Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

13 - Ba Món Phát Tâm

BÀI THỨ MƯỜI BA

PHẦN GIẢI THÍCH

PHÂN BIỆT HÀNH TƯỚNG PHÁT TÂM ÐẾN ÐẠO

BA MÓN PHÁT TÂM 

CHÁNH VĂN 

       Chữ “Ðạo” nói ở đây là chỉ cho đạo-quả của chư Phật đã chứng-ngộ và cũng là cái chỗ của tất cả vị Bồ-tát phát-tâm tu-hành để hướng về. 

       Sự phát-tâm, lược có ba món: 1- Tín hoàn-toàn (Tín thành-tựu) mà phát-tâm; 2- Hiểu và tu (giải, hạnh) mà phát-tâm; 3- Chứng nhập chơn-như mà phát-tâm. 

LƯỢC GIẢI 

       Luận này có năm chương, trong chương thứ bà, có ba phần: phần đầu giải-thích về pháp Ðại-thừa; phần thứ hai, Ngài Mã-minh đả-thông những chấp sai lầm.  Sau khi được rửa sạch các chấp sai lầm rồi, hành-giả mới phát tâm tu về pháp Ðại-thừa.  Vì thế nên tiếp đến phần thứ ba, Ngài Mã-minh phân-biệt hành tướng phát tâm tu về đạo quả Ðại-thừa. 

       Ðạo quả Ðại-thừa là nơi chư Phật đã chứng, mà cũng là chỗ các vị Bồ-tát đang hướng về đó. 

       Sự phát-tâm tu về đạo quả Ðại-thừa, lược chia có ba hạng, từ cạn đến sâu: 

  1. Mãn địa-vị Thập-tín (Tín hoàn-toàn) phát tâm.
  2. Ðịa-vị Tam-hiền (Giải: biểu; Hành: tu) phát tâm.
  3. Ðịa-vị Thập-thánh đã chứng nhập chơn-như, phát tâm.  

Chữ “Phát tâm” có hai nghĩa: 1- Lập chí cao rộng, 2- Phát-triển tâm tánh, hay phát-minh tâm tánh. 

CHÁNH VĂN

I.           Tín hoàn-toàn (thành-tựu) mà phát tâm. 

Hỏi:  Phải là người thế nào và nhờ tu hạnh gì để thành-tựu vị Thập-tín, mới phát tâm được? 

Ðáp:  Những chúng-sanh bất-định (không nhứt định chánh hay tà), nhờ sức căn lành huận-tập, đời trước làm cho họ tin nhơn-quả, nên nhàm khổ sanh-tử, phát tâm tu thập-thiện, để cầu đạo vô thượng Bồ-đề.  Nhờ được đích thân hầu hạ, cúng dường chư Phật và tu hành trải qua muôn kiếp, nên họ mới đặng thành-tựu tín tâm.  Do nhơn-duyên đó nên được gặp Phật, Bồ-tát dạy mà họ phát tâm; hoặc vì lòng Ðại-bị, mà họ tự phát tâm; hoặc vì thấy chánh-pháp sắp diệt mà muốn duy-trì nên họ tự phát tâm. 

       Những người như thế, được vào hàng chánh-định, trọn không thối chuyển.  Vì họ đã hiệp với “Chánh-nhơn Phật tánh”, nên họ được gọi là “dòng-giống của Như-lai”. 

LƯỢC GIẢI 

       Ðoạn này nói về Tín thành-tựu phát tâm.  Từ Sơ-tín cho đến Thập-tín thì tín tâm mới hoàn toàn viên-mãn nên gọi là “Tín thành-tựu”.  Do tín tâm vững chắc, lập chí nguyện cầu quả Phật vô thượng và phát minh tâm tánh, nên gọi là “Tín thành-tựu phát tâm”. 

       Hỏi:  Hạng người nào, tu hạnh gì, mới đặng hoàn toàn viên-mãn vị Thập-tín và làm sao phát tâm? 

