Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

Bài Thứ 06: A-Nan Không Hiểu Hỏi Phật

BÀI THỨ SÁU

I.           A-Nan không hiỂu hỎi PhẬt.

A-Nan thưa Phật:

- Bạch Thế-Tôn, vừa rồi Phật nói cái nghĩa “nhơn-duyên, tự-nhiên, hòa-hiệp và bất hòa-hiệp”, chúng con còn chưa hiểu, nay lại nghe Phật nói đến nghĩa “tâm sanh ra cái thấy, cái thấy không phải tâm v.v…” chúng con lại càng thêm mù mịt nữa. Cúi xin đức Như-Lai duỗi lòng từ-bi, chỉ dạy cho chúng con ngộ được chơn-tâm thanh-tịnh, sáng-suốt này.

II.        PhẬt chỈ dẠy hai món vỌng thẤy.

Phật dạy:

- A-Nan, ông phải chín-chắn nghe, ta sẽ vì các ông phân-biệt chỉ dạy, cũng khiến cho chúng-sanh đời sau ngộ được đạo-quả Bồ-đề.

- Này A-Nan, tất cả chúng-sanh bị sanh-tử luân-hồi trong thế-gian, đều do hai món điên-đảo phân-biệt vọng thấy, tức nơi đó phát sanh ra nghiệp, rồi theo nghiệp mà chịu khổ luân-hồi.

LƯỢC GIẢI

Từ nơi tâm vọng-động sanh ra các nghiệp, rồi theo các nghiệp đó mà chịu quả khổ hay vui. Cũng như người từ mê mà sanh ra ngủ, từ nơi ngủ mà hiện ra có các cảnh vật vui, buồn rồi tự chịu lấy buồn, vui.

- Thế nào là hai món?

1. Cái điên-đảo vọng thấy thuộc về nghiệp riêng của cá-nhơn

2. Cái điên-đảo vọng thấy thuộc về nghiệp chung của đồng-loại.

III.       DỤ vỀ nghiỆp riêng cỦA cá-nhân.

- A-Nan, sao gọi là cái điên-đảo vọng thấy thuộc về nghiệp riêng của cá-nhân? Dụ như người nhặm con mắt, ban đêm dòm đèn thấy có vầng tròn lòa đỏ năm màu (ngũ-uẩn).

- Ý ông nghĩ sao? Cái vầng đỏ năm màu ấy, của đèn hay của cái thấy?

- A-Nan, nếu ông nói “của đèn” thì sao những người không nhặm mắt, họ chẳng thấy vầng đỏ, mà duy có người nhặm mắt mới thấy thôi?

- Nếu nói “cái vầng đỏ đó là của cái thấy”, thì cái thấy đã thành vầng đỏ; vậy người nhặm con mắt thấy vầng đỏ, thì bảo là thấy cái gì? (vì cái thấy đã thành vầng đỏ rồi, thì không thể nói thấy vầng đỏ nữa được).

- Lại nữa, nếu ông chấp “cái vầng đỏ rời đèn riêng có”, thời đáng lẽ ông xem bàn ghế chung-quanh đều có vầng đỏ cả. Còn nói “vầng đỏ rời cái thấy riêng có”, thì không cần con mắt thấy. Vậy tại sao người nhặm mắt thấy có vầng đỏ?

- Thế nên phải biết: Cái sáng là ở nơi đèn, cái thấy vì bệnh mắt mà có bóng lòa. Cái “bóng lòa” và cái “thấy lòa” đều do nơi mắt nhặm. Còn cái thấy được lòa nhặm, thì “cái thấy” đó không phải nhặm.

- Nên không thể nói: Cái vầng đỏ này là “đèn” hay “thấy” và “không phải đèn” hay “không phải thấy”, mà chính do mắt nhặm hiện ra.

LƯỢC GIẢI

Ðại-ý đoạn này Phật nói: Vì vô-minh vọng-động (nhặm) mà thấy có các cảnh vật hiện ra như vậy (lòa đỏ). Chớ không phải do chơn-lý (dụ đèn) hay chơn-trí (dụ cái thấy) và cũng không thể nói nó ngoài chơn-lý và chơn-trí.

