Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

Bài Thứ 09: Bất Ðịnh Tâm Sở - III. Sắc Pháp

BÀI THỨ CHÍN

BẤT ÐỊNH TÂM-SỞ

(CÓ 4 MÓN) 

       Bốn món Tâm-sở này không nhứt định thiện hay ác, nên gọi là “Bất định”. 

1.      HỐI. 

       Ăn-năn.  Chỗ khác gọi là “Ố-tác”:  Ghét việc làm đã qua; cũng là dị-danh của “Hối”.  Tánh của tâm-sở này, ăn-năn việc làm đã qua.  Nghiệp-dụng của nó làm chướng-ngại Ðịnh. 

       Ăn-năn có khi thiện mà cũng có lúc lại ác.  Như ăn-năn:  Vừa rồi mình sân-si đánh đập người thật bậy quá, như thế là thiện.  Ăn-năn:  Vừa rồi sao mình không trộm lấy đồ vật của người, như thế là ác. 

2.      MIÊN. 

       Ngủ.  Tánh của tâm-sở này làm cho tâm mờ-mịt, thân không tự-tại.  Nghiệp-dụng của nó làm chướng-ngại quán-tưởng.  Ngủ cũng có khi thiện mà cũng có lúc lại ác:  Ngủ phải thời là thiện, còn ngủ trong khi nghe kinh hay niệm Phật là ác. 

3.      TẦM. 

       Tìm cầu.  Tâm-sở này thiện và ác không nhứt định, chỉ tùy theo trường-hợp.  Tánh của nó làm cho tâm đối với cảnh danh-ngôn của ý-thức (ý-ngôn cảnh) sanh-khởi thô động.  Nghiệp-dụng của nó là làm cho thân tâm chẳng yên. 

4.      TƯ. 

       Chính-chắn xét.  Tâm-sở này cũng có thiện và ác, tùy theo trường-hợp.  Tánh của nó là làm cho tâm đối với cảnh danh-ngôn của ý-thức, sanh-khởi tế-nhị.  Nghiệp-dụng của nó làm cho thân tâm được yên. 

       Tóm lại, tất cả chúng-sanh hằng ngày tạo nghiệp lành hay dữ, chịu quả-báo khổ hay vui, không vượt ra ngoài phạm-vi của 8 món Tâm-vương và 51 món Tâm-sở này. 

III.        SẮC-PHÁP (CÓ 11 MÓN) 

Sắc-pháp là pháp thuộc về sắc (những cái thuộc về sắc).  Sắc có hai loại:  

1.      Hình-sắc, như dài, ngắn, vuông, tròn, v.v…

2.      Màu sắc, như xanh, đỏ, trắng, vàng v.v… 

Sắc có 11 món là 5 căn:  Nhãn-căn, Nhĩ-căn, Tỹ-căn, Thiệt-căn, Thân-căn và 6 trần:  Sắc-trần, Thinh-trần, Hương-trần, Vị-trần và Pháp-trần. 

Sắc-pháp là tướng-phần ảnh-tượng của Tâm-vương và Tâm-sở (nhị sở hiện ảnh cố).

1.      NHÃN-CĂN. 

Con mắt.  Chữ “Căn” có nghĩa là làm chỗ nương cho thức và phát-sanh ra thức.  Năm căn, căn nào cũng có hai thức: 

1.      Tinh-tế và ở bên trong, gọi là “Thắng-nghĩa-căn”.

2.      Thô-phù, ở bên ngoài, gọi là “Phù-trần-căn”. 

Hình-tướng của con mắt như trái nho.  Nghiệp-dụng của nó chiếu soi các sắc. 

2.      NHĨ-CĂN. 

Lỗ tai.  Hình-tướng của tai như lá sen non.  Nghiệp-dụng của nó hay nghe các tiếng. 

3.      TỸ-CĂN. 

Lỗ mũi.  Hình-tướng lỗ mũi như hai ngón tay xuổi xuống.  Nghiệp-dụng của nó hay ngửi các mùi thơm và hôi. 

4.      THIỆT-CĂN. 

Cái lưỡi.  Hình-tướng của lưỡi như trăng lưỡi liềm.  Nghiệp-dụng của nó nếm các vị và nói-năng kêu gọi. 

5.      THÂN-CĂN. 

Thân-thể.  Chữ “thân” có hai nghĩa:  Tích-tụ các bộ-phận và làm chỗ nương cho các căn.  Hình-tướng của thân như dâm trống cơm.  Nghiệp-dụng của nó là duyên xúc-trần.  Như nặng, nhẹ, trơn, nhám v.v… 

6.      SẮC-TRẦN. 

Cảnh bị thấy của con mắt.  Chữ “trần” có nghĩa nhiễm-ô và bụi-bặm.  Sắc-trần có 25 món:

1.      Xanh.

2.      Vàng.

3.      Ðỏ.

