Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

Bài Thứ 10: A-Nan Thuật Lại Chỗ Mình Ðã Ngộ

BÀI THỨ MƯỜI

I.

A-Nan thuật lại chỗ mình đã ngộ và thỉnh Phật chỉ dạy phương-pháp tu để nhập chơn-tâm.

II.

Phật dạy phương-pháp tu.

III.

Nghĩa quyết-định thứ nhất.

IV.

Nghĩa quyết-định thứ hai.

V.

Vì vọng nổi lên nên chơn-tâm bị ẩn.

VI.

Xoay vọng về chơn thì lục căn tự-tại vô-ngại.

VII.

Dẫn chứng các vị thấy, nghe, hay, biết, được tự-tại, không còn bị cuộc hạn nơi căn.

VIII.

A-Nan nghi: Các cảm-giác hiện-tiền là vọng, tại sao Phật dạy y nơi đó làm nhân-địa tu-hành, lại chứng đặng quả Phật chơn thật?

IX.

Phật bảo đánh chuông để chứng-minh cái tánh nghe thường còn.

X.

Phật chỉ khi ngủ, “cái nghe” không mất.

BÀI THỨ MƯỜI

I.       A-NAN THUẬT LẠI CHỖ MÌNH ÐÃ NGỘ VÀ THỈNH PHẬT CHỈ DẠY PHƯƠNG-PHÁP TU ÐỂ NHẬP CHƠN-TÂM.

Ông A-Nan và đại-chúng được Phật dạy bảo rất tường-tất, nên các điều nghi lầm đã trừ hết, ngộ được chơn-tâm (thật-tướng), nhưng chưa biết làm sao chứng nhận, nên các ông cúi đầu lạy Phật, chắp tay kính-cẩn thưa rằng:

- Bạch Thế-Tôn, Ngài đã dùng đủ phương tiện dẫn dắt chúng con ra khỏi sông mê bể khổ. Hôm nay, chúng con tuy ngộ được chơn-tâm của mình, biến khắp cả mười phương thế-giới, nhưng còn bị Như-Lai quở trách, học nhiều mà không tu, chẳng bằng người lo tu-tập.

- Nay chúng con cũng như người bần-cùng vất-vả, được vị Thiên-Vương ban cho cái nhà lầu tốt đẹp, song chưa biết làm sao vào nhà. Cúi xin đức Như-Lai chỉ dạy cho chúng con được vào tri-kiến của Phật (chứng nhập chơn-tâm).

II.        PHẬT DẠY PHƯƠNG-PHÁP TU.

            Phật dạy A-Nan và đại-chúng:

- Các ông nếu phát-tâm Bồ-đề, đối với các pháp-môn tu-hành chí quyết tinh-tấn, tâm không giãi-đãi, thì khi mới phát-tâm, trước phải phân-biệt rành-rõ hai nghĩa quyết-định.

III.       NGHĨA QUYẾT-ÐỊNH THỨ NHẤT.

- Này A-Nan! Các ông muốn bỏ Tiểu-thừa Thinh-văn, tu theo Ðại-thừa Bồ-tát, vào tri-kiến của Phật, thì trước phải quán-sát cái nhơn-địa phát-tâm cùng với quả vị sẽ chứng là đồng hay khác?

- Nếu các ông dùng cái vọng-tâm sanh-diệt làm nhơn tu-hành, mà mong cầu cho đặng quả Phật thường còn không sanh-diệt, thì không thể được. Ðây là điều quyết-định thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI

Ðoạn trước Phật đã dạy: nếu dùng vọng-tâm làm tu-nhơn, mà muốn đặng quả thường-trụ, thì như người nấu cát muốn cho thành cơm, dầu trải qua bao-nhiêu kiếp cũng không thể được. Hành-giả phải an-trụ nơi chơn-tâm làm nhơn-địa tu-hành, thì mới đặng quả Phật bất sanh bất diệt.

- A-Nan! Ông hãy xét: trong thế-gian những vật gì có làm ra, đều phải hoại diệt, chứ chưa từng nghe cái hư-không có hoại-diệt bao giờ, vì hư-không không phải là vật bị làm ra vậy (hư-không dụ chơn-tâm, các vật là dụ vọng-tâm có sanh-diệt).

