Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

Bài Thứ 07

BÀI THỨ BẢY

CHÁNH VĂN 

Hỏi:  Như trên đã thành lập Duy-thức tướng và Duy-thức tánh rồi; vậy có bao nhieu địa-vị?  Người nào mới có thể nhập được?  Và làm sao để ngộ-nhập? 

Ðáp:  Phải là người có đủ giống tánh Ðại-thừa và trải qua năm địa-vị này tu-hành, mới được ngộ-nhập. 

1.      Vị Tư-lương.

2.      Vị Gia-hạnh.

3.      Vị Thông-đạt.

4.      Vị Tu-tập.

5.      Vị Cứu-cánh. 

Hỏi:  Hành-tướng của các vị Tư-luơng như thế nào? 

Ðáp:  NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN, TỤNG VIẾT: 

               Nãi chí vị khởi thức

               Cầu trụ Duy-thức tánh

               Ư nhị thủ tùy miên

               Du vị năng phục diệt. 

DỊCH NGHĨA: 

       Luận-chủ nói bài tụng để trả lời rằng:  Từ khi chưa phát tâm, cho đến khi đã phát tâm cầu an-trụ Duy-thức tánh, trong thời-gian đó hai món thủ (ngã chấp, pháp chấp) hãy còn miên-phục; hành-giả chưa có thể chinh-phục hay diệt-trừ được. 

LƯỢC GIẢI 

       Từ trước đến đây đã nói rõ về Duy-thức cảnh rồi, tức là Duy-thức tướng và Duy-thức tánh.  Nay sẽ nói Duy-thức hạnh và Duy-thức quả, tức là dạy người sau khi học hiểu, phải phát tâm tu-hành rồi mới chứng được Duy-thức quả. 

       Vậy từ khi phát tâm tu Duy-thức, cho đến chứng Duy-thức quả, phải trải qua năm địa-vị? 

1.      Vị Tư-lương:  Lương phạn, đồ hành-lý.  Thí như người đi đường, trước phải sắm-sửa lương phạn tiền bạc, v.v… để lên đường. 

Ðịa-vị này bắt đầu từ khi chưa phát tâm tu Duy-thức quán, cho đến khi phát Bồ-đề tâm, cầu an-trụ Duy-thức tánh (chơn-như tâm). 

Thí như chúng ta nghe trong kinh dạy: “Vạn pháp Duy-thức”; rồi chúng ta bắt đầu ngày đêm tu Duy-thức quán.  Bất luận thời giờ nào hay chỗ nơi nào, khi thấy nghe hay biết, chúng ta đều quán “tất cả pháp là giả-tướng, Duy-thức biến hiện”.  Chúng ta luôn luôn ở trong Duy-thức quán, cũng như người ở trong cảnh Tịnh-độ bảy báu trang-nghiêm.  Ðược như thế thì tất cả phiền-não không thể xâm-nhập. 

Song, khi mới cầu an-trụ Duy-thức, công tu chưa thâm, năng-lực còn kém, nên chưa có thể an-trụ Duy-thức tánh được.  Lúc bấy giờ hai món phiền-não (năng-thủ, sở-thủ) còn miên-phục, chưa trổi dậy; cũng như cỏ bị đá đè.  Ðến khi áp-lực được nhẹ đi, thì hai món chủng-tử này sẽ sanh-khởi trở lại. 

Duy-thức tánh như ông chủ nhà, phiền-não như kẻ trộm.  Kẻ trộm không bao giờ ưa chủ nhà; chủ nhà lúc nào cũng ghét kẻ trộm. 

Duy-thức tánh và phiền-não cũng thế.  Nếu không diệt-trừ phiền-não thì không thể an-trụ Duy-thức tánh được.  Bởi thế nên muốn an-trụ Duy-thức tánh thì quyết-định phải diệt-trừ hai món thủ (ngã, pháp). 

CHÁNH VĂN 

Hỏi:  Hành-tướng của các vị Gia-hạnh như thế nào? 

Ðáp:  NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN, TỤNG VIẾT: 

               Hiện tiền lập thiểu vật

               Vị thị Duy-thức tánh

               Dĩ hữu sở-đắc cố

               Phi thật trụ Duy-thức.

DỊCH NGHĨA: 

       Luận-chủ nói bài tụng để trả lời rằng:  Nếu hiện-tiền còn một tí thấy mình an-trụ Duy-thức tánh, thì chưa phải thật an-trụ Duy-thức tánh, vì còn có chỗ sở đắc vậy. 

LƯỢC GIẢI        

2.      Vị Gia-hạnh:  Gia công tấn-hạnh.  Vị Gia-hạnh này cũng như người đi đường, trước phải dự-bị đồ hành-lý, rồi sắp sửa khởi-hành. 

