp lực nhưng đã thành công trong việc khẳng định vị thế độc lập của Giáo HỘi, khước từ mọi âm mưu thao túng, áp đặt của những kẻ chiến thắng quân sự từ miền Bắc vào. Cũng trong năm này, khi mà những áp lực vô hình và hữu hình đang đè nặng lên toàn cả xã hội miền Nam thì tiếng nói đối kháng của Phật Giáo bắt đầu cất lên trước chính sách đàn áp, bắt bớ, giam cầm, giết chóc Tăng Ni, Phật tử và cưỡng dđoạt các cơ sở của Giáo Hội. Những văn thư phản kháng chính thức của Giáo hội được gởi đến chính quyền. Lời kêu gọi Bảo Vệ Nhân Quyền tại Việt Nam của Gaío Hội dđược công bố. Đáp lại, Thượng tọa Thích Huyền Quang, Thượng tọa Thích Quảng Độ và một số vị khác bị bắt giam, tỏ rõ thái độ bất chấp và muốn dằn mặt của chính quyền.
- Năm 1978, Thượng Tọa Thích Thiện Minh bị bắt và bị giết chết trong tù ngày 17 tháng 10 năm 1978. Cái chết đã gây xúc động lớn trong Tăng Ni, Phật tử và cả trong công luận quốc tế. Tăng Ni thành phố Sài Gòn Gia Định đòi hỏi một cuộc trực diện đấu tranh.
- Năm 1980, chính quyền thành lập Ủy Ban Vận Động Thống Nhất ccác tổ chức Phật Giáo ở Việt Nam để chuẩn bị Đại Hội vào năm sau, thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam - một Giáo Hội đặt dưới ssự khống chế, kiểm soát của chính quyền. Ngoại trừ một vài cá nhân lãnh đạo tùy duyên hành Phật sự, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không tham ggia vào Ủy Ban cũng như không ở trong tổ chức Giáo Hội mới này.
- Năm 1982, Thượng tọa Thích Huyền Quang, Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo và Thượng Tọa Thícch Quảng Độ, Tổng Thư Ký bị bắt lần nữa và bị đày về vùng heo lánh. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trên mặt tthực tế hầu như không còn điều kiện để hoạt động.
- Năm 1984, các Tăng NI tài hoa Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu, Thích Nguyên Giác, Thích Nữ Trí Hải... bị bắt ccùng với nhiều người khác. Chỉ vài ngày sau thì Hòa Thượng Thích Trí Thủ viên tịch đột ngột sau khi bị công an thẩm vấn nhiều lần. Bốn năm sau (1984, như để dằn mặt các phong trào đối kháng khác, chính quyền đem các vị này ra xử tại Tòa án về tội"hoạt động nhằm lật đỗ chính quyền" và kết án tử hình Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sỹ. Dư luận thế giới lên tiếng can thiệp, chính quyền sau đó giảm án xuống 20 năm tù.
- Năm 1992 đánh dấu một biến chuyển mới với tang lễ của Đức Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Trong tang lễ Hòa Thượng Thích Huyên Quang công khai khẳng định vị thế của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, cáo giác chính sách áp bức, thao túng tôn giáo của chính quyền. Cuộc vận động mới cho tự do tín ngưỡng và nhân quyên của Phật Giáo bắt đầu công khai. Sau đó không lâu, ngày 25 tháng 6, Hòa Thượng Thích Huyền Quang gởi văn thư đặt thẳng vấn đề về chính quyền hiện hữu và hoạt động của Giáo Hội Phât Giáo Việt Nam Thống Nhất. Cuộc vận động đi tới đấu tranh trực diện bùng nỗ ở nhiều nơi trong nước và tạo những phản ứng quốc tế thuận lợi trong khi chính quyền vẫn tiếp tục chính sách đàn áp, khủng bố. Đã có nhiều vụ tự thiêu, nhiều cuộc biểu tình ở trong nước và trong các cộng đồng người Việt ở hải ngoại và kéo dài cho đến nay vẫn chưa có một giải quyết thỏa đáng nào của chính quyền.
- Suốt trong thời gian hơn 10 năm từ sau 1975, dưới chính sách độc quyền độc đảng và sự khủng bố nặng nề của chính quyền, Phật giáo cũng như các tôn giáo khác gần như không có một hoạt động nào trong các lãnh vực từ thiện xã hội và giáo dục quốc dân. Sinh hoạt văn học nghệ thuật cũng hoàn toàn bị triệt hủy, ngoại trừ tạp chí Giác Ngộ, một cơ quan ngôn luận của Phật giáo chính quyền. Những năm gần đây, trong chính sách gọi là "Đổi mới" mới có một vài hoạt động về từ thiện xã hội và một vài công trình nghiên cứu sáng tác mà nội dung có liên hệ đến Phật Giáo. Cũng cần ghi nhận, công trình phiên dịch Đại Tạng - cả Hán Tạng và Pàli Tạng, cũng mới được bắt đầu tổ chức trong mấy năm lại đây và đã ấn hành được một số tập đầu bên cạnh một số dịch phẩm, sáng tác phẩm nghiêm túc về Phật học của một số tác giả và dịch giả Tăng Già và Cư Sĩ. Hẳn nhiên những công trình đó được ra mắt trong điều kiện bị chính quyền cho phép và không tránh khỏi bị chính quyền sử dụng như là để trang trí như la bộ mặt của chế độ.
- Công cuộc đào tạo thế hê Tăng Ni trẻ với hệ thống các Phật Học Viện, Phật Học Ni Viện trong những năm đầu sau 1975 gần như bị tê liệt. Có nhiều nơi, trước đây là trung tâm đào tạo nổi tiếng, sau 1975 trở nên tiêu điều tàn tạ như Phật Học Viện Hải Đức, Phật Học Viện Giác Nguyên... Thay vào đó ở những năm sau này, các trường Cơ Bản Phật Học được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức ở nhiều nơi và trường Cao Cấp Phât Học được mở ra ở Sài Gòn và Hà Nội. Giáo Sư và nội dungg chương trình giảng day bị kiểm soát chặt chẽ nhưng số lượng Tăng Ni Sinh theo học khá đông đảo. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thời thế, đó là một thành tựu đáng kể. Một thành tựu đáng kể khác là công trình giáo dục, đào tạo Tăng Ni của một cá nhân: Hòa Thượng Thích Thanh Từ với hệ thống các Tu viện: Thường Chiếu, VIên Chiếu ở miền Nam. Thiền ở Việt Nam mà được hưng khởi bây giờ và mai sau chính là do nỗ lực này.