- Xét lại trong thân ông, những vật cứng dẻo (da, thịt, gân, xương) là đất, những vật đượm ướt (máu, huyết, mồ-hôi, mở) là nước, chất ấm, nóng trong người thuộc về lửa, những vật lưu-động (hơi thở ra vào) là thuộc về gió. Do bốn món này nó triền-phược và phân chia cái chơn-tâm của ông, thành ra có thấy, nghe, hay, biết, từ thỉ chí chung năm lớp ngầu đục (ngũ-trược).

- Tỷ-dụ như nước đang trong sạch, có người lấy bụi đất quăng vào, thì đất sẽ mất chất cứng, còn nước mất chất trong sạch, trở thành ngầu đục, nên gọi là ô-trược.

- A-Nan! Nay ông muốn cho cái thấy, nghe, hay, biết (các cảm-giác) trở lại để hiệp với bốn đức Niết-bàn của Như-Lai: thường, lạc, ngã, tịnh, thì trước phải lựa ra cái gốc rễ sanh-tử (vọng-tâm) và y theo chơn-tâm thanh-tịnh viên-mãn bất-sanh bất-diệt làm nhơn-địa tu-hành.

LƯỢC GIẢI

Vì còn ở trong vòng mê nên gọi là các cảm-giác: thấy, nghe, hay, biết; đến khi ngộ rồi, thì các cảm-giác này trở lại thành bốn đức Niết-bàn: thường, lạc, ngã, tịnh.

Chúng ta cũng nên phân-biệt cho rõ nghĩa: 1-chơn-tâm, 2-các cảm-giác, 3-vọng niệm phân-biệt. Như nước biển trong veo, (dụ chơn-tâm) chảy vào các sông ngòi lẫn lộn bùn đục, (dụ cho chơn-tâm lưu-lộ nơi các căn, thành các cảm-giác; “đục”, là dụ còn ở nơi mê) nổi sống ba-đào (dụ cho vọng-niệm phân-biệt).

- Các ông hãy xoay cái hư-vọng sanh-diệt trở lại chơn-tâm thanh-tịnh không sanh-diệt; phải lấy chơn-tâm không sanh-diệt này làm nhơn-địa tu-hành, thì sau mới chứng được quả Phật thường-trụ.

- Cách tu-hành cũng như lóng nước. Nước đục để yên-tịnh trong một cái bình, để lâu thì những bụi cát từ từ chìm lặn, mà nước trong hiện ra; hễ càng yên-tịnh thì nước càng trong. Ðây là dụ cho giai-đoạn thứ nhứt, khi mới hàng-phục được phiền-não khách trần (phiền-não vừa lặng). Ðến chừng lọc bỏ cặn đục chỉ còn toàn là nước trong, là dụ cho giai-đoạn thứ hai, khi đã đoạn trừ căn-bản vô-minh.

- Ðến khi chỉ còn hoàn-toàn là nước trong, thì dù lắc cho mấy nó cũng vẫn trong. Còn khi đoạn được căn-bản vô-minh, chỉ còn chơn-tâm thanh-tịnh hiện-tiền, lúc bấy giờ dầu có tạo-tác thi-vi làm đủ mọi việc, song cũng đều là chơn, vẫn hiệp với đức-tánh thanh-tịnh mầu-nhiệm của Niết-bàn, không còn bị phiền-não nhiễu-loạn.

LƯỢC GIẢI

Ðoạn này hay lắm: Phật dạy lối tu rất rõ-ràng và thật-tế. Hiệp với đoạn trước Phật dạy: “Khi đối cảnh không khởi phân-biệt, thì vọng-niệm chẳng sanh. Vọng-niệm không sanh thời chơn-tâm tự-hiện.”

Cũng như nước đứng trong, thì cặn-cáu lóng chìm. Lóng càng lâu thì nước càng trong. Ðến khi dứt sạch căn-bản vô-minh, chỉ còn toàn-thể chơn-tâm, thì hành-động thi-vi chỉ cũng đều là thanh-tịnh. Nên kinh nói: “Như-Lai án túc hải ấn phát quang v.v…” (Phật vừa để chơn, thì biển trong in ánh sáng). Như nưóc đã lọc bỏ cặn rồi, thì lắc mấy cũng vẫn trong. Ðoạn này cũng chỉ rõ cái nghĩa “thành Phật rồi không trở lại làm chúng-sanh”.

