Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

12 - Ðối Trị Các Chấp Sai Lầm-Chấp Ngã Và Chấp Pháp

BÀI THỨ MƯỜI HAI

PHẦN GIẢI THÍCH

ÐỐI TRỊ CÁC CHẤP SAI LẦM 

CHÁNH VĂN

       Tất cả các chấp sai lầm (tà chấp), đều do Chấp-ngã và Chấp-pháp mà sanh; nếu rời Chấp-ngã và Chấp-pháp thì không còn các chấp sai lầm. 

I.       CHẤP-NGÃ (chấp bản-ngã thật có). 

Chúng phàm-phu Chấp-ngã có 5 thứ: 

  1. Chấp “Hư-không là Chơn-tánh của Như-lai”.  

Vì phá chấp của chúng-sanh nên trong kinh Phật nói:  “Pháp thân của Như-lai rốt-ráo vắng-lặng, cũng như hư-không”.  Chúng phàm-phu nghe nói như thế, không hiểu, lại lầm chấp: “Hư-không là chơn-tánh của Như-lai”. 

Vì đối trị chấp sai lầm này, nên phải giải-thích rằng:  “Hư-không là pháp hư-dối, không có thật-thể; do đối với sắc tướng mà thấy có hư-không; nếu không có sắc-tướng thì cũng không có tướng hư-không.  Nghĩa là từ hồi nào đến giờ, tất cả cảnh-giới (sắc pháp) đều do vọng-tâm biến-hiện, không có pháp nào ngoài tâm; chúng-sanh không biết, vọng chấp (biến-kế chấp) là thật có.  Nếu vọng tâm hết, thì các cảnh-giới cũng không còn.  Lúc bấy giờ chỉ còn chơn-tâm hiện khắp tất cả.  Ðó là Pháp-thân quảng-đại thuộc về tâm-trí (tánh trí) của Như-lai, không phải như hư-không, không có tri-giác. 

LƯỢC GIẢI 

       Ðối trị chấp tà là phá-trừ các sự chấp-nhứt sai lầm.  Các sự chấp-nhứt  sai lầm đều do Chấp ngã, Chấp pháp mà sanh.  Nếu phá-trừ được Chấp ngã, Chấp pháp thì các chấp sai lầm không còn. 

       Vì quan-niệm thân-tâm là thật, nên gọi là Chấp ngã; quan-niệm vũ-trụ vạn-vật là thật, thì gọi là chấp pháp. 

       Chúng-sanh chấp Pháp-thân của Phật có hình-tướng như thế này, hoặc như thế kia v.v…  Vì muốn phá các chấp sai lầm ấy, nên Phật nói:  “Pháp-thân của Phật rốt-ráo vắng-lặng cũng như hư-không”. 

       Nghe trong kinh nói như vậy, chúng-sanh trở lại chấp:  “Hư-không là Pháp-thân của Như-lai”.  Vì phá cái chấp sai lầm này, nên ngài Mã-minh giải-thích rằng:  “Hư-không là cái không thật-thể, do các sắc-tướng mà thấy có hư-không.  Nếu không có sắc-tướng thì cũng không có hư-không.  Cả sắc-tướng và hư-không đều do vọng tâm biến hiện; rồi chúng-sanh lầm chấp là thật có.  Nếu vọng tâm hết thì sắc tướng và hư-không cũng không còn.  Lúc bấy giờ bản-thể chơn-tâm hiện ra, rộng lớn bao-la và trùm khắp tất cả.  Ðó là Pháp-thân thanh-tịnh của Như-lai.  Ðây thuộc về phần tâm-trí, không phải như hư-không, không có trí-giác.

CHÁNH VĂN 

  1. Chấp “Chơn-như hay Niết-bàn, chỉ là không không, chẳng có chi hết”.  

Vì phá vọng-chấp của chúng-sanh, nên trong kinh Phật nói:  “Các pháp thế-gian rốt-ráo không có thật-thể; cho đến các pháp xuất-thế-gian, như Chơn-như hay Niết-bàn rốt-ráo không có thật-thể; từ hồi nào đến giờ, nó không có sắc tướng”.  Chúng phàm-phu nghe nói như vậy không hiểu, trở lại chấp: “Chơn-như hay Niết-bàn là không có chi hết”. 

