Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

14 - Ba Món Phát Tâm (Tiếp Theo Và Hết)

BÀI THỨ MƯỜI BỐN

PHẦN GIẢI THÍCH

PHÂN BIỆT HÀNH TƯỚNG PHÁT TÂM ÐẾN ÐẠO (tiếp theo và hết) 

II.  Nói về hiểu biết và làm (hạnh, hướng) mà phát tâm 

CHÁNH VĂN 

       Phải biết, lối phát tâm này (biết và làm) có phần thắng hơn lối phát tâm trước (tín phát tâm).  Bồ-tát bắt đầu từ Chánh-tín (Thập-tín) đến đây (Hạnh và Hướng), trải qua gần mãn một vô-số kiếp thứ nhứt, nên đối với Chơn-như, các vị này hiện đã hiểu-ngộ rất thâm-thúy và sự tu-hành không còn chấp-tướng nữa. 

       Bồ-tát biết tánh Phật của mình (tâm mình) không có tham-lam bỏn-xẻn, nên tùy-thuận theo tánh Phật tu hạnh Bố-thí Ba-la-mật (bố-thí rốt-ráo).  Bồ-tát biết tánh Phật của mình không nhiễm-ô, xa-lìa các tội lỗi ngũ dục, nên tùy-thuận theo tánh Phật, tu pháp Trì giới Ba-la-mật.  Bồ-tát biết tánh Phật của mình không khổ-não, xa-lìa các sân-hận, nên thuận theo tánh Phật, tu pháp Nhẫn nhục Ba-la-mật.  Bồ-tát biết tánh Phật của mình không có tướng thân tâm, xa-lìa việc giãi-đãi, nên tùy thuận theo tánh Phật, tu Tinh-tấn Ba-la-mật.  Bồ-tát biết tánh Phật của mình thường định, không có tán-loạn, nên tùy-thuận theo tánh Phật, tu pháp Thiền-định Ba-la-mật.  Bồ-tát biết tánh Phật của mình sáng-suốt, không có vô-minh, nên tùy-thuận theo tánh Phật, tu Trí-huệ Ba-la-mật. 

LƯỢC GIẢI

       Trong phần “Phân-biệt hành-tướng phát tâm đến Ðạo”, có chia ra ba hạng: 

  1. Tín phát tâm, tức là viên-mãn địa-vị Thập-tín mà phát tâm.
  2. Biết và làm phát tâm, tức là ở địa-vị Tam-hiền (Trụ, Hạnh, Hướng) mà phát tâm.
  3. Chứng-nhập chơn-như phát tâm, tức là ở hàng Thập-địa Bồ-tát mà phát tâm.  

Ðoạn này nói về hàng Tam-hiền phát tâm. 

Hành-giả từ khi phát tâm tu-hành, cho đến mãn địa-vị Tam-hiền, đây là đợt nhất, phải trải qua một “vô số kiếp”.  Sau khi mãn Tam-hiền lên đến Thất-địa, hành-giả phải trải qua một “vô số kiếp” về đợt thứ hai.  Từ Bát-địa trở lên quả-vị Phật, hành-giả phải trải qua một “vô só kiếp” nữa, về đợt thứ ba. 

       Hành-giả phải trải qua ba vô-số kiếp như vậy, và trường kỳ kháng-chiến với giặc phiền-não nội tâm, bao giờ hoàn-cảnh thắng trận mới được thành Phật.  Trong vô-số kiếp thứ nhứt, hành-giả bị bại trận nhiều mà thắng ít.  Ðến vô-số kiếp thứ hai, là giai-đoạn giằng-co, hành-giả năm ăn năm thua.  Bước qua vô-số kiếp thứ ba thì hành-giả thắng nhiều mà thua ít. 

       Vì hạng thứ bai là “Hiểu và Làm mà phát tâm”, cố-nhiên phải hơn phần “Tín mà phát tâm” trước.  Từ địa-vị Thập-tín đến địa-vị Tam-hiền, vì hành-giả tu hành đã trải qua gần mãn một vô-số kiếp, nên ngộ được chơn-tâm; nhưng chưa chứng-nhập.  Tuy nhiên, về việc tu-hành, hành-giả đã cởi mở rất nhiều những sự nặng-nề về phần tu hữu-tướng (chấp danh, trước tướng) và bắt đầu tu về vô-tướng, để nhập chơn-như thanh-tịnh. 