Các đạo khác tu-hành dẫu cao-siêu cho mấy, chẳng qua cũng như nước lóng mà chưa lọc bỏ được cặn. Lâu lâu phiền-não nổi lên, thì phải đọa trở lại, nên gọi là hữu-lậu (còn sa rớt).

IV.       NGHĨA QUYẾT-ÐỊNH THỨ HAI.

- A-Nan, các ông phát-tâm dõng-mãnh, quyết-định dẹp trừ các tướng hữu-vi, cầu quả đại-thừa, thì cần phải xét rõ gốc rễ của phiền-não: Từ vô-thỉ đến nay, cái nào là phát-nghiệp vô-minh (bất giác vọng-động), cái nào nhuận-sanh vô-minh (ái, thủ), cái gì tạo (lục thức), cái gì lãnh thọ (bát thức). Ðây là nghĩa quyết-định thứ hai.

- Các ông tu đạo Bồ-đề, nếu không xét rõ gốc rễ của phiền-não, thì đối với căn và trần hư-vọng này, không thể biết được cái “điên-đảo” ở chỗ nào. Cái chỗ ở còn không biết, thôi làm sao hàng-phục được giặc phiền-não để chứng quả Phật.

- Các ông hãy xem trong thế-gian, những người mở gút, nếu họ chẳng thấy được mối, thì không mong gì mở được. Chưa từng nghe cái hư-không bị ai mở được, vì hư-không vô-hình chẳng có gút và mở vậy (hư-không dụ cho chơn-tâm).

- Ông nên hiểu: hiện-tiền sáu căn của ông đây: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, chúng làm mai mối cho sáu giặc (sáu thức), đến cướp giựt của báu nhà ông. Bởi thế các ông cùng tất cả chúng-sanh, từ vô-thỉ đến nay bị phiền-trược trong vòng luân-hồi, không vượt ra ngoài ba cõi được.

LƯỢC GIẢI

Vì sáu căn làm mai-mối, dẫn sanh ra sáu thức là lục-tặc, cướp hại chơn-tánh. Nghĩa là vì căn đối với cảnh, khởi vọng-niệm phân-biệt, nên chơn-tâm phải bị mờ. Cũng như gió xao-động, cặn-cáu nổi lên, nên tánh nước trong phải ẩn.

V.        VÌ VỌNG NỔI LÊN NÊN CHƠN-TÂM BỊ ẨN.

- Này A-Nan, sáu căn của ông như vậy, do vô-minh vọng-động nổi lên, nên chơn-tâm bị ẩn. Từ đây về sau, mỗi khi chiếu soi thì gồm cả vọng đều phát.

- Bởi thế nên rời tối và sáng, thời mắt ông không thấy, rời động và tịnh thì tai ông không nghe, rời thông và nghẹt thì mũi ông không ngửi, rời các vị ra thời lưỡi ông không nếm, rời các xúc-trần thì thân ông không biết, rời cả pháp-trần thì ý ông không phân-biệt.

VI.       XOAY VỌNG VỀ CHƠN THÌ LỤC CĂN TỰ-TẠI VÔ-NGẠI.

- Chỉ sáu căn của ông không theo sáu trần-cảnh khởi vọng-niệm phân-biệt, tùy ông gỡ khằng (vọng-nhiễm) được một căn nào thì các căn đều giải-thoát. Nghĩa là ngoài không cùng với trần-cảnh khắn chặt, trong thâu-phục phiền-não trở lại với chơn-tâm sáng-suốt, thì năm căn bị khắn chặt kia, cũng đều được hoàn-toàn giải-thoát. Lúc bấy giờ sáu căn tự-tại, thay nhau cần dùng, các cảm-giác thấy, nghe, hay, biết, không còn bị cuộc-hạn nơi các căn; mắt, tai, mũi, lưỡi v.v… chỉ nương các căn phát ra tác-dụng; không cần có trần-cảnh đối chiếu mà cũng vẫn thấy, nghe, hay, biết.

