Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > GIÁO DỤC PHẬT GIÁO
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 15/10/2008 (GMT+7)

CON ĐƯỜNG TU TẬP CỦA PHẬT TỬ

CON ĐƯỜNG TU TẬP CỦA PHẬT TỬ

Giáo lý của đạo Phật giảng dạy một lối sống như thế nào để đem lại sự an lạc cho đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Những nguyên tắc đạo đức, luân lý của đạo Phật luôn hướng đến mục tiêu ấy. Tuy nhiên người Phật tử gặp phải một số khó khăn về nhận thức và hành trì trước kho tàng giáo lý bao la mà như ta thường nói : “Tám vạn bốn ngàn pháp môn”, như sự phân biệt giữa Đại thừa, Tiểu thừa, Trung thừa. Ý nghĩa giác ngộ sâu cạn của Phật, Bồ tát, A la hán, Duyên giác, Độc giác; sự sai biệt giữa Nam tông, Bắc tông; sự khác nhau giữa Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông cũng như các bộ phái; sự dị đồng giữa đạo Phật các vùng địa lý khác nhau trong nước và trên thế giới…Vì vậy người Phật tử thường lúng túng trong nhận thức và hành trì . Tuy pháp môn tu học mênh mông như vậy, nhưng vẫn có đường lối nhận thức và hành trì căn bản. Khái quát con đường tu tập cho người Phật tử, Đức Phật dạy rất đơn giản trong Kinh Pháp cú :
“Đừng làm các điều ác, nên làm các điều lành
Làm thanh tịnh tâm ý, ấy lời Chư Phật dạy”
Điều Phật dạy đơn sơ ấy có thể phân ra hai phần: Đừng làm các điều ác, nên làm các điều thiện và thanh lọc trong sạch tâm ý.
Điều ác và điều thiện là hai mặt đối lập của đời sống thực tiễn, điều ác luôn đưa đến đau khổ và điều thiện luôn đưa đến hạnh phúc ổn định. Thiện và ác là những phản ứng tâm lý, những thói hư tật xấu; những tham vọng hận thù…đều được tích trữ trong tâm thức sâu thẳm. Chúng phản ánh một quá trình tạo nghiệp, và bây giờ chúng trở thành động lực chi phối điều khiển hành vi , ngôn ngữ của con người. Cho nên đi sâu vào bản chất của thiện ác, cái thật sự cần phải tu tập là tâm thức. Làm trong sạch tâm ý là thực hành điều thiện và đoạn trừ cái bất thiện. Đối với Phật tử có đời sống tâm linh siêu thoát thì ý nghĩa về sự trong sạch tâm ý còn đi xa hơn, siêu việt hơn. Trong phạm vi tu tập của Phật tử sơ cơ, chúng ta sẽ bắt đầu bằng bước đi căn bản nhất.

