Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > TIN TỨC SINH HOẠT
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 13/11/2008 (GMT+7)

Thầy đem Bụt trở về cho dòng họ Thích Ca ở Sankassa

Giáo Sư Irpinder Bhatia tường thuật từ Ấn Độ
Sư cô Khiết Nghiêm chuyển ngữ

Đó là ngày 14.10.2008. Ngồi trên một chiếc trực thăng, Thầy và năm người trong chúng tôi gồm : anh Shantum, Chị Ann Johnston, cô Simran, Anh Pritam (ba người này là đại thí chủ chi trả tiền thuê trực thăng) và tôi, Irpinder cùng bay một chuyến bay ngắn. Trực thăng của chúng tôi  đang bay qua vùng Manipuri. Phía bên trái là Taj Mahal, chốn lăng tẩm Tình yêu nổi tiếng, và trước mặt chúng tôi là Sankassa, một trung tâm linh thiêng của Phật giáo. Chúng tôi bay tới Sankassa để cùng họp mặt với các  thầy các sư cô khác đã tới đây trước đó để mở khóa tu cho hàng ngàn người thuộc bộ tộc Shakya (Thích Ca) và tất cả giờ đây đang chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận quy giới với Thầy.

1

Shakya là bộ tộc từ đó Bụt Gautama đã sinh ra. Bụt Gautama thường được nhiều truyền thống Phật giáo gọi là Bụt Thích Ca Mâu Ni (Shakya Muni Buddha một đạo sỹ (muni) đã đạt tới giác ngộ).

Viên phi công cho chúng tôi biết là tất cả vùng đất thôn quê thông thoáng ở dưới đều là những vườn khoai mà các nông dân nghèo thuộc bộ tộc Shakya đang chăm sóc.

Ngồi trên trực thăng, Thầy muốn có một mảnh giấy để viết xuống vài chữ. Tôi đưa cho Thầy tập giấy được chuẩn bị để phát ra cho tất cả các thành phần của chuyến đi Ấn Độ của Thầy, mỗi tờ đều có in biểu hiệu “Peace in oneseft, peace in the world” (Tâm bình thế giới bình) màu mực nhạt. Thầy viết xuống ba chữ Thích Nhất Hạnh. Thầy gạch dưới chữ Thích, chú giải nó là Shakya. Rồi Thầy gạch dưới chữ Nhất, và chú giải nó là One (một). Và cuối cùng Thầy gạch dưới chữ Hạnh, chú giải nó là Action (hành động). Thầy bảo: khi đi xuất gia, ai cũng có được một tên gia đình mới. Tên gia đình mới của Thầy là Thích, có nghĩa là Thích Ca (Shakya). Ngồi trên trực thăng, tôi chẳng hiểu hết được chủ ý của Thầy. Hạ cánh xuống đất rồi từ từ tôi mới rõ.

2

Chúng tôi rất ý thức rằng Sankassa là một địa danh rất đặc biệt. Bụt đã từng tới đây. Bộ tộc Shakya của Ngài cũng đã từng sinh sống tại đây. Sự thật là trong suốt nhiều thế kỷ, những người trong bộ tộc Thích Ca đã không còn sống và thực tập như những người Phật tử. Họ chỉ còn giữ lại được mỗi một danh xưng của dòng họ họ là Thích Ca, ngoài ra họ đã hoàn toàn đánh mất tất cả gia tài văn hóa và tâm linh Phật giáo của họ. Chỉ mới gần đây thôi họ mới khám phá lại được rằng Bụt Gautama là một vị tổ tiên danh tiếng lẫy lừng của dòng họ họ, và biết đến giáo lý của Ngài. Mấy trăm người thiện nguyện trẻ tuổi của họ đã từng hoạt động cho sự bừng tỉnh khám phá ấy đã kiên quyết đòi cho được Thầy và tăng thân về tới Sankassa để đem  pháp Bụt về cho họ. Đây là một khâu khó thực hiện nhất trong chuyến đi Ấn Độ của Thầy và tăng thân, nhưng những người trong bộ tộc Thích Ca đã đạt được nguyện vọng của họ, đạt tới được cái mà họ đáng đạt được.