VII.     DẪN CHỨNG CÁC VỊ THẤY, NGHE, HAY, BIẾT, ÐƯỢC TỰ-TẠI, KHÔNG CÒN BỊ CUỘC HẠN NƠI CĂN.

- Này A-Nan! Ông đã thấy trong hội này, như ông A-na-luật-đà không có con mắt mà vẫn thấy. Rồng Bạt-nan-đà không lỗ tai mà vẫn nghe. Thần-nữ Căn-đà không lỗ mũi mà ngửi được mùi. Ông Kiều-phạm-bác-đề cái lưỡi không phải lưỡi người, mà biết được các món ăn của người. Ông Thần Thuần-nhã-đa không có thân mà vẫn biết xúc. Ông Ma-ha Ca-diếp tu diệt-tận-định, dứt trừ ý-căn đã lâu, mà vẫn phân-biệt được rõ-ràng.

- A-Nan! Hiện nay các căn của ông, nếu hoàn-toàn gỡ hết cái khắn-chặt nơi trần-cảnh (không theo trần-cảnh phân-biệt), trong chinh-phục được phiền-não, trở về với chơn-tâm rồi, thì hiện-tiền thân-căn và thế-giới đây đều không còn; cũng như nước nóng băng tan, ông liền chứng được quả Phật.

- A-Nan! Như ngưòi thế-gian, cái thấy của họ chỉ gom ở con mắt. Nếu bảo họ nhắm mắt lại, thì hiện-tiền tối đen, sáu căn mờ-mịt, đầu chân in nhau. Người kia lấy tay rờ khắp cả thân-thể, tuy mắt họ không thấy, mà cũng vẫn biết đâu là đầu và đâu là chân; cái hiểu-biết đồng nhau. (Ðây cũng là một bằng-chứng: các cảm-giác chẳng bị cuộc-hạn nơi căn và trần).

- A-Nan, nhơn sáng mới thấy, nếu tối thời không thấy. Nay không cần sáng mà cũng thấy biết, như thế thì cái tối kia không thể làm mờ (mất) cái “thấy biết” của ông được. Căn và trần các vọng đã tiêu rồi, thì liền trở lại với chơn-tánh.

VIII. A-NAN NGHI: CÁC CẢM-GIÁC HIỆN-TIỀN LÀ VỌNG, TẠI SAO PHẬT DẠY Y NƠI ÐÓ LÀM NHÂN-ÐỊA TU-HÀNH, LẠI CHỨNG ÐẶNG QUẢ PHẬT CHƠN THẬT?

          A-Nan thưa:

- Bạch Thế-Tôn, như lời Phật dạy “muốn cầu quả Phật thường còn, thì cái nhơn-địa phát-tâm tu-hành phải cho chơn-thật, mới chứng được quả-vị chơn-thật”.

- Bạch Thế-Tôn! Bồ-đề, Niết-bàn, Chơn-như, Pháp-tánh, Yêm-ma-la-thức, Không-như-lai-tạng và Ðại-viên-cảnh trí, bảy danh-từ tuy khác, chớ cũng đồng một quả Phật thanh-tịnh thường còn không hoại.

- Còn cái thấy, nghe, hay, biết, các cảm-giác của con đây, nếu rời các trần-cảnh hiện-tiền: tối, sáng, động, tịnh, v.v…, thời không còn thấy, nghe, hay, biết nữa. Quanh-quẩn tới lui, chín-chắn suy tìm, thì cái tâm của con hoàn-toàn không chơn thật. Tại làm sao Phật lại dạy lấy cái hư-vọng đoạn-diệt này làm nhơn tu, để cầu quả Phật thường còn không sanh-diệt cho được. Vậy thì lời nói của Phật trước sau trái nhau, làm sao gọi là “Như-Lai nói thật”, xin đức Từ-tôn, từ-bi vén mở chỗ mê-mờ cho chúng con.