I. VỀ PHƯƠNG DIỆN NHẬN THỨC

Trong Kinh Pháp cú, Phật dạy : “Người nào thấy sai biết là sai, thấy đúng biết là đúng là người có nhận định đúng đắn, sẽ sống một cuộc đời an ổn” , biết rõ điều gì là thiện, là ác, đó là trí tuệ đầu tiên của người Phật tử. Điều ác đưa đến đau khổ và điều thiện đưa đến an lạc. Trang bị cho người Phật tử nhận thức tránh các điều ác, làm các điều lành để: Một là hoàn thiện nhân cách của người Phật tử; hai là nâng cao vai trò của người Phật tử, tích cực chuyển hóa đời sống của con người và xã hội, nghĩa là đủ cả hai yếu tố: tự lợi và lợi tha. Đó cũng là nền tảng của con đường giải thoát tối hậu.
Đề cập đến điều thiện và điều ác, đạo Phật nêu ra mười điều căn bản xuất phát từ ba cơ sở: Thân, khẩu và ý. Nhận thức và hành trì của người Phật tử không ra ngoài phạm vi thực tiển của con người và xã hội. Mười điều ấy được dạy như sau :
Phần một là thân và khẩu:
1. Phật tử xa lìa sự giết hại, chấm dứt sự giết hại, buông bỏ khí giới, tập từ tập bi, bảo hộ cho mọi loài sinh vật . Diệt trừ tận gốc tâm niệm giết hại.
2. Phật tử xa lìa sự không cho mà lấy, chấm dứt sự không cho mà lấy, thường ưa bố thí, tìm niềm vui trong sự bố thí, bố thí mà không cầu đền đáp. Không bị tâm tham che lấp, diệt trừ tận gốc sự không cho mà lấy.
3. Phật tử xa lìa tà dâm, chấm dứt sự tà dâm, không phá hoại danh giá và hạnh phúc gia đình người khác. Phải biết bảo vệ danh dự cho bản thân và tha nhân.
4. Phật tử xa lìa sự nói dối, chấm dứt sự nói dối để mưu cầu tài lợi và sự kính phục. Phải can đảm nói lời chân thực để giúp nguời và để diệt trừ những gian dối đưa đến tội ác.
5. Phật tử xa lìa nói lời hai lưỡi, nói lời ly gián tạo nên sự bất hòa giữa những cá nhân; gây chia rẽ và đổ vỡ trong đoàn thể. Phải nói lời hòa giải, xây dựng sự đòan kết.
6. Phật tử xa lìa ác khẩu, to tiếng cãi vả, nói những lời chửi mắng nguyền rủa, tạo nên sân hận oán thù. Phải nói lời ôn hòa dịu dàng để bày tỏ quan điểm của mình, lời nói phải hướng đến sự thông cảm và cộng tác.
7. Phật tử xa lìa nói lời phù phiếm vô ích, loan truyền những điều mà mình không biết chắc là có thật. Phải nói những lời đúng đắn chân thật, hữu ích gây sự tín nhiệm và kính nể nhau.
Bảy điều trên thuộc về hành vi và ngôn ngữ, là những biểu hiện bên ngoài. Đây là phần hành vi đạo đức.
Phần hai là về tâm ý :
8. Người Phật tử không để cho lòng tham chế ngự và điều khiển mình, không lấy sự thỏa mãn danh lợi tài sắc làm mục đích của đời mình. Phải phát triển tâm giải thoát, tâm buông xả và hướng đến lợi ích cho tha nhân.
9. Phật tử không được giữ tâm sân hận và oán thù. Phải tu tập tâm thương yêu mọi loài và buông bỏ ý niệm sân hận và hãm hại.
10. Phật tử không được chấp nhận những tà kiến, những quan điểm và lý thuyết đi ngược với lý nhân quả và duyên sinh. Không bảo thủ những ý kiếùn của mình. Phải học tập thái độ phá chấp và cởi mở để làm hiển lộ sự thật duyên sinh vềâø con người, cuộc đời và vũ trụ. ( Tham khảo tài liệu Đạo Phật và đời sống hằng ngày và Kinh Người áo trắng- TNH dịch)
Tâm lý u ám, tối tăm và độc ác vì chứa nhiều tâm lý tham, sân, si làm cho tham, sân, si yếu đi hay mất hẳn sẽ đưa đến trạng thái tâm lý thanh tịnh nhẹ nhàng và giải thóat. Đây là phần tâm lý đạo đức.
Như vậy nhận thức về thiện ác, tốt xấu bao gồm hai mặt : không làm và làm. Không làm ác là thiện về mặt tiêu cực, còn làm điều thiện là thiện về mặt tích cực. Đạo Phật chú trọng đến việc tán dương, khích lệ và thúc đẩy để điều thiện, cái tốt có mặt và phát triển sâu rộng, hơn là chăm chú vào chỉ trích, lên án điều ác, cái xấu. Sự có mặt của cái tốt và nuôi dưỡng được cái tốt tự nó sẽ đẩy lùi cái xấu một cách hòa bình.

II. VỀ PHƯƠNG DIỆN THỰC HÀNH

Khi hiểu rõ các sự sai lầøm, bất thiện cũng như các điều thiện, sự thanh tịnh đều xuất phát từ thân thể, ngôn ngữ và tâm ý thì người Phật tử cần phải quyết tâm lọai bỏ những hành vi, ngôn ngữ và tâm ý bất thiện đồng thời phát triển những hành vi, ngôn ngữ và tâm ý thiện, trong sạch, gọi là biếân lý thuyết thành hành động. Chính nhờ ứng dụng lý thuyết vào đời sống hằng ngày, người Phật tử mới hưởng được niềm an lạc trong chánh pháp.
Sự sai lầm chủ yếu từ thân, khẩu, ý nên phương pháp thực hành tu tập cũng bắt đầu từ sự thực tập quán chiếu về hành vi, ngôn ngữ và tư tưởng. Chủ yếu của sự hành trì là vận dụng trí tuệ, sự sáng suốt tỉnh táo trong cuộc sống hằng ngày để kiểm soát các hành vi bản năng từ phần dễ thấy như hoạt động của thân và lời nói đến phần sâu xa khó thấy là tâm ý. Mọi công phu tụng kinh ,niệm Phật…đều phải đưa đến khả năng trí tuệ như vậy. Trong Kinh Trung Bộ, Đức Phật dạy phương pháp hành trì phản tỉnh như sau:

