Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

Luân Hồi

LUÂN - HỒI

A.    MỞ-ÐỀ 

Vấn-đề mất còn, sống chết là một vấn-đề vô cùng quan-trọng, từ xưa đến nay đã làm băn-khoăn, thắc-mắc không biết bao nhiêu lớp người, đã làm hao-tổn không biết bao nhiêu giấy mực.  Tựu trung, có hai thuyết làm cho người ta chú ý đến nhiều nhất. 

-          Một thuyết cho rằng, loài người cũng như loài vật, một lần chết là mất hẳn, không còn gì tồn tại sau đó nữa: “Cát bụi, con người trở về với cát bụi”. 

-          Một thuyết chủ-trương trái lại: loài người chết đi, nhưng linh-hồn vẫn vĩnh-viễn còn lại, để lên thiên-đàng, thọ hưởng mãi mãi những sự khoái-lạc, an vui, hay xuống địa-ngục chịu cực hình mãi mãi. 

Hai thuyết trên này đều không đúng với sự thật: 

-          Chết rồi, không thể là hoàn-toàn mất hẳn được, vì như chúng ta ở đời này, không có vật gì là mất hẳn.  Cho đến một hạt cát, một mảy lông cũng không thể mất hẳn, huống là cái thân hay biết nơi con người. 

-          Nhưng bảo rằng linh-hồn thường còn, ở mãi trên thiên-đàng hay dưới địa-ngục cũng không đúng.  Sự nhận xét thông thường đủ cho người ta nhận thấy rằng: trong vũ-trụ không có một cái gì có thể vĩnh-viễn ở yên một chỗ, mà trái lại, luôn luôn biến đổi và xê dịch.  Vả lại, có gì bất công hơn là chỉ vì những cái nhân đã gieo trong một đời hiện-tại ngắn ngủi, mà phải chịu cái quả vĩnh-viễn tốt hay xấu trong tương lai? 

Hai thuyết “chấp đoạn” và “chấp thường” trên này đều bị đạo Phật bát bỏ.  Theo giáo-lý đạo Phật thì chúng-sanh không phải đoạn diệt, cũng không phải thường còn, mà là quay lộn trong cảnh sanh-tử luân-hồi.

B.     CHÁNH-ÐỀ 

I.                   ÐỊNH-NGHĨA 

Luân-hồi dịch ở chữ Samsera trong tiếng Phạn.  Theo chữ Hán thì Luân là bánh xe; Hồi là xoay tròn.  Hình ảnh bánh xe quay tròn là một hình ảnh rất rõ-ràng mà Phật đã dùng để hình-dung sự xoay chuyển, lên xuống, xuất-hiện của mỗi chúng-sinh trong sáu cõi (lục đạo) khi đầu thai ở cõi này, khi ở cõi khác, luôn luôn tiếp nối tử-sanh, sanh-tử không ngừng, như bánh xe lăn.  Luân-hồi là một thuyết có thể chứng nghiệm được, chứ không phải hoang-đường. 

Khi chúng ta đã công-nhận luật nhân-quả, thì chúng ta cũng không thể từ chối, không công-nhận sự luân-hồi, vì luân-hồi chẳng qua là nhân-quả liên-tục, nhưng vì khi nó biến, khi hiện, khi lên, khi xuống, khi mất, khi còn, khi thay hình đổi dạng, nên chúng ta tưởng như gián-đoạn và không ảnh-hưởng, chi-phối lẫn nhau đó thôi. 

II.                SỰ LUÂN-HỒI TRONG MỌI SỰ VẬT VÀ NGƯỜI 

Trong vũ-trụ tất cả sự vật, từ vật nhỏ như hạt bụi, đến lớn như quả địa-cầu, không vật nào chẳng luân-hồi. 

1.  Ðất luân-hồi:           

            Như cái bình bông đang ở trước mặt chúng ta đây, trước kia nó là đất, người thợ gốm đem nó nhồi nắn làm thành cái bình, trải qua một thời-gian, cái bình sẽ bị bể nát, tan thành cát bụi và trở về lại trạng-thái đất cát.  Ðất cát này lại làm thức ăn cho cây cỏ; cây cỏ hoặc tàn rụi, sau một thời-gian, để trở thành phân bón cho cây khác, hoặc làm thực-phẩm cho động-vật.  Ðộng-vật ăn cây cỏ này vào, hoặc bài tiết ngay ra ngoài để thành phân, thành đất, hoặc biến thành máu huyết, da thịt để một ngày kia thân thể động-vật già yếu, sẽ tan-rã thành đất cát lại.  Bao nhiêu lần thay hình đổi dạng, vì nhân-duyên này hoặc nhân-duyên khác, nhưng đất cát, nó cũng lại trở thành đất cát sau một thời-gian, một vòng luân-chuyển dài hay ngắn.   