Chúng tôi biết là trực thăng đã bay tới gần Sankassa rồi, vì bên dưới ta có thể thấy được dòng sông Kalinadi đang uốn khúc. Bên dòng sông là chùa Bụt Baudh Vihar nơi mà chúng tôi đang bay tới. Từ trên không trung, chúng tôi có thể thấy được những chiếc lều  lớn đủ màu xen lẫn với bao nhiêu cờ xí, hàng trăm chiếc. Dưới đó, các thầy và các sư cô lớn trong đó có sư cô Chân Không đang tổ chức một khóa tu chánh niệm cho các nông dân thuộc bộ tộc Thích Ca, sau hơn 1000 năm thiếu vắng sự tu học. Họ đang thực tập thiền ngồi, thiền đi, ăn cơm chánh niệm với hơn 700 người từ ba hôm nay. Hàng ngàn người khác cũng tới tham dự, nhưng không ở lại được suốt ngày đêm như hơn 700 người này. Những người trẻ thiện nguyện trong ban tổ chức đã nói với chúng tôi sau đó là mấy ngàn người ấy đã tới để tiếp nhận từng mảnh pháp thực nho nhỏ, để lần sau sẽ trở về hưởng trọn cả “pháp diên”. Pháp diên là yến tiệc pháp thực.

3

Xuống trực thăng, Thầy đi thẳng tới đài tượng Bụt lộ thiên phía ngoài chùa, còn phủ kín bằng lụa, đợi Thầy tới cắt băng khánh thành. Thầy kéo bức màn xuống, làm hiển lộ Bụt Thích Ca cho những người trong bộ tộc Thích Ca thấy. Sau đó Thầy đã giảng pháp cho hàng ngàn người trong bộ tộc. Bài pháp nói xong, Thầy  nghỉ ngơi chừng 30 phút và sau đó trở lại truyền Tam quy và Ngũ giới cho tất cả những người trong bộ tộc Thích Ca đang có  mặt. Lễ truyền quy giới được tô điểm bởi tiếng chuông gia trì nhẹ nhàng và trầm hùng mà tăng thân đã mang tới từ Đạo tràng Mai Thôn.

Là một người họ Thích tới từ đất nước Việt Nam, Thầy đã truyền quy giới của Bụt cho những người họ Thích ở Sankassa và như thế đã thiết lập lại được cái  liên hệ đã từng hơn 2000 năm bị gián đoạn. Đó quả thật là một hành động (nhất hạnh)!

Những người nông dân chất phác tới tham dự khóa tu, nam cũng như nữ, đã phát biểu: “Giáo pháp này màu nhiệm quá. Chúng tôi rất thích giáo pháp này. Chưa ai trao truyền được giáo pháp cho chúng tôi bằng những lời lẽ đơn giản như thế.” Một ông già vừa cười vừa nói: “Bây giờ thì tôi hiểu được rồi. Giáo pháp của Bụt cũng như ngôi nhà của tôi, như vườn khoai của tôi, như đất đai của tôi. Nếu tôi không cày bừa, không trồng trọt thì tôi không có khoai để ăn và để bán. Tôi phải tu tập thì mới hưởng được cái an lạc của giáo pháp. Cũng như có cày có cấy có trồng có tưới thì mới có khoai để ăn và để bán”.

4

Một vị tỳ kheo trong số 200 vị tỳ kheo tham dự khóa tu đã nói tiếp: “Tôi đã từng là nông dân, tôi rất mừng khi thấy rằng tu tập cũng như gieo trồng hạt giống. Gieo thứ gì thì gặt thứ ấy. Xong khóa tu này tôi sẽ về thực tập tưới tẩm những hạt giống tốt trong tâm tôi như Thầy đã dạy. Tôi sẽ dạy cho giới cư sỹ nam cũng như nữ để họ cũng biết thực tập pháp môn tưới tẩm hạt giống tốt mỗi ngày. Pháp môn này hay lắm. Vừa làm việc ngoài đồng, vừa tu. Vừa chăm sóc trâu bò gà vịt, vừa tu.”