       Bồ-tát biết chơn-tâm mình, từ-bi, hỷ-xả, không có tham lam bỏn-xẻn, nên tu pháp Bố-thí Ba-la-mật, để trừ tâm bỏn-xẻn (tu tâm) và nuôi dưỡng tánh từ-bi hỷ-xả (dưỡng tánh) để trở lại hiệp với chơn-tâm của mình. 

       Bồ-tát biết chơn-tâm mình thanh-tịnh, không có các nhiễm-ô tội-lỗi, nên tu pháp Trì-giới Ba-la-mật, để trừ tâm nhiễm-ô tội-lỗi (tu tâm ) nuôi dưỡng đức tánh thanh-tịnh (dưỡng tánh) để hợp với chơn-tâm của mình. 

       Bồ-tát biết chơn-tâm mình không có sân-hận, nên tu pháp Nhẫn nhục Ba-la-mật, để đối-trị tâm sân-hận (tu tâm) nuôi lớn đức tánh vô sân (dưỡng tánh) để hợp với chơn-tâm. 

       Bồ-tát biết chơn-tâm mình không có phiền-não giải-đãi, nên tu pháp Tinh-tấn Ba-la-mật, để trừ giải-đãi (tu tâm) nuôi dưỡng đức tánh siêng-năng (dưỡng tánh) để hợp với chơn-tâm.

       Bồ-tát biết chơn-tâm mình thường định, không tán loạn, nên tu pháp Thiền-định Ba-la-mật, để trừ tâm  tán loạn (tu tâm) và nuôi dưỡng tánh tịch-tịnh (dưỡng tánh) để hợp với chơn-tâm. 

       Bồ-tát biết chơn-tâm mình sáng-suốt không có si-mê, nên tu pháp Trí-huệ Ba-la-mật, để trừ tâm si-mê (tu tâm) và nuôi dưỡng trí-huệ (dưỡng tánh) để hợp với chơn-tâm. 

       Tóm lại, Bồ-tát biết tâm mình không có các điều xấu tệ, như tham lam, bỏn-xẻn, phá giới nhiễm-ô, nóng-nảy sân-hận, biếng-nhác trễ-nãi, tán loạn và si-mê v.v… mà trái lại, có đủ các đức tánh tốt, như từ-bi, hỷ-xả, thanh-tịnh, không sân si, tinh-tấn, thường định và trí-huệ v.v… nên tu pháp Lục-độ, để diệt trừ Lục-tệ, nuôi lớn các đức tánh tốt ở nơi tâm mình.  Khi các đức tánh tốt (tánh Phật) được hoàn-thành viên-mãn, thì Bồ-tát sẽ thành Phật. 

GIẢI DANH-TỪ 

       Chữ “Ba-la-mật”, Tàu dịch là “Ðáo bỉ ngạn”; nghĩa là đến bờ bên kia, tức là bờ Giác.  Song chữ “Ba-la-mật” này cũng có nghĩa là “rốt-ráo cùng tận”.  Như nói “Bố-thí Ba-la-mật”, nghĩa là bố-thí đến cùng tận.  Chúng phàm-phu khi bố-thí, còn chấp Ta là người năng thí (làm ơn).  Kia là kẻ thọ thí (chịu ơn); vì còn dính mắc nơi tướng, chấp có nhơn có ngã, nên bố-thí mà không được Ba-la-mật.  Trái lại, Bồ-tát khi bố-thí, hợp với chơn-tâm thanh-tịnh, không thấy có nhơn có ngã: Ta đây là người làm ơn (năng thí), Kia là kẻ thọ ơn (được thí), Nọ là vật bị thí…  Vì không dính mắc nơi tướng, nên gọi là “Bố-thí Ba-la-mật”.  Năm món “Ba-la-mật” sau ý-nghĩa cũng như thế. 

III.  Chứng nhập Chơn-như mà phát tâm 

CHÁNH VĂN 

       Bồ-tát từ Sơ-địa cho đến Ðẳng-giác, đã chứng được Chơn-như, cũng gọi là chứng Pháp-thân. 