4.      Trắng.

5.      Dài.

6.      Ngắn.

7.      Vuông.

8.      Tròn.

9.      To.

10.  Nhỏ.

11.  Cao.

12.  Thấp.

13.  Ngay.

14.  Xiên.

15.  Ánh-sáng.

16.  Bóng.

17.  Sáng.

18.  Tối.

19.  Khói.

20.  Bụi.

21.  Mây.

22.  Mù.

23.  Cực-lược sắc (sắc rất nhỏ) và Cực-hánh sắc (sắc rất xa).

24.  Biểu-sắc (sắc, có nêu ra được).

25.  Sắc hư-không. 

7.      THINH-TRẦN. 

Tiếng, cảnh bị nghe của tai.  Có 12 loại tiếng: 

1.      Tiếng: cái tướng bị nghe của tai (nói chung các tiếng).

2.      Tiếng vừa ý.

3.      Tiếng không vừa ý.

4.      Tiếng bình thường (không ưa ghét).

5.      Tiếng loài hữu-tình (tiếng nói).

6.      Tiếng loài vô-tình (tiếng cây v.v…).

7.      Tiếng thuộc cả hữu-tình và vô-tình (như tiếng trống do tay người ta đánh).

8.      Tiếng thuộc về thế-tục nói.

9.      Tiếng thuộc về của Thánh-giả nói.

10.  Tiếng của ngoại-đạo nói (do biến-kế-sở-chấp).

11.  Tiếng nó chánh (Thánh ngôn) (như thật có thấy, nghe, hay, biết thì nói có thấy, nghe, hay, biết thì nói có thấy, nghe, hay và biết; không thấy, nghe, hay, biết thì nói không thấy, nghe, hay, biết, như thế gọi là 8 lời nói Chánh).

12.  Tiếng vang. 

8.      HƯƠNG-TRẦN. 

Mùi, cảnh bị ngửi của mũi.  Có 6 thứ mùi: 

1.      Mùi thơm.

2.      Mùi hôi.

3.      Mùi không thơm hôi.

4.      Mùi từ bản-chất sanh (cu-sanh hương).

5.      Mùi do chế-tạo mà có (hòa-hiệp hương).

6.      Mùi do sự biến đổi mà sanh. 

9.      VỊ-TRẦN. 

Vị, cảnh bị nếm của lưỡi.  Có 12 thứ vị: 

1.      Vị đắng.

2.      Vị chua.

3.      Vị ngọt.

4.      Vị cay.

5.      Vị mặn.

6.      Vị lạt.

7.      Vị vừa ý.

8.      Vị không vừa ý.

9.      Vị bình thường.

10.  Vị từ bản-chất sanh.

11.  Vị do hòa-hiệp chế-tạo mà có.

12.  Vị do biến đổi sanh. 

10.  XÚC-TRẦN. 

Xúc, cảnh bị biết của thân.  Xúc-trần có 26 món: 

1.      Ðất.

2.      Nước.

3.      Gió.

4.      Lửa.

5.      Nhẹ.

6.      Nặng.

7.      Nhám.

8.      Trơn.

9.      Huởn.

10.  Gấp.

11.  Lạnh.

12.  Nóng.

13.  Cứng.

14.  Mềm.

15.  Ðói.

16.  Khát.

17.  No.

18.  Sức-lực.

19.  Yếu.

20.  Buồn.

21.  Ngứa.

22.  Dính.

23.  Già.

24.  Bịnh.

25.  Chết.

26.  Ốm. 

11.  PHÁP-TRẦN. 

Cái bóng-dáng của năm trần còn lưu lại trong ý-thức.  Nghĩa là khi mắt không còn thấy sắc, tai không còn nghe tiếng, cho đến thân không còn biết xúc, mà trong ý-thức vẫn nhớ lại bóng-dáng của 5 trần; cái bóng-dáng đó là pháp-trần.  Trong Duy-thức gọi là “lạc-tạ-ảnh-tử” (cái bóng rớt lại).  Ðây là cảnh bị biết của ý-thức.  Pháp-trần có 5 loại: 

1.      Cực-lược sắc:  Sắt rất nhỏ như vi-trần.

2.      Cực-hánh sắc:  Sắc rất xa, như thấy tăm tăm mù mù.

3.      Ðịnh-quả sắc:  Những sắc tướng do tu định hiện ra.  Như các vị Bồ-tát, khi nhập-định hiện ra nước, lửa, thế-giới v.v…

4.      Vô biểu sắc:  Sắc không nêu bày ra được; do khi thọ-giới, ý-thức lãnh-thọ mà có, nên cũng gọi là “thọ-sở-dẫn-sắc”, (sắc do thọ-giới dẫn sanh).

5.      Biến-kế-sở chấp sắc:  Sắc do ý-thức vọng-tưởng phân-biệt sanh, chẳng thật.

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ IX (Phần 1))
BÀI THỨ 10: IV. TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH PHÁP - V. VÔ VI PHÁP
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712