Hành-giả, khi tu Duy-thức quán, thấy cảnh-giới Duy-thức hiện-tiền, nếu chấp mình chứng được Duy-thức tánh, như thế là còn có chỗ sở-đắc, nên chưa phải thật chứng Duy-thức.  Cũng như ông Nhan-Hồi học Ðạo với đức Khổng-Tử, sau khi thể-hội được Ðạo, ông nói rằng: “Như có một vật gì đứng đồ-sộ vậy (1)”.  Ðó cũng là cảnh-giới Duy-thức biến, chẳng qua thức biến không đồng. 

Vì chơn-tánh của Duy-thức, chẳng phải có, chẳng phải không, tuy chứng mà không có gì là chứng, thế mới thật là chứng Duy-thức. 

Người an-trụ được chơn-tánh của Duy-thức, cũng như cái tay của người biết viết chữ:  Không thấy có gì khác cả.  Bởi thế nên nói “đặng mà không có gì là đặng”. 

Nay người tu Duy-thức, do hiện-tiền còn một tí thấy mình chứng Duy-thức, nên không phải thật an-trụ nơi Duy-thức tánh. 

(1)  Nguyên văn như vầy:  “Chiêm chi tại tiền, hốt diên tại hậu; như hữu sở trác lập, cảnh tróc mô vị trúng”: Xem đó ở trước, thoạt vậy ở sau; như có đứng đồ-sộ, rờ nắm không trúng. 

CHÁNH VĂN 

Hỏi:  Hành-tướng của các vị Thông-đạt như thế nào? 

Ðáp:  NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN, TỤNG VIẾT: 

               Nhược thời ư sở duyên

               Trí đô vô sở đắc

               Nhĩ thời trụ Duy-thức

               Ly nhị thủ tướng cố.

DỊCH NGHĨA: 

       Luận-chủ nói bài tụng để trả lời rằng:  Bao giờ cảnh sở-quán và trí năng-quán đều không, khi đó mới an-trụ nơi Duy-thức tánh, vì đã xa lìa được hai món thủ vậy. 

LƯỢC GIẢI 

3.      Vị Thông-đạt:  Rành-rõ thông-suốt.  Vị Thông-đạt này cũng như người đi đường, đã thông-suốt con đường sẽ đi, bắt đầu khởi-hành, không còn lo ngại. 

Hành-tướng của vị này, là khi hành-giả đối với cảnh sở-quán và trí năng-quán, đều xem như huyễn như hóa, không có sở-đắc. 

Vị Gia-hạnh trước, chưa xa-lìa hai món thủ (Ngã-chấp, Pháp-chấp), vì còn có sở-đắc, nên chưa có thể an-trụ nơi Duy-thức.  Ðến vị Thông-đạt này, thì đã xa-lìa hai món thủ, không có sở-đắc, nên mới thật an-trụ nơi Duy-thức. 

Ðoạn văn này, đồng một nghĩa với câu:  “Vô trí diệc vô đắc” (không có trí năng-đắc và cảnh sở-đắc) trong Bát-nhã Tâm-kinh. 

CHÁNH VĂN 

Hỏi:  Hành-tướng của các vị Tu-tập như thế nào? 

       Ðáp:  NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN, TỤNG VIẾT: 

               Vô đắc bất tư nghị

               Thị xuất thế-gian trí

               Xả nhị thô trọng cố

               Tiện chứng đắc chuyển y. 

DỊCH NGHĨA: 

       Luận-chủ nói bài tụng để trả lời rằng:  Cảnh-giới “Vô đắc” này không thể nghĩ bàn; đây là “Trí xuất thế-gian” (vô phân-biệt trí).  Do đã xa-lìa được hai món thô trọng (Phiền-não chướng và Sở-tri chướng) và chứng được hai món chuyển-y (Bồ-đề, Niết-bàn). 

LƯỢC GIẢI

4.      Vị Tu-tập:  Tu-hành tập luyện.  Ðịa-vị Thông-đạt trên, là chỉ thông-suốt giáo-lý, song chưa tu-tập.  Ðến địa-vị này mới tu-tập Lục-độ muôn hạnh, để chứng ngộ chơn-lý. 

Ở địa-vị Thông-đạt mới vừa chứng cái “Thể” của trí vô-đắc; đến địa-vị Tu-tập này mới đặng “Diệu-dụng” của trí vô-đắc.  Diệu-dụng của trí này không thể nghĩa bàn.  Những trí còn có sở-đắc là trí của thế-gian; cái trí không có sở-đắc, mới phải là trí xuất-thế-gian. 

TRÍ VÔ-ÐẮC: 

-          Vị Thông-đạt mới vừa chứng cái “Thể” của vô-đắc.

