Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

10 - Nói Về Nghĩa "Bất Giác" Chơn Như Và Vô Minh, Thỉ Và Chung

BÀI THỨ MƯỜI

CHƠN-NHƯ VÀ VÔ-MINH, THỈ VÀ CHUNG 

CHÁNH VĂN 

       Lại nữa, vô-minh (pháp nhiễm-ô) và chơn-như (pháp thanh-tịnh) đều đã có sẵn từ vô-thỉ đến giờ và huân-tập chẳng dứt.  Song vô-minh, đến khi thành Phật rồi, bị dứt hết; còn chơn-như thì vô cùng tận trong đời vị-lai, cho đến sau khi thành Phật cũng vẫn còn.  Tại sao vậy? 

       Vì chơn-như thường huân-tập, nên vọng-tâm (vô-minh) phải tiêu diệt.  Do vọng-tâm tiêu-diệt, nên Pháp-thân hiện ra; rồi Pháp-thân lại khởi diệu-dụng, huân-tập trở lại nữa, nên chơn-như không có cùng tận. 

LƯỢC GIẢI 

       Chơn-như và vô-minh đồng một bản-thể và có từ vô-thỉ.  Song vô-minh rốt sau bị chơn-như tiêu-diệt, nên hữu chung; còn chơn-như sau khi ra khỏi triền-phược rồi, lại được nuôi lớn nên vô-chung. 

       Thí như trong trái hồng, cả chất chát và ngọt đều đồng thời có.  Song khi trái hồng còn non, chất ngọt bị chất chát lấn át (chơn-như tại triền), nên người ta chỉ thấy chát (vô-minh); đến khi lớn dần, thì chất chát bị chất ngọt huân-tập, nên chất chát mỗi ngày mỗi ít, mà chất ngọt mỗi ngày một thêm, rốt cuộc rồi chát hết (vô-minh diệt) mà chỉ còn ngọt (chơn-như).  Khi trái hồng đã chín ngọt rồi, thì không bao giờ trở lại chát nữa (chúng-sanh khi đã thành Phật, không trở lại làm chúng-sanh nữa).

       Trên đã nói về “Nhơn-duyên sanh-diệt” rồi; dưới đây sẽ nói về ba đại-nghĩa của Tâm là: Thể, Tướng và Dụng. 

NÓI VỀ 3 ÐẠI NGHĨA CỦA TÂM 

Trong bài này mới nói hai nghĩa thể và tướng rộng lớn của tâm 

CHÁNH VĂN 

       Lại nữa, tất cả phàm-phu, Thinh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát và Phật, từ hồi nào đến giờ, đều tự sẵn có thể-tướng chơn-như này.  Tánh chơn-như không tăng, không giảm, không trước, không sau, không sanh, không diệt, rốt-ráo thường hằng, đầy-đủ tất cả công-đức (đức-tánh), như là: 

  1. Ðại trí-huệ sáng suốt.
  2. Chiếu khắp cả pháp-giới.
  3. Chơn thật hay biết.
  4. Tâm tánh thanh-tịnh.
  5. Thường, lạc, ngã, tịnh.
  6. Trong mát (thanh-lương), không biến-đổi và tự-tại v.v…  

Tóm lại, nó không rời, không đoạn, không khác, đầy-đủ pháp Phật không thể nghĩ bàn, và có vô-lượng công-đức, nhiều hơn số cát sông Hằng.  Vì nó đầy đủ tất cả, không thiếu một công-đức nào, nên gọi là Như-lai tạng, cũng gọi là Như-lai Pháp-thân. 

LƯỢC GIẢI 

       Trước kia, trong phần “Ðịnh danh nghĩa” (trang 18) có nói: “Tướng nhơn-duyên sanh-diệt tức là Thể, Tướng và Dụng của Ðại-thừa…”.  Ðến bài này nói rõ Thể lớn, Tướng lớn và Dụng lớn của Ðại-thừa, tức là tâm Chơn-như vậy. 

       Nhưng trong bài này, chỉ mới nói Thể rộng lớn của tâm, là tánh bình-đẳng không vọng-động, và Tướng rộng lớn của tâm, là có đủ hằng sa công-đức.  Còn Dụng rộng lớn của tâm, sẽ nói tiếp trong bài thứ 11. 

       Tất cả Thánh phàm, đều sẵn có tâm chơn-như và cũng đều từ tâm này sanh ra.  Tâm chơn-như ở nơi Thánh không thêm, ở nơi phàm chẳng giảm; không trước không sau, không sanh không diệt; đầy đủ hằng sa đức tánh: 

-         Ðại trí-huệ sáng-suốt (tức là đức tánh thường-quang của Pháp-thân Phật).

