Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC CĂN BẢN
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 09/08/2008 (GMT+7)

VU LAN NHƯ MỘT TRUYỀN THỐNG SỐNG ĐẠO

Trong truyền thống sinh hoạt của Phật Giáo, đặc biệt là Phật Giáo Việt Nam, Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa và một tinh thần phổ biến đặc biệt, vượt hẳn ngoài tính cách của một tôn giáo để trở nên một khía cạnh đặc thù trong đời sống văn hóa của cả cõi Á Đông nói chung và của dân tộc Việt Nam nói riêng. Không những thế, ý nghĩa và tinh thần của nó còn biểu lộ những chiều kích sâu thẳm của tâm linh mà có lẽ, những tâm hồn khép kín với những giáo điều, tín điều khó hiểu và cảm nhận được.


1.Nguồn Gốc Lễ Vu Lan:


Kinh Vu Lan Bồn (1 quyển, Ngài Trúc Pháp Hộ đời Tây Tấn dịch ra chữ Hán) ghi rằng, Ngài Mục Kiền Liên, một đệ tử lớn và là vị có thần thông đệ nhất trong hàng ngũ những vị đệ tử lớn của Đức Phật, sau khi tu chứng thánh quả, nghĩ đến ơn sâu của người Mẹ đã tạo nhiều ác nghiệp, liền vận dụng thần thông đi tìm mẹ. Thấy mẹ chịu khổ hình, đói khát cùng cực trong kiếp ngạ quỷ, Ngài hết sức xót thương, đem cơm cho mẹ và tìm cách cứu mẹ ra khỏi cảnh khổ. Nhưng mẹ Ngài, do ác nghiệp đã tạo kết với tâm tham lam trong cơn đói khát mà cơm hóa thành lửa đỏ nên không thể ăn được. Ngài đau đớn trở về cầu xin Đức Phật chỉ bày phương pháp cứu mẹ. Nhân đó mà Phật dạy, vì mẹ Ngài gây tội sâu nặng, không thể lấy sức một mình mà cứu được. Chỉ còn cách nương nhờ vào uy lực của chúng Tăng trong mười phương mới mong cứu vớt được mà thôi. Vậy nên, đến ngày Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của Đại Đức chúng Tăng, người con hiếu thuận nên vì cha mẹ đời này và cha mẹ trong nhiều đời mà đem lòng thành, sắm sửa lễ vật dâng cúng để mong nhờ sức lành thanh tịnh của chúng Tăng chú nguyện khiến cho cha mẹ thoát khỏi các đường khổ Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Vâng lời Phật dạy, Ngài Mục Kiền Liên theo đó mà cứu được mẹ. Cũng vâng lời Phật dạy, từ đó mà các hàng đệ tử, với tâm hiếu thuận biết nghĩ đến việc báo ân cha mẹ, mỗi năm đến ngày Rằm tháng Bảy thiết lễ cúng dường Chư Phật, chúng Tăng để hồi hướng phước lành khiến cho cha mẹ chuyển đổi được ác nghiệp, phát khởi được thiện tâm mà xa lìa các đường khổ.


Kinh Vu Lan Bồn, với hình ảnh của Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ và với lời Phật dạy phương pháp cứu mẹ đã dần dần trở nên phổ biến. Ngày Tự Tứ Rằm tháng Bảy của chúng Tăng cũng dần dần trở thành một Lễ Hội với các Đàn Tràng, Pháp Hội, Lễ Cúng Trai Tăng được thiết lâp trong dịp này để, không chỉ những người con hiếu thảo báo đáp ân đức của cha mẹ, mà còn để cho người còn sống trãi lòng đến thân nhân quyến thuộc nhiều đời và đến khắp cả mọi sinh linh trong biển đời đau khổ này.