Một hiện tượng đáng kể khác là sự trổi dậy niềm tin Phật của quần chúng miền Bắc. Trí thức thì quqan tâm đến khía cạnh học thuật tư tưởng. Quần chúng bình dânh thì tìm về ngôi chùa để lễ bái cầu nguyện . Niềm tin Phật lan cả đến những đảng viên trước đây chẳng hề có chút ý thức gì về tôn giáo.
- Cũng suốt trong thời gian từ 1975 đến nay, một bộ phận lớn của Phật Giáo Việt Nam tràn ra hải ngoai ở khắp mọi phương trời. Theo cùng với phong trài di tản, vượt biên tỵ nạn, số Tăng Ni, Phật Tử khi đến định cư ở các quốc gia tự do đã nhanh chónh thành lập các Niệm Phật Đường, Tự Viện, các tổ chức Phật Giáo. Phần lớn các Niệm Phật Đường, Tự Viện là để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho số lưu dân còn muốn gắn bó chút gì với gốc rễ tổ tiên. Các tổ chức Phật giáo, ngoài tính cách liên hệ để tương trợ, phần lớn dồn năng lực vào để nói lên tiếng nói đối kháng của Phật Giáo Việt Nam đối với nhà cầm quyền Cộng sản ở trong nước. Nhưng chỉ chừng đó. Sau mười mấy năm, Phật Giáo Việt Nam hải ngoại vẫn chưa chuyển hướng đủ để thích nghi với hoan cảnh văn hóa va xã hội khác biệt ở đây, vẫn chưa đào tạo được một thế hệ Tăng Ni mới như lòng mong ước để gánh vác trọng trách cho ngôi nhà Phật Giáo mai hậu. Ngay cả một tổ chức tương đối bền chặt và đều khắp như tổ chức Gia Đình Phật Tử vẫn chưa đặt được nền tảng cơ sở lý thuyết vững chắc cho mình để có thể tồn tại và phát triển lâu dài trongg môi trường văn hóa xứ người. Tạp cchí Phật Giáo có nhiều nhưng vẫn chưa có những đóng góp đáng kể nào trên mặt nghiên cứu sáng tác. Kinh sách được in khá nhiều nhưng hâu hết là in lại những tác phẩm đã có từ trước ở trong nước. Rải rác đó đây mới có những công trình nghiên cứu, sáng tác có giá trị. Khuôn mặt nổi bật nhhất là Thiền Sư Nhất Hạnh với nhiều tác phẩm sâu sắc, trở thành những best sellers trong thế giới sách vỡ về tôn giáo của Âu Mỹ, với nhiều hoạt động tổ chức tu học, từ việc đưa Đạo Phật đến với giới trí thức Tây phương đến việc giới thiệu Đạo Phật cho các cho tthế hệ trẻ Việt Nam lớn lên ở đây. Phật Giáo Việt Nam mà đặt được gốc rễ vào khí hậu và văn hóa Âu Mỹ phần lớn là ở những công trình này.
Ba mươi năm (1963-1993) với bao nhiêu biến cố dồn dập của thời thế và rất nhiều những chuyển động ngay nơi bản thân của Phật Giáo, những nét phát họa trên đây thực chưa đủ để vẻ nên khuôn mặt của Phật Giáo trong giai đoạn đầy sóng gió đổi thay này. Đó chỉ mới là những gghi nhhận sơ sài, những phác thảo khái quát cần thiêt cho một sự nhìn lại để chúng ta có thể học được ở đó những bài học đáng giá.


NHỮNG BÀI HỌC CẦN THIẾT CHO CON ĐƯỜNG ĐI TỚI


Ba mươi năm qua có lẽ là 30 năm thử thách lớn nhất của Phật Giáo Việt Nam trong suốt lịch sử của nó. Đó là thử thách về khả năng đối cơ của Phật Giáo trước những tình thế phức tạp. Đã có khi thành, khi bại nhưng dù thành hay bại thì Phật Giáo Việt Nam cũng không tránh khỏi những vết thương ở cơ thể của mình. Từ đó mà bài học cần thiết đầu tiên là sự nhận ra giữa mối tương quan giữa chính trị và tôn giáo, giữa Đạo và Đời.
Đóng khung sinh hoạt của mình trong các Thiền Viện, Chùa Chiền, mối tương quan này rất dễ được xác lập. Nhưng đó không phải là trường hợp của Phật Giáo Việt Nam trong 30 năm qua. Phật Giáo đối diện thường trực với những vấn đề chính trị của đất nước và với đời sống cụ thể của con người. Phật Giáo không xây dựng cho mình một nền văn hóa xa hoa cách biệt với những thống khổ của con người. Cái đó mới là trường hợp của Phật Giáo Việt Nam ở đây; và đó là một phản ảnh của tinh thần giáo lý Đức Phật, đặc biệt của truyền thống hành động do những nhu cầu bức thiết của Phật Giáo Việt Nam. Nhưng mối tương quan vì đó lại trở nên phức tạp. Tôn giáo và chính trị, Đạo và Đời đã như không còn biên giới. Và hậu quả rất dễ xảy ra là, thay vì Phật Giáo hóa chính trị thì lại rơi vào ngõ chính trị-hóa Phật giáo theo cái nghĩa thông tục nhất của nó; thay vì đem Đạo để chuyển hóa Đời thì ở đây, Đời dễ làm lay đỗ gốc rễ của Đạo. Đã không hiếm khi mà sinh hoạt chính trị tthế tục chi phối hoạt động của tu sĩ và các trung tâm hoạt động của Phật Giáo. Đã không hiếm khi mà các nhà hoạt động chính trị mượn Phật Giáo như một chỗ dựa nhất thời để tranh quyền đoạt bính với những thế lực khác. Tệ hại hơn nữa, đã không hiếm khi mà danh lợi thế gian và các trò đời hơn thua vụn vặt phủ màu lên những hình ảnh tín ngưỡng cao quý.