       Các vị Bồ-tát khi đã chứng-nhập Chơn-như, thì từ trên tâm Chơn-như này, khởi ra đại-dụng: như trong nhứt-niệm mà có thể đi hết cả mười phương thế-giới, cúng-dường chư Phật, thỉnh Phật chuyển pháp-luân và mở đường dẫn-dắt, làm lợi-ích cho các chúng-sanh, mà không cần đến ngôn-ngữ.  Hoặc vì để độ những chúng-sanh căn-tánh thấp kém, lo sợ phải trải qua nhiều kiếp tu-hành mới thành đạo, nên Bồ-tát thị-hiện mau thành quả Phật.  Hoặc vì để độ những chúng-sanh biếng-nhác trễ-nãi, nên Bồ-tát nói “Ta tu-hành trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp mới được thành Phật”.  Các vị Bồ-tát mặc dù thị-hiện ra vô số phương-tiện như vậy, không thể nghĩ-bàn được, song thật ra các vị này trình-độ như nhau, sự phát tâm, chỗ chứng-ngộ cũng đồng nhau, và đều trải qua ba vô-số kiếp tu-hành, không có kẻ mau người chậm, vị này hơn, vị kia kém.  Các vị Bồ-tát tùy theo mỗi quốc-độ, và trình-độ thấy nghe, căn-tánh sai khác, dục vọng không đồng của mỗi chúng-sanh mà thị-hiện ra nhiều hạnh (Bồ-tát đa hạnh), phương-tiện độ sanh không giống nhau. 

LƯỢC GIẢI 

       Ðoạn này nói “chứng nhập chơn-như mà phát tâm”, tức là Bồ-tát chứng được thể chơn-như, rồi phát ra đại-dụng của chơn-như. 

       Các vị Bồ-tát từ Sơ-địa đến Ðẳng-giác, đã chứng được chơn-như, cũng gọi là chứng pháp-thân thanh-tịnh của Như-lai.  Rồi từ nơi thể chơn-như này phát khởi ra diệu-dụng không thể nghĩ bàn, như trong nhứt niệm Bồ-tát có thể đi hết cả mười phương thế-giới, cúng-dường chư Phật, hoặc thỉnh Phật chuyển pháp-luân.  Và cũng từ nơi diệu-dụng của chơn-như, mà Bồ-tát giáo-hóa làm lợi-ích cho chúng-sanh, hoặc không dùng đến văn tự ngữ ngôn. 

       Có vị Bồ-tát vì muốn khuyến-khích những chúng-sanh thấp kém, lo sợ cho mình không thể theo-đuổi trải qua nhiều kiếp trường kỳ tu tập, nên thị hiện tu mau thành Phật, để cho chúng-sanh ấy khỏi lo sợ; như nàng Long-nữ trong Pháp-hoa, ngài Quảng-ngạch trong kinh Niết-bàn, ông Thiện-tài trong kinh Hoa-nghiêm. 

       Và có vị Bồ-tát, vì những chúng-sanh giải-đãi bê-tha sự tu-hành, nên thị-hiện trải qua ba vô số kiếp tu-hành, mới được thành Phật, để cho chúng-sanh ấy, thấy con đường còn dài, phải siêng-năng tu-hành; như đức Thích-Ca, trải qua ba vô số kiếp mới thành đạo. 

       Bồ-tát, tùy theo mỗi quốc-độ khác nhau, trình-độ thấy nghe của chúng-sanh không đồng, mà thị-hiện ra rất nhiều phương-tiện, không thể nghĩ bàn.  Bởi thế nên gọi “Bồ-tát đa hạnh”. 

       Nhưng sự thật, về trình-độ của các vị Bồ-tát thì đồng nhau, sự phát tâm, chỗ chứng ngộ cũng đồng nhau, và đều trải qua ba vô số kiếp tu-hành, không có sự mau chậm hay hơn kém nhau. 

CHÁNH VĂN 

       Lại nữa, Bồ-tát phát tâm, có 3 tướng vi-tế: 

  1. Chơn-tâm, tức là tâm vô phân-biệt (thật trí).
  2. Phương-tiện tâm, tức là tâm tự-nhiên làm lợi-ích cho các chúng-sanh (quyền-trí).
  3. Nghiệp-thức tâm, tức là tâm sanh-diệt rất vi-tế.  