2.       Nước luân-hồi: 

Nước ở biển, bị sức nóng mặt trời bốc thành hơi; hơi bay thẳng lên không, gặp hơi lạnh biến thành mây; mây nhiều tụ lại rơi xuống thành mưa; mưa chảy xuống ao hồ, hoặc gặp hơi lạnh quá, động lại thành băng thành giá.  Băng giá gặp hơi nóng mặt trời tan ra nước lại.  Từ vô-thỉ đến nay, nước thay đổi trạng-thái biết bao nhiêu lần, xoay vần mãi mãi như vậy, nhưng nước vẫn là nước.  Hiện tượng của nước thì biến đổi vô cùng, nhưng bản-thể của nước thì không bao giờ mất.  Nó chỉ luân-hồi mà thôi. 

3.       Gió luân-hồi: 

Gió là sự luân-chuyển của không-khí.  Không-khí bị sức nóng mặt trời bốc cháy, giãn ra, bốc lên cao làm thành những khoảng trống.  Ðể bù vào những khoảng trống ấy, không-khí ở các nơi khác chạy tới điền vào, gây thành luồng gió.  Không-khí xê dịch chậm thì gió nhỏ, không-khí xê dịch nhanh thì gió lớn.  Xê dịch nhanh nữa thì thành bão.  Gió có khi hiu-hiu, khi thoang-thoảng, khi hây-hẩy, khi ào-ào, khi cuồn-bạo nhưng bản-chất của nó bao giờ cũng là không-khí. 

4.       Lửa luân-hồi: 

Lửa là một sức nóng làm cháy được vật.  Khi đủ nhân-duyên thì sức nóng phát ra lửa.  Chẳng hạn hai thanh củi trong trạng-thái bình thường thì chúng ta chẳng thấy sức nóng ở đâu cả, nhưng khi chà xát vào nhau một hồi, thì lửa liền bật lên.  Ngọn lửa này có thể đốt hai thanh củi kia, và hai thanh củi này một phần hóa thành tro than, một phần biến thành thán khí.  Những cây khác dùng rễ mình để thu hút tro than, và dùng lá mình để thu hút thán khi, chất chứa lại sức nóng để một ngày kia, gặp đủ nhân-duyên lại bừng cháy lên.  Như thế, sức nóng bao giờ cũng có sẵn, nhưng khi thì nó ở trạng-thái tiềm-phục, khi thì ở trạng-thái phát hiện.  Mắt chúng ta chỉ thấy khi nó phát hiện, và chỉ khi ấy mới cho là nó có, còn khi nó ở trạng-thái tiềm-phục thì ta bảo là nó không có.  Thật ra thì nó chỉ luân-hồi qua những trạng-thái khác nhau, chứ không phải dứt đoạn hay mất hẳn. 

5.       Cảnh-giới luân-hồi: 

Trong kinh Phật thường nói: “Thế-giới nhiều như cát sông Hằng”.  Thật thế, ban đêm chúng ta nhìn lên trời, thấy hằng-hà sa-số tinh-tú.  Mỗi tinh-tú là một thế-giới.  Và mỗi thế-giới ấy đều không thoát ra ngoài định-luật là Thành, Trụ, Hoại, Không.  Mỗi phút giây nào cũng có những sự sanh diệt của thế-giới.  Thế-giới này tan đi, thì thế-giới khác nhóm lên, như một làn sóng này mất đi thì một làn sóng khác nổi lên, làm nhân làm quả, tiếp nối cho nhau, luân-hồi không bao giờ dứt. 