2.Vu Lan và Tinh Thần Tự Tứ:


Tự Tứ, tiếng Phạn là Pravarana, dịch âm là Bát hòa la. Đây là một sinh hoạt thuộc giới luật Phật chế cho Tăng đoàn; theo đó, trong lễ mãn hạ vào ngày Rằm tháng Bảy mỗi năm, mỗi vị Tăng phải tự mình đối trước một vị Tăng khác để cầu thỉnh vị này nói ra những lỗi của mình mà vị Tăng khác này có thấy, nghe hoặc nghi để vị Tăng đó biết mà sám hối.


Có lỗi mà sám hối thì lỗi mới hết như áo dơ có giặt thì áo mới sạch. Tự mình cầu thỉnh người khác chỉ lỗi là để cho lỗi lầm không còn nơi che dấu; nhờ đó mà người có lỗi mới rủ sạch được lỗi mà thành tựu được sự thanh tịnh. Tăng có thanh tịnh thì mới xứng đáng thọ nhận sự cúng dường; và trong liên hệ với lễ Vu Lan ở đây – mới có sức chú nguyện thanh tịnh để chuyển bạt bao nhiêu ác nghiệp cho người cần được cứu vớt. Vì thế, người con báo hiếu mẹ cha thiết lễ cúng dường Chư Tăng trong ngày Rằm tháng Bảy là ngày chúng Tăng Tự Tứ để nương nhờ sức chú nguyện của chúng Tăng thanh tịnh mà cứu được cái khổ của mẹ cha. Điều cần nói ở đây là, chúng Tăng có thanh tịnh thì mới có sức chú nguyện thanh tịnh để chuyển bạt cái khổ của người khác do bởi ác nghiệp bất tịnh tạo nên. Mà chúng Tăng có thanh tịnh là nhờ có Tự Tứ. Cho nên, ta có thể nói, trên căn bản có chúng Tăng Tự Tứ vào ngày Rằm tháng Bảy mà có lễ Vu Lan Báo Hiếu vào ngày này.


Tự Tứ là một truyền thống sinh hoạt của chúng Tăng. Nhưng tinh thần Tự Tứ không chỉ cần thiết cho chúng Tăng mà thôi mà còn rất nên và rất cần được áp dụng trong đời sống của mỗi và mọi người. Bởi vì, đó chính là tinh thần giáo dục đặt căn bản ở sự tự giáo dục – tự mình mong cầu được người khác chỉ bày lỗi lầm để làm sạch lỗi lầm nơi mình. Cho nên, không chỉ là chúng Tăng mà bất cứ ai trong đời cũng có thể lấy tinh thần Tự Tứ này mà bỏ điều xấu theo điều tốt, mà làm sạch làm đẹp cho bản thân; để từ đó làm sạch làm đẹp cho gia đình, xã hội. Thử hình dung một gia đình mà ở đó, cha mẹ và con cái, vợ và chồng, anh chị và em; hay hình dung giữa bạn bè với nhau, giữa những người cùng làm việc và sinh hoạt trong một tổ chức cũng như giữa người dân với người dân và với chính quyền mà ai cũng thành tâm mong muốn được nghe người khác chỉ lỗi của mình thay vì tìm cách che dấu lỗi mình trong khi lại đi đỗ lỗi cho người khác… Sống với nhau trong tinh thần giáo dục Tự Tứ như vậy thì làm sao mà mỗi người không nên đẹp, mà gia đình không hạnh phúc, xã hội không an lạc.


3.Vu Lan và Tinh Thần Báo Hiếu:


Ngài Mục Kiền Liên nghĩ đến ơn sâu sanh thành dưỡng dục của mẹ mà tìm cách cứu mẹ ra khỏi cảnh khổ. Báo Hiếu chính là biết ơn và báo ơn; và cái ơn sâu nặng đầu tiên mà không ai trong đời không mang là ơn cha mẹ. Nào mang nặng đẻ đau, bú mớm nuông chiều, nào chăm sóc lo lắng, nuôi dưỡng dạy dỗ, nào chịu cực chịu khổ, ngậm đắng uống cay, làm việc hy sinh vv... để mong con nên người. Ơn như thế, làm người không thể không biết.