1. Đối với các hành vi :

a. Khi sắp sửa làm một việc gì hãy phản tỉnh rằng: việc này ta làm đưa đến tự hại mình, hại người, hại cả hai không? Nếu có thì đó là việc bất thiện và đưa đến đau khổ, đem đến quả báo khổ. Hành vi như vậy không nên làm .
Nếu sau khi phản tỉnh thấy rằng hành vi này không đưa đến hại mình, hại người, hại cả hai. Nếu thấy rằng hành vi nầy đưa đến lợi mình, lợi người, lợi cả hai thì đó là thiện; đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc, hành vi này nên làm.
b. Khi đang làm một điều gì… sau khi phản tỉnh nếu thấy…(như trên) là bất thiện thì nên từ bỏ chúng. Nếu sau khi phản tỉnh…(như trên) nếu thấy là thiện thì tiếp tục làm.
c. Khi đã làm một điều gì, sau khi phản tỉnh nếu thấy…(như trên) là bất thiện thì cần phải tỏ lộ, trình bày trước Phật hay vị đạo sư hoặc vị thiện hữu có trí để phòng hộ trong tươnglai. Nếu sau khi phản tỉnh…(như trên) là thiện thì hãy an trú trong niềm hoan hỉ, tiếp tục thực hiện ngày đêm.

2. Đối với ngôn ngữ:

a. Khi muốn nói điều gì hãy phản tỉnh: lời nói của ta có đem lại hại mình, hại người, hại cả hai không? Nếu có thì đó là bất thiện,đưa đến đau khổ. Lời ấy không nên nói. Ngược lại là thiện thì nên nói.
b. Khi đang nói điều gì, hãy phản tỉnh…(như trên ), nếu là bất thiện hãy từ bỏ chúng. Nếu là thiện thì tiếp tục nói.
c. Khi đã nói những lời gì mà sau khi phản tỉnh thấy…(như trên) làbất thiện thì cần phải tỏ lộ, trình bày sám hối với Phật, bậc đạo sư hay vị thiện hữu tri thức để phòng hộ trong tương lai. Còn nếu là tốt, là thiện thì hãy an trú với niềm hoan hỉ, tiếp tục tu học.

3. Đối với ý nghĩ:

a. Khi muốn suy nghĩ một ý nghĩ gì cần phải phản tỉnh rằng suy nghĩ này của ta có đem đến tự haị, hại người, hại cả hai không? Nếu thấy là bất thiện thì nên từ bỏ chúng. Nếu thiện thì nên tiếp tục suy nghĩ.
b. Khi đang suy nghĩ, cần phải phảøn tỉnh…(như trên) nếu bất thịên nên từ bỏ chúng. Ngược lại thì nên tiếp tục.
c. Khi đã suy nghĩ, cần phản tỉnh…(như trên). Nếu thấy bất thiện thì nên tỏ lộ, trình bày trước bậc đạo sư hay thiện tri thức để phòng hộ trong tương lai. Nếu thiện thì hãy an trú hoan hỉ, tiếp tục tu học ngày đêm thiện pháp ấy.
Như vậy, trọng tâm của sự trì hành là thường xuyên tỉnh táo, quay lại nhìn vào các diễn biến của hành vi, ngôn ngữ và tâm lý. Chế ngự tâm ý tăng cường khả năng kiểm sóat và điều khiển chúng rất khó như Phật dạy : “Lòng người hay thay đổi và thường chạy theo sở thích, rất khó kiểm soát và vô cùng tế nhị. Chỉ những người biết kiểm soát và chế ngự tâm mình thì mới hạnh phúc thực sự”(Kinh PC).
Sự thực tập hành trì nầy gọi là phương pháp phản tỉnh, còn gọi là pháp môn chánh niệm tỉnh giác.

III. KẾT LUẬN :

Con đường tu tập của người Phật tử là con đường dẫn đến ổn định đời sống, phát triển đạo đức và thăng hoa tâm hồn.
Mười điều không nên làm và nên làm là những nguyên tắc sống của mọi người, nếu muốn sống một cách ổn định và hạnh phúc, không riêng người Phật tử mới thực hành.
Nguyên tắc thanh lọc tâm ý là chuyển hoá lòng tham lam, sân hận, si mê thành vô tham, lòng từ bi và tri thức. Đó là nguyên tắc bắt buộc nếu muốn thành tựu sự thanh tịnh hoàn toàn.
Sự phản tỉnh là điều kiện đầu tiên và xuyên suốt quá trình tu tập. Chính là thực tập chánh niệm tỉnh giác, đó là nguyên tắc tu tập của mọi pháp môn, là con đường duy nhất dẫn đến an lạc và Niết bàn.
Sự thực tập phản tỉnh cần phải thường xuyên mới có kết quả cụ thể bởi vì những thói quen xấu và hành động sai trái khiến cho mình hư hỏng thì dễ làm, nhưng những việc hữu ích và tốt đẹp cho mình thì khó làm. Điều đó cho thấy yếu tố nổ lực, tinh tấn là sức sống của mọi pháp môn.

THÍCH VIÊN GIÁC.

Thich Viên Giác
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712