       Ðáp:  Những người bất định chánh tà, hay căn-trí chưa nghiêng ngã bên nào (Ðại-thừa hay Tiểu-thừa) nếu gặp Tiểu-thừa giáo-hóa thì họ thành Thinh-văn, Duyên-giác, nếu gặp Ðại-thừa giáo-hóa thì họ thành Bồ-tát hay Phật.  Những người ấy, do nhiều đời có trồng căn lành và bên trong nhờ tánh Phật của họ thúc dục, bên ngoài nhờ chánh-pháp huân vào, làm cho họ tin đạo lý nhơn-quả, rồi nhàm cảnh trần-gian là bể khổ sanh-tử, nên phát tâm tu-hành cầu đạo giải-thoát Niết-bàn. 

       Phát tâm tu-hành, phụng sự chánh-pháp, hầu hạ Thiện-hữu tri-thức và cúng dường chư Phật, làm những việc như thế, trải qua một vạn kiếp, hành-giả mới viên-mãn địa-vị Thập-tín. 

       Khi tín tâm đã viên-mãn thành-tựu rồi, hoặc gặp Phật hay Bồ-tát dạy cho họ phát tâm, hoặc do lòng Ðại-bi thúc-dục làm cho họ phát tâm, hoặc thấy chánh pháp suy đồi, muốn duy-trì chánh pháp nên họ phát tâm.

       Những người được viên-mãn vị Thập-tín và phát tâm như thế, là đã hiệp với “Chánh nhơn Phật tánh”, vào hàng “Chánh định”, không còn bất-định hay thối chuyển nữa, nên họ cũng được gọi là “dòng giống của Như-lai”. 

CHÁNH VĂN 

       Có những chúng-sanh, từ hồi nào đến giờ, căn lành mỏng ít, phiền-não sâu dày, tuy cũng gặp Phật cúng dường, song chỉ cầu phước báo cõi nhơn thiên, hoặc tu theo Nhị-thừa, hoặc họ có cầu pháp Ðại-thừa, nhưng căn-tánh chẳng quyết-định, tấn thối không chừng; hoặc họ cúng dường chư Phật, mà chưa đầy một vạn kiếp.  Những hạng người này cũng gặp nhơn duyên lành để phát tâm (như thấy sắc tướng của chư Phật mà phát tâm, hoặc nhơn cúng dường chư Tăng mà phát tâm, hoặc nhơn gặp hàng Nhị-thừa dạy bảo mà họ phát tâm, hoặc học với thầy bạn mà phát tâm).  Nhưng các loại phát tâm này, đều chẳng nhứt định, nếu gặp hoàn-cảnh xấu ngược, thì họ thối tâm, hoặc đọa vào Nhị-thừa. 

LƯỢC GIẢI 

       Ðoạn trên nói những người tín tâm đã thành-tựu, và phát tâm như vậy, thì được vào hàng chánh định, quyết không thối chuyển, vì họ tu đã được một vạn kiếp. 

       Ðoạn này nói, những người phát tâm sau đây, vì tu chưa đầy một vạn kiếp, tín tâm chưa thành-tựu, hoặc còn thối chuyển, nên chưa được vào hàng Chánh định.  Họ cũng gặp duyên lành để phát tâm, hoặc thấy tướng hảo của Phật mà phát tâm, hoặc nhơn cúng dường chư Tăng mà phát tâm, hoặc gặp Nhị-thừa giáo-hóa phát tâm v.v…  Nhưng vì căn lành mỏng ít, phiền-não sâu dày, tuy gặp Phật pháp tu-hành, song chỉ cầu phước báo thiên nhơn, hoặc tu theo Nhị-thừa, và nếu gặp Ðại-thừa thì tâm họ cũng không quyết-định, nên khi bị nghịch cảnh, họ thối tâm hoặc tu theo Tiểu-thừa tiêu-cực. 

a)  BA MÓN TÂM TRONG VỊ THẬP TÍN 

CHÁNH VĂN 

       Tóm lại, khi tín tâm đã thành-tựu, thì phát ba món tâm như sau: 

1.      Trực-tâm, nghĩa là tâm trực niệm chơn-như.

2.      Thâm-tâm, nghĩa là tâm ưa làm các việc lành.

3.      Ðại-bi tâm, nghĩa là tâm muốn cứu khổ các chúng-sanh. 