IV.       DỤ vỀ nghiỆp chung cỦa đỒng-loẠi.

- A-Nan, sao gọi là nghiệp chung vọng-thấy của đồng-loại? Dụ như trong thế-giới này có nhiều nước. Nhưng chỉ có một nước vì dân-chúng đồng tạo ác-nghiệp, nên đều cảm thấy có các điềm không tôt, như sao chổi, sao phướn, hoặc hai mặt trời, hai mặt trăng v.v… Còn dân-chúng ở các nước khác thời đều không thấy và cũng không nghe.

V.        LẤy nghiỆp riêng đỂ chỈ rõ nghiỆp chung.

- Này A-Nan, như người nhặm con mắt, vì nghiệp riêng của họ, nên “vọng thấy” cái đèn có vầng đỏ hiện ra. Tại con mắt nhặm mới thành ra lòa, chớ “cái thấy” đó không lòa.

- So-sánh như các ông ngày hôm nay, thấy có núi, sông, thế-giới và chúng-sanh đó, đều do cái “nhặm lòa từ vô-thỉ” (vô-minh vọng-động từ vô-thỉ) cho nên mới thấy có các cảnh vật hiện ra như vậy.

- Các ông nên biết: “mắt thấy” (kiến) với “cảnh vật bị thấy” (kiến-duyên) hiện-tiền đây, đều do cái “vọng thấy” (giác-minh) hiện ra. Cái “vọng thấy” đó (giác-kiến) nó lòa nhặm, chớ cái chơn-tâm không lòa nhặm.

- Cái chơn-tâm biết được cái lòa nhặm đó (giác sở giác cảnh) nó không phải ở trong lòa nhặm (giác phi sảnh trung).

- Như thế thời làm sao bảo cái chơn-tâm đó là các cảm-giác thấy, nghe, hay, biết được ư? Ðây chính là cái nghĩa: “Tâm sanh ra cái thấy, cái thấy không phải tâm v.v…” ông mới vừa hỏi trước.

- Thế nên, nay ông thấy “tôi”, thấy “ông” cùng thấy “thế-giới” và “chúng-sanh”, đều do ông lòa nhặm (vô-minh vọng-động) mà thấy như vậy, chớ không phải cái thấy (tâm) đó nó lòa nhặm. Bởi tánh nó không lòa nhặm, cho nên không thể bảo nó (chơn-tâm) là “cái thấy”.

LƯỢC GIẢI

Ðại-ý đoạn này nói: Từ nơi chơn-tâm, vì vô-minh vọng-động, nên khởi ra có cann và cảnh (cái thấy và cái bị thấy). Vì các cảm-giác: thấy, nghe, hay, biết cùng với các cảnh vật bị thấy, đều do vô-minh vọng-động hiện ra cả. Còn “chơn-tâm” vì không phải là vô-minh, nên không thể gọi nó (chơn-tâm) là các cảm-giác: thấy, nghe, hay, biết được.

Ðây là giải lại cái nghĩa ở đoạn trước nói: “Chơn-tâm sanh ra cái thấy v.v… (kiến kiến chi thời) cái thấy v.v… không phải là chơn-tâm (kiến phi thị kiến). Cái thấy nó còn xa cách chơn-tâm v.v…”

Nên nhớ: Lỗi tại “vô-minh vọng-động”, chớ không phải lỗi tại cái “thấy” và “cảnh bị thấy”. Cũng như tại nhặm chớ không phải lỗi tại “cái thấy” của con mắt và “bóng lòa”.

VI.       PhẬt kẾt-thÚc lẠi.

- A-Nan, một người nhặm mắt, vì nghiệp riêng của họ, nên họ thấy có cái vầng đỏ; cũng như dân-chúng trong một nước, do ác-nghiệp chung tạo của họ, nên đồng thấy có những điềm không lành hiện ra.

