Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

04 - Nói Về Nghĩa "Giác"

BÀI THỨ TƯ 

PHẦN GIẢI THÍCH

NÓI VỀ NGHĨA “GIÁC”

(tiếp theo và hết) 

CHÁNH VĂN 

       Bản-giác có hai tướng. 

       Lại nữa, do dứt các nhiễm-duyên phân-biệt, nên bản-giác thành ra hai tướng: 1.- Tướng trí-tịnh và 2.- Tướng nghiệp-dụng bất tư nghị; hai tướng này không rời bản-giác. 

1.      Tướng trí-tịnh (Thể). 

       Hành-giả nhờ sức huân-tập và như thật tu-hành, đến khi công-phu tu-hành đã viên-mãn, phá trừ được thức A-lại-da (chơn vọng hòa-hiệp) và diệt các vọng-tâm tương-tục, thì pháp-thân thanh-tịnh hiện ra, đặng cái trí thuần-tịnh, nên gọi là “Tướng trí-tịnh”. 

LƯỢC GIẢI 

       Nhờ dứt trừ các pháp nhiễm-ô phân-biệt, nên tánh-giác hiện ra có hai tướng: 1.- Bản-thể sáng-suốt trong sạch, gọi là “Tướng trí-tịnh”.  2.- Diệu-dụng không thể nghĩ bàn, gọi là “Tướng nghiệp-dụng bất tư nghị”.  Vì thể và dụng không rời tánh-giác, nên gọi “hai tướng không rời bản-giác”. 

       Bực Tam-hiền, bên trong nhờ sức Chơn-như huân ra, bên ngoài lại nhờ chánh-pháp huân vào, nên làm cho hành-giả tự phát khởi tín tâm tu-hành. 

       Ðến hàng Thập-địa Bồ-tát, do nhờ sức tu-tập, nên ngộ-nhập được tâm chơn-như, rồi y như tâm chơn-như này mà tu, nên gọi là “Như thật tu hành”. 

       Ðến vị Ðẳng-giác Bồ-tát, thì sự tu hành, công đã thành quả lại mãn; lúc bấy giờ Bồ-tát phá trừ thức hòa-hiệp và diệt tâm tương-tục, nên pháp-thân thanh-tịnh hiện ra, đặng trí thuần-tịnh, gọi là “Tướng trí-tịnh”. 

GIẢI DANH-TỪ 

       “Thức hòa-hiệp” -  Ðoạn trước nói “Sanh-diệt và bất sanh-diệt hòa-hiệp, gọi là A-lại-da”, nay nói “phá thức hòa-hiệp” tức là phá thức A-lại-da.  Song chỉ phá cái “tướng hư-vọng tạp nhiễm” của Thức A-lại-da; không phải phá cái “thể tánh” của thức này. 

       “Tâm tương-tục” -  Tâm tương-tục tức là 7 chuyển thức (từ nhãn-thức đến Mạt-na thức).  Diệt tâm tương-tục, tức là diệt “tướng” hư-vọng tương-tục của 7 thức trước; không phải diệt cái “thể” của 7 chuyển thức. 

CHÁNH VĂN 

       Hỏi:  Nghĩa này thế nào? 

       Ðáp:  Tất cả tâm thức đều là vô-minh; song cái tướng vô-minh (vọng) không rời tánh-giác (chơn).  Bởi thế nên không thể phá hoại (vì không rời tánh-giác), và cũng không phải không phá hoại được (vì là tướng vô-minh). 

       Thí như nước biển cả (dụ tánh-giác) vì gió (vô-minh) nên nổi sóng (tâm-thức); sóng và gió đều động và không rời nhau; song tánh nước chẳng động.  Ðến khi sóng đứng thì gió lặng, song tánh ướt của nước không diệt. 

       Cũng thế, biển tâm thanh-tịnh của chúng-sanh, bị gió vô-minh thổi động, nên sóng tâm-thức nổi lên.  Sóng tâm-thức, gió vô-minh đều động, lại không hình tướng và chẳng rời nhau; song biển chơn-tâm chẳng hề chao-động.  Nếu gió vô-minh dừng, thì sóng tâm-thức tương-tục kia cũng lặng; song nước trí thuần-tịnh (chơn) không bao giờ diệt. 