LƯỢC GIẢI

       Hành-giả tu-hành phải trải qua một vạn kiếp mới được thành-tựu tín tâm.  Lúc bấy giờ hành-giả phát ra vô số tâm, nhưng tóm lại có ba thứ: 

  1. Trực-tâm, quán thẳng chơn-như pháp tánh.
  2. Thâm-tâm, nguyện làm các việc lành.
  3. Ðại-bi tâm, thệ độ tất cả chúng sanh.  

Quán chơn-như là căn-bản của hai hạnh: tự lợi và lợi tha.  Vì quán trong bản-thể chơn-như có đủ vô lượng công-đức, cho nên hành-giả ưa tu các pháp lành, để hiệp với tánh chơn-như của mình.  Hành-giả tu-hành, khi nào thâm-nhập đến chỗ không còn thấy có tướng tu nữa, gọi đó là “Thâm-tâm”. 

Vì quán mình và tất cả chúng-sanh đồng bản-thể chơn-như, nên chúng-sanh đau khổ tức là mình đau khổ, chúng-sanh còn trầm-luân thì mình chưa được giải-thoát, an vui nơi cảnh Niết-bàn.  Vì thế mà hành-giả phát tâm Ðại-bi cứu khổ tất cả chúng-sanh. 

CHÁNH VĂN 

       Hỏi:  Chơn-như đã là một thể, tại sao không bảo hành-giả trực niệm chơn-như, mà lại còn tạm dùng các phương-tiện, tu các pháp lành? 

       Ðáp:  Thí như ngọc ma-ni thể chắt tuy sáng suốt trong sạch, nhưng còn bị lẫn lộn trong khoáng nhơ bẩn.  Nếu người chỉ nghĩ đến tánh chất trong-suốt của ngọc, mà không dùng các phương-tiện dũa, mài v.v… thì quyết định không thể đặng chất ngọc ma-ni thuần-tịnh. 

       Cũng thế, chúng-sanh tuy sẵn có chất chơn-như thanh-tịnh, song còn bị vô lượng phiền-não làm nhiễm-ô.  Nếu hành-giả chỉ niệm chơn-như, mà không dùng phương-tiện tu các pháp lành, thì cũng không thể đặng chất chơn-như thuần tịnh. 

       Vì các pháp phiền-não nhiễm-ô vô lượng, nên hành-giả phải tu vô lượng hạnh lành để đối-trị.  Nếu hành-giả tu các pháp lành, thì tự-nhiên thuận về với tánh chơn-như của mình. 

LƯỢC GIẢI 

       Ðoạn này giải-đáp sự thắc-mắc của độc-giả. 

       Hỏi:  Chúng-sanh đã sẵn có chất chơn-như thanh-tịnh, tại sao người tu-hành không niệm thẳng chơn-như, mà lại còn dùng vô số phương-tiện để dẹp trừ phiền-não nhiễm-ô và tu các Pháp lành làm gì?

       Ðáp:  Chúng-sanh tuy sẵn có chất chơn-như thanh-tịnh, song còn bị vô lượng phiền-não làm nhiễm-ô; cũng như ngọc ma-ni, tuy chất nó sáng-suốt trong sạch, nhưng còn bị lẫn-lộn trong khoáng nhơ-bẩn.  Nếu hành-giả trực chỉ quán chơn-như, mà không dùng các phương-tiện để trừ phiền-não và tu các pháp lành, thì chất chơn-như thuần tịnh không bao giờ thật hiện được.  Cũng như người chỉ nghĩ đến chất ngọc trong-suốt, mà không dùng đến các phương-tiện như lọc khoáng, dũa mài v.v… thì quyết-định cũng không bao giờ thành ngọc mỹ-quan được (ngọc bất trác, bất thành khí). 