- Lên một từng nữa, là toàn cả chúng-sanh trong mười phương thế-giới ngày nay đây, đều do “vô-minh vọng-động từ vô-thỉ” nên đồng vọng thấy có thế-giới chúng-sanh hiện ra vậy.

- Từ nơi chơn-tâm, vì hư-vọng nên hiện ra các cảm-giác thấy, nghe, hay, biết. Do hòa-hiệp vọng sanh ra, rồi cũng do hòa-hiệp vọng diệt đi.

- Nếu các ông xa-lìa được các duyên hòa-hiệp cùng bất hòa-hiệp, và trừ hết các nhơn sanh-tử rồi, thì cái chơn-tâm thường-trụ thanh-tịnh, bất sanh bất diệt hiện ra, và các ông được viên-mãn đạo Bồ-đề.

LƯỢC GIẢI

Phật lấy một người nhặm để dụ một nước thấy điềm ác; lấy một nước để dụ chúng-sanh trong mười phương. Vì vô-minh vọng-động từ vô-thỉ, nên thấy có chúng-sinh và thế-giới. Cũng như người nhặm mắt thấy có vầng đỏ. Nếu biết nhặm thì vầng đỏ không còn, lúc bấy giờ con mắt lành mạnh tự hiện.

Cũng như vô-minh vọng-tưởng hết, thì thế-giới chung-sanh chẳng còn. Lúc bấy giờ chơn-tâm sáng-suốt hiện ra, được viên-mãn đạo Bồ-đề, thế gọi là bực Ðại-giác.

VII.     PhẬt chỈ các pháp đỀu vỀ chơn-tâm.

- A-Nan, ông còn chưa hiểu: các trần-tướng huyễn-hóa đó là từ nơi tâm sanh ra, rồi cũng tùy tâm diệt mất. (Ðương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận).

- Cái “tướng” (hiện-tượng) của nó thì huyễn-vọng, còn “tánh” (bản-thể) của nó lại chơn-thường.

- Nào là: 5 ấm, 6 nhập, 12 xứ, 18 giới, đều do nhơn-duyên hư-vọng hòa-hiệp tạm có sanh; nhơn-duyên biệt-ly, hư-vọng tạm gọi là diệt.

- Các ông không biết: nào sanh, diệt, khứ, lai đều gốc ở nơi chơn-tâm thường-trụ. Trong thể-tánh chơn-như thường-trụ này, tìm kiếm cái khứ, lai, mê, ngộ, sanh-tử v.v… quyết không thể được.

LƯỢC GIẢI

Hiện-tượng các pháp thì vọng, mà bản-thể của các pháp lại chơn. Ðứng về phần hình-tướng (hiện-tượng) các pháp thì thấy có sanh, diệt, khứ, lai. Còn đứng về phần bản-tánh (bản-thể) thời tìm cái khứ, lai, sanh, diệt, mê, ngộ không thể được.

VIII.    A-Nan nghi cái nghĩa bỐn đẠi hòa-hiỆp sanh.

            A-Nan thưa Phật rằng:

- Bạch Thế-Tôn, trước kia Ngài thường nói “tất cả các vật trong thế-gian đều do bốn đại hòa-hiệp sanh”. Tại sao ngày hôm nay, Như-Lai bác bỏ cả thuyết “nhơn-duyên” và “tự-nhiên”. Chúng con không biết nghĩa này thế nào? Cúi xin đức Từ-tôn chỉ dạy nghĩa trung-đạo rốt-ráo cho chúng con.

LƯỢC GIẢI

Phật đã nhiều lần bác cả nhơn-duyên và tự-nhiên, mà ông A-Nan vẫn còn chấp mãi. Cũng vì lưới nghi nhiều lớp, không thể một lần lột hết được!

IX.       PhẬT quỞ A-Nan hỌc nhiỀu mà không hiỂu.

            Phật dạy rằng:

- Ông trước kia nhàm-chán quả Thinh-văn, Duyên-giác là thuộc về Tiểu-thừa, phát tâm cầu đạo vô-thượng Bồ-đề, cho nên ta mới vì ông chỉ bày nghĩa lý cao-thượng thứ nhứt (đệ nhứt nghĩa-đế).