6.       Thân người luân-hồi: 

Thân người, hay thân thú vật cũng thế, xét cho cùng thì cũng do tứ đại mà có là đất, nước, gió, lửa.  Những chất cứng dẽo như da thịt gân xương là thuộc về Ðất; những chất đượm ướt như máu, mỡ, mồ hôi, nước mắt, là thuộc về Nước; hơi thở ra vào, trái tim nhảy, phổi hô hấp, tay chân cử động là thuộc về Gió; hơi nóng trong ngưòi là thuộc về Lửa.  Như trên chúng ta đã thấy, tứ đại đều luân-hồi, thì thân người, do tứ-đại mà có, cũng phải luân-hồi theo.  Khi thân này chết và đến lúc tan rã, thì chất cứng dẽo trả về cho Ðất; chất đượm ướt trả về cho Nước; hơi nóng trả về cho Lửa; hơi thở và sự cử-động trả về cho Gió.  Rồi bốn chất này tùy theo duyên chung hợp lại, làm thành cây cỏ hay thân người khác.  Người khác đến khi chết rồi, bốn chất đó trở về bản-thể cũ của chúng.  Khi thành thân người, lúc làm thân súc, năm nay tụ hợp ở đây, sang năm đã dời nơi khác, không phải thường còn, cũng không phải mất hẳn, mà lại luân-hồi. 

Nhà Học-giả tiếng tăm của Trung-Hoa là ông Lương-Khải-Siêu có nói, trong khi nghiên-cứu về Phật-giáo Ấn-Ðộ: “… Con người luôn luôn, trong từng phút giây đều ở trong luân-hồi, bất quá hoặc mau hoặc chậm.  Chậm thì gọi là sanh-diệt hoặc biến dị, còn mau thì gọi là luân-hồi” (luân-hồi chẳng qua cũng là một hình-thức trong các loại biến-dị).  Xem như xác thân chúng ta, biến-hóa không ngừng, xương thịt máu huyết chúng ta chẳng qua không đầy một tuần, cũng rất có thể hóa ra đất bụi bên đường. 

7.       Tinh-thần luân-hồi: 

Con người không phải chỉ gồm có tứ-đại.  Ngoài tứ-đại, còn có phần tâm-lý nữa, hay nói một cách tổng-quát hơn, còn có tinh-thần.  Ðó là gồm tất cả mà những thứ mà đạo Phật gọi là: Thọ, Tưởng, Hành, Thức.  Phần thể-xác gồm tứ-đại chỉ là phần mà đạo Phật gọi là Sắc.  Sắc đã không tiêu-diệt mà chỉ biến hóa luân-hồi, thì Tâm thay Tinh-thần, cũng không tiêu-diệt mà chỉ biến-chuyển xoay vần mà thôi. 

Nhưng trong chương II đã nói, tất cả những hành-động của thâm-tâm tạo thành cho mỗi chúng ta một cái nghiệp.  Cái nghiệp ấy biến dịch xoay vần mãi, khi đội lớp này khi mang hình dáng khác, khi rời cảnh-giới này, khi vào cảnh-giới khác, quanh lộn trôi-lăn trong lục-đạo (sáu đường) mãi mãi cho đến một ngày nào được giác-ngộ mới thôi. 

Nhưng sự lên xuống, trôi lăn, xoay vần của nghiệp trong ba cõi sáu đường sáu, không phải tình-cờ, ngẫu-nhiên, may rủi, vô lý, mà trái lại, nó theo một cái định-luật chung, đó là luật Nhơn-quả.  Ðến đây, chúng ta thấy được sự tương quan mật-thiết giữa nhơn-quả và luân-hồi.  Ðà có nhơn-quả, tức phải có luân-hồi (trừ trường-hợp tu nhơn giải-thoát); đã có luân-hồi phải tuân theo luật Nhơn-quả. 

III.             LUÂN-HỒI THEO LUẬT NHÂN-QUẢ QUA SÁU CÕI 

Có thể nói một cách chắc-chắn rằng, chúng ta lúc sanh tiền tạo nhân gì, thì khi chết rồi, nghiệp-lực dắt-dẫn tinh-thần đến chỗ nó thọ quả-báo không sai.  Nếu tạo nhân tốt, thì luân-hồi đến cảnh-giới giàu-sang, thân người tốt đẹp.  Còn tạo nhân tội ác, thì luân-hồi đến cảnh-giới nghèo-hèn, thân hình xấu-xa, tàn-tật, sự-nghiệp khi thăng khi giáng, lúc thạnh lúc suy. 