       Chúng-sanh có vô lượng bịnh phiền-não, nên Phật cũng có vô lượng thuốc phương-tiện để trị.  Nếu muốn hết các bịnh phiền-não, trở thành người lành mạnh (Bồ-đề, Niết-bàn), tất nhiên hành-giả phải uống thuốc phương-tiện của Phật.  Người diệt trừ phiền-não tu các pháp lành là đi ngược dòng trần-lao, thuận theo tánh chơn-như.  Bởi thế nên hành-giả phải phát-minh ba tâm (Trực tâm, Thâm tâm và Ðại-bi tâm) và thật hành bốn phương-tiện sau này. 

b)  BÓN MÓN PHƯƠNG-TIỆN 

CHÁNH VĂN 

       Các phương-tiện lược có bốn món: 

  1. Phương-tiện căn-bản:  

Quán tất cả các pháp, tánh vốn vô sanh (không) để lìa các vọng-chấp, và nhờ thế mà không mắc vòng sanh-tử. 

Quán các pháp do nhơn-duyên hòa-hiệp, nên nghiệp-quả chẳng mất (có), để khởi tâm đại-bi, tu các hạnh lành, cảm-hóa chúng-sanh, và nhờ thế nên không trụ Niết-bàn. 

Tóm lại, vì tùy thuận theo tánh vô-trụ của chơn-như, nên không dính mắc sanh-tử và không an-trụ Niết-bàn. 

LƯỢC GIẢI 

       Trong bốn phương-tiện tu-hành để nhập chơn-như, thì món phương-tiện này là căn-bản. 

       Chúng-sanh vọng chấp các pháp thật có, nên tạo ra các nghiệp; rồi bị nghiệp lực kéo dẫn, phải chịu sanh-tử luân-hồi.  Nay hành-giả quán “các pháp hư giả, không thật”, nên không vọng chấp và không tạo nghiệp; vì nghiệp không tạo, nên không bị sanh-tử luân-hồi.

       Song, nếu hành-giả chỉ một bề quán “Không” như thế, sợ e mắc vào bịnh “chấp không”, rồi chẳng cần tu-hành và hóa độ chúng-sanh; như hàng Thinh-văn chấp không, ưa vắng-lặng (trầm không thú tịch) thích-thú cảnh vui Niết-bàn của Tiểu-thừa. 

       Bởi thế, hành-giả phải quán “do nhơn-duyên hòa-hiệp, mà các pháp chẳng phải không và nghiệp quả chẳng mất”; để khởi tâm Ðại-bi, tu các hạnh lành, giáo-hóa chúng-sanh.  Nhờ quán như thế, nên hành-giả không còn “chấp không” và say-mê cảnh Niết-bàn của Tiểu-thừa nữa. 

       Vì không vướng mắc sanh-tử, nên về phần tự lợi hành-giả được thành-tựu.  Và vì không vướng mắc Niết-bàn của Tiểu-thừa, nên hành-giả độ thoát tất cả chúng-sanh, hoàn-thành hạnh lợi tha. 

       Không mắc sanh-tử, không trụ Niết-bàn, là thuận theo đức-tánh vô-trụ của chơn-tâm; như thế gọi là “Trực tâm”.  Trực tâm là phương-tiện căn-bản của các hạnh, tự-giác và giác-tha.  Khế kinh nói:  “Tâm thẳng (không mắc hai bên) là Ðạo-tràng” (trực tâm thị Ðạo-tràng). 

CHÁNH VĂN 

  1. Phương-tiện ngăn-ngừa các việc ác:  

Biết xấu-hổ, ăn-năn, chừa lỗi, ngăn-ngừa tất cả điều ác không cho phát sanh và tăng-trưởng.  Hành-giả phải làm như thế, để tùy thuận theo đức-tánh thanh-tịnh của chơn-như. 