- Tại sao nay ông còn đem lời nói tầm-thường trong thế-gian, là thuyết “nhơn-duyên” để tự ràng buộc lấy mình?

- Ông tuy học nhiều mà không hiểu chi cả; cũng như người trong thế-gian nói đến tên món thuốc này, món thuốc kia, đến khi thuốc thật đem trước mắt, thì họ không thể phân-biệt được, thật đáng thương-xót!

- Ông nên chăm-chú nghe, nay ta sẽ vì các ông, cùng với những người tu về Ðại-thừa đời sau, mà phân-biệt chỉ dạy, để cho các ông thông hiểu được thật-tướng (chơn-tâm).

A-Nan yên-lặng, lóng nghe lời Phật dạy.

X.        PhẬt nói cái tánh cỦa bỐn đẠi phi hòa-hiỆp.

- A-Nan, ông nói rằng: “Do bốn đại hòa-hiệp sanh ra tất cả vật”. Này A-Nan, nếu cái thể-tánh (bản-thể) của bốn đại kia không có hòa-hiệp, thời không thể hòa với cái gì được; cũng như hư-không không hòa-hiệp với các vật. Còn nó có hòa-hiệp, thời đồng với vật biến-hóa (hiện-tượng sanh-diệt) nghĩa là, trước sau thành nhau, như nước thành băng, băng trở lại thành nước. Sanh-diệt nối nhau, sanh tử, tử sanh, sanh sanh tử tử, xoay tròn như vòng lửa, không dứt đoạn.

LƯỢC GIẢI

Ông A-Nan lấy “hình-tướng” (hiện-tượng) của tứ-đại có hư-vọng hòa-hiệp mà hỏi. Còn Phật thì chỉ cái “thể-tánh” (bản-thể) của tứ-đại không hòa-hiệp, cũng như hư-không, để giải-thích. Nếu nó (tánh) có hòa-hiệp thì cũng đồng như các tướng (tứ-đại) có sanh-diệt.

XI.       ÐẤt tỪ chơn-tâm biẾn-hiỆn.

- A-Nan, ông xem đất kia, lớn là quả địa-cầu, còn nhỏ là hạt bụi (vi-trần). Chẻ hạt bụi rất nhỏ (cực-vi) ra làm bảy phần, thì thành hạt bụi lân-hư (gần với hư-không). Cái giáp ranh của sắc-tướng tột đến chừng đó. Nếu chẻ hạt bụi nhỏ nhứt này (lân-hư) ra một lần nữa, thì thành hư-không. Thế thì rõ-ràng hư-không do chẻ bụi mà có, không phải do hòa-hiệp sanh.

- Này A-Nan, như lời ông nói: “Do hòa-hiệp sanh ra các vật trong thế-gian”. Vậy ông thử xem một hạt bụi nhỏ nhứt này (lân-hư), phải dùng bao nhiêu hư-không hòa-hiệp lại mới thành ra nó? Không lẽ hạt bụi nhỏ nhứt này, hòa-hiệp lại thành ra hạt bụi nhỏ nhứt (lân-hư trần).

LƯỢC GIẢI

Nếu nói “các vật do hòa-hiệp thành” thì hạt bụi nhỏ nhứt này cũng phải do hòa-hiệp mà thành.

Vậy thì lấy cái gì hòa-hiệp thành hạt bụi này. Nếu nói “lấy hư-không hòa-hiệp lại thành” thì phi-lý. Còn không lấy hư-không thì lấy cái gì hòa-hiệp thành ra nó? (Vì ông A-Nan chấp các pháp do hòa-hiệp mà sanh). Nếu nói lấy “sắc-tướng hòa-hiệp” thì thành ra một vật lớn, chớ không phải là thành hạt bụi nhỏ nhứt (lân-hư trần) nữa.