Vì đối-trị sự chấp sai lầm này, nên phải giải-thích rằng:  “Chơn-như hay Pháp-thân của Phật, chẳng phải không có tự thể; nó sẵn có và đầy-đủ vô-lượng công-đức”. 

LƯỢC GIẢI 

       Ðoạn trên phá quan-niệm sai lầm, chấp “hư-không là chơn-tánh của Như-lai”; đoạn này phá quan-niệm sai lầm cho rằng “Chơn-như hay Niết-bàn là cảnh-giới hư-vô ảo-tưởng, không có chi hết”. 

       Chúng-sanh thường lầm-tưởng “Các pháp thật có”.  Vi phá-trừ quan-niệm sai lầm ấy, nên trong kinh Phật nói:  “Các pháp thế-gian hư-giả không thật; cho đến các pháp xuất-thế-gian như Chơn-như, Bồ-đề, Niết-bàn v.v… rốt-ráo cũng không có thật-thể, vì không có các hình-tướng”.  Chúng phàm-phu nghe nói như vậy không hiểu, trở lại chấp: “Chơn-như hay Niết-bàn v.v… là cảnh-giới hư-vô ảo-tưởng, chẳng có chi hết”. 

       Ðể đối trị sự chấp sai lầm này, nên ngài Mã-minh Bồ-tát giải-thích rằng:  “Chơn-như, Pháp-thân hay Bồ-đề, Niết-bàn, không phải là cảnh-giới ảo-tưởng hư-vô, không có gì cả; mà nó sẵn có đầy-đủ vô-lượng đức-tánh, nhiều hơn số cát sông Hằng, như: thiện, thường, lạc, ngã, tịnh, giải-thoát v.v… 

CHÁNH VĂN 

  1. Chấp “Như-lai tạng có các hình-tướng sai-khác như Sắc và Tâm v.v…”  

Nghe trong kinh Phật nói:  “Như-lai tạng, không tăng không giảm, sẵn đủ tất cả các công-đức”; chúng phàm-phu vì không hiểu nghĩa này, nên trở lại chấp: “Như-lai tạng có đủ các hình-tướng sai khác, như sắc và tâm v.v…” 

Ðể đối-trị sự chấp sai lầm này, nên phải giải-thích rằng:  “Căn-cứ về thể chơn-như thì không có sắc tướng sai khác; còn theo tướng nhiễm-ô sanh-diệt, thì có các hình-tướng sai khác”.

LƯỢC GIẢI 

       Ðoạn này phá quan-niệm sai lầm cho rằng: “Chơn” đồng với “Vọng”. 

       Nghe trong kinh Phật nói:  “Như-lai tạng, không tăng không giảm, sẵn đủ tất cả đức tánh”; chúng phàm-phu không hiểu, trở lại chấp “Như-lai tạng cũng có các hình-sắc sai khác”. 

       Ðể đối trị quan-niệm sai lầm này, ngài Mã-minh giải-thích rằng:  “Thể chơn-như” (Chơn-như môn) thì thanh-tịnh không có các hình-tướng sai khác; còn về “tướng sanh-diệt” (Sanh-diệt môn) thì đủ các hình-tướng sai khác”. 

 CHÁNH VĂN 

  1. Chấp “Trong Như-lai tạng thật có đủ các pháp sanh-tử nhiễm-ô”.  

Nghe trong kinh Phật nói: “Các pháp sanh-tử nhiễm-ô của thế-gian, đều do Như-lai tạng mà có; tất cả các pháp đều không rời Chơn-như”; chúng phàm-phu không hiểu nghĩa này, lại chấp: “Chính trong bản-thể Như-lai tạng, sẵn có tất cả các pháp sanh-tử nhiễm-ô của thế-gian”. 