LƯỢC GIẢI 

       Ðoạn này nói về phương-tiện thứ hai là “Không làm các việc ác”.  Người biết xấu-xa hổ-thẹn thì không làm các điều tội-lỗi; biết ăn-năn hối-hận những tội lỗi đã làm, thì tội lỗi ấy không tăng-trưởng nữa.  Bởi thế nên “hổ-thẹn” là yếu-tố ngăn-chận việc ác phát sanh; còn “ăn-năn hối-hận” là yếu-tố làm cho tội-lỗi đã sanh, không tăng-trưởng nữa. 

       Ðoạn văn trước nói 3 tâm: 1- Trực-tâm, 2- Thâm-tâm, 3- Ðại-bi tâm.  Ðoạn này nói phương-tiện thứ hai, thuộc về Thâm-tâm, tức là ưa làm các việc lành.  Lành có hai thứ: 1- Bỏ dữ (chỉ thiện) gọi là lành; 2- Làm lành (tác thiện) cũng gọi là lành. 

       Món phương-tiện thứ hai này thuộc về loại “lành bỏ dữ”; món phương-tiện thứ ba sau này, thuộc về loại “lành làm lành”.  Hai loại lành này đều thuộc về Thâm-tâm cả.

       Tóm lại, vì tùy-thuận theo đức-tánh thanh-tịnh của Tâm chơn-như, nên hành-giả phải xa-lìa các tội lỗi. 

CHÁNH VĂN 

  1. Phương-tiện làm cho phát-sanh hoặc nuôi lớn căn lành:  

Siêng-năng lễ-bái và cúng-dường Tam-bảo, tùy hỉ việc lành, tán-thán công-đức và thỉnh Phật trụ thế chuyển pháp-luân.  Do tâm kính mến Tam-bảo rất thuần-hậu, làm cho đức tin được thêm lớn nên hành-giả mới dốc chí cầu đạo vô thượng.  Lại nhờ sức gia-hộ của Tam-bảo nên các nghiệp-chướng được tiêu-trừ và căn lành không thối chuyển.  Vì tùy-thuận theo đức-tánh “vô chướng ngại” của chơn-như, nên hành-giả phải xa-lìa các si-mê chướng ngại. 

LƯỢC GIẢI 

       Phương-tiện thứ ba này là “làm các việc lành”, tức là loại “lành tác thiện” (làm lành).  Loại lành này cũng nương nơi thâm-tâm mà khởi.  Hành-giả làm cho phát sanh những việc lành chưa sanh, và nuôi lớn những việc lành đang có.  Siêng năng tu-hành và cúng-dường Tam-bảo v.v… là trồng căn lành; còn kính-mến Tam-bảo v.v… là nuôi lớn đức tin.  Hành-giả lại nhờ thần lực của Tam-bảo gia-hộ, nên tiêu-trừ được các nghiệp-chướng và làm cho đức tin được vững-chắc. 

       Lễ-bái thì xa-lìa được cái bịnh ngã-mạn, tán-thán thì xa-lìa được cái bịnh hủy-báng, tùy-hỉ thì xa-lìa được cái bịnh tật-đố v.v…. 

       Tóm lại, vì tùy-thuận theo đức tánh sáng-suốt vô ngại của Tâm chơn-như, nên hành-giả phải xa-lìa các si-mê chướng-ngại. 

CHÁNH VĂN 

  1. Phương-tiện đại nguyện và bình-đẳng:  

Hành-giả vì tùy-thuận tánh không đoạn-tuyệt của chơn-như và tánh bình-đẳng không hai, chẳng phân bỉ thử, rốt-ráo vắng-lặng, rộng lớn phổ-biến của chơn-như, nên hành-giả phát đại nguyện, cùng tận đời vị lai, hóa độ tất cả chúng-sanh, đều được rốt-ráo chứng vô dư Niết-bàn, không còn sót một chúng-sanh nào. 

LƯỢC GIẢI 

       Phương-tiện thứ tư là “cứu khổ các chúng-sanh”.  Món phương-tiện này là do tâm đại-bi phát-sanh. 