- Lại nữa, nếu chẻ hạt bụi nhỏ nhứt (lân-hư) ra thành hư-không, thì rõ-ràng hư-không không phải do hòa-hiệp thành. Nếu nói do hòa-hiệp thành, thì phải dùng bao nhiêu sắc-tướng hòa-hiệp, thì phải dùng bao nhiêu sắc-tướng hòa-hiệp lại mới thành hư-không? không lẽ hư-không tự hòa-hiệp thành ra hư-không?

LƯỢC GIẢI

Vì chấp “các pháp do hòa-hiệp mà có” thì hư-không cũng phải do hòa-hiệp mà có. Vậy hư-không lấy cái gì hòa-hiệp mà thành? không lẽ lấy hư-không hòa-hiệp lại thành hư-không. Ðoạn trên Phật chỉ hạt bụi, đoạn này Phật chỉ hư-không, đều phi hòa-hiệp cả.

- Vậy nên biết: khi sắc hòa-hiệp thì không phải hư-không, khi hư-không hòa-hiệp thì không phải là sắc. Cái sắc còn có thể chia chẻ ra được, chớ hư-không làm sao mà hòa-hiệp cho được?

LƯỢC GIẢI

Ðại-ý đoạn này, Phật nói các pháp hư-vọng như huyễn, như hóa, phi hòa, phi hiệp; do chúng-sanh mê-vọng mà thấy in tuồng như thật.

- Các ông không biết: trong chơn-tâm, tánh (bản-thể) của sắc là chơn-không (tâm); tánh (bản-thể) của không là chơn-sắc (tâm). Nó vốn sẵn thanh-tịnh, khắp giáp cả pháp-giới; tùy theo tâm của chúng-sanh tạo nghiệp và phân-biệt như thế nào, thì nó ứng-hiện ra như thế ấy. Chúng-sanh không biết, chấp là nhơn-duyên sanh, hay tự-nhiên có v.v… những cái chấp đó, đều do thức-tâm phân-biệt so-đo cả. Phàm có nói năng, phân-biệt, thì đều không đúng.

LƯỢC GIẢI

Thật ra các vật ở giữa này, không có nhứt-định vật gì thật là vật gì cả. Tuy theo tâm của chúng-sanh tạo nghiệp như thế nào, thì nó hiện ra như thế ấy. Ðối với chúng-sanh đó, nó thật hay đúng với loài đó mà thôi.

Như chén nước đây, nếu đồng-nghiệp loài người thì thấy thật là nước; còn đối với con vi-trùng trong chén nước, thì không phải là nước nữa rồi, mà chính là nhà cửa của nó.

Hay như cái bàn gỗ này, đối với loài người thì thấy nó là cái bàn thật, chớ đối với con mọt, thì lại không thành cái bàn nữa, mà thật là món ăn của chúng.

Thêm một tỷ-dụ nữa, như thân này đối với loài người, thì thấy thật là thân người, chớ đối với con vi-trùng trong thân, thì không thành cái thân nữa, mà thật là một thế-giới bao-la vô-tận của nó.

Vậy thì thấy thật nước hay thật chỗ ở, thật cái bàn gỗ hay thật món ăn, thấy thật thân người hay bầu thế-giới, đều tùy theo tâm-niệm phân-biệt, nhận-định riêng của mỗi loài như thế nào, thì nó thành ra thế nấy. Nên trong kinh nói: “Tùy tâm biến hiện”.

Chúng ta thường thấy: Khi nào tâm ta vui vẻ, thì thấy cảnh vật chung-quanh đều vui, cho đến ngủ chiêm-bao cũng thấy cảnh vui hiện ra. Trái lại, khi nào tâm ta buồn thì thấy cảnh vật chung-quanh buồn; mỗi mỗi đều do tâm mình biến hiện ra cả, nên có câu:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”

XII.     LỬa tỪ chơn-tâm biẾn-hiỆn.

- A-Nan, lửa không có tự-thể, nó chỉ gá các duyên mà sanh. Ông hãy xem những nhà ở trong thành này, khi họ muốn nấu ăn, thì họ cầm cái kiến (dương-toại) ra trước mặt trời lấy lửa. Này A-Nan, lửa ấy nếu nhơn hòa-hiệp mà có, thì nó từ trong cái kiến sanh, từ bùi-nhùi ra, hay từ nơi mặt nhựt đến?

