Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > VĂN HÓA PHẬT GIÁO
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 30/05/2008 (GMT+7)

Trăng Linh Thứu

Thời Phật còn tại thế, hàng năm, các vị Tỳ-kheo đều vân tập về một địa điểm được tăng đoàn đồng thuận trong ba tháng an cư. Đây là thời gian tăng đoàn cùng nhau thúc liễm thân tâm, kiểm điểm và chia xẻ quá trình tu tập và thỉnh ý Đức Thế Tôn, xin soi sáng và chỉ dẫn những gì còn hoài nghi chưa rõ.
Lần an cư thứ mười chín, tăng đoàn thỉnh Đức Thế Tôn lên núi Thứu, thuộc thành Vương Xá. Đây là một ngọn núi hùng vĩ, có hình dáng như chim Thứu nên núi mang tên là Thứu-Sơn. Chính nơi ngọn núi này, Đức Thế Tôn đã giảng Kinh Đại Thừa Bát Nhã hai mươi hai lần và những pho kinh quan trọng như Pháp Hoa, Lăng Nghiêm nên núi còn mang tên là Linh Thứu.
Trước lần an cư thứ mười chín, vì thấy Đức Thế Tôn rất ưa lên núi Thứu tọa thiền nên vua Tần-Bà-Xa-La đã cho xây những bậc đá từ chân lên tới đỉnh núi để sự đi lại đỡ vất vả, hiểm nguy. Cũng trên núi Thứu này, nhà vua còn cất một tĩnh thất để khi lên đó, Đức Phật có chỗ nghỉ ngơi. Quanh tĩnh thất của Đức Phật, các đại đệ tử như trưởng lão Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ananda v… v… đều tự tìm những thạch thất riêng để được gần Thế Tôn.
Linh Thứu dù hùng vĩ đến đâu nhưng khi đêm xuống, chắc chỉ còn là một mầu đen, nếu đó là những đêm không trăng. Ấy thế mà lạ thay, dường như trăng chưa từng vắng mặt những khi sương núi chợt ấm áp bên những vạt ca-sa. Qua kinh điển và những truyện kể lại, chúng ta thường được dẫn dắt về hình ảnh những đêm trăng mầu nhiệm, lung linh trên ngọn núi có Bậc Giác Ngộ và tăng đoàn của Ngài đang lặng lẽ, an nhiên tọa thiền. Trăng trải ánh bạc trên những nếp y vàng, long lanh ý-từ châu ngọc, tưởng như từng hạt sương, từng ngọn gió cũng thầm lặng vui mừng nghe tiếng kinh ngân.
“Trái tim ơi,
Không mây,
Không núi.
Trăng tìm bóng tối
Biết tìm nơi đâu!” (*)
Ánh trăng tỏa trên Linh Thứu đã mặc nhiên ướp đẫm hương từ-bi nên trăng không còn phân biệt đâu là mây, đâu là núi. Bằng tâm từ bi, trăng không chỉ an nhiên hiển lộ, mà còn đi tìm những nơi tăm tối để tỏa sáng an lạc. Như bước chân Bậc Giác Ngộ không ngừng tìm đến nơi đau khổ, chốn vô minh để mở đường, dẫn lối giải thoát.
Với tôi, ba tiếng “Trăng Linh Thứu” mang hình ảnh tuyệt vời cả về Đạo Pháp lẫn thi ca mà tôi chưa đủ sức diễn tả hết. Nhưng tôi có thể nói về Trăng Linh Thứu một cách thân thương và gần gũi hơn qua tình đạo hữu với một người bạn đặc biệt.
Thưa, Trăng-Linh-Thứu cũng là tên địa chỉ điện thư của một người bạn trẻ mà thỉnh thoảng tôi liên lạc để trao đổi Phật-sự. Theo tuổi đời, anh còn trẻ lắm, đối với tôi, nên mỗi lần tình cờ gặp trong các đạo tràng khi đi nghe pháp, anh thường chắp tay chào theo cách người con Phật “Chào cô Diệu Trân” và xưng “con” với tôi, rất tự nhiên và thân ái. Anh có làn hơi thiên phú, rất truyền cảm, trầm ấm mà cũng đầy mạnh mẽ, ngọt ngào. Anh cúng dường quà tặng này tới bất cứ nơi nào mời gọi trong các lễ hội, các buổi thuyết pháp hoặc ngay cả những sinh hoạt của Gia đình Phật tử. Chính tôi cũng nhiều lần mời anh ngâm thơ, hát, những bài thiền ca, Phật ca khi tổ chức ra mắt kinh, sách, hay thơ nhạc của quý thầy.
Sự liên hệ trong tình bạn đạo của chúng tôi rất thân ái như thế.
