Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

Bài Thứ 03: I. Tâm Vương

BÀI THỨ BA 

TÂM-VƯƠNG

(CÓ 8 MÓN) 

       Tám món tâm này rất thù-thắng, tự-tại và tự-chủ; cũng như vị Quốc-vương, nên gọi là Tâm-vương (nhứt thế tối thắng cố). 

NĂM THỨC TRƯỚC  (TIỀN NGŨ THỨC) 

1.      Nhãn-thức. 

Cái biết của con mắt.  Vì thức này nương nhãn-căn, khởi ra tác-dụng phân-biệt về sắc-trần, nên gọi là “Nhãn-thức”. 

2.      Nhĩ-thức. 

Cái biết của lỗ tai.  Vì thức này nương nhĩ-căn, khởi ra tác-dụng phân-biệt về thinh-trần, nên gọi là “Nhĩ-thức”. 

3.      Tỹ-thức. 

Cái biết của mũi.  Vì thức này nương tỹ-căn, khởi ra tác-dụng phân-biệt về hương-trần, nên gọi là “Tỹ-thức”. 

4.      Thiệt-thức. 

Cái biết của lưỡi.  Vì thức này nương thiệt-căn, khởi ra tác-dụng phân-biệt về vị-trần, nên gọi là “Thiệt-thức”. 

5.      Thân-thức. 

Cái biết của thân.  Vì thức này nương thân-căn, khởi ra tác-dụng phân-biệt về xúc-trần, nên gọi là “Thân-thức”. 

       Trong 8 thức Tâm-vương, vì 5 thức này ở bên ngoài và trước, nên cũng gọi là “Tiền ngũ thức” (năm thức trước). 

KHI Ở ÐỊA-VỊ PHÀM-PHU, NĂM THỨC NÀY ÐỐI VỚI: 

1.      Ba cảnh:  Năm thức này chỉ có “Tánh-cảnh”. 

2.      Ba lượng:  Năm thức này chỉ có “Hiện-lượng”. 

3.      Ba tánh:  Năm thức này có đủ 3 tánh:  Thiện, Ác và Vô-ký. 

4.      Năm thọ:  Năm thức này chỉ có 3 thọ:  Khổ, Lạc và Xả-thọ. 

5.      Ba cõi:  Ở cõi Dục thì năm thức này đủ cả, đến cõi Sắc chỉ còn 3 thức: Nhãn, Nhĩ và Thân; vì hai thức Tỹ và Thiệt không hiện-hành (Nhãn, Nhĩ, Thân tam Nhị-địa cư). 

6.      Chín địa: Năm thức này chỉ ở trong hai địa:  1.  Ngũ-thú-tạp-cư địa, tức là cõi Dục thuộc về Sơ-địa.  2.  Ly, sanh-hỷ-lạc địa, ở cõi Sắc, thuộc Sơ-thiền gọi là Nhị-địa. 

7.      Năm mươi mốt Tâm-sở:  Năm thức này chỉ tương-ưng 34 Tâm-sở: 5 món Biến-hành, 5 món Biệt-cảnh, 11 món Thiện, 3 món Căn-bản phiền-não, 2 món Trung-tùy và 8 món Ðại-tùy. 

8.      Chín duyên:   Nhãn-thức đủ 9 duyên, Nhĩ-thức chỉ còn 8 duyên (thiếu Minh), 3 thức Tỹ, Thiệt và Thân chỉ có 7 duyên (thiếu Minh và Không). 

9.      Thể:  Thể của 5 thức này, chỉ có Tự-tánh phân-biệt, không có Tùy-niệm phân-biệt và Kế-đạt phân-biệt. 

10.  Tướng:  Thức với căn khó phân (ngu-giả nan phân thức dữ căn). 

11.  Nghiệp-dụng: Duyên trần-cảnh.  Song 2 thức:  Nhãn và Nhĩ phải cách trần-cảnh mới phân-biệt được.  Còn 3 thức:  Tỹ, Thiệt và Thân phải hiệp với trần-cảnh mới phân-biệt được. 

KHI LÊN THÁNH-VỊ, NĂM THỨC NÀY ÐỐI VỚI: 

1.      Quán hạnh (tu). 

       Khi lên Thánh-vị, thì 5 thức này chuyển thành “Hậu-đắc-trí”, và biến ra cái Tướng-phần của 2 món chơn-như (Sanh-không chơn-như và Pháp-không chơn-như) mà quán (duyên).

2.      Ðoạn hoặc và chuyển thành trí. 

       Khi thức thứ Tám đã chuyển thành “Ðại-viên cảnh-trí”, thì các căn được vô-lậu; lúc bấy giờ 5 thức này cũng được vô-lậu và chuyển làm “Thành-sở tác-trí”. 

3.      Chứng quả và diệu-dụng. 

       Khi chứng quả-vị Phật thì 5 thức này chuyển làm “Thành-sở tác-trí”.  Lúc bấy giờ nó có công-dụng hóa-hiện ra 3 loại thân để giáo-hóa và dứt trừ các khổ sanh-tử luân-hồi cho chúng-sanh. 

       Ba loại thân: 

1.      Thân Ðại hóa tức là Thắng-ứng thân.  Thân này cao 1.000 trượng, để giáo-hóa hàng Ðại-thừa Bồ-tát.

2.      Thân Tiểu-hóa tức là Liệt-ứng thân.  Thân này cao một trượng sáu thước, để giáo-hóa hàng Tam-hiền Bồ-tát cùng Nhị-thừa và phàm-phu.

3.      Thân Tùy-loại-hóa.  Thân này tùy theo loại chúng-sanh mà hóa-hiện. 

       Vì muốn cho người học dễ nhớ, nên trong Bát-thức Qui-củ, Ngài Huyền-Trang Pháp-sư có làm ba bài tụng tóm-tắt lại 5 thức như sau.  Hai bài tụng đầu là nói 5 thức này khi còn ở địa vị phàm-phu, bài tụng thứ ba là nói lên Thánh-vị. 

       BÀI TỤNG THỨ NHẤT 

       Tánh-cảnh Hiện-lượng thông tam Thánh

       Nhãn, Nhĩ, Thân tam Nhị địa cư

       Biến-thành, Biệt-cảnh, Thiện thập nhứt

       Trung nhị, Ðại bát, Tham, Sân, Si. 

       Dịch nghĩa:

                             Tánh-cảnh, Hiện-lượng thông ba Tánh

                             Nhãn, Nhĩ, Thân ba ở Nhị-địa

                             Biến-hành, Biệt-cảnh, Thiện mười một

                             Trung hai, Ðại tám, Tham, Sân, Si.

LƯỢC GIẢI: 

       Trong 3 Cảnh thì 5 thức này chỉ có “Tánh-cảnh”; trong 3 Lượng, nó chỉ có “Hiện-lượng”; còn ba Tánh thì nó đủ cả Thiện, Ác và Vô-kỷ. 

       Ở cõi Dục là Sơ-địa, thì đủ cả 5 thức.  Lên cõi Sắc về Nhị-địa, thì chỉ còn ba thức là:  Nhãn, Nhĩ và Thân. 

       Nói về Tâm-sở, thì 5 thức này tương-ưng với 34 món:  5 món Biến-thành, 5 món Biệt-cảnh, 11 món Thiện, 2 món Trung-tùy, 8 món Ðại-tùy và 3 món Căn-bản phiền-não là:  Tham, Sân và Si. 

       BÀI TỤNG THỨ HAI 

       Ngũ thức đồng y Tịnh-sắc căn

       Cửu duyên, bát, thất hảo tương lân

       Hiệp tam, ly nhị, quán trần-thế

       Ngu giả nan phân thức dữ căn. 

       Dịch nghĩa:

                             Năm sắc đồng nương Tịnh-sắc căn

                             Chín, tám, bảy duyên ưa gần nhau

                             Ba hiệp, hai rời, duyên trần-cảnh

                             Ngu giả khó phân Thức và Căn. 

LƯỢC GIẢI: 

       Căn, có hai loại: 

1.      Phù-trần căn:  Căn thô-phù bên ngoài.

2.      Tịnh-sắc căn:  Căn thanh-tịnh tinh-tế ở bên trong; cũng gọi là “Thắng-nghĩa căn”, vì căn này rất thù-thắng. 

       Năm thức đều nương 5 căn Tịnh-sắc và nhờ có các duyên mới sanh ra được.  Như Nhãn-thức nhờ 9 duyên, Nhĩ-thức chỉ còn 8 duyên, Tỹ, Thiệt và Thân mỗi thức chỉ có 7 duyên.

       Ba thức: Tỹ, Thiệt và Thân phải hiệp với trần-cảnh mới duyên được; còn hai thức là Nhãn và Nhĩ phải cách hở trần-cảnh mới duyên được. 

       Chúng phàm-phu và hàng Nhị-thừa vì chấp pháp nặng-nề, nên khó phân-biệt cái nào là Thức và cái nào là Căn.  Vì thế, mà cả hai đều bị gọi là “Ngu-giả”. 

       BÀI TỤNG THỨ BA 

       Biến tướng quán không duy Hậu-đắc

       Quả trung du tự bất thuyên chơn

       Viên-minh sơ phát thành Vô-lậu

       Tam loại phân thân tức khổ luân. 

       Dịch nghĩa:

                             Trí Hậu-đắc biến tướng không, quán (duyên)

                             Khi chứng quả còn chẳng nói chơn

                             Viên-minh vừa phát thành Vô-lậu

                             Phân thân ba loại, dứt khổ luân. 

LƯỢC GIẢI:                            

       Năm thức này không có “Căn-bản trí” mà chỉ có “Hậu-đắc-trí”.  Khi duyên chơn-như thì nó chỉ biến lại tướng-phần của hai món chơn-như (Sanh-không chơn-như và Pháp-không chơn-như) mà duyên, chớ không thể trực-tiếp thân-duyên được; vì nó không có “Căn-bản trí” nên không thể thân-duyên. 

       Khi chứng được Thánh-quả, cũng không thể nói “Năm thức này thân-duyên được chơn-như”, huống chi là trong lúc tu nhơn. 

       Ðến khi thức thứ Tám vừa chuyển thành Ðại-viên-cảnh trí (viên-minh sơ phát) thì 5 thức này thành Vô-lậu.  Lúc bấy giờ, 5 thức này có công-dụng hiện ra ba loại thân để hóa-độ và dứt trừ các khổ sanh-tử luân-hồi cho chúng-sanh. 

       Câu “Biến tướng không quán”:  Biến lại tướng chơn-như mà duyên.  Chữ “Tướng-không” là tướng Ngã-không và Pháp-không tức là Chơn-như (nhị không Chơn-như).  Chữ “Quán” là duyên.  Nghĩa là:  Trí Hậu-đắc này chỉ biến lại tướng Chơn-như mà duyên.

       Chữ “Nói chơn”:  Nghĩa là nói thân-duyên Chơn-như.

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ IX (Phần 1))
BÀI THỨ 04: Ý THỨC
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712