Ðể đối trị cái chấp sai lầm này, nên giải-thích rằng:  “Từ vô-thỉ tới giờ, trong Như-lai tạng, chỉ có các công-đức thanh-tịnh, nhiều hơn số cát sông Hằng.  Các công-đức này không lìa, không đoạn và cũng không khác với chơn-như; còn hằng-hà sa số các pháp phiền-não nhiễm-ô kia, chỉ là hư-vọng, vốn không có thật-tánh.  Bởi thế nên từ hồi nào đến giờ, trong Như-lai tạng chưa từng thật có các pháp nhiễm-ô.  Nếu trong bản-thể Như-lai tạng (chơn) thật có các phiền-não nhiễm-ô, rồi hành-giả phải diệt trừ các phiền-não nhiễm-ô, mới chứng được chơn-như thanh-tịnh, thì rất vô lý. 

LƯỢC GIẢI 

       Chúng phàm-phu nghe trong kinh Phật nói:  “Các pháp sanh-tử nhiễm-ô đều do Như-lai tạng mà có, các pháp không rời Chơn-như”; rồi họ chấp “Trong Như-lai tạng hay Chơn-như, thật có sẵn các pháp sanh-tử nhiễm-ô”. 

       Ðể phá quan-niệm sai lầm này, nên ngài Mã-minh Bồ-tát giải-thích rằng:  “Từ hồi nào đến giờ, trong Như-lai tạng (chơn) chỉ có hằng-hà sa-số đức tánh thanh-tịnh, các đức tánh này không rời chơn-như; còn các pháp sanh-tử nhiễm-ô, vì là hư-vọng, không có thật thể, nên từ hồi nào đến giờ, không có ở trong Như-lai tạng”. 

       Như-lai tạng hay Chơn-như, dụ như “tâm người đương thức tỉnh”; sanh-tử nhiễm-ô, dụ như “giấc ngủ mà có chiêm-bao”.  Ðành rằng “cái ngủ chiêm-bao” là nương nơi “tâm người thức tỉnh” mà có; song từ hồi nào đến giơò, trong “tâm người thức tỉnh”, không bao giờ thật có chứa sẵn “cái ngủ chiêm-bao”.  Bởi “cái ngủ chiêm-bao” hư-vọng không thật, nên khi thức giấc rồi thì nó tự mất.  Cũng thế, các pháp sanh-tử nhiễm-ô, vì hư-vọng không thật, nên khi giác-ngộ rồi, nó không còn. 

       Nếu quan-niệm rằng: “Trong Như-lai tạng thật có sẵn các phiền-não nhiễm-ô; hành-giả phải diệt-trừ hết các phiền-não nhiễm-ô, mới chứng được chơn-như thanh-tịnh”, thì không phải.  Cũng như nói “trong tâm người thức-tỉnh, thật có sẵn “cái ngủ chiêm-bao”, phải diệt-trừ hết “cái ngủ chiêm-bao” rồi, mới được thức tỉnh”; nói như thế rất là phi lý. 

       Phải biết, các phiền-não sanh-tử, chỉ là cái mê-vọng, không có thật-thể.  Phật đã dạy rằng: “Biết mình mê thì cái “mê” hết, cái “biết” đó không sanh mê trở lại” (Giác mê mê diệt, giác bất sanh mê).  Cũng như người khi biết mình dại, thì không còn dại nữa.  Lúc bấy giờ họ trở thành khôn; khi đã khôn rồi, cái “khôn” đó không sanh dại trở lại nữa. 

       Nếu cái “dại” (mê) này thật có, thì khi biết khôn (giác) rồi, cái “dại” đó trốn núp ở đâu?  Cũng như “cái ngủ chiêm-bao” nếu thật có, thì khi tỉnh thức rồi nó phải còn.  Nhưng vì nó không còn, nên biết “cái ngủ chiêm-bao” (mê dại) này không thật có. 

       Nếu nói “phải diệt trừ hết các pháp sanh-tử nhiễm-ô, mới chứng được chơn-như thanh-tịnh”, thì cũng như nói “phải phá trừ cho hết “cái ngủ chiêm-bao” rồi, mời được sự thức tỉnh”; nói như thế, đều phi lý. 

       Bởi thế nên từ hồi nào đến giờ, trong Như-lai tạng hay Chơn-như, không bao giờ thật có pháp sanh-tử nhiễm-ô; cũng như trong “tâm người đang thức tỉnh”, không bao giờ thật có “cái mê ngủ chiêm-bao” vậy. 