Bồ-tát tu-hành đến khi công-đức được thành-tựu viên-mãn rồi, thì hiện thân cao lớn (báo-thân) hơn các thế-gian, ở trên cõi trời Sắc-cứu-cánh.  Bồ-tát do nhứt niệm tương-ưng (hiệp) với huệ, nên vô minh liền hết, gọi là “được nhứt thế chủng trí”.  Lúc bấy giờ Bồ-tát tự-nhiên có diệu-dụng không thể nghĩ bàn, hiện thân khắp mười phương thế-giới, làm lợi-ích cho tất cả chúng-sanh. 

LƯỢC GIẢI 

       Các vị Bồ-tát phát tâm vừa nói trên, đều có 3 tướng vi-tế như sau: 

  1. Ðược Thật-trí, tức là chơn-tâm vô phân biệt.
  2. Ðược Quyền-trí, tức là Trí phương-tiện phân biệt, để làm lợi-ích cho các chúng-sanh.
  3. Dị-thục thức, tức là nghiệp-thực, sanh diệt rất vi-tế.  

Bồ-tát tuy được quyền-trí và thật-trí, nhưng chưa rốt-ráo như Phật và vì còn Dị-thục-thức (Kim-cang-đạo hậu Dị-thục không) nên còn bị biến-dịch sanh-tử. 

       Bồ-tát tu-hành, khi công-đức được thành-tựu viên-mãn, đến phút tối hậu, phá sạch vô minh vi-tế, nhứt niệm hiệp với Bát-nhã-huệ, thì được “Nhứt thế chủng-trí” gọi là “Chánh biến giác”.  Lúc bấy giờ Bồ-tát hiện thân Tự-thọ-dụng (Báo-thân) cao lớn ngàn trượng, ở cõi Tự-thọ-dụng (Tự-thọ-dụng độ), trên đảnh trời Sắc-giới, chờ đến thời kỳ sẽ đi bổ-xứ làm Phật, như đức Di-Lặc hiện nay ở cõi trời Ðâu-suất.  Vị Bồ-tát này tự-nhiên có diệu-dụng, thị-hiện mười phương thế-giới, làm lợi-ích cho các chúng-sanh không thể nghĩ bàn. 

       Tóm lại, từ khi phát-tâm tu-hành cầu quả Phật, đến khi được Nhứt thế chủng-trí, thành Chánh-biến-giác là rốt-ráo sự phát tâm vậy. 

CHÁNH VĂN 

       Hỏi:  Trong hư-không vô biên, có vô tận thế-giới, trong mỗi thế-giới có vô số chúng-sanh.  Vì chúng-sanh vô số, nên tâm niệm và hành-vi cũng khác nhau vô cùng.  Nếu Bồ-tát đoạn vô minh, không còn tâm tưởng, thì lấy gì để biết tất cả pháp, mà gọi là “Nhứt thế chủng-trí”? 

       Ðáp:  Tất cả cảnh-giới vốn là chơn-tâm thanh-tịnh, không có gì khác.  Song vì chúng-sanh không như chơn-tâm thanh-tịnh (xứng tánh) lại khởi ra các tưởng niệm phân biệt, vọng thấy có các cảnh-giới sai khác, nên không thể biết được cảnh-giới vô tướng thanh-tịnh (chơn-tâm) biến khắp tất cả, của chư Phật. 

       Chơn-tâm này đã là bản-thể hiện ra tất cả pháp và Bồ-tát vì đã chứng được bản-thể của tất cả pháp, tất-nhiên biết được tất cả pháp, nên gọi là “Nhứt thế chủng trí”.  Nhờ “Nhứt thế chủng-trí” này, mà Bồ-tát tùy thuận theo trình-độ của các chúng-sanh, lập ra các pháp phương-tiện, giáo-hóa vô số chúng-sanh. 

LƯỢC GIẢI 

       Ðoạn này ngài Bồ-tát Mã-minh, lập lời vấn đáp, để giải-thích những điều thắc-mắc của độc-giả. 

       Thấy đoạn trên nói:  “Do Bồ-tát trong nhứt niệm tương-ưng với Huệ, nên vô minh liền hết, gọi là được Nhứt thế chủng-tri”, nên độc-giả thắc-mắc:  Do vô minh mà có tâm tưởng, nhờ tâm tưởng nên mới biết được các sự vật.  Nếu vô minh hết, tâm tưởng không còn, thì lấy cái gì để biết tất cả sự vật, mà gọi là “được nhứt thế chủng trí ”? 