LƯỢC GIẢI 

       Vì vô-minh sanh ra các tâm-thức hư-vọng, nên các tâm-thức không rời vô-minih.  Song vô-minh lại không thật thể, chỉ nương tánh-giác mà có, nên nó không rời tánh-giác.  Ðến khi vô-minh hết, thức tâm diệt, thì tánh-giác hiện bày.  Cũng như, vì gió thổi nên sóng nổi lên; sóng và gió đều động và không rời nhau.  Ðến khi gió đứng sóng lặng, thì tánh nước thanh-tịnh bằng phẳng hiện ra. 

CHÁNH VĂN 

2.      Tướng nghiệp-dụng bất tư nghị (Dụng). 

       Do tướng trí-tịnh đủ vô lượng công-đức và thường không đoạn tuyệt, nên có thể tùy thuận theo căn cơ của chúng-sanh, tự-nhiên ứng-hiện ra tất cả các cảnh-giới mầu-nhiệm thù-thắng, để làm lợi-ích cho chúng-sanh. 

LƯỢC GIẢI 

       Từ chơn-như thể (tướng trí-tịnh) khởi ra các diệu-dụng (chơn-như dụng) không thể nghĩ bàn được (tướng nghiệp-dụng bất tư nghị).  Nhờ diệu-dụng này mới có thể hiện ra các cảnh-giới thù-thắng, tùy theo trình-độ của mỗi loài, làm vô lượng công-đức, để lợi-ích cho tất cả chúng-sanh không thể nghĩ bàn. 

       Ngài Ðức-Thanh giải:  Bản-giác khi còn ở tại vỏ mê, thì chúng-sanh nương nơi đó mà tạo ra vô lượng các nghiệp, nên kinh chép:  “Nghiệp lực không thể nghĩ bàn”.  Nay Bản-giác đã ra khỏi vỏ mê, được thanh-tịnh, thì có đủ tất cả thần-thông diệu-dụng, cũng không thể nghĩ bàn được.  Và Bản-giác này hiện ra các cảnh-giới thắng-diệu, làm vô lượng công-đức, tùy theo căn-cơ của mỗi loài, ứng-hiện đủ cách, để làm lợi-ích cho các chúng-sanh; như Ngài Quán-thế-âm hiện ra 32 ứng-thân, 14 món vô-úy… nên gọi là “Nghiệp-dụng bất khả tư nghị” (Diệu dụng không thể nghĩ bàn). 

GIẢI DANH-TỪ 

       “Tự nhiên ứng hiện” – Nghĩa là ứng-hiện một cách tự-nhiên, không dụng công và cố ý.  Thí như mặt trăng chiếu xuống ao, hễ nước trong thì trăng tự-nhiên ứng-hiện; trăng không có dụng công và cố ý.

CHÁNH VĂN  -  BẢN-GIÁC CÓ 4 NGHĨA 

       Lại nữa, Thể và Tướng của tánh-giác (chơn-tâm) giống như cái gương sáng sạch, và rộng lớn như hư-không, bao trùm tất cả.  Tánh-giác này có bốn nghĩa: 

1.      Như thật không. 

       Như cái gương lớn sáng sạch, không có hình-ảnh của cảnh-vật (thật không).  Tánh-giác (chơn-tâm) xa lìa các tướng của vọng-tâm và vọng-cảnh (ly nhất thế tướng); không có một pháp nào hiện ra cả; cũng như cái gương trống không.  Ðây là nói về nghĩa “Tịch” (vắng-lặng) của tánh-giác, không phải nói về nghĩa “chiếu”. 

LƯỢC GIẢI 

       Vì tánh-giác viên-mãn thanh-tịnh, nên dụ như cái gương sáng sạch; vì tánh-giác rộng-rãi bao la, nên dụ như hư-không rộng lớn.  Nếu phân tách từng khía cạnh, thì tánh-giác có bốn nghĩa; đoạn này nói về nghĩa thứ nhứt: 

       1.  Thật không:  Ðây là nói về nghĩa “tịch-tịnh” của Chơn-tâm.  Vì Bản-thể chơn-tâm (tánh-giác) vốn thanh-tịnh, rộng-rãi bao-la và ly tất cả các tướng, không thể dùng tâm-thức suy-nghĩ hay lời nói luận bàn được, (cũng như cái gương sáng sạch, không có lưu một hình ảnh gì ở trong gương cả) tức là pháp-thân thanh-tịnh sẵn có của chúng-sanh, không phải do tu mới được. 