Động cơ cho những cuộc vận động của Phật Giáo Việt Nam trong 30 năm qua đã là những gì rất cao đẹp, xuất sinh từ lý tưởng cứu khổ của Đạo Phật và từ ý nguyện phụng sự con người và dân tộc Việt Nam. Nhưng động cơ đó không phải là không bị lu mờ ít nhiều do bởi những tác động tiêu cực của thời thế và hoàn cảnh xô đẩy để nhiều khi Phật Giáo bị nhìn như một thế lực chính trị quyền bính bên cạnh những thế lực chính trị quyền bính khác thay vì như một sức mạnh văn hóa và tâm linh như bản chất của Đạo Phật. Phật Giáo đúng nghĩa là Phật Giáo thì không phải ở bên này hay bên kia bởi vì Phật giáo vốn có con đường của chính nó. Phật giáo mà lên tiếng là vì cái khổ của dân, của nước và lên tiếng là lên tiếng cho ước vọng giải khổ cho dân, cho nước trên cương vị một tôn giáo của dân tộc chứ không phải trên cương vị một tổ chức chính trị chuyên nghiệp. Sự lên tiếng có thể rất tự nhiên lấy một thái độ và tính cách chính trị nào đó, nhưng trước sau, nó vẫn chỉ nói tiếng nói của lương tâm tôn giáo và lương tâm dân tộc. Cho nên, chỗ đứng của Phật Giáo là cái khổ của con người, của dân tộc, trong đó có cái khổ của quần chúng Phật tử. Đó là điều ta có thể thấy rất rõ trong cuộc vận động 1963 cũng như cuộc vận động của Phật Giáo cho tự do và nhân quyền hiện nay. Từ đó, ta sẽ dễ dàng thấy ra, cái thái độ thiết yếu nào mà Phật giáo phải có trong từng bước hoành hoạt để cho không bị rơi vào tình trạng chính-trị-hóa Phật giáo, ngay cả ở nơi cung cách và thái độ bày tỏ của mình.
Mặt khác, chiếc áo rất dễ lấm bụi đời. Cho nên, khi Đạo chuyển hóa Đời thì đồng lúc, Đời cũng dễ làm thay đổi màu Đạo. Ở trong trường tranh chấp thị phi với đầy những lợi danh, vinh nhục, dễ mấy ai không bị lôi cuốn. Bậc Trượng phu không để "giàu sang làm mê lòng, bạo lực làm cúi đầu, nghèo khổ làm lay chí" thì Đạo Bồ Tát-Đạo của người con Phật hành hoạt giữa Đời - cũng luôn đòi hỏi cái tâm chí vượt bưc để được như hoa sen giữa bùn lầy. Đao ở trong Đời để chuyển hóa Đời mà Đạo vẫn cứ là Đạo, vẫn cứ là con đường "sống không thị phi, tranh chấp giữa cõi đời thị phi tranh chấp, sống không thù hận giữa cõi đời thù hận, sos61ng tỉnh thức giữa cõi đời mê muội, sống bao dung, hỷ xã giữa cõi đời đầy ganhh ghét, đố kỵ". Lấy sự phóng khoáng, giải thoát mà biện minh cho sự phóng dật sa đọa thì chỉ là tặc đạo - kẻ ăn cướp Đạo mà thôi. Cho nên, kẻ sống Đạo giữa Đời là kẻ "đem thân vào hỏa ngục" lúc nào cũng tỉnh giác để không cho lửa đời thiêu đốt. Lửa bén vào chỗ nào thì biết mà dập tắt ngay. Có thế thì Người nên đẹp mà Đạo cũng nên đẹp. Giai đoạn 30 năm qua thời thế nhiễu nhương cũng là giai đoạn sa đọa tinh thần đáng kinh hãi của dân Việt. Người con Phật - Tăng Già và Cư Sĩ - sống vào lúc sa đọa tinh thần này mà không giữ được Đạo ngay nơi bản thân mình như đã từng có ít nhiều thì thực là đánh mất vai trò của Đạo giữa đời. Thế mới biết, người xưa sống tịch cư nơi hang động, am cốc đâu phải chỉ là "độc thiện kỳ thân", là không có lý do cần thiết của nó?
- Mở đầu giai đoạn 30 năm qua đã có một sự kiện mang ý nghĩa lịch sử. Lần đầu tiên, Phật Giáo Việt Nam kết hợp được các tập đoàn Phật Giáo trong cả hai truyền thống Nam Tông và Bắc Tông để thành lập một Giáo Hội Thống Nhất. Nhưng sự kiện ý nghĩa đó đã không được trọn vẹn về sau. Chính quyền thao túng đã sản sinh ra thêm một Giáo Hội để cho danh xưng Giáo Hội Ấn Quang và Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự có mặt một cách đáng buồn trong thực tế. Đúng sai ở đâu thì ai cũng đã thấy. Điều đáng nói là dù đúng sai ở đâu thì đó cũng là cái dỡ chung của Phật Giáo. Ngay tình trạng Phât Giáo Việt Nam ngày nay, cả ở trong nước và hải ngoại cũng diễn ra đó là một hiện tượng đáng buồn: Trong nước thì cũng sự thao túng của chính quyền với nhiều áp lực và khủng bố đè nặng đã cướp mất đi một phần sự nguyên vẹn của Giáo Hội. Hải ngoại thì ngay trong những nỗ lực vận động thống nhất và trong bản thân của các tổ chức Phật Giáo cũng không hiếm những mầm mống phân liệt. Do thế, bài học cần thiết thứ hai mà ta có thể khiêm tốn học hỏi là bài học về sự Hòa Hợp và Thoống Nhất.