Sau đây là những cảnh-giới mà một chúng-sinh có thể bị hay được nhập vào, tùy theo nghiệp-nhân mà mình đã tạo: 

1.  Ðịa-ngục:  

Tạo nhân sân hận, độc ác làm nhiều điều tội-lỗi vừa hại mình vừa hại người, phải luân-hồi vào địa-ngục, chịu đủ điều khổ-sở. 

2.       Ngạ-quỷ:  

Nhân tạo tham-lam, bỏn-sẻn, không biết bố-thí, giúp-đỡ, từ tiền của đến giáo-pháp.  Trái lại, còn mưa sâu, kế độc, để cướp đoạt của người, sau khi chết, luân-hồi làm ngạ-quỷ. 

3.       Súc-sanh: 

 Tạo nhân si-mê, sa-đọa theo thất-tình, lục-dục, tửu sắc, tài khí, không xét hay dỡ, tốt xấu, chết rồi, luân-hồi làm súc-sinh. 

4.       A-tu-la: 

Gặp việc nhân nghĩa thì làm, gặp việc sái quấy cũng không tránh, vừa cang trực, mà cũng vừa độc-ác.  Mặc dù có làm những điều phước-thiện, nhưng tánh-tình hung-hăng, nóng-nãy vẫn còn, lại thêm tà-kiến, si-mê, tin theo tà-giáo.  Tạo nhân như vậy, kết-quả sẽ luân-hồi làm A-tu-la, gặp vui sướng cũng có, mà buồn khổ cũng nhiều. 

5.       Loài người: 

Tu nhân ngũ-giới: Không sát hại, không trộm cướp, không tà-dâm, không dối trá, không rượu trà say-sưa, thì đời sau khi trở lại làm người, cao quý hơn muôn vật. 

6.       Cõi trời: 

Bỏ mười điều ác tu chơn thập-thiện (bài sau sẽ nói rõ) thì sau khi chết, được sanh lên cõi trời.  Nhưng nên nhớ cõi trời này cũng còn ở trong vòng phàm-tục, chịu cảnh sanh-tử, luân-hồi. 

Muốn thoát ra ngoài cảnh-giới sanh-tử luân-hồi, và đến bốn cõi Thánh là Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-Tát và Phật, thì phải tu nhân giải-thoát.

IV.             VÀI BẰNG CHỨNG VỀ LUÂN-HỒI 

MỘT CHUYỆN LUÂN-HỒI Ở ẤN-ÐỘ 

            Cách đây vài chục năm, tờ báo Mai có chụp hình và đăng một câu chuyện như sau: 

            Tại Ấn-Ðộ, ở thành Delhi (đen-ly) có một cô gái 8 tuổi tên Phatidevin (Pha-ti-đơ-vanh).  Cô gái đã nhiều lần khóc-lóc với cha mẹ đòi về thành Mita thăm chồng là một giáo viên.  Thành Delhi cách thành Mita trên 200 cây số.  Cha mẹ cô gái lấy làm lạ, mời một phóng-viên nhà báo đến, để nhờ anh điều tra giùm. 

            Phóng-viên nhà báo đến hỏi, thì được cô cho hay rằng: Cô là vợ của một giáo-viên, ăn ở với nhau sanh được một đứa con.  Khi đứa con lên 11 tuổi, thì cô lâm bịnh và từ-trần.  Người phóng-viên hỏi xem cô ta, có cái gì làm bằng chứng không.  Cô trả lời là cô có để lại vàng bạc và đồ-đạc chôn ở chỗ nọ chỗ kia…  Và cô còn nhớ rõ có một cái quạt, do người chị em bạn tăng, trên quạt có ghi lại mấy dòng chữ, rồi cô đọc mấy dòng chữ ấy cho phóng-viên chép vào sổ tay. 

            Phóng-viên liền đến thành Mita, tìm hỏi tên họ ông giáo-viên, thì thật quả không sai.  Phóng-viên hỏi ông giáo: 

-          Ông có người vợ chết độ 8, 9 năm nay phải không? 

Ông giáo trả lời: 

-          Vâng, có!  Vợ tôi chết nay đã chín năm.  Chẳng biết ông hỏi có việc chi? 

Phóng-viên trình bày những lời cô bé đã nói.  Ông giáo nghe đều cho là đúng cả. 

Phóng-viên lại lấy quyển sổ tay đưa mấy dòng chữ cho ông giáo, đọc và hỏi: 

-          Khi vợ ông mất, có để lại một cây quạt, trên ấy có ghi mấy dòng chữ như thế này có phải không? 