- Nếu lửa từ mặt nhựt đến, cháy được bùi-nhùi trong tay của ông, thì những cây rừng và các cảnh vật nói vừa trải qua đó, đáng lẽ đều phải bị cháy cả.

- Còn nói “lửa từ trong kiến sanh ra cháy cái bùi-nhùi”, sao cái kiến người cầm đó không chấy? và cả bàn tay của người cầm cũng không cháy?

- Còn nói “lửa từ trong bùi-nhùi sanh” thì cần gì phải có bàn tay cầm cái kiến hứng ánh sáng mặt trời, mới có lửa?

- Ông nên chín-chắn xem xét: cái kiến ở nơi tay người cầm, mặt nhựt thời trên trời, bùi-nhùi nằm tại đất. Cái kiến với mặt trời vẫn xa nhau, không phải hòa, không phải hiệp. Vậy lửa này từ đâu mà cháy đến đây? không lẽ lửa không từ đâu cả mà tự có?

- Các ông không biết trong chơn-tâm, tánh (bản-thể) của lửa (tâm) là thật không; tánh (bản-thể) của không (tâm) mới là thật lửa. Nó vẫn thanh-tịnh khắp giáp cả pháp-giới, tùy theo tâm của chúng-sanh phân-biệt như thế nào, thì nó hiện ra như thế nấy.

- Nếu một người cầm kiến lấy lửa, thì một chỗ đó có lửa hiện ra. Nếu tất cả người trong thế-gian đều cầm kiến lấy lửa, thì khắp cả trong thế-gian đều có lửa hiện ra; chỉ tùy theo vọng-nghiệp của chúng-sanh mà hiện đó thôi, chớ không có xứ-sở gì! Người thế-gian không biết, dùng thức-tâm hư-vọng phân-biệt mê lầm chấp cho nhơn-duyên sanh, hoặc tự-nhiên có v.v… Phàm có nói năng, phân-biệt đều không đúng sự thật.

LƯỢC GIẢI

Ðại-ý như đoạn trên (đất).

XIII.    NưỚc tỪ chơn-tâm biẾn-hiỆn

- A-Nan, tánh nước không định, đứng chảy chẳng thường. Như trong thành Thất-La, các vị đại huyễn sư, như ông Ca-tỳ-la-tiên, Chiết-ca-la-tiên, Bác-đầu-ma và Ha-tát-đa v.v… Các vị này thường lấy nước mặt trăng hòa với thuốc. Họ chờ đêm nào trăng sáng tỏ, cầm hột châu phương-chư hứng dưới mặt trăng, thì có nước chảy ra ở thau.

- Vậy nước ấy từ hột châu sanh? Hay từ hư-không ra? Hay từ mặt trăng đến?

- A-Nan, nếu từ mặt trăng đến, nó làm cho hột châu ra nước; vậy thời từ phương xa đến đây, trong khi trải qua cây cối các cảnh vật, nó phải đều làm cho ngập ướt cả, nếu thế thì cần gì phải có hột châu phương-chư (hột châu lấy nước)? Song sự thật các ảnh vật không ngập ướt, thì rõ-ràng nước ấy không phải từ mặt trăng đến.

- Còn nói “nước từ hột châu ra” thì hột châu nếu đã chảy ra được nước, đáng lẽ lúc nào nó cũng tự chảy ra được nước, cần gì phải chờ nửa đêm hứng mặt trăng sáng mới có nước?

- Còn nói “nước từ hư-không sanh” thì hư-không vô biên, nước cũng phải vô biên; vậy thì từ nhơn-gian cho đến thiên-thượng, tất cả cỏ cây, đất-đai đều bị ngập lụt cả.