Chúng ta thường nói nhiều đếnh thống nhất nên dễ quên đi Hòa Hợp, dễ quên đi chính Hòa Hợp mới là Bản Thể, Bản Nguyện của Tăng Già, của những người theo dấu chân Phật mà làm việc Phật. Cũng chính vì quên như vậy mà Thống Nhất dễ trở thành mối ám ảnh và biến thành một tiền đề nền tảng quyết định cho mọi sự, quyết định luôn cho cả Phật Giáo. Nói cách khác, trong khi đúng ra ta phải lấy Phật Giáo, lấy Bản Thể, Bản Nguyện Hòa Hợp của người con Phật làm việc Phật quyết định cho Thống Nhất, cho con đường đi tới Thống Nhất thì ở đây, Thống Nhất lại trở thành một thứ tiền đề không tưởng quyết định cho Phật Giáo, cho Bản Thể, Bản Nguyện của người con Phật. Gọi đó là tiền đề không tưởng vì đó là điều không bao giờ có được trong thực tế đa thù sai biệt của thế giới này, lại càng không thể có được khi mà Hòa Hợp không được thiết lập như một nguyên tắc sống căn bản. Hòa nhi bất đồng. Ở đây, chúng ta cứ lo "Đồng nhi bất hòa" nên Thống Nhất đã như một điều giả tưởng bất thực. Mặt khác, khi Thống Nhất trở thành mối ám ảnh và bị quan niệm như một tiền đề tiên khởi, chúng ta lại dễ có khuynh hướng đăt tất cả sự sống chết của mạng mạch Phật Giáo vào đó. "Đặt như vậy là đặt Phật Giáo vào trong một tử lộ thay vì mở ra những sinh lộ rộng rãi cho nó. Đặt như vậy là từ chối khả năng đối cơ và vai trò chủ động có tính cách quyết định của Phật Giáo đối với hoàn canh chính trị, xã hội sai thù... Cụ thể, với một hoàn cảnh như thế này hay như thế nọ, chúng ta phải tự hỏi là, Phật Giáo phải hoạt dụng như thế nào chứ không thể và không nên đặt ra một tiền đề tiên khởi, cho rằng chỉ với một sự Thống Nhất như định kiến chủ quan của mình, Phật Giáo mới có thể tồn tại và phát triển"(2). Trrong hoàn cảnh của Phật Giáo Việt Nam 30 năm qua và hiện nay, Thống Nhất đã trở thành một yêu cầu cần thiết và hình ảnhh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất 1964 đã là một hình ảnh đẹp đẽ có tính cách lịch sử. Nhưng được như vậy là bởi Thống Nhất là hệ luận của sự Hòa Hợp như Bản Thể của Tăng Già và là phương tiện cho sự hoạt dụng của Phật Giáo chứ không phải vì Thống Nhất là một tiền đề quyết định. Chỉ với một ý thức rõ ràng về Thống Nhất như vậy, chúng ta mới có thể thoát khỏi cái tâm cảm nặng nề phiền muộn phổ biến là cứ thấy chia rẽ(chưa chắc có) trong sinh hoạt đa dạng (một điều cần thiết) của Phật giáo giữa thế giới đa thù sai biệt này. Cùng với một ý thức rõ ràng về Thống Nhất như vậy, chúng ta mới có thể giảm bớt sự phung phí thì giờ và năng lực cho những hoạt động giả tương để học lại cái bài học Hòa Hợp cần thiết ngay trong đời sống cụ thể hằng ngày của mình. Hơn nữa, với một ý thức rõ ràng về Thống Nhất như vậy, chúng ta mới tránh được tâm thức nguy hiểm phổ biến trong sinh hoạt chính trị thế gian:ai không theo ta thì kẻ đó nghịch ta - cái tâm thức chỉ đưa đến hận thù, chia rẽ, đánh mất lòng bao dung cần thiết của con người vốn là bản chất của Phật Giáo.
- Hoàn cảnh thúc bách nghiệt ngã đã từng xô đẩy Phật Giáo Việt Nam vào tình trạng "quên mình" để lo đối phó với thời thế nhiễu nhương tế toái. Trong tình trạng "quên mình" để lo đối phó như vậy, vấn đề cứ đẻ ra vấn đề để rồi nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Và rồi, trong mớ bòng bong của những vấn đề, chúng ta thường bị chìm đắm, lôi kéo vào đó đến không thấy đâu là điều thiết cốt làm nền tảng cho đời sống và cho sinh hoạt Phật giáo. Cho nên bài học cần thiết khác mà chúng ta có thể học được ở đây cho con đường đi tới là sự thấy ra nhu cầu quyết định có tính cách sinh tử của Phật Giáo Việt Nam. Đối diện với hoàn cảnh, với những vấn đề thời sự "nóng bỏng", đối diện để không quay lưng với thực cảnh của dân tộc và của con người, đã đành là sự cần thiết cho sự hành hoạt của Phật Giáo. Nhưng Phật Giáo nà được gọi là Phật Giáo, sự hành hoạt được gọi là sự hành hoạt-của-Phật-giáo thì không chỉ là đối diện như vậy, không chỉ là lo giải quyết những vấn đề nặng chất thời sự tính như vậy. Cái được không bù với cái mất. Chỗ hay chẳng đắp được chỗ dở. Ba mươi năm qua, Phật Giáo Việt Nam đã có lúc trở thành những yếu tố thời sự hàng đầu. Trên bề mặt xã hội, đó có thể là điều hay. Nhưng cái hay đó đã không nhiều thì ít cũng làm cho Phật Giáo Việt Nam bị hệ lụy vào những tranh chấp thế tục mà hậu qua, cả trên hai mặt tâm lý và xã hội, đã tạo nên những thương tích đến nay vẫn chưa lành. Hẳn nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta quay lưng lại với thế cuộc trước mắt, nhất là khi Phật Giáo Việt Nam vốn đã có truyền thống gắn bó mình với dân, với nước. Điều đáng suy nghĩ là Phật Giáo phải hành hoạt thế nào để cho bụi đời danh lợi đừng vướng, để không biến mình thành một tổ chức thế tục như bao tổ chức thế tục khác. Hình ảnh của người Tu Sĩ thỏng tay đi giữa chợ đời như văn học Thiền nói đến, hay như cái tâm chí hành hoạt của Đại Sư Thái Hư "phồn hoa ngã bất hoài vinh nhục" giữa một thời lao đao của Trung Hoa cận đại là những gì rất nên được học hỏi. Làm sao để được như lời Tổ Qui Sơn xưa dạy: "Thật tế lý địa bất thọ nhất trần; vạn hạnh môn trung bất xã nhất pháp". Một mảy bụi trần chẳng dính trrong khi muôn việc giữa đời chẳng bỏ. Khó lắm nhưng không phải là không làm được. Đã có những Khuông Việt, Vạn Hạnh, những Trần Thái Tôn, Trần Nhân Tôn... mà chúng ta rất hay nói đến và không phải là không có người muốn làm một Vạn Hạnh, một Nhân Tôn của ngày nay. Chỉ là cai tâm chẳng mang nỗi cái Hình nên thương tích nơi hình hài làm lụy đến cả tâm chí. Cho nên, Phật mới nói đến Điều Phục Tâm, Trụ Tâm cho người con Phật hành Đạo Bồ Tát giữa chốn nhân gian này. Cũng cho nên, bài học đáng suy ngẫm ở đây là sự quan trọng bậc nhất của việc Điều Phục Tâm, Trụ Tâm - hay nói cách khác - việc đào luyện Tâm để lấy đó làm nền tảng căn bản cho đời sống bản thân và cho cả con đường hành hoạt của Phật Giáo. Đạo Phật mà được gọi là Đạo Phật, sự hành hoạt được gọi là sự hành hoạt của Đạo Phật chính là được đặt trên nền tảng tâm linh. Bỏ mất nền tảng tâm linh này thì rồi, hành động nào mà chẳng dễ trở thành manh động và bao nhiêu công trình tạo tác còn chi ý nghĩa. Bỏ mất nền tảng tâm linh này thì rồi, Từ, Bi, Trí Tuệ, Hỷ xả... cũng chỉ là những danh từ trống rỗng, chẳng liên hệ gì đến đời sống cụ thể.