Ông giáo trảo lời: 

-          Trúng y như vậy cả! 

Qua ngày sau, phóng-viên lại mời cha mẹ và cô Phatidevin cùng đi xe tới thành Mita.  Từ khi sanh ra đến tam tuổi, cô chưa từng đi xa, thế mà đường đi đến thành Mita, cô đều thuộc cả, cô chỉ đường này là đường gì, đi về đâu, đường kia tên gì, đi về đâu, và còn nói trúng cả tên những nhà quen ở hai bên đường nữa.  Gần đến nhà ông giáo, cô bảo xe đi chậm lại và dừng ngay trước nhà ông Giáo. 

Vào đến nhà, gặp ông già độ 80 tuổi, đầu tóc bạc phơ, cô vừa mừng vừa khóc òa mà nói rằng: 

-          Ðây là cha chồng tôi. 

Cô chỉ ông giáo mà nói: 

-          Kia là chồng tôi. 

Rồi cô chạy lại ôm đứa con mà khóc và nói: 

-          Ðây là con tôi. 

Mọi người trông thấy ai cũng đều lấy làm ngạc-nhiên và cảm-động! 

Việc này làm sôi nổi dư-luận Ấn-Ðộ và các báo trên thế-giới đều bàn-tán xôn-xao.  Các nhà Bác-học ra sức tìm-tòi, nghiên-cứu, nhưng không sao giải-thích được.  Chúng ta đã rõ biết lý luân-hồi, thì việc này cũng chẳng lạ gì. 

MỘT CHUYỆN LUÂN-HỒI TẠI MỸ 

            Vào khoảng năm 1956, ở nước Mỹ có một thiếu-phụ 33 tuổi, tên “Xi-mông” (Ruth Simmons) vì quá tin-tưởng có kiếp luân-hồi nên cô đã nhờ nhà thôi-miên “Mô-rây Bét-tanh” (Morey Bernstein) giúp, được thấy lại kiếp trước của cô.  Nhà thôi-miên kia, sau khi đưa cô giấc ngủ, liền bảo: 

-          Thử nhớ lại hồi 10 tuổi, cô đã làm gì? 

Cô Xi-mông, trong cơn-mê, nói lại, thuở thiếu-niên của cô, những lúc cô đi học và tả tĩ-mĩ những lúc cô nô-đùa với bạn.  Nhà Thôi-miên lại bảo: 

-          Bây giờ thử nhớ lại lúc cô 1 tuổi, cô thấy gì? 

Cô trả lời bằng những tiếng bậc-bẹ y như đứa trẻ chưa biết nói.  Nhà Thôi-miên lại dồn hết tinh-thần vào cặp mắt, nhìn thẳng vào mặt cô Xi-mông và nói: 

-          Thử nhớ lại tiền kiếp của cô? 

Sau một lúc im-lặng, cô Xi-mông mới nói, nhưng giọng nói của cô đã đổi khác, giọng Ái-Nhĩ-Lan (ở Anh-Quốc), chứ không phải giọng người Mỹ. 

Cô kể lại rằng: “kiếp trước cô đầu thai vào gia-đình học “Mướt-phi” (Murphy) ở làng “Cót” (Cork) bên Ái-Nhĩ-Lan vào năm 1898.  Cô tả nơi chôn nhau cắt rốn của cô và cho biết nhiều chi-tiết khác về làng này.  Cô nói them rằng chồng cô tên “Mắc-Các-Ty” (Brian Mac Carthy), giáo-sư trường luật đã từng cọng sự với tờ báo “Ben-phát niu” (Belfast News).  Rồi sau cùng cô nói đến ngày cô chết, mả cô hiện ở đâu, và cô phải làm ma hơn một thế-kỷ.  Sau đó, cô đầu thai vào gia-đình họ “Xi-mông” (Simmons) ở Mỹ hồi năm 1923. 

Nhà Thôi-miên đã thâu tất cả lời nói của Xi-mông về tiền kiếp của cô, và sau đó viết một quyển sách nhan đề là: “Ði tìm gốc tích cô Mướt-phi (Murphi)”.  Sách này in ra 170 ngàn cuốn, và chỉ trong 3 tháng đã bán sạch.  Sau đó, nhà Thôi-miên lại lấy lời thuật chuyện của cô Xi-mông thâu vào ba mươi ngày (30.000) dĩa nhựa và chỉ trong hai ngày đã bán sạch. 