CHÁNH VĂN 

  1. Chấp “Chúng-sanh có thỉ, chư Phật có chung tận”.  

Chúng phàm-phu nghe trong kinh Phật nói:  “Do Như-lai tạng mà có sanh-tử, do Như-lai tạng mà đặng Niết-bàn”.  Vì họ không hiểu, nên chấp “Chúng-sanh hữu thỉ (có đầu tiên) và chư Phật chứng Niết-bàn, sẽ có ngày chung tận, rồi trở lại làm chúng-sanh”. 

Ðể đối trị các chấp sai lầm này, nên giải-thích rằng: Như-lai tạng (Chơn-như tại triền) và vô-minh đều có từ vô thỉ (không có đầu tiên).  Nếu nói chúng-sanh (vô-minh) hữu thỉ (có sanh-khởi đầu tiên) là kinh của ngoại đạo nói (kinh Ðại-hữu), không phải kinh Phật. 

       Lại nữa, Như-lai tạng không có chung tận; chư Phật chứng Niết-bàn là thể nhập (tương-ưng) Như-lai tạng, nên cũng không có chung tận. 

LƯỢC GIẢI 

Chúng-sanh nghe trong kinh Phật nói: “Do Như-lai tạng mà có sanh-tử, do Như-lai tạng mà chứng Niết-bàn”; rồi họ suy luận và chấp rằng: vì do Như-lai tạng mà có sanh-tử (Vô-minh, chúng-sanh); như thế thì chúng-sanh (sanh-tử, vô-minh) tất phải có sự bắt đầu sanh khởi; (hữu thỉ) và do Như-lai tạng mà chứng Niết-bàn; vậy thì Niết-bàn cũng có sự bắt đầu sanh khởi (hữu thỉ).  Do đó người ta kết-luận: Chúng-sanh đã hữu thỉ nên cũng hữu chung; Niết-bàn hữu thỉ nên cũng hữu chung.  Bởi thế nên họ chấp chư Phật chứng Niết-bàn rồi, có ngày cũng cùng tận, phải trở lại làm chúng-sanh. 

Ðể đối trị sự chấp sai lầm này, nên ngài Mã-minh Bồ-tát giải-thích, đại-ý rằng “Chơn-như và vô-minh đồng thời có từ Vô thỉ”.  Cũng như chất ngọt và chất chát đồng thời có trong trái hồng.  Song hành-giả khi chuyển phiền-não trở lại Bồ-đề, chuyển sanh-tử trở lại Niết-bàn, thì lúc bấy giờ chúng-sanh không còn (chung tận), mà chỉ còn chơn-như hay Phật.  Cũng như khi trái hồng lớn chín, đổi hết chất chát chỉ còn chất ngọt.  Khi trái hồng đã chín ngọt rồi, thì không bao giờ trở lại chát nữa.  Cùng như khi đã thành Phật rồi, không bao giờ trở lại làm chúng-sanh nữa. 

Vậy nên biết, vô-minh (chúng-sanh) vô thỉ mà hữu chung; Chơn-như (Phật) vô thỉ vô chung. 

Kinh Phật thì nói “chúng-sanh vô thỉ”; còn kinh Ðại-hữu của ngoại-đạo lại nói “chúng-sanh hữu-thỉ”. 

CHÁNH VĂN 

I.       CHẤP-PHÁP (chấp thật có vũ-trụ vạn hữu). 

Ðối với hàng Nhị-thừa, vì độn căn chấp ngã, nên trong kinh, Phật nói: “Chỉ có năm ấm sanh-diệt, không có thật ngã”.  Nghe như thế, hạng này trở lại chấp “Thật có năm ấm sanh-diệt” (chấp thật pháp), nên họ rất sợ khổ sanh-tử và cầu vui Niết-bàn. 

Ðể đối trị cái chấp sai lầm này, nên phải giải-thích rằng:  “Tánh của năm ấm, từ hồi nào đến giờ, vốn là Niết-bàn, không sanh và cũng không diệt”. 

LƯỢC GIẢI

       Năm ấm tức là sắc, thọ, tưởng, hành và thức.  Vì năm đám mây này che khuất vừng trăng chơn-như nên gọi là “Ấm” (che). 