- Ông nên chín-chắn xem-xét: Mặt trăng ở trên trời, hột châu ở tay người cầm, cái thau hứng nước lại để dưới đất. Mặt trăng với hột châu cách xa nhau, không phải hòa cũng không phải hiệp, vậy nước đó từ đâu mà đến? không lẽ không nhơn đâu mà tự có.

- Ông không biết trong chơn-tâm, tánh (bản-thể) của nước (tâm) thật không; tánh (bản-thể) của không (tâm) thật nước, vốn sẵn thanh-tịnh khắp giáp cả pháp-giới, tùy tâm của chúng-sanh phân-biệt như thế nào, thì nó ứng-hiện như thế ấy. Một người cầm hột châu lấy nước, thì một chỗ đó có nước. Nếu tất cả người trong thế-gian đều cầm hột châu lấy nước, thì khắp cả trong thế-gian đều có nước. Nước tùy theo nghiệp của chúng-sanh mà phát hiện ra; nó không có phương hướng xứ-sở gì. Người trong thế-gian không biết, lầm chấp nhơn-duyên sanh, hoặc tự-nhiên có, đều do thức-tâm vọng-chấp, phân-biệt cả. Phàm có nói năng, luận-bàn thế nào, cũng đều không trúng cả.

XIV.    Gió tỪ chơn-tâm biẾn-hiỆN.

- A-Nan, tánh gió không định, động và tịnh chẳng thường. Như ông thường đắp y đi vào đại-chúng, cái chéo y của ông phất qua người gần bên, thì có một chút gió quạt đến mặt người. Vậy gió này từ chéo y ra, hay từ hư-không đến, hay từ nơi mặt người sanh?

- A-Nan, nếu gió này từ cái y ra, thì cái y đã thành gió, vậy nó phải bay bổng rời khỏi thân ông, và ông đắp y thành ra đắp gió hay sao? Ta nay xổ cái y ra, ông hãy thử xem coi gió ở chỗ nào? Chẳng lẽ trong y có chỗ cất (để) gió.

- Nếu gió từ hư-không sanh, vậy thời khi ông không động cái y, sao chẳng có gió? Và hư-không thường còn, thì gió cũng phải thường sanh, nếu khi nào không có gió, thì hư-không phải diệt. Song thật ra gió có thể diệt (hết) chớ hư-không làm sao diệt được.

- Nếu hư-không có sanh-diệt, thời không gọi là hư-không; còn gọi là hư-không thời làm sao lại sanh ra gió được.

- Còn ông nói “giớ từ nơi mặt người bị phất sanh”; nếu thật thế, thì gió phải phất đến mặt ông mới phải, tại sao nó phất ngược trở lại mặt người bị phất.

- Ông nên chín-chắn xem xét: Cái y là ở nơi ông, cái mặt là thuộc về người kia (bị phất), còn hư-không thì tự yên-lặng; gió (động) với hư-không (lặng) tánh khác nhau, không hòa không hiệp. Vậy gió từ nơi đâu mà phát động đến đây? Không lẽ không từ nơi đâu mà tự có.

- Các ông không biết trong chơn-tâm; tánh (bản-thể) của gió (tâm) là thật không; tánh (bản-thể) của không (tâm) là thật gió, vốn sẵn thanh-tịnh, khắp giáp cả pháp-giới, tùy tâm chúng-sanh phân-biệt như thế nào, thời nó hiện ra như thế nấy. Một người phất y, thời có một chút gió sanh ra. Nếu tất cả mọi người trong thế-giới đều phất y, thì cả thế-giới đều có gió, theo nghiệp của chúng-sanh mà phát hiện, không có phương hướng, xứ-sở gì. Thế-gian không biết, khởi thức-tâm phân-biệt so-đo, lầm chấp là nhơn-duyên sanh, hoặc tự-nhiên có v.v… đều không đúng cả.

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ VI)
BÀI THỨ 07: HƯ KHÔNG TỪ CHƠN TÂM BIẾN HIỆN
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712