CHÁNH VĂN 

2.      Như huân-tập. 

       Như cái gương sáng lớn, hiện đủ các cảnh (thật có).  Trong tánh-giác (chơn-tâm) đủ cả các pháp (tức nhứt thế pháp) nghĩa là tất cả cảnh-giới tánh, phàm đều hiện trong chơn-tâm thường-trú nầy.  Nó không xuất không nhập, không mất không hoại, vì tánh của các pháp là chơn-tâm vậy. 

       Lại nữa, vì tánh-giác không vọng-động, nên các pháp nhiễm-ô, không thể làm nhiễm-ô nó được; trái lại nó đủ tất cả các pháp vô-lậu và làm nhơn huân-tập cho chúng-sanh vậy. 

LƯỢC GIẢI 

       Ðoạn trước nói về “thể” của chơn-tâm, ly tất cả các tướng, cũng như cái gương sáng, không có một vật gì ở trong gương (như thật không).  Ðoạn này có nói về Tướng và Dụng của chơn-tâm đủ tất cả pháp.  Cũng như cái gương sáng, các cảnh-vật đều hiện vào (như thật bất không).

       Tướng và Dụng của chơn-tâm có hai nghĩa: 1.- Ðủ tất cả pháp.  Tất cả chúng-sanh đều sẵn có các pháp vô-lậu thanh-tịnh cũng gọi là “bản hữu Phật-tánh” hay “chánh-nhơn Phật-tánh”. 

       2.  Nhơn huân-tập:  Tất cả chúng-sanh đều sẵn có tánh Phật; tánh Phật đủ vô-lượng hằng sa công-đức và thanh-tịnh không động, nên các pháp nhiễm-ô không làm nhiễm-ô được.  Tánh Phật này làm chánh-nhơn (chánh-nhơn Phật-tánh) huân-tập ở bên trong, khiến cho chúng-sanh giác-ngộ, nhàm-chán khổ sanh tử, phát tâm cầu đạo giải-thoát. 

CHÁNH VĂN 

3.      Xuất pháp-ly 

       Như cái gương đã sáng sạch, không còn bụi nhơ.  Tánh-giác (tánh Phật) đã sáng-suốt thuần-tịnh, ra khỏi hai chướng: Phiền-não chướng, Sở-tri chướng và xa-lìa thứa A-lại-da (Chơn, Vọng hòa-hiệp). 

LƯỢC GIẢI 

       3.  Pháp xuất-ly tức là “Liễu-nhơn Phật-tánh”, cũng gọi là “Chơn-như xuất-triền”.  Hành-giả nhờ công-pu tu-tập, đoạn trừ phiền-não chướng, sở-tri chướng và pha thức hòa-hiệp (A-lại-da), nên tánh Phật (Chơn-như) không còn bị triền-phược và được sáng-suốt thuần-tịnh. 

CHÁNH VĂN 

4.      Duyên huân-tập. 

       Như cái gương sáng, phản chiếu trở lại.  Tánh-giác (Phật-tánh) đã ra khỏi vỏ triền-phược rồi, trở lại chiếu soi khắp giáp tất cả, và tùy theo tâm-niệm của mỗi loài mà hiện-thân hóa-độ, làm trợ duyên huân-tập trở lại vào tâm chúng-sanh, khiến cho chúng-sanh tu-tập căn lành. 

LƯỢC GIẢI 

       4.  Duyên-nhơn Phật-tánh:  Do Chơn-như đã xuất-triền, nên có diệu-dụng không thể nghĩ bàn: Chiếu khắp tất cả và tùy theo tâm-niệm của chúng-sanh mà thị-hiện các thân hình hóa-độ, làm trợ-duyên, huân-tập trở lại vào tâm chúng-sanh, khiến cho chúng-sanh phát Bồ-đề tâm, tu theo chánh-pháp. 

       Công-dụng cao-cả và rộng lớn của Chơn-như (tánh-giác), chỉ có thể thí-dụ như hư-không.  Thể-tánh sáng suốt thuần-tịnh của chơn-như (Tánh-giác), chỉ có thể thí-dụ như gương: dầu có bụi hay không, song chất pha-lê (gương) vẫn sáng-suốt thỉ chung như một. 

       (Ðoạn này đã nói nghĩa “Giác” rồi, tiếp theo sau đây sẽ nói nghĩa “Bất-giác” của thức A-lại-da).

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ X & XI)
05 - NÓI VỀ NGHĨA "BẤT GIÁC"
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712