Đạo Phật đặc biệt chú trọng đến ơn cha mẹ; lại càng đặc biệt chú trọng đến việc báo ơn, xem việc báo ơn không chỉ như một bổn phận mà còn như một đức hạnh nền tảng của mọi đức hạnh, một đức hạnh cao hơn hết mọi đức hạnh như lời Phật dạy: "Điều thiện cùng cực không gì hơn hiếu; điều ác cùng cực không gì hơn bất hiếu." "Người không hiếu thuận không thể bước vào con đường tu tập đạo hạnh." Đặc biệt nữa, Đạo Phật nhấn mạnh, "ơn cha mẹ không dễ gì báo đáp cho trọn vẹn." Đặc biệt chú trọng và nhấn mạnh như vậy cho nên, Đạo Phật không chỉ nói đến việc báo hiếu trong Kinh Vu Lan Bồn mà còn trong rất nhiều kinh khác như Phụ Mẫu Ân Nan Báo Kinh, Hiếu Tử Kinh, Báo Ân Kinh... Điều đáng nói ở đây là cách báo ơn. Theo lẽ đời thường, báo ơn cha mẹ là vâng lời, kính trọng cha mẹ; là chăm sóc, phụng dưỡng áo cơm, thuốc thang đầy đủ cho cha mẹ một khi cha mẹ già yếu, bệnh hoạn; là tưởng nhớ, làm lễ kỵ, giổ cha mẹ một khi cha mẹ đã qua đời. Đạo Phật chấp nhận, tán thán tất cả các hình thức báo hiếu đó, nhưng không dừng lại ở đó. Bởi vì, có báo hiếu như vậy thì cũng chỉ làm cho cha mẹ sung sướng được một đời này và cũng chỉ mới tỏ được cái tấm lòng biết ơn, chứ chưa tròn được nghĩa báo ơn.


Kinh Vu Lan Bồn với tấm gương hiếu hạnh của Đức Mục Kiền Liên nói đến trên đây có thể cho ta thấy rõ việc báo ơn cha mẹ trong Đạo Phật là như thế nào. Báo ơn cha mẹ là làm sao cứu được cha mẹ ra khỏi các đường khổ, không chỉ khi cha mẹ còn sống mà cả khi cha mẹ đã qua đời như Ngài Mục Kiền Liên đã làm. Đạo lý nhân quả – nghiệp báo cho ta thấy rõ một sự thực: đời sống là một diễn biến liên tục từ vô thỉ đến nay và sẽ còn tiếp diễn sau khi chết đi. Trong dòng diễn biến đó, chỉ có cái trước làm nhân cho cái sau với sự tác động của những yếu tố chung quanh chứ không có một đấng tối cao nào thưởng phạt; và không ai có thể tránh được những hậu quả tốt hay xấu của những việc tốt hay xấu đã làm; và rằng, một người chỉ có thể chuyển được ác nghiệp một khi chuyển đổi được tâm ác thành tâm lành để sống đời lành, tạo được nghiệp lành. Cho nên, theo Phật Giáo, Báo Ơn Cha Mẹ không chỉ là cung cấp áo cơm, thuốc thang đầy đủ cho cha mẹ mà còn, căn bản và quan trọng hơn, làm sao cho cha mẹ bỏ ác làm lành, bỏ tà theo chánh để biết tạo nhân lành hôm nay cho quả lành có được ở kiếp sau. Một khi cha mẹ qua đời thì, cũng trong tinh thần đó, đem hết dạ chí thành mà tạo phước lành và cầu nguyện; đồng thời biết nương nhờ vào năng lực gia hộ thanh tịnh của chư Phật, Bồ Tát, các bậc Hiền Thánh Tăng để, trong giao cảm, cha mẹ chuyển đổi được tâm ác, khởi phát được tâm lành mà thoát ly các đường khổ. Lễ Vu Lan – trong đó thường có lễ Cúng Dường Trai Tăng – chính là Pháp duyên để những người con hiếu tạo phước lành hồi hướng cho cha mẹ mà thực hiện việc biết ơn và báo ơn trong ý nghĩa cao quý trên đây.