-          Vị Tu-tập mới được “Diệu-dụng” của trí vô-đắc. 

Vị Tu-tập này đã xả bỏ được chủng-tử của hai chướng là Phiền-não-chứớng và Sở-tri-chướng; và chứng được hai quả Bồ-đề và Niết-bàn. 

Bài tụng trên nói chữ “thô trọng” là chỉ cho hai món chủng-tử của hai món chướng: Phiền-não và Sở-tri; còn nói chữ “chuyển y”, nghĩa là y-cứ trên y-tha-khởi tánh, mà chuyển nhiễm trở lại tịnh: chuyển Phiền-não-chướng thành Ðại-giải-thoát (Niết-bàn), chuyển Sở-tri-chướng thành Ðại-bồ-đề. 

Trên tánh Y-tha-khởi: 

1.      Xả hai món nhiễm. 

-          Phiền-não-chướng.

-          Sở-tri-chướng. 

2.      Ðặng hai quả thanh-tịnh. 

-          Ðại Niết-bàn.

-          Ðại Bồ-đề. 

CHÁNH VĂN

 Hỏi:  Hành-tướng của các vị Cứu-cánh như thế nào? 

Ðáp:  NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN, TỤNG VIẾT: 

               Thử tức vô-lậu giới

               Bất tư nghị, Thiện, Thường

               An-lạc, Giải-thoát thân

               Ðại Mâu-ni danh Pháp. 

DỊCH NGHĨA: 

       Luận-chủ nói bài tụng để trả lời rằng:  Ðây là cảnh-giới vô-lậu; cũng gọi là: 1-Bất-tư-nghị, 2-Thiện, 3-Thường, 4-An-lạc, 5-Giải-thoát-thân, 6-Ðại-mâu-ni, cũng gọi là Pháp-thân. 

LƯỢC GIẢI 

5.      Vị Cứu-cánh:  Quả vị rốt-ráo; trong các quả vị tu-hành, đến đây đã cùng tột rồi, không còn quả-vị nào hơn nữa.  Hành-giả chứng được quả-vị Bồ-đề, Niết-bàn là cảnh-giới vô-lậu rốt-ráo thanh-tịnh. 

Nói “Cảnh-giới thanh-tịnh” tức là chỉ cái Tổng-tướng của vị Cứu-cánh; nếu chỉ Biệt-tướng của vị này thì có 6 món: 

1.      Bất tư nghị:  Cảnh-giới này không thể dùng trí suy nghĩ hay lời nói luận bàn được.

2.      Thiện:  Cảnh-giới này đã xa-lìa hết các pháp nhiễm-ô, bất-thiện.

3.      Thường:  Cảnh-giới này thường còn, tột đến đời vị-lai, không có cùng tận vậy.

4.      An-lạc:  Cảnh-giới này rất thanh-tịnh vui-vẻ, không có các điều khổ não bức-bách vậy.

5.      Giải-thoát-thân:  Do xa-lìa các phiền-não triền-phược, nên được thân Giải-thoát (cảnh-giới của Nhị thừa).

6.      Ðại Mâu-ni hay gọi là Pháp-thân:  Do xa-lìa được Sở-trí-chướng, nên chứng đặng quả vô-thượng Bồ-đề.  Vì quả vị này bản-tánh rất thanh-tịnh, nên gọi là Ðại Mâu-ni (tịch mặc) cũng gọi là Pháp-thân vậy. 

Vị Cứu-cánh 

A.    Tổng tướng:  Cảnh-giới vô-lậu:  Nào Thể, Dụng, Tánh, Tướng đều phi hữu-lậu.

B.     Biệt tướng: 

1.      Ðại-thừa và Tiểu-thừa đều có: 

a.       Bất tư nghị:  Không thể nói-năng và luận-bàn.

b.      Thiện:  Pháp tánh thanh-tịnh.

c.       Thường:  Thường còn cùng tận đời vị-lai.

d.      An-lạc:  An-vui vắng-lặng, không có bức não.

e.       Giải-thoát-thân:  Không có phiền-não triền-phược (cảnh-giới của Nhị-thừa). 

2.      Ðặc-biệt của Ðại-thừa: 

d.      Ðại Mâu-ni:  Rất vắng-lặng thanh-tịnh vô-thượng (cảnh-giới của Phật chứng). 

Cũng gọi “Pháp-thân”:  Vĩnh-viễn xa-lìa hai chướng:  Phiền-não và Sở-tri. 

       Dịch xong tại Chùa Phật-Quang (Trà-ôn)

       Ngày Trừ-tịch năm Canh-tý (14-2-1961)

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ IX (Phần 2))
DUY THỨC TAM THẬP TỤNG: CHÁNH VĂN
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712