       Hành-giả tùy-thuận theo các đức tánh: bất tuyệt rộng lớn, bình-đẳng, cứu-cánh tịch-diệt của Tâm chơn-như, nên lập lời thệ nguyện rộng lớn, hóa-độ hết thảy chúng-sanh, đều được cứu-cánh Niết-bàn, không hạn-định thời-gian và không bao giờ dừng nghỉ. 

       Tóm lại, Bồ-tát tùy-thuận theo các đức tánh tốt của Tâm chơn-như mà tu các hạnh lành, dẹp trừ các cấu-nhiễm để trở về Tâm chơn-như. 

c)  TÂM TƯỚNG THÀNH ÐẠO 

CHÁNH VĂN 

       Bồ-tát nhờ phát tâm này, nên được thấy Pháp-thân một phần nào.  Do thấy được Pháp-thân, nên Bồ-tát tùy theo nguyện-lực của mình, mà hiện ra tám tướng sau đây, để làm lợi-ích cho chúng-sanh: 

  1. Từ cung trời Ðâu-suất giáng-sanh.
  2. Nhập thai.
  3. Ở trong thai.
  4. Sanh ra.
  5. Xuất-gia.
  6. Thành đạo.
  7. Thuyết pháp.
  8. Nhập Niết-bàn.  

Song các vị Bồ-tát này, chưa chứng Pháp-thân, vì còn các nghiệp hữu-lậu từ quá-khứ vô lượng kiếp đến nay, chưa có thể đoạn trừ được.  Vị Bồ-tát này, do sức đại nguyện tự-tại mà thọ sanh; tuy không phải bị nghiệp-lực kéo-dẫn, song vẫn còn khổ vi-tế.  Trong Khế-kinh, Phật nói: “Có vị Bồ-tát thối tâm bị đọa vào ác thú”. 

       Nói như vậy, là để cho những vị sơ-tâm, chưa phải chánh-thức Bồ-tát, còn giải-đãi trên đường tu-hành, lo sợ, mà phát tâm dõng-mãnh tiến tu, chứ không phải thật thối-đọa. 

       Lại nữa, các vị Bồ-tát này, từ khi phát tâm về sau, mặc dù nghe nói phải trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp (vô số kiếp), siêng-năng tu-hành khổ-hạnh, mới chứng được Niết-bàn; nhưng cũng không nhu-nhược và lo-sợ đọa và Nhị-thừa, vì họ đã hiểu chắc và tin rằng tất cả các pháp từ hồi nào đến giờ, tánh nó vốn là Niết-bàn. 

LƯỢC GIẢI

       Bồ-tát khi đã viên-mãn Thập-tín, phát ba món Tâm trên rồi (Trực tâm, Thâm tâm và Ðại-bi tâm) thì vào Thập-trụ, thấy được Pháp-thân thanh-tịnh, nên có thể thị-hiện tám tướng cao cả, để làm lợi-ích cho các chúng-sanh, mà tâm không nhu-nhược và sợ thối-đọa; bởi vì các vị Bồ-tát này đã biết các pháp từ xưa đến nay vốn là Niết-bàn. 

       Các vị Bồ-tát Thập-trụ này, vì các nghiệp hữu-lậu chưa hết, nên sanh ở đâu, cũng còn khổ vi-tế về “phần đoạn sanh-tử”.  Nhưng sự thọ-sanh của các ngài là do đại nguyện để hóa-độ chúng-sanh, chứ không phải bị nghiệp lực kéo-dẫn mà thọ-sanh. 

       Lại nữa, các vị Bồ-tát này không bao giờ đọa và ác thứ, thối thất Bồ-đề.  Nhưng trong kinh Bổn-nghiệp Phật nói: “Các vị Bồ-tát từ Thất-trụ về trước còn thối đọa, nếu từ một kiếp đến mười kiếp không gặp Thiện-hữu tri-thức”.  Phật nói như vậy là để khủng-bố các vị Sơ-tâm Bồ-tát còn giãi-đãi trong sự tu-hành.

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ X & XI)
14 - BA MÓN PHÁT TÂM (TIẾP THEO VÀ HẾT)
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712