Chuyện này báo chí quốc-tế có đăng tin, riêng ở Pháp có tờ “Ba-ri Mách” (Paris Math) thuật lại rất rõ; ở Việt-Nam cũng có nhiều tờ báo nói đến, như tờ Tin-Ðiển, tờ Liên-Hoa v.v… 

MỘT CÂU CHUYỆN THAY NGHIỆP ÐỔI XÁC Ở VIỆT-NAM 

            Ở Cà-Mau, cách đây vào khoảng 30 năm, có một câu chuyện lạ-lùng đã làm dư-luận bàn-tán xôn-xao: 

            Ông Cả Hiêu, ở làng Tân-Việt, xứ Ðầm-Giơi (Cà-Mau) có cô con gái 19 tuổi, lâm bịnh rồi chết.  Cách đó dộ 100 cây số, ông Hương-Thừa ở làng Vĩnh-Mỹ (Bạc-Liêu) cũng có một cô con gái đau rồi chết, nhưng lại sống lại.  Khi sống lại, cô này nhìn không biết cha mẹ và nói những chuyện đâu đâu, không ai hiểu gì cả.  Cha mẹ cô tưởng rằng, vì cô đau nên lãng-trí nói bậy.  Nhưng khi cô lành mạnh hẳn, cô lại khóc-lóc, một hai đòi về nhà ông Cả Hiêu và chỉ cả nơi ở, làng tổng rõ-ràng nữa. 

            Cha mẹ cô cho người đến tìm ông Cả Hiêu và thuật câu chuyện cho vợ chồng ông này nghe.  Vợ chồng và con cái ông Cả nghe xong, đều đi đến xem thật hư như thế nào. 

            Khi mọi người đến nơi, cô gái chạy ngay đến ôm ông Cả, bà Cả khóc kể…  Rồi cô thuật những việc đã xảy ra trong nhà ông Cả, không sai một mảy.  Vợ chồng ông Ca, tuy thấy xác cô gái này không phải con mình, nhưng về tinh-thần lại chính là con họ, nên đều thương yêu và công-nhận là con.  Về sau, cô hưởng được hai phần gia-tài của cải, cả hai bên cha mẹ.

V.                QUYẾT-NGHI 

1.       Có người hỏi:  - Nếu có luân-hồi, thì khi chết rồi, một người chỉ sanh lại một người thôi, tạo sao trên thế-giới này, khi mới khai thiên lập địa, chưa có người, mà cứ mỗi ngày nhân-loại mỗi thêm đông?  Vậy do đâu mà có nhiều người thế? 

Trả lời:  - Trong đoạn trước, chúng tôi đã nói: chúng-sinh luân-hồi trong sáu cảnh-giới là Thiên, Nhơn, A-tu-la, Ngạ-quỷ, Súc-sinh, Ðịa-ngục, và một chúng-sanh ở cảnh-giới này, có thể đầu thai qua cảnh-giới khác, đắp đổi cho nhau, khi lên khi xuống, chứ không phải chỉ có người mới đầu thai làm người mà thôi.  Những loài thú có những tâm-trạng gần giống người, có thể đầu thai làm người được, cũng như những người có tâm-trạng lang sói, sẽ trở thành lang sói. 

Hơn nữa, trong đoạn trước, chúng ta cũng đã thấy, trong kinh Phật có chép: thế-giới trong vũ-trụ này nhiều như cát sông Hằng, chứ đâu phải chỉ có một quả đất này là trung-tâm-điểm của vũ-trụ, và mới có người?  Các nhà bác-học cũng công-nhận mỗi ngôi sao là một thế-giới.  Trong hằng-hà sa-số thế-giới ấy, có biết bao nhiêu là thế-giới có hoàn-cảnh giống như quả đất nhỏ bé chúng ta đang ở đây!  Thế-giới đã nhiều như thế, thì nhân-loại đâu phả ít?  Tại sao chúng ta không thể tin được rằng:  thế nào cũng có sự luân-chuyển, sự lưu thông, sự trao đổi về phương-diện tinh-thần, về cái nghiệp giữa thế-giới này với thế-giới khác?  Mỗi một thế-giới sắp hoại, thì chúng-sinh ở thế-giới ấy sẽ di-cư đến thế-giới khác, gần đó.  Trong kinh Ðịa-Tạng có chép: 