Vì đặc biệt chú trọng đến việc biết ơn và báo ơn cha mẹ nên đạo Phật đã hòa hợp một cách dung dị với tình cảm tự nhiên và thiêng liêng của con người là tình cảm của con cái với cha mẹ. Không những hòa hợp, Đạo Phật còn nâng cao tình cảm đó thành một phương cách sống Đạo tràn đầy ý nghĩa như ta đã thấy. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến cho Đạo Phật trở thành một yếu tố không thể tách rời trong tâm hồn và đời sống văn hóa của con người Á Đông – cụ thể là Việt Nam. Bởi vì ở đây, khi mà chiến tranh, chủ nghĩa và văn minh vật chất chưa làm hư hỏng, thì đời sống con người vốn trọng tình nghĩa mà trước hết và gắn bó hơn hết là tình nghĩa với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Cho nên mới có những câu: "Uống nước nhớ nguồn." "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây." Cũng bởi vì ở đây, khác với văn hóa Tây phương vốn đề cao chủ nghĩa cá nhân tự do, đời sống văn hóa của dân tộc vốn đặt trên nền tảng gia đình và tinh thần gia tộc – trong đó, mối tương giao giữa con cái với cha mẹ không chỉ là bổn phận mà còn được nâng cao thành một thứ Đạo – với tất cả ý nghĩa thiêng liêng của nó – là Đạo Làm Con hay còn gọi là Đạo Hiếu và là căn bản của Đạo Làm Người. Theo đó, làm con mà không hiếu thuận với cha mẹ thì không thể làm Người. Cho nên mới có câu ca dao nằm lòng: "Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ Hiếu mới là Đạo Con."


Vì vậy, Lễ Vu Lan với tinh thần báo hiếu đã không chỉ là một ngày lễ của Phật Giáo mà trở thành một ngày Hội Lễ của cả dân tộc. Cũng vì vậy mà ta có thể nói, Lễ Vu Lan là một trong những nét đẹp của văn hóa dân tộc; và hơn thế, còn là cái hồn sống căn bản của dân tộc mà Đạo Phật đã cống hiến cho vậy.


Cần nói thêm rằng, Đạo Hiếu không chỉ là thờ cúng Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ dù thờ cúng này là một trong những khía cạnh của đạo Hiếu và có thể xem đây như một trong những hình thức tín ngưỡng sơ khai của nhiều dân tộc. Mặt khác, dưới nhãn quan của người Tây Phương, và trong một vài trường hợp cá biệt, sự thờ cúng này có thể gắn chặt, làm cho con người lệ thuộc với một hình bóng quá khứ đến độ trở thành một thứ ám ảnh bệnh hoạn, như một số nhà phân tâm học đã có nói đến. Nhưng trong các xã hội Á Đông như Trung Hoa, Việt Nam, ... , thực hiếm thấy có những trường hợp gọi được là bệnh hoạn dù đây là nơi mà sự thờ cúng còn được duy trì ở một mức độ phổ biến nhất. Trái lại, nội dung và tác dụng của tín ngưỡng thờ cúng này ở đây đã tỏ ra như một yếu tố tích cực vừa để giữ gìn giềng mối văn hóa truyền thống cho xã hội trước sự tấn công của những "Ông Thần Linh" mới, vừa như một thứ gốc rễ cần thiết để cho cây đời sống của cá nhân được lớn lên một cách quân bình, vững chãi thay vì để nó bị cuốn trôi theo những cơn lốc của thời đại. Riêng hình thức của tín ngưỡng thờ cúng này có thể làm cho đời sống con người bị bận rộn thật đấy và chắc hẳn còn quá nhiều những hình thức mê tín dị đoan ở đó; nhưng tự căn bản, chúng là thể hiện của cái quan niệm "sự tử như sự sinh." (Thờ một người đã chết như đối xử với người đó khi đang còn sống – nghĩa là cũng có đủ cơm ăn, áo mặc, tiền bạc, nhà cửa...)