Một lần, tôi nhận được một tờ tạp chí Phật Giáo Việt Nam, có bài tường thuật về Lễ Hội Quan Âm lần thứ 5 tại thành phố Houston, Texas. Tôi biết đến Lễ Hội cũng chính nhờ có số báo này. Qua bài tường thuật, Lễ Hội đã được sự chứng minh và tham gia đông đảo của hầu hết Chư Tôn Đức Tăng, Ni khắp nơi, cũng như Phật-tử xa gần khắp 5 châu về tham dự; và giây phút cực kỳ hoành tráng trong Đêm Hoa Đăng là phút ngọn lửa thiêng giữa hồ Hương Thủy được thắp bùng lên. Đó cũng là lúc giọng ca của một nam Phật tử cất lên với bài “Lửa Từ Bi”, đầy hùng lực, vang động giữa rừng người đang nhiếp tâm tự thắp ngọn lửa trong tim mình.
Lần đó là giọng hát của anh bạn trẻ.
Giọng hát của Phật tử Chiếu Tuệ, thuộc Đoàn Thanh Niên Sinh Viên Thích Thiên Ân.
Lễ Hội Quan Âm lần thứ 5 đó, là những ngày cuối tháng ba năm 2006. Giữa tháng tư sau đó, chúng tôi tổ chức buổi “Thơ Nhạc Tuệ Sỹ” tại khuôn viên chùa Bảo Quang, Chiếu Tuệ đã đến, theo lời mời, đã ngâm những bài thơ trong thi phẩm “Giấc Mơ Trường Sơn” của thiền-sư Tuệ Sỹ, đã hát những bản nhạc trong Tuệ Ca mà nhạc sỹ Trần Quan Long đã phổ từ thơ của vị thiền-sư vóc hạc, mà tinh thần vô úy đã từng vượt không gian, thời gian qua bản án tử hình.
Sau buổi trình diễn đó, tôi ít gặp Chiếu Tuệ. Gần như là không gặp cho đến cả năm sau.
Tôi có chút duyên với ni-sư Như Ngọc nên thỉnh thoảng có dịp đi ngang con đường Thiên Nga (Swan) thì lại ghé vào vấn an ni-sư. Lần đó, cũng như mọi lần, sau khi thăm hỏi, thưa chuyện với ni-sư, tôi chắp tay xá, tính ra về thì từ hành lang sau chánh điện, tôi thoáng thấy bóng dáng một vị tăng đi ra. Bằng phản ứng tự nhiên, tôi cúi đầu, chắp tay. Và tôi nghe tiếng cười nhẹ của ni-sư Như Ngọc:
-Diệu Trân không nhận ra vị tăng trẻ này là ai ư?
Tôi chậm chạp ngẩng lên.
Mắt tôi chạm vào ánh mắt thân ái, quen thuộc.
Toàn thân tôi rung động.
Đôi giòng lệ ứa ra, lăn trên má.
Tôi nghẹn ngào. Và không biết sao lại nghẹn ngào đến thế. Bằng tất cả sự cố gắng, tôi vẫn không thể phát âm trôi chảy được hai tiếng:
-Thưa … thầy …
Vị tăng trẻ chắp hai tay, bình tĩnh và điềm đạm trấn an cơn xúc động của tôi bằng giọng nói đầm ấm:
-Cô Diệu Trân khỏe chứ?
Tôi đã lấy lại hồn, nhưng nghe giọng mình vẫn ướt sũng:
-Dạ … thưa … thầy, con vẫn thường. Thưa thầy, thầy … xuất gia từ bao giờ vậy?
Đứng trước người khoác áo ca-sa, tôi đã tự động xưng hô như thế. Vị tăng trẻ mỉm cười:
-Gần một năm rồi, cô Diệu Trân ạ. Có lẽ là sau lần đến ngâm thơ của thầy Tuệ Sỹ đó.
Lúc này thì tôi mới bật khóc thành tiếng:
-Trời ơi! Thật là phước đức! Thật là phước đức quá! Con xin mừng cho thầy.
Tôi mừng mà cứ khóc. Khóc vì mừng, vì đang nhìn tận mắt, hạnh phúc vô biên của người bạn cũ. Bạn tôi, Phật-tử Chiếu Tuệ nay đã là vị tăng sỹ, pháp danh Thích Tánh Tuệ.
Thầy Tánh Tuệ đang tu học ở một tu viện trên núi, nay xuống phố vì chút Phật-sự và thầy ghé thăm ni-sư.
Hôm đó, trên đường lái xe từ chùa A Di Đà về nhà, tôi nghe được trong không gian, bàng bạc giọng ca, giọng ngâm của Chiếu Tuệ như quyện vào chuông mõ, âm thanh của “ Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Võ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, Cộng Mạng chi điểu, thị chư chúng điểu, trú dạ lục thời, xuất hòa nhã âm, kỳ âm diễn xướng: ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần, như thị đẳng pháp, kỳ độ chúng sanh văn thị âm dĩ, giai tất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng” (+)
Cuối tháng ba năm nay, 2007, tôi một mình lên đường sang Houston dự Lễ Hội Quan Âm lần thứ sáu. Cũng lạ. Năm lần tổ chức trước tôi đều không biết. Tâm thế gian thờ ơ đến thế!