Bao nhiêu tang thương, rách nát trong ngôi nhà Phật Giáo trước nay, bao nhiêu trò chơi chữ nghĩa hư ngụy dẫy đầy thực đã quá đủ để cho ta quay về với Tâm Linh mà thiết dựng lại nền tảng cho mình và cho đời. Nhu cầu quyết định có tính cách sinh tử của Phật Giáo Việt Nam ngày nay là đó, là sự tu học tâm linh mà 30 năm qua, không phải chúng ta không có, không phải Phật Giáo Việt Nam không có những nỗ lực chung và riêng đáng trân trọng. NHưng lại cũng không phải là không có những lúc, những nơi mà thế sự tràn ngập đến nỗi không còn thấy ra đây như một nhu cầu quyết định cho tất cả mọi sự nên hư. "Làm gì thì cũng đừng quên sự tu học. Nói hay cho người ta vỗ tay vẫn chưa phải là hay. Nói để cho có được người phát khởi tín tâm mà quy y Tam Bảo mới thực là hay". Những lời dạy đó tôi nghe từ trong không khí sôi sục của những ngày đấu tranh 1965, 1966 thực quý biết bao; và đó là những gì còn lại hôm nay khi mọi sự đã như nước chảy qua cầu. Một Thầy Thanh Từ, giữa lúc nước non nghiêng đổ mà hoài tâm cho sự tu học của Tăn Ni ở trong nước, mà đã gây nên được cả một phong trào học Thiền tu Thiền, mà biến đất ruộng miền Nam thành những trang trại Thiền, những trung tâm tu học thì không chỉ là một đáp ứng cho sự khao khát của những tâm hồn đỗ vỡ, hoang mang mà còn là việc làm dựng lại cái vốn liếng cần có và phải có cho Phật Giáo Việt Nam ngày nay và mai hậu. Một Thầy Nhất Hạnh giữa lúc nhân tâm ly tán với cơn khủng hoảng tâm lý của một tập thể lưu dân nhiều bất ổn và của các tổ chức Phật Giáo Việt Nam hải ngoại mà gây nên được sinh hoạt tu học trong quần chúng ở nhiều nơi để cho Đạo Phật được như một Đạo Sống thực tiễn; mà trở nên một trong những bậc thầy lỗi lạc cho đời sống tâm linh của Thế giới thì cũng không phải chỉ là để đáp ứng cho nhu cầu tâm linh của con người ngày nay ở đây mà còn mở cánh cửa cho Tây phương đi vào Phật Giáo với nhiều hứa hẹn và gây lại sinh chất cho Phật Giáo Việt Namđể có nội lực mà đi những bước vững chắc vào tương lai. Mỗi ngôi chùa là một trung tâm lễ bái, cầu nguyện, cái đó đã hẳn. Nhưng nếu mỗi ngôi chùa còn là một trung tâm tu học, một nơi để con người tim tới mà chữa trị những căn bệnh của tâm hồn, mà nuôi lớn đời sống trí tuệ và tâm linh thì thực là ơn ích cho con người và cho triển vọng của Phật Giáo mai sau.
- Phật giáo là một cơ thể toàn diện. Tâm linh là nền tảng quyết định có tính cách sinh tử cho mọi sự nhưng ngôi nhà Phật giáo cũng phải và chỉ có thể xây lên bằng nhiều yếu tố khác - nhưng yếu tố cần thiết làm nên ngôi nhà Phật giáo ngày nay và mai hậu mà nghĩ về đoạn đường 30 năm qua, chúng ta có thể học được những điều đáng giá.
Trước hết là việc đào tạo những thế hệ Tăng Ni, Phật tử mới để gánh vác trọng trách sau này. Chỉ cần nhìn lại trước đây, cả trước và sau 1963, nếu không có những bậc tiền bối hoài công cho việc "truyền đăng tục diệm", những Tổ Thập Tháp, Tổ Khánh Hòa, Tổ Giác Tiên, những cụ Tâm Minh, Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Hòa Thượng Thích Thiện Hòa...; nếu không có những cơ sở đào tạo, những Phật Học Viện, Phật Học Ni Viện Tây Thiên, Báo Quốc, Hải Đức, Phổ Đà, Nguyên Thiều, Ấn Quang, Huệ Nghiêm, Giác Nguyên , Diệu Đức, Dược Sư, Từ Nghiêm... thì lấy đâu có những thế hệ Tăng Tài hành đạo vừa qua và hiện nay. NHững nỗ lực đào tạo Tăng Ni Sinh hiện nay ở trong nước, việc mở các trường Cơ Bản Phật Học, Cao Cấp Phật Học - dù bị kiểm soát gắt gao và chi phối bởi chính quyền - nhưng nhìn trên viễn tượng lâu dài vẫn là những nỗ lực đáng trân trọng. Đã tùy duyên mà làm Phật sự thì điều quan trọng trước hết là ý nguyện sống vì và cho đạo Pháp. Cũng trong cái nhìn như vậy, chúng ta có thể thấy được rằng, thất bại lớn nhất của Phật Giáo Việt Nam, nếu có thể nói thế, trong mười mấy năm qua ở hải ngoại, đâu phải là sự phân hóa, nghi kỵ - điều mà ở đâu và lúc nào mà chẳng có ít nhiều. Thất bại lớn nhất là sau mười tám năm, Phật Giáo Việt Nam ở đây vẫn chưa có một thế hệ Tăng Ni mới đủ tầm vóc để đảm đương việc lớn. Đó đây, có nhiều nỗ lực đáng quý của những cá nhân nhưng thành tựu vẫn chưa có gì đáng kể. Hải ngoại có những khó khăn gần như không thể vượt qua, nhất là việc người đi tu quá ít mà trong số người chịu đi tu thì phần lớn lại ở trong những tình trạng bất thường. Nhưng hoàn cảnh ở hải ngoại mà nếu không đầu tư được vào việc này thì thật là một thiệt thòi lớn. Đã có người nghĩ đến việc đào tạo Cư Sĩ - nhất là thành phần trung niên - thành những cán bộ hoằng pháp cho mai sau. Đó có thể là một ý nghĩ thực tế và nếu thực hiện được, sẽ có thể là một chuyển hướng tích cực cho Phật Giáo Việt Nam, liên hệ đến nhiều mặt sinh hoạt khác.