       Ðể phá trừ chấp ngã của hàng Nhị-thừa độn-căn, nên Phật nói:  “chỉ có năm ấm sanh-diệt, không có thật ngã”.  Lúc bấy giờ hạng này không còn chấp ngã, mà trở lại chấp pháp; nghĩa là chấp thật có năm ấm, thật có khổ sanh-tử và vui Niết-bàn.  Do đó, họ rất sợ sanh-tử và thích thú ở mãi nơi cảnh Niết-bàn. 

       Ðể phá trừ cái chấp thật pháp của Nhị-thừa, nên ngài Mã-minh Bồ-tát giải-thích, đại-ý rằng “Tướng của các pháp không thật, tánh nó là Chơn-như, là Niết-bàn, xưa nay không sanh nên cũng không diệt”.  Vì các pháp không thật có, nên Bồ-tát không sợ sanh-tử, mà thường qua lại sanh-tử để độ sanh và không yên vui ở mãi nơi Niết-bàn”. 

       Nếu nói một cách đầy đủ, thì phải nói: “vô ngã và vô pháp”.  Nhưng đây vì đối với hàng Nhị-thừa, nên Phật chỉ mới nói “Năm ấm vô thường”, chứa chưa nói đến “sanh-tử tức chơn-thường”. 

CHÁNH VĂN 

       Lại nữa, nếu người rốt-ráo xa-lìa các vọng-chấp, thì mới biết rò các pháp nhiễm-tịnh đều do đối đãi nhau mà thôi, thật ra không có cái tướng gì có thể kêu gọi được.  Bởi thế nên, từ hồi nào đến giờ, tất cả các pháp, không phải sắc, không phải tâm, không phải trí, không phải thức, không phải hữu, không phải vô, rốt-ráo không có tướng gì có thể gọi được.  Song, sở-dĩ Phật có nói năng kêu gọi như thế này hoặc như thế kia, là vì đức Như-lai khôn-khéo, phương-tiện tạm dùng lời nói để dẫn-dắt chúng-sanh, mục-đích là làm cho chúng-sanh xa-lìa các vọng-niệm (ly niệm) trở về chơn-như; nếu còn vọng-niệm thì tâm phải sanh-diệt, nên chắng nhập được trí Phật (thật-trí: chơn-như). 

LƯỢC GIẢI 

       Từ hồi nào đến giờ, tất cả các pháp, không phải sắc, không phải tâm, không phải trí, không phải thức v.v… chỉ vì chúng-sanh vọng-chấp phân-biệt, so-sánh (biến-kế chấp) đối đãi với nhau mà thành thế này hoặc thế kia, như đối với hữu gọi là vô, đối với sắc gọi là tâm, đối với thức gọi là trí, đối với cao gọi là thấp, đối với lớn gọi là nhỏ, đối vớ tốt gọi là xấu v.v…  Nếu chúng-sanh rốt-ráo xa-lìa các vọng chấp, thì thật không có một pháp gì có thể kêu gọi được.  Lúc bấy giờ hành-giả mới thấy rõ các pháp không thể kêu gọi (ly danh-tự tướng) không thể nói năng luận bàn (ly ngôn thuyết tướng) hay suy-nghĩ được (ly tâm duyên tướng). 

       Chư Phật đã hoàn-toàn xa lìa các vọng-chấp, song còn gọi pháp khổ, pháp vui, nhiễm tịnh, sanh-tử Niết-bàn v.v… là vì Phật phương-tiện tạm đặt ra những danh-từ kêu gọi như thế, mục-đích là để dẫn-dắt chúng-sanh lìa các vọng niệm chấp trước, đặng nhập vào chơn-như hay trí Phật.  Khi chúng-sanh đã nhập chơn-như hay trí Phật rồi, lúc bấy giờ cũng không còn danh-từ gì có thể kêu gọi được. 

       Bài này nói về phần đối trị các chấp sai lầm rồi, đến bài thứ 13, sẽ nói về hành-tướng phát tâm đến đạo.

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ X & XI)
13 - BA MÓN PHÁT TÂM
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712