Ngày nay chủ nghĩa cá nhân ở bên này cũng như chủ nghĩa tập thể ở bên kia cùng với khuynh hướng sống vật dục ở khắp nơi đang làm lung lay nền văn hóa truyền thống vốn lấy gia đình và hiếu đạo làm nền tảng; và vì vậy, đã có nhiều những đổ vỡ trong các gia đình đưa đến cảnh nhiễu nhương trong xã hội ở một mức độ trầm trọng đến có thể gọi được là cơn khủng hoảng đạo đức. Lễ Vu Lan, trong khung cảnh đổ vỡ và khủng hoảng đó, là gia tài còn lại của văn hóa truyền thống để chống đỡ cho nền văn hóa này không bị đánh bật gốc rễ và bị cuốn trôi theo những cơn gió dữ của thời đại; và để cứu vãn những giá trị của gia đình mà giữ lấy cái hạnh phúc của một gia đình nề nếp. Vu Lan còn thì văn hóa dân tộc còn. Văn hóa dân tộc còn thì còn đó, tương lai của nòi giống Việt Nam vậy.


4.Vu Lan và Tinh Thần Cứu Khổ Độ U.


"Đường bạch dương bóng chiều man mác
Hạt đường lê lác đác sương sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế huống là cõi âm"
(Nguyễ Du – Văn Tế Thập Loại Chúng sanh)


Đây là một bức tranh của ngày lễ Vu Lan: Cõi trời đất thê lương man mác. Lòng con người cũng man mác thê lương. Ở cả hai bờ sống đây chết đó như cũng chỉ những oan hồn vất vưỡng, chẳng biết nương tựa vào đâu. Rồi ra, sống như chỉ là một cuộc đi lang thang vô định, tìm kiếm một cái gì mà con người không bao giờ gặp được bởi vì mọi cái đều như không ngừng tan vỡ. Và chết. Cõi tăm tối thê lương ấy, chẳng còn ai biết đó là đâu để con người lang thang tìm kiếm trở nên vật vờ trôi dạt... Cuộc nhân thế vẽ ra chừng như bi thiết quá mức. Nhưng ai có thể nói, đó không là một bức tranh hiện thực ở cuối cùng của ngay cả những tâm hồn hăm hở nhất với cuộc sống này? Trong biển đời sống chết, có vui có buồn, có cười có khóc đó; nhưng có ai cuối cùng mà không phải chạm mặt với cái chết trong khi gần như không ai chuẩn bị sẵn sàng – hay ngay cả nghĩ đến không thôi – cuộc chạm mặt không thể tránh được đó; và khi đó, những gì mà con người đã từng gắn bó thi thiết trong khi sống có khác gì những hình ảnh trong giấc mộng để còn chi là ý nghĩa! Và khi đó, ai mà không cần được cứu vớt, mà không cần được "nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ"
Lễ Vu Lan, trong ý nghĩa mở rộng, là để đáp lại tiếng kêu cứu vớt này, là "Phép Phật", là "Giọt Cam Lồ" để cứu khổ độ u mà đưa tất cả lên đường siêu sinh tịnh độ.