Hai nữa là công tác phiên dịch, nghiên cứu, học thuật, các hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật...Ba mươi năm qua, Phật Giáo Việt Nam quả là không có nhiều thì giờ cho những công tác này. Những nỗ lực cá nhân thì thật rất đáng kể. Những công trình trong lãnh vực này của quý Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Thích Trí Quang, Thích Nhất Hạnh, Thích Minh Châu.. cũng như các nỗ lực - dù đang còn dở dang - để thực hiện một Đại Tạng Việt và một Bách Khoa Tự Điển Phật Học Việt Nam chắc chắn sẽ còn đó lâu dài cho gia tài của Phật Giáo Việt Nam. Đại Học Vạn Hạnh và các tạp chí Liên Hoa, Phật Giáo Việt Nam, Từ Quang, Thiện Mỹ, Giữ Thơm Quê Mẹ, Vạn Hạnh, Tư Tưởng, Hải Triều Âm, các nhà sách Lá Bối, An Tiêm, Sen Vàng... đã là những nơi quy tụ nhiều cây bút giá trị với nhiều công trình giá trị. Đã có thời mà tư tưởng Thiền nở rộ trong sinh hoạt trí thức của xã hội chiến tranh miền Nam. Nhưng ngoài các dịch thuật đáng kể còn sáng tác thì như chỉ có cái "vẻ Thiền", chữ thì to mà nghĩa thì nhỏ hay ngay cả không có nghĩa gì; và vì thế mà nó chỉ tạo được cái hăm hở nhất thời. Cái lắng đọng sâu xa và Thiền như một nghệ thuật sống thực tiễn, một kinh nghiệm tâm linh thực sự thì như phải đợi đến sau này với Thiền Sư Thanh Từ ở trong nước và Thiền Sư Nhất Hạnh ở Hải Ngoại, dù thời gian chưa đủ để có một lương giá chính xác nỗ lực của hai vị này.
Sách vở là những gì sẽ tác động sâu xa và lâu dài vào tâm hồn con người. Các tổ chức Phật Giáo Việt Nam cần có một chỗ đứng tương xứng cho những người làm văn hóa, văn học và cho những công trình đóng góp ở lãnh vực này.
Thứ Ba là những hoạt động giáo dục có tính cách hoằng pháp cho quần chúng. Trước 1963, ngoài những buổi thuyết pháp ở Chùa trong các dịp lễ lạc và ngoài nổ lực có ý hướng, có chương trình của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa với các lớp Phật Học Phổ Thông, và của tổ chức Gia Đình Phật Tử, Phật Giáo Việt Nam gần như không có gì nữa cho quần chúng ở mặt giáo dục hoằng pháp.Thời này, Phật Pháp mà được nói đến là nói đến trong cửa Chùa cho Chúng Điệu và Tăng Ni Sinh ở cá Phật Học Viện. Người Phật tử cư sĩ như chỉ đến với Đạo Phật qua những hình thức nghi lễ, cúng bái. Lòng tín mộ của quần chúng với Đạo vốn có gốc rễ sâu dày nhưng hiểu Đạo thì chẳng có bao nhiêu. Sau 1963, những buổi thuyết pháp thường xuyên hơn nhưng một chương trình Phật học ccho quần chúng vẫn chưa có. Trải rác có những nơi tổ chức các lớp học nhưng đó không phải là một hệ thống rộng khắp cho quảng đại quần chúng. Chỉ có chương trình giáo lý được giảng dạy trong các trường Bồ Đề, nhưng nội dung và phương pháp không gây được cái ý hướng học Phật như một nhu cầu cho đời sống. Viện Cao Đẳng Phật Học ở Pháp Hội rồi Phân Khoa Phật Học của Đại Học Vạn Hạnh là những nơi học Phật nghiêm túc hiếm hoi cho lớp người khao khát và có nhiêu thành tựu đáng kể. Phần lớn những người đi sâu vào việc nghiên cứu, học Phật bây giờ là từ ở hai nơi nói trên. Sau 1975, hoàn cảnh trong nước không cho phép thực hiện nhưng ở hải ngoại, dù hoàn cảnh khác, việc mở những lớp học có hệ thống, có chương trình vẫn chưa được quan tâm thực hiện. Những khóa tu học ngắn hạn 1 ngày, 2 ngày, 1 tuần, 3 tuần được tổ chức đã là những dấu hiệu khích lệ rất quý. Xã hội ngày nay đã thay đổi. Niềm tin vốn không có sẳn nơi thế hệ trẻ, cho nên có hiểu đạo thì thế hệ này mới tin đạo, yêu đạo. Việc giáo dục hoằng pháp hôm nay ở đây và ngay cả, cho một xã hội Việt Nam thay đổi mai sau, là điều nên được nghĩ tới với những chuẩn bị cần thiết và thích đáng. Chuẩn bị về chương trình, về người giảng dạy, về phương pháp cũng như về cơ sở và các mặt tổ chức sao cho ứng hợp được với từng lứa tuổi(từ 6 tuổi trở lên) và trong điều kiện khả thi là một nhu cầu bức thiết để giữ Đạo cho các thế hệ trẻ ngày nay. Đó là chưa nói đến nghi lễ mà tác dụng giáo dục của nó rất lớn cũng cần được nghiên cứu thay đổi.
Cuối cùng, hiện nay ở đây và trong viễn tượng một xã hội Việt Nam thay đổi sau này, Phật Giáo Việt Nam không thể không chuẩn bị khả năng kinh tế và từ thiện xã hội. Khả năng kinh tế liên hệ đến sự tồn tại và phát triển của Phật Giáo. Ba mươi năm qua, Phật Giáo Việt Nam gần như chỉ sống băng chế độ cúng dường, ngoài một số cơ sở kinh tế tự túc của các Phật Học Viện để nuôi Tăng Ni Sinh. Chính vì thế mà Phật Giáo Việt Nam đã không thể thực hiện được các chương trình kế hoạch trên một quy mô lớn. Trước đây đã thế, huống chi xã hội ngày nay đã thay đổi, tâm lý con người cũng thay đổi và sẽ thay đổi nhiều hơn, Phật Giáo Việt Nam nếu không nghĩ tới việc thành lập các cơ sở kinh tế để tự túc và tự phát triển thì rồi sẽ ở mãi trong tình trạng "cái khó bó cái khôn".