Thử thế-giới hoại thời, hoàn ký tha phương…” (thế-giới này hoại, gởi qua thế-giới khác, thế-giới khác hư hoại, lại gởi đén thế-giới khác nữa).  Như châu thành Sài-gòn hiện nay, dân số rất đông, là do người ở các tỉnh đến.  Khi giặc yên, dân chúng lại trở về các tỉnh, thì dân số Sài-gòn tự nhiên bớt.  Nên nhiều hay ít là do số dân ở các nơi tựu đến, hay tan đi.  Trong thế-giới hiện nay, nhân-loại nhiều hay ít cùng như vậy. 

2.       Có người hỏi:  - Người và thú-vật hoàn-toàn khác nhau, làm sao người có thể tái sanh thành thú-vật và thú-vật thành người được? 

Trả lời:  - Người ta thường có quan-niệm sai-lầm rằng, người có linh-hồn người, thú-vật có linh-hồn thú-vật.  Linh-hồn người hay linh-hồn thú-vật đều bất biến, dù chết hay sống.  Vì tưởng-tượng như thế, nên người ta không thể công-nhận rằng: chết rồi, linh-hồn người trở lại chui vào thân hình chó, mèo chẳng hạn, và hồn chó mèo lại có thể vào nằm trong lốt thân hình người ta. 

Thật ra, nghiệp không phải là linh-hồn, mà là một năng lực có nhuốm tính-chất những hành-động của mỗi chúng-sinh.  Vì tính chất riêng biệt ấy, mà nghiệp lực nhập vào một hình-thức này hay một hình-thức khác, do cái luật hấp dẫn, (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu). 

Thay vì nói người kia trở thành thú, hay trái lại, thú kia trở thành người, đúng hơn, nên nói: “nghiệp lực phát hiện dưới hình thể người hay dưới hình thể thú!” (1). 

C.    KẾT-LUẬN 

Giáo-lý luân-hồi đem lại cho chúng ta nhiều điều lợi-ích: 

-          Nó phá “đoạn kiến” sai-lầm, làm cho con người đâm ra chán-nản, vì nghĩ rằng, dù mình có cố-gắng ăn ở cho có đạo-đức, làm các điều hay đẹp, rồi cuối cùng cùng chẳng đem theo được cái gì, chẳng được hưởng gì cả, một khi thân-thể đã tiêu tan. 

-          Nó phá “thường kiến” sai-lầm, làm cho con người tin rằng, loài người chết rồi, vẫn giữ địa-vị của mình, dù cho có làm phúc hay tội cũng vậy.  Do đó, người ta cũng không cần phải cố-gắng trong lúc sinh tiền. 

-          Với giáo-lý luân-hồi, chúng ta phấn-khởi mà tin rằng: chết rồi không phải mất hẳn; nhưng nếu chúng ta không biết vung trồng cội phúc, không cố-gắng sống một đời sống có đạo-đức, mà trái lại, làm những điều xấu-xa, tội-lỗi, thì đời sau, chúng ta sẽ sanh vào cảnh-giới xấu-xa đen tối. 

Giáo-lý luân-hồi làm cho chúng ta thêm lòng tự tín, tự thấy mình là Chủ-nhân của đời mình, mình tạo nghiệp nhân gì, thì mình chịu nghiệp quả ấy, chứ không ai cầm cân thưởng phạt, ban phước, giáng họa cho mình cả. 

Nay chúng ta đã biết ý-nghĩa và giá-trị của giáo-lý luân-hồi, chúng ta nên cố-gắng cải-tạo tư-tưởng, lời nói và hành-vi của chúng ta, để tránh cho kiếp sau khỏi phải lâm vào cảnh-giới đau-khổ.  Một khi các nhân ác đã được rửa sạch, những quả lành đầy đủ, các nghiệp hữu-lậu không còn, lúc bấy giờ chúng ta có thể thoát ra khỏi luân-hồi sanh-tử và đạt đến cảnh-giới tốt đẹp, bất sanh bất diệt của các vị A-la-hán, Bồ-tát hay Phật. 

_____ 

(1)    Narada maha Théra

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ II )
THẬP THIỆN NGHIỆP
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712