-         Chiếu khắp cả pháp-giới (tức là Thật-trí chiếu suốt lý tánh, Quyền-trí soi khắp tất cả sự-vật).

-         Chơn thật hay biết (rời các vọng-thức phân-biệt, chỉ còn chơn-giác).

-         Tâm tánh thanh-tịnh (chơn-tâm thanh-tịnh, xa lìa các vọng-hoặc nhiễm-ô).

-         Ðủ bốn đức Niết-bàn: Chơn-thường (thuần nhứt không thay đổi), Chơn-lạc (không có các khổ làm não loạn), Chơn-ngã (không bị hai món sanh-tử bức bách), Chơn-tịnh (không bị trần lao phiền não làm nhiễm-ô).

-         Trong mát (vĩnh-viễn xa-lìa phiền-não).

-         Không biến đổi (không sanh, trụ, dị, diệt).

-         Tự-tại (không bị các nghiệp triền-phược).

-         Không rời (hằng sa công-đức không rời chơn-như).

-         Không đoạn (từ vô-thỉ đến giờ không hề gián-đoạn).

-         Không khác (một vị, không khác).

-         Và không thể nghĩ bàn v.v… (sự lý viên-dung, nhiễm tịnh không hai, không thể nghĩ bàn được). 

Tóm lại, vì tâm chơn-như bao trùm vô-lượng hằng sa công-đức, nên gọi là Như-lai tạng và làm chỗ nương cho tất cả các Pháp, nên cũng gọi là Pháp-thân của Như-lai. 

CHÁNH VĂN 

       Hỏi:  Trước đã nói “Thể chơn-như bình-đẳng và xa-lìa tất cả tướng”, tại sao đến đây lại nói “Thể chơn-như có đủ các đức-tánh sai khác?” 

       Ðáp:  Tuy đủ các đức-tánh, mà thật ra không có hình-tướng gì sai khác; chỉ đồng một vị chơn-như bình-đẳng mà thôi. 

       Hỏi:  Nghĩa này thế nào? 

       Ðáp:  Vì bản-thể chơn-như vô phân-biệt, và xa-lìa các hình-tướng sai-biệt, cho nên không có tướng gì sai-khác (vô nhị). 

       Hỏi:  Vậy thì căn-cứ theo nghĩa gì, mà nói là sai khác? 

       Ðáp:  Căn-cứ theo tướng sanh-diệt của nghiệp thức, mà nói có sai khác vậy.

LƯỢC GIẢI 

       Ðoạn này Luận-chủ lập những câu vấn-đáp, để giải-thích các nghi-ngờ.  Trong phần vấn-đáp thứ nhứt, về câu hỏi: “Thể chơn-như đã bình-đẳng và xa-lìa tất cả tướng, tại sao lại có đủ các đức tánh sai khác?” -  Luận-chủ trả lời, đại-ý:  “Tướng” không khác với “Tịnh”, Tướng tức là Tánh, đều đồng một vị chơn-như bình-đẳng, nên không khác; cũng như sóng không khác với nước, sóng tức là nước, đều đồng một vị. 

       Trong phần vấn-đáp thứ hai, ngoại-nhân vì chưa hiểu câu trả lời trên, nên hỏi gạn lại, để được giải-thích thêm.  Luận-chủ đáp, đại-ý như sau:  Chơn-như xa-lìa tất cả các tướng, và tất cả sự phân-biệt, cho nên không có hai tướng sai khác; sở-dĩ có sự sai khác là do đối vọng-tâm phân-biệt (nghiệp thức) mà có. 

       Trong phần vấn-đáp thức ba, đại-ý về câu hỏi:  “Thể và Tướng chơn-như đã không hai, vậy căn-cứ vào đâu mà nói có sự sai khác?”  Ðại-ý câu đáp:  - Căn-cứ và nghiệp-thức sanh-diệt, mà chỉ Tướng sai khác.  Vì nghiệp-thức sanh-diệt có đủ hằng-sa pháp nhiễm-ô, cho nên khi chuyển nhiễm-ô trở lại chơn-như thanh-tịnh, tất nhiên cũng phải có đủ hằng-sa tướng sai-khác về đức-tánh thanh-tịnh. 

CHÁNH VĂN 

       Hỏi:  Căn-cứ theo tướng sanh-diệt của nghiệp-thức thế nào, mà nói có các đức-tánh sai khác? 