Công tác từ thiện xã hội là một nhu cầu bức thiết khác, không phải chỉ cho sau này mà ngay cả bây giờ. Màu sắc chính trị và tâm lý chính trị xốc nổi có thể lam cho công tác này bị nhìn một cách thiên lệch và trở nên tế nhị trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước. Nhưng khong phải vì vậy mà chúng ta không làm, không phải vì vậy mà chúng ta bỏ mặc cho những con người khốn cùng nhất âm thầm kéo lê đời mình trong đói rách, bệnh tật và chết chóc thê thảm, nhất là khi mà chính quyền đã tỏ ra vô trách nhiệm. Ngoại trừ vài triệu người sống trên quyền lực hoặc có thân nhân ở ngoại quốc cón cả một đất nước đầy trẻ mồ côi và bụi đời, đầy những con người ốm đau không thuốc không thầy, những kẻ đói rách không áo, không cơm, không may mắn có thân nhân ở ngoại quốc. Họ là nạn nhân của chế độ đó chứ chẳng phải là chủ nhân của chế độ đó, họ chẳng liên hệ gì ngoài cái liên hệ của một nạn nhân với những kẻ sống bằng quyền lực. Giúp cho ho một chút áo cơm, tuốc thang, một chút phương tiện để vươn mình dậy mà sống, mà nuôi chút khí lực cho Việt Nam mai sau đâu thể bị nhìn như giúp cho chế độ này tồn tại để tiếp tục đàn áp. Người Phật tử sống Đạo, nguyện làm thân quyến của những kẻ đói rách khốn cùng, phải đâu là điều đáng chê trách ? Huống chi, việc làm liên hệ đến cả nòi giống mai sau. Mặt khác, trong cảnh đói rách khốn cùng mà những người con Phật làm việc Phật không lân mẫn được với họ thì rồi họ sẽ phải tìm nẻo khác mà đi. Cho nên, cũng vô trách nhiệm không kém chính quyền đối với tương lai nòi giống và với con đường của Phật Giáo Việt Nam khi người ta lên tiếng chỉ trích công tác này. Hẳn nhiên, công tác phải được thực hiện với tất cả sự tế nhị cần có để không trở thành một sự tiếp tay nuôi dưỡng kẻ ác; và mặt khác, những kinh nghiệm thành công và thất bại của công tác này trước đây cần được chân thành học hỏi. Sau này, một khi đất nước thay đổi, công tác chắc chắn không chỉ là của một nhóm người mà phải là một nổ lực chung của Phật Giáo Việt Nam. Sự chuẩn bị bây giờ cho lúc đó không phải là điều vô ích. Không có được những chuẩn bị bây giờ thì rồi, Phật Giáo Việt Nam khó có được cái khả năng cần thiết để giữa Đạo cho quần chúng và giữ quần chúng với Đạo.
Tất cả những yếu tố trên đây thực là những yếu tố cần thiết có tính cách lâu dài cho ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam. Ba mươi năm qua, cái còn lại sau khi đã mất của Phật Giáo Việt Nam phải đâu không là những gì được nói đến trên đây?
- Năm 1963, Phật Giáo Việt Nam trổi mình thức dậy và thức dậy là đối diện ngay với một tình thế phức tạp để rồi yêu cầu về tổ chức trở thành một yêu cầu bức thiết.Bài học về tổ chức do đó cũng là điều nên được chiêm nghiệm.
Mặc dầu đã từng có kinh nghiệm tổ chức trước đó với các tập đoàn Phật Giáo ba miền, với Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, nhưng rồi sau 1963 đến nay, Phật Giáo Việt Nam đã có những khi khủng hoảng về tổ chức và đường lối... Hẳn nhiên, tổ chức Phật Giáo có tinh thần va màu sắc riêng của nó nhưng không phải vì vậy mà chúng ta không quan tâm đến những nguyên tắc, phương pháp, lề lối tổ chức có tinh thần khoa học nhất là trong một xã hội biến động như đã qua và hiện nay. Tổ chức chúng ta có và cũng có nhiều những cơ quan, văn phòng liên hệ nhưng sự quan tâm đến Người và Việc - hai yếu tố then chốt của tổ chức - thì ít mà quan tâm đến những yếu tố tác động tiêu cực vao tổ chức thì nhiều - những yếu tố có tính cách tương quan liên hệ giữa cá nhân này với cá nhân khác, giữa "nhóm" này với "nhóm" khác. Vì vậy, cơ cấu tổ chức được vẽ ra trên giấy tờ thì nhiều mà hiệu quả thực tế có khi lại chẳng được bao nhiêu. Lại nữa, tổ chức Phật Giáo Việt Nam có Hiến Chương, có hệ thống ngang - dọc nhưng vẫn thiếu một Định Chế làm việc thống nhất và hiệu quả. Không có một Định Chế rõ ràng tthì khuynh hướng làm việc theo cảm tính dễ nẩy nỡ; và đây là lý do cho phần lớn những khủng hoảng về lãnh đạo và đường lối trong các tổ chức của Phật Giáo Việt Nam. Các tổ chức thế tục ràng buộc các cá thể với nhau theo quyền lợi nên công việc điều hành dễ dàng. Các tôn giáo khác có hệ thống giáo quyền chặc chẽ kèm theo tinh thần giáo điều nên trên dưới dễ một lòng. Đó là chưa nói đến sự dồi dào phương tiện tạo điều kiện dễ dàng cho tổ chức. Phật Giáo Viêt Nam thì cái nghèo đã như một truyền thống lại không giáo điều, không giáo quyền có tính cách thế tục. Tinh thần tự do lại rất dễ biến thành vô tổ chức. Làm việc trong các tổ chức Phật Giáo Việt nam từ trước đến nay gần như hoàn toàn đặt trên tinh thần tự giác, tự nguyện và ràng buộc với nhau chỉ trong tình cảm và ý nguyện phụng sự. Cảm tính vì vậy lại càng dễ chi phối vào công việc và các quyết định . Trong một hoàn cảnh như vậy mà gìn giữ và phát triển được tổ chức thì đã là một phép lạ. Nếu không có tấm lòng yêu Đạo, vì Đạo thì dễ gì có được, nhất là ở vào cái thời ngữa nghiệng của thế đạo nhân tâm như vừa qua và hiện nay. Nhưng tấm lòng yêu Đạo, vì Đạo đ1o rất nhiều khi không đủ để vượt qua những xung đột về quan niệm và nhất là những xung đột về cá tính. Chính vì vậy, việc thiết lập một định chế để làm việc trong các tổ chức của Phật Giáo Việt Nam trở nên cần thiết, nhất là để tránh những cơn khủng hoảng về lãnh đạo và đường lối mà hậu quả thường tác động sâu xa vào tâm cảm tiêu cực của quần chúng.