Lễ Hội cực kỳ hoành tráng này đã được nhiều nơi tường thuật chi tiết, tôi có nói thêm cũng chỉ là nhắc lại. Nơi đây, tôi chỉ muốn nói về giây phút ngọn lửa thiêng giữa hồ Hương Thủy bùng lên trong Đêm Hội Hoa Đăng. Chi tiết này tôi đã được đọc trong bài tường thuật về Lễ Hội năm trước, nhưng sự tưởng tượng quả là khác xa, khi thực sự thân và tâm được hiện hiện nơi đó, hít thở không khí đó, mới cảm nhận được sự mầu nhiệm bất khả tư nghì qua năng lượng kỳ diệu của Đạo Pháp. Lòng thành khẩn bao nhiêu sẽ giao cảm được bấy nhiêu. Tôi biết chắc như thế khi giọng hát của nam ca-sỹ Gia-Huy cất lên bài Lửa Từ Bi. Nước mắt tôi ràn rụa khi nhìn Gia Huy đứng trên cầu Hương Thủy, cả thân, tâm, ý gửi vào tiếng hát xưng tán ngọn lửa thiêng đã thắp sáng để sưởi ấm và xóa nhòa khổ đau. Nhìn Gia Huy mà tôi thấy Chiếu Tuệ. Nơi này, năm trước, Chiếu Tuệ đã đứng đây, trước Tôn Tượng Mẹ Hiền Quan Thế Âm, trước bao Chư Tôn Đức Tăng Ni, trước hàng ngàn Phật tử, hàng muôn tấm lòng, Chiếu Tuệ đã cất cao lời hát cúng dường Tam Bảo. Chiếu Tuệ cảm nhận được gì trong phút giây ấy mà khi trở về, ánh lửa Đêm Hoa Đăng đã soi tỏ đường đi. Bạn tôi đã tự tin, hoan hỷ, dũng mãnh xuất gia, tìm về được căn-nhà-Phật-của-chính-mình:
“…Về nơi đây, con nghe lòng ấm lại
Quên thời gian hiu quạnh sống bên đời
Ngày xa đó, ơi một lần trót dại
Buông bàn tay, lạc Mẹ giữa trùng khơi
Rồi sóng gió, nhịp sống đời xô cuốn
Cuốn xô con qua ghềnh thác mịt mù
Bao chìm nổi khúc sông dài sinh tử
Tả tơi rồi, chiếc áo thuở Chân Như
Nay về đây, cùng Mẹ ngồi khâu vá
Áo xưa lành, hồn cũng đặng bình yên
Bụi đời có vương tháng ngày xuân, hạ
Xin cành dương nước tịnh xóa ưu phiền …” (-)
Thưa thầy Tánh Tuệ,
Căn cơ mỗi chúng sanh, tùy duyên, nghiệp mà thấy tánh sớm, muộn, ít hay nhiều. Được dự Lễ Hội Quan Âm năm nay, con cảm nhận sâu sắc phước duyên năm trước đã đến với thầy, mạnh mẽ và mầu nhiệm nhường nào! Tất nhiên, điều người khác cảm nhận chỉ là phần nhỏ, qua cảm quan và sự kiện. Không ai có thể biết rõ hơn chính thầy về giây phút “Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn”. Cũng như nữ điêu khắc gia Mai-Chi, người tạc Đại Tôn Tượng Đức Quan Âm đã xuất gia ngay sau khi những nét chấm phá cuối cùng trên Tôn Tượng vừa hoàn tất. Chỉ riêng cô Mai-Chi hiểu rõ sức mạnh của tiếng gọi vô hình, kỳ diệu thế nào đối với cô, mới khiến cô hân hoan xuống tóc, đắp y, trở thành sư-cô Viên Thuận ngay sau lễ khánh thành Tôn Tượng Quan Âm năm 2001.
Mới hay, Trăng Linh Thứu tỏa xuống bình đẳng trên mọi mặt ao hồ. Nơi nào trong, sẽ nhận ngay ánh trăng vằng vặc, nơi nào đục, tưởng là đêm tối không trăng!
Nhưng trăng, ánh sáng của Đạo Pháp có bao giờ thiếu vắng, nên vầng trăng ấy vẫn không ngừng đi tìm bóng tối để soi sáng vô minh.
Hạnh phúc thay, những ai đủ phước duyên chạm được làn ánh sáng nhiệm mầu của vầng Trăng Linh Thứu.


(+) Kinh A Di Đà
(*) Nguyên tác từ thi kệ của thiền-sư Ikkyu.
(-) Thơ Chiếu Tuệ

Diệu Trân
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712