Một vị tỳ kheo trẻ nói: “Bây giờ tôi mới thấy và mới hiểu được là phải làm gì thì mới thực sự thực tập được phép tam quy trong đời sống hàng ngày của một người xuất gia. Tôi thấy tam quy cũng là ngũ giới. Trước đây tôi chưa bao giờ thấy được như vậy”.

Một thiếu phụ còn trẻ nói: “Trong khóa tu này em mới biết được thực tập giáo pháp là gì, tu là làm cái gi. Tu là chăm sóc cho bản thân, cho gia đình  mình. Gia đình nào cũng có ít nhiều khó khăn. Thầy dạy chúng tôi cách tháo gỡ những khó khăn trong gia đình. Phải  lắng nghe như thế nào. Phải nói năng làm sao và phải lắng nghe bọn trẻ như thế nào. Trong quá khứ chưa ai dạy mình rằng mỗi lần mở miệng, mình có thể nói những lời bạo động, gây khổ đau và thương tích, mình phải nói năng cho cẩn thận. Gia đình nào cũng có tranh cãi, cũng nói những lời thô bạo với nhau. Tu tập theo giáo pháp Thầy dạy sẽ thay đổi được đời sống gia đình, để cho hòa thuận và hạnh phúc có thể có mặt!”

4

Một bà lão nói: “Tôi già rồi. Ngày nào tôi cũng khổ. Bây giờ tôi biết phải làm gì rồi. Mỗi khi có chuyện không vừa ý xảy tới, tôi sẽ đi ra ngoài, sẽ ngồi xuống và sẽ thở. Ngồi yên và thở cho nhẹ nhàng, điều này tôi có thể làm được.”

Những người thiện nguyện trẻ tuổi trong ban tổ chức đã từng quyết tâm mời Thầy tới Sankassa cho được, nói rằng họ đã tìm được cái mà lâu nay họ đã đi tìm một cách tuyệt vọng mà chưa tìm thấy. Họ nói: “Khóa tu này đã chỉ cho đồng bào của chúng tôi thấy được cái mà hai chục năm nay chúng tôi đã cố gắng mà không chỉ được cho họ thấy: đó là Pháp không phải là để nói mà là để hành (the Dharma is not Talk but Practice). Dân ở đây đã quen nghĩ rằng Pháp chỉ là một bài nói tràng giang đại hải, kéo dài từ 3 đến 4 giờ đồng hồ. Bây giờ thì dân tôi đã thấy tận mắt tăng thân đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, hành xử, ... và dân tôi đã học được cách đi đứng nằm ngồi nói năng hành xử như thế và chúng tôi đã được làm như thế cùng với tăng thân trong suốt 3 ngày. Chúng tôi đã từng nói với đồng bào rằng Pháp là thực tập (prakyasha gyam). Bây giờ đồng bào tôi mới thấy được như thế.”

6

Anh Suresh Baudh, người đứng đầu đoàn thanh niên thiện nguyện trong ban tổ chức đã thấy được đây là một khúc ngoặt của lịch sử rất quan trọng. Anh nói: “Hàng trăm năm bị áp bức khiến cho ai nấy đều nghĩ rằng giáo pháp (Dharma) chỉ là để chống đối và lên án các tôn giáo khác và các giai cấp khác. Thầy tới Sankassa để cho người ta thấy thế nào là một pháp thoại đích thực, một vị đạo sư đích thực, một khóa tu tập đích thực. Những người trong bộ tộc Thích Ca đã từng đánh mất truyền thống của mình, bây giờ có cơ hội thấy lại được truyền thống ấy từ 2600 năm về trước, một truyền thống mà Thầy và tăng thân của Thầy đang thực tập và tiếp nối.

Sư cô Khiết Nghiêm chuyển ngữ
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712