Thời Phật tại thế, tổ chức Tăng Đoàn không tuế toái như hiện nay - nhất là tổ chức ấy lại có Phật và gồm phần lớn các vị Thánh Tăng. Ngày nay, cơ cấu xã hội phức tạp hơn nhiều, nhu cầu của con người cũng không còn đơn giản. Tính cách đối cơ của giáo lý Phật và xã-hội-tính của một tôn giáo đã làm cho việc tổ chức trở nên phức tạp, tế toái và là một yếu tố không thể không có, dù Phật Giáo là một tôn giáo đặt nặng vào kinh nghiệm cá nhân.


ĐỂ KẾT LUẬN


Có câu chuyện kể rằng: Một hôm, sau hơn hai ngàn năm xa cách, Phật dắt A Nan về thăm trần thế để coi thử đạo của Ngài bây giờ ra sao. Chỗ này, Phật gặp Chùa to Phật lớn. Chỗ kia, Phật thấy lễ lược linh đình. Nơi nọ là trường học đầy bóng dáng Tăng Sĩ. Nơi khác là cô ký nhi viện có các Ni Cô đang làm việc...Phật vui mà bảo A Nan, không ngờ Đạo của ta bây giờ phát triển như thế này! Nhu7ng trở lại quan sát hồi lâu thì Phật lại thấy Chùa to tượng lớn chỉ để làm cảnh, lễ lược linh đình chỉ để đàm luận thị phi, trường học thì chữ to mà chẳng thấy nghĩa, cô ký nhi viện thì lại như một chỗ làm nghề... Phật than cùng A Nan, Ôi thôi! Đạo của ta mất rồi! Rồi hai thầy trò ra đi mất hút.
Câu chuyện vẽ ra những hiện tượng tiêu cực quá đáng và do thế, không phải là một bức tranh chân xác về Đạo Phật ngày nay. Nhưng nó đã nói những điều rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Suy nghĩ về những thành và bại, những được và mất, những phù phiếm nhất thời và những gì gọi được là chân thật bất hư của Phật Giáo Việt Nam. Một sự suy nghĩ chân thành từ đó để khiêm tốn học hỏi từ đoạn đường 30 năm qua của Phật Giáo Việt Nam chắc chắn sẽ cho chúng ta có những đóng góp ý nghĩa hơn đê mơ ra những triển vọng tốt hơn cho Phật Giáo ở đây và cho cuộc phục hưng Phật Giao tại quê nhà một khi đất nước được thay đổi toàn diện và triệt để mà tình thế hiện nay đang cho phép ta nghĩ tới.
Cánh của tương lai của Phật Giáo Việt Nam - một Phật Giáo Việt Nam không bị chia chẻ bởi nhhững tâm trí bị những bóng ma thời cuộc ám ảnh - nên được mở ra từ đó. (3)


(Trích từ tập san Tin Phật năm 1994 của Trung Tâm Phật Giáo - Chùa Việt Nam)


(1) Phật Giáo Việt Nam nói đến ở đây, đặc biệt là từ 1963 đến 1975, là Phật Giáo ở bên này vĩ tuyến 17. Bởi vì, chỉ ở đó, Phật Giáo mới có những hoạt động đáng kể có tính cách lịch sử đối với bản thân của Phật Giáo cũng như với dân tộc. Còn ở bên kia vĩ tuyến 17 (miền Bắc) do chế độ của nó, chỉ còn lại những bậc tôn túc âm thầm sống cho mối Đạo, còn ra thì gần như chẳng có gì để nói ngoài một Hội Phật Giáo mà tổ chức và hoạt động của nó chỉ là để trang trí những khi cần. Bối cảnh lịch sử đề cập ở đây, do vậy cũng chỉ giới hạn trong khung cảnh của miền Nam Việt Nam từ 1963 đến 1975.
(2) Vài suy nghĩ về những chuyển động của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ hiện nay. Bài lai cảo, 1991.
(3) Sự phân chia những xu hướng này nọ trong Phật Giáo Việt Nam như một tác giả mới làm gần đây(Tâm Tràng - Hướng đi Phật Giáo trước nạn Cộng Sản - Báo Chánh Đạo) thì chỉ là vẽ ra những đường ngang dọc nặng chất thời sự trên bức tranh vốn là một toàn thể của Phật Giáo Việt Nam. Mặc dầu, ông Tâm Tràng thấy một cách chính xác rằng "những xu hướng này cũng không có gì là dứt khoát hết, tất cả là phương tiện" nhưng sự phân chia mà ông đã làm và biện giải với nhiều giả tưởng và trò chơi chữ nghĩa hư ngụy lại chỉ chia chẻ Phật Giáo Việt Nam ra thành manh mún, chẳng ích lợi gì cho ai ngoài những kẻ mang tâm địa thành kiến nhỏ nhen, cũng chẳng ích lợi gì mà chỉ tác hại thêm cho cuộc vận động lịch sử hiện nay của Phật Giáo và dân tộc.
Sự phân chia xu hướng như ông Tâm Tràng đã làm, nói cho cùng cũng chỉ là giả tưởng như cái giả tưởng hư ngụy của trò chơi chữ nghĩa không mấy ngay thẳng mà ông này ưa sử dụng trong bài. Trò chơi chữ nghĩa, ngay cả ở nơi những tiêu đề, có thể cho người đoc có cảm tưởng về sự thông minh của ông, nhưng đó chỉ là sự thôngminh đầy cơ tâm, thiếu hẳn sự chân thành cần thiết của người muốn đóng góp chút gì cho Phật Giáo.
Làm anh hùng nhiều khi không khó. Làm anh hùng bằng cchữ nghĩa lại càng không khó. Làm cái gì mà cứu được Nước, được Đạo thoát khỏi ngục tù của chủ nghĩa và chế độ lúc này và thoát khỏi mọi hiểm họa rình rập về sau mới thật là điều nên nghĩ tới.

TT. Thích Nguyên Hạnh
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712