       Ðáp:   

-         Từ hồi nào đến giờ, tất cả các pháp thật ra không có tướng gì sai-khác (thật vô ư niệm), chỉ một chơn-tâm mà thôi.  Song vì vô-minh bất-giác, tâm vọng-niệm khởi lên, thấy có các cảnh-giới, nên gọi là “vô-minh”. 

-         Vì đối với nghiệp-thức (vọng-tâm) có khởi-niệm; trái lại chơn-như không khởi niệm, nên chơn-như có đức-tánh Ðại trí-huệ quang-minh (đức tánh thứ nhứt). 

-         Vì đối với nghiệp-thức có thấy, nên có cái không thấy; trái lại chơn-như vì xa lìa các cái thấy, nên chơn-như có đức tánh Chiếu khắp cả pháp-giới (đức tánh thứ hai). 

-         Vì đối với nghiệp-thức có vọng-động, nên không chơn-thật hay biết, và tự-tánh không thanh-tịnh; trái lại chơn-như vì không vọng-động, nên chơn-như có đức tánh Chơn-thật hay biết và Tâm tánh thanh-tịnh (đức tánh thứ ba và tư). 

-         Vì đối với nghiệp-thức thì không thường, không lạc, không ngã, không tịnh, nhiệt não, suy-biến và không tự-tại; trái lại chơn-như không có các việc trên, nên chơn-như có những đức tánh: chơn-thường, chơn-lạc, chơn-ngã, chơn-tịnh, thanh-lương (trong mát) bất-biến và tự-tại (đức tánh thứ 5 và 6 v.v…) 

Tóm lại, vì đối với nghiệp-thức có hằng hà sa số nhiễm-ô, còn chơn-như thì trái lại, không có các nhiễm-ô, nên chơn-như hiện ra đủ các đức-tánh thanh-tịnh, cũng nhiều hơn số cát sông Hằng.  Vì nghiệp-thức (vọng-tâm) có khởi động, còn thấy có các pháp hiện-tiền để phân-biệt, nên còn có chỗ thiếu sót; trái lại, chơn-như là pháp thanh-tịnh, chỉ nhứt-tâm, không có vọng-niệm, nên đầy-đủ vô-lượng công đức.  Bởi thế nên gọi là Như-lai tạng, cũng gọi là Pháp-thân Như-lai. 

LƯỢC GIẢI 

       Ðoạn vấn đáp này là tiếp theo 3 đoạn vấn đáp trên, để giải-thích thêm về câu hỏi: “Thể chơn-như đã bình đẳng lìa tất cả tướng, tại sao lại có đủ các đức tánh sai khác?”  - Ðoạn vấn đáp trên đã trả lời rằng: “Căn cứ theo tướng sanh diệt của nghiệp-thức, nên mới có câu hỏi: “Căn cứ theo nghiệp-thức thế nào, mà nói chơn-như có các đức tánh sai khác?” 

       Ðại-ý trong câu trả lời của đoạn văn này: “Tất cả các pháp tức là chơn-như, nên không có tướng gì sai khác.  Song vì vô-minh bất-giác, tâm vọng-niệm nổi lên (nghiệp-thức), nên thấy (chuyển-thức) có cảnh-giới (hiện thức) sai khác. 

       Nghiệp-thức có vô số tướng nhiễm-ô, như: khởi vọng-niệm, có tướng thấy, tướng không thấy, có động, vô thường, vô ngã, khổ, nhiệt-não, suy-biến, không tự-tại, có chỗ thiếu sót v.v…  Vì đối với các tánh nhiễm-ô của nghiệp-thức, nên chơn-như mới có vô số đức tánh thanh-tịnh sai khác, như là: 

  1. Ðại trí-huệ quang-minh.
  2. Chiếu khắp cả pháp-giới.
  3. Chơn thật hay biết.
  4. Tánh thanh-tịnh.
  5. Chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh.
  6. Trong mát (thanh lương) không biến đổi (không sanh, lão, bịnh, tử) và tự-tại v.v…  

Tóm lại, vì đối nghiệp-thức có các tướng nhiễm-ô, nhiều hơn số cát sông Hằng, nên chơn-như cũng có đủ các đức tánh thanh-tịnh, nhiều hơn số cát sông Hằng. 

Ðã nói Thể lớn, Tướng lớn của chơn-như rồi, tiếp đến bài thứ 11 sau đây, sẽ nói Dụng rộng lớn của Tâm chơn-như.

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ X & XI)
11 - NÓI VỀ NGHĨA "BẤT GIÁC" BA ÐẠI NGHĨA CỦA TÂM
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712