       Bồ-tát giải đáp, đại-ý:  Tất cả các pháp nguyên là chơn-tâm (đó là định-lý của Ðại-thừa).  Nếu còn vô minh và tâm tưởng phân biệt, thì cố-nhiên phải có năng sở bỉ thử, nên sự phân-biệt bị cuộc-hạn, tuy biết mà biết không cùng khắp, cái biết ấy chỉ là tưởng-niệm mà thôi.  Trái lại, nếu vô minh hết, tâm tướng không còn, tức là hiệp với chơn-tâm, mà chơn-tâm là bản-thể của các pháp, biến khắp tất cả các pháp; cũng như trời đất non sông, mà bể cả đều bao hàm hết thảy.  Bởi thế nên hành-giả trừ vô minh, diệt hết loạn tưởng, chứng nhập chơn-tâm, thì mới biết được các pháp một cách rốt-ráo, gọi là được “Nhứt thế trí ”. 

       Từ chơn-tâm này phát ra đại trí dụng, biết rõ tất cả pháp, tùy theo căn-cơ của vô số chúng-sanh, dùng vô số phương-tiện, để dẫn-dắt chúng-sanh, gọi đó là được “Nhứt thế chủng-trí ”.  Chứng được Nhứt thế trí và Nhứt thế chủng trí, gọi là phát-minh rốt-ráo tâm Ðại-thừa, tức là thành Phật. 

CHÁNH VĂN 

       Hỏi:  Chư Phật đã có nghiệp-dụng tự-nhiên thị-hiện khắp tất cả chỗ, làm lợi-ích cho các chúng-sanh.  Nếu chúng-sanh nào thấy được thân Phật, hoặc nghe thuyết pháp, hoặc thấy thần thông biến-hóa của Phật, thì đều được lợi-ích; tại sao trong thế-gian còn có nhiều người không thấy Phật? 

       Ðáp:  Pháp-thân của chư Phật bình-đẳng và khắp tất cả chỗ, tự-nhiên làm lợi-ích cho các chúng-sanh, không dụng tâm hay cố ý.  Song cũng tùy theo tâm của chúng-sanh mà tự thấy có hiện hay không.  Tâm chúng-sanh như cái gương, nếu gương bị bụi đóng, thì cảnh-vật không hiện; còn tâm chúng-sanh bị cấu-nhiễm thì Pháp-thân không hiện.

LƯỢC GIẢI 

       Tiếp theo đoạn vấn-đáp trên, nghe nói:  “Phật có thần thông diệu-dụng không thể nghĩ bàn, bình-đẳng làm lợi-ích cho tất cả chúng-sanh, mà không dụng công hay cố ý ”; nên độc-giả nghi:  Nếu như thế, tại sao có chúng-sanh được tế-độ, có chúng-sanh không được tế-độ? 

       Bồ-tát giải-thích, đại-ý:  Phật tuy có Nhứt-thế chủng-trí và đủ các phương-tiện, thần thông, diệu-dụng, bình-đẳng và tự-nhiên làm lợi-ích cho tất cả chúng-sanh, không dụng công hay cố ý, không phân-biệt chủng loại nào.  Nhưng chúng-sanh có tiếp nhận được hay không là do tâm của họ có thanh-tịnh hay không.  Như cái gương tuy sáng mà bị bụi bám vào, dù cảnh vật tuy sẵn có, cũng không thể gì hiện ra được.  Cũng thế, chúng-sanh tâm-tánh còn cấu nhiễm, thì chư Phật tuy có diệu-dụng không thể nghĩ bàn, bình-đẳng phổ-độ, song họ cũng không thể thấy được Phật.  Tuy không thấy Phật tế-độ, nhưng Phật vẫn âm-thầm gia-hộ.  Ví như kẻ mù sống dưới mặt trời, tuy họ không thấy được ánh-sáng, nhưng mặt trời vẫn chiếu đến, và họ vẫn nhờ ánh-sáng mà sống. 

HẾT PHẦN GIẢI THÍCH

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ X & XI)
15 - TÍN TÂM, TU HÀNH-BỐN MÓN TÍN TÂM VÀ NĂM MÔN TU HÀNH
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712