Vu Lan – tiếng Phạn là Ullambana – dịch nghĩa là đảo huyền, có nghĩa là cái khổ bị treo ngược. Lễ Vu Lan chính là Lễ để cứu cái khổ bị treo ngược này. Cái khổ bị treo ngược là một hình ảnh ta co thể thấy trong các hình thức tra tấn tội nhân của loài người. Thì trong cõi chết, cái khổ đó được nói đến cũng không phải là lạ khi mà ta hiểu được rằng, sự sống vẫn còn tiếp diễn sau khi chết và chết chỉ là sự chấm dứt một hình thái sống này để bắt đầu một hình thái sống khác. Hình thái sống khác đó vốn trong liên hệ nhân quả với hình thái sống này nên chúng chẳng cùng là một, cũng chẳng phải là hai mà chỉ là sự diễn biến liên tục; ở đó, hình thái sống khác này có thể nói được là kết quả của cái sống trước. Cho nên, từ cái sống kiếp này, ta có thể nhìn ra được cái sống kiếp sau trên căn bản nhân quả. Cuộc sống hôm nay bày ra đó bao nhiêu sự ác độc của con người thì kiếp sau – như kết quả của nó – làm sao không có khổ báo. Nói đến cái khổ bị treo ngược, vì vậy, chỉ là cách nói biểu thị cho bao nhiêu cái khổ khác khi mà con người và vạn loài còn mãi đắm chìm trong vô minh tăm tối, còn sống theo sự thúc đẩy của những động lực mù quáng. Lễ Vu Lan để cứu lấy cái khổ bị treo ngược cũng có nghĩa là để cứu lấy tất cả cái khổ của tất cả sinh linh mà cụ thể hơn hết – cũng trong cái ý nghĩa biểu thị – là của cô hồn các loại.


Mặt khác, như nguồn gốc của nó cho thấy, Lễ Vu Lan là để báo hiếu bằng cách cứu mẹ cha ra khỏi đường khổ. Nhưng vì, con người và muôn loài không chỉ đã sống một kiếp sống này mà còn trong vô lượng kiếp sống về trước; cho nên, cũng không phải chỉ có cha mẹ một đời này mà còn mẹ cha của bao đời trước đó. (Trong kinh sách thường nói là cha mẹ bảy đời). Nói một cách rốt ráo và trong nhãn quan của Đạo Phật về sự luân hồi sống chết bất tận, thì chúng sanh muôn loài đó, trong cõi sống hay cõi chết, cũng đều có thể là Cha Mẹ quyến thuộc của ta cả. Báo hiếu mẹ cha, trải rộng ra, chính là báo hiếu tất cả chúng sanh. Lễ Vu Lan Báo Hiếu Mẹ Cha, vì vậy mà trở thành lễ Vu Lan "tháng bảy ngày rằm, xá tội vong nhân", cứu khổ cho vạn loài. Và cũng vì vậy, ngoài lễ Cúng Dường Trai Tăng, mùa Vu Lan còn là thời gian để thực hiện những Pháp Hội, Đàn Tràng Chẩn Tế với đủ thứ phẩm vật dâng cúng, đặc biệt là cúng cho cô hồn các loại là loại chúng sanh đói khổ nhất. Nhưng chủ yếu ở đây là tụng kinh, chú, cầu nguyện để đem năng lực gia trì của Chư Phật, Bồ Tát, Chư Hiền Thánh Tăng mà chuyển bạt những hình thức khổ báo cho chúng sanh trong các đường ác. Năng lực chuyển bạt đó như năng lực cảnh tỉnh của tiếng chuông với người trong cơn mê. (Với người chết như vậy thì với người sống cũng như vậy. Cho nên, trong khi cúng cầu cho người chết thì với người sống, người ta thường tổ chức các buổi phát chẩn cho người nghèo, ủy lạo cho các bệnh nhân, ân xá cho tội nhân,....)
Tất cả đó vốn xuất phát từ cái nhãn quan rộng rãi về cõi sống, cõi chết trong đạo Phật như đã nói mà động cơ thực hiện của nó là Lòng Từ Bi không phân biệt, không điều kiện, không giới hạn, Lòng Từ Bi mở rộng đến vô cùng, vô lượng.

Mang Lòng Từ Bi đó mà sống, mà thực hiện mọi việc, theo Phật Giáo, chính là Sống Đạo với cái nghĩa tích cực và cao đẹp nhất của nó mà Lễ Vu Lan mang đến cho chúng ta vậy.

TT. Thích Nguyên Hạnh
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712