IX.       PHẬT BẢO ÐÁNH CHUÔNG ÐỂ CHỨNG-MINH CÁI TÁNH NGHE THƯỜNG CÒN.

Phật dạy:

- A-Nan, ông tuy học rộng, nghe nhiều, nhưng các phiền-não hữu-lậu (mê-lầm) chưa hết, nên ông chỉ biết suông cái tên “điên-đảo”. Ðến lúc cái “điên-đảo” thật hiện-tiền, thì ông lại không biết. Như thế thì sự tin hiểu của ông chưa được chắc-chắn. Tôi nay đem những việc thường trong đời, để trừ các nghi lầm cho ông.

Khi đó Phật liền bảo ông La-hầu-la đánh một tiếng chuông, rồi hỏi ông A-Nan rằng:

- Ông có nghe không?

A-Nan thưa:

- Nghe.

Ðến lúc chuông hết ngân, Phật lại hỏi:

- Ông có nghe không?

A-Nan thưa:

- Không nghe.

Phật lại bảo ông La-hầu-la đánh lại một tiếng chuông nữa và hỏi:

- Ông có nghe không?

A-Nan đáp:

- Nghe.

Phật hỏi:

- Thế nào là nghe và thế nào là không nghe?

A-Nan thưa:

- Vì đánh chuông có tiếng ngân, nên con nghe, đến khi chuông hết ngân thì con không nghe.

Phật dạy:

- A-Nan! Khi tiếng chuông hết ngân, ông nói rằng: “không nghe”, nếu ông thật không có “cái nghe” thì ông đồng như cây đá, tại sao khi đánh tiếng chuông thứ hai, ông lại có nghe?

- Vậy cho biết: cái “tiếng” (cảnh) khi có khi không, chớ cái “nghe” (tâm) của ông lúc nào cũng có. Nếu cái “nghe” của ông thật không, thì cái gì biết được “không nghe” đó?

- Thế nên ông phải biết: cái “tiếng” đối với cái “nghe”, thì cái “tiếng” nó tự sanh và diệt, chớ cái “nghe” (tâm) của ông, không phải vì tiếng sanh mà nó “có”, tiếng diệt mà nó “không”. Tại ông điên-đảo hôn-mê, nhận cái “thường” (tánh nghe) làm đoạn diệt (tiếng), chớ không phải rời sáu trần-cảnh: sắc, thinh, hương v.v…. mà các cảm-giác thấy, nghe, hay, biết của ông không có.

LƯỢC GIẢI

Ðây là thần thứ bảy, Phật chỉ rất rõ-ràng các cảm-giác: thấy, nghe v.v… là tâm và thường còn.

X.        PHẬT CHỈ KHI NGỦ, “CÁI NGHE” KHÔNG MẤT.

- Bằng chứng thứ hai: Như người đang ngủ, nằm trên giường chõng, trong nhà có người giã gạo, khi đó người ngủ kia mơ-màng tưởng là tiếng trống hoặc tiếng chuông, đến chừng thức dậy rồi mới nhận rõ đó là tiếng chày giã gạo.

- A-Nan! Người ngủ kia, mặc dù đối với cảnh-vật hiện-tiền, họ không thấy biết, mà cái “nghe” của họ cũng không mất.

- Dù cho thân-thể ông đến khi già chết tiêu-tan, mà cái “tánh nghe” này cũng không vì ông già, chết đó mà tiêu-diệt. Bởi chúng-sanh từ vô-thỉ đến giờ, cứ theo các trần-cảnh, khởi vọng-niệm phân-biệt lăng-xăng, chưa từng ngộ được chơn-tâm thường còn của mình.

- Vì cứ nương theo vọng-niệm phân-biệt, chẳng nương theo chơn-tâm thường trụ, cho nên đời đời nhiễm-ô, trôi lăn trong vòng sanh-tử. Vậy các ông phải bỏ cái vọng-niệm sanh-diệt, theo về với chơn-tâm thường-trụ. Khi chơn-tâm thanh-tịnh sáng-suốt hiện-tiền rồi, thì căn-thân, trần-cảnh và vọng-thức tức thời tiêu-diệt. Cảnh vọng-trần và tâm cấu-nhiễm đã tiêu rồi, lúc bấy giờ lo gì chẳng thành quả Phật vô-thượng.

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ VII)
BÀI THỨ 11: NGÀI A-NAN HỎI PHẬT: TRÓI CỘT Ở CHỖ NÀO VÀ LÀM SAO